PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU TRONG KINH DOANH TMĐT

Nghiên cứu trong kinh doanh thương mại điện tử là quy trình quan trọng mà bất kì doanh nghiệp nào mong muốn có được chỗ đứng trên thị trường trực tuyến cần phải nghiên cứu thực hiện. Nhờ vào việc nghiên cứu trong kinh doanh thương mại điện tử, doanh nghiệp sẽ có được những thông tin cần thiết, hữu ích để khai thác khách hàng, thay đổi thói quen sử dụng dịch vụ, sản phẩm và khuyến khích thực hiện hành vi mua hàng, sở hữu sản phẩm của họ hay cụ thể hơn là thực hiện các chiến dịch Marketing của doanh nghiệp.

Trong bài viết này, Innovative Hub sẽ giới thiệu với bạn những phương pháp nghiên cứu trong kinh doanh thương mại điện tử.

Kinh doanh thương mại điện tử trong thời kỳ hội nhập

Thương mại điện tử (TMĐT) ngày càng khẳng định được vai trò của mình trong việc đưa lại cho DN những thông tin phong phú về thị trường và đối tác, giảm chi phí, rút ngắn chu kỳ sản xuất, dễ dàng tạo dựng và củng cố quan hệ khách hàng. Ở Việt Nam, TMĐT đã có quá trình hình thành hơn 10 năm qua và được nhận định là đang bắt đầu bước vào giai đoạn phát triển mạnh. 

Bên cạnh đó, TMĐT ngày càng chứng minh được tính ưu việt của mình bằng việc cho phép tiến hành các thương vụ ở mọi lúc, mọi nơi một cách thuận tiện, thời gian giao dịch có thể lên tới 24 giờ mỗi ngày, 7 ngày trong tuần. Thông qua mạng Internet, các giao dịch điện tử được tiến hành trên phạm vi toàn cầu. Với lợi thế này một công ty nhỏ cũng có khả năng như một công ty đa quốc gia. Để có được một mạng lưới khách hàng trên thế giới, các công ty đa quốc gia đã phải đầu tư rất nhiều chi phí và thời gian nhưng nay các công ty đa quốc gia này đang phải chịu cạnh tranh với hàng vạn công ty nhỏ trên toàn thế giới nhờ có TMĐT. 

Đối với Việt Nam, trong điều kiện phát triển kinh tế đất nước và hội nhập nền kinh tế toàn cầu, để đảm bảo sự tồn tại và phát triển, đòi hỏi các doanh nghiệp phải sử dụng những kĩ thuật công nghệ mới, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin, Internet và thương mại điện tử (TMĐT) trong quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. 

Trong điều kiện tại Việt nam trong việc hội nhập TMĐT, chúng ta có thể xem xét và phân tích việc hội nhập TMDT của các doanh nghiệp trên hai khía cạnh: giai đoạn (thời kì) hội nhập và mức độ hội nhập.

Giai đoạn (thời kì) hội nhập

Giai đoạn (thời kì) hội nhập của doanh nghiệp được phản ánh bởi việc doanh nghiệp đó đang trong giai đoạn áp dụng, có hoặc không có ý định triển khai trong tương lai những hoạt động thương mại điện tử như thư điện tử (e-mail), trao đổi dữ liệu điện tử (EDI), thanh toán điện tử (electronic payment), giao gửi số hóa (digital delivery of content)) trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Mức độ hội nhập

Mức độ hội nhập TMĐT trong các doanh nghiệp được phản ánh bởi mức độ ứng dụng và triển khai các hoạt động TMĐT trong doanh nghiệp đang áp dụng TMĐT.  Mức độ hội nhập TMĐT trong các doanh nghiệp được xem xét thông qua mức độ ứng dụng các hoạt động TMĐT trong doanh nghiệp như thư điện tử (e-mail), trao đổi dữ liệu điện tử (EDI), xây dựng trang web để giới thiệu thông tin về doanh nghiệp, thanh toán điện tử (electronic payment), giao gửi số hóa (digital delivery of content), giao dịch trực tuyến (e-transaction)… 

Chúng ta nhận thấy rằng, mỗi doanh nghiệp, dù trong giai đoạn nào và với mức độ hội nhập nào cũng đều chịu sự tác động bởi các yếu tố bên trong và bên ngoài doanh nghiệp, những nhân tố tác động đến hội nhập TMĐT tại doanh nghiệp được sắp xếp thành:

Các yếu tố thuộc về tổ chức: 

Khi hội nhập thương mại điện tử, một trong những nhóm yếu tố đầu tiên cần phải xem xét là những yếu tố về tổ chức.

Theo báo cáo của Bộ bưu chính viễn thông (8-2004), hiện nay, trên 85% doanh nghiệp đã có sử dụng mạng máy tính, trong hầu hết các doanh nghiệp đã sử dụng máy tính, 14% có mạng diện rộng (WAN), đây là một điều kiện thuận lợi cho việc phát triển TMĐT tại doanh nghiệp, tuy nhiên, để triển khai được dự án TMĐT, cần phải có một giải pháp đồng bộ từ phía doanh nghiệp về hạ tầng cơ sở về công nghệ thông tin cũng như việc huấn luyện cho nhân viên những kiến thức về kinh doanh trên mạng để cho họ có thể làm việc trong môi trường kinh doanh TMĐT một cách tốt nhất. 

Các yếu tố bên ngoài (môi trường):

Một trong những yếu tố môi trường tác động đến việc hội nhập là sức ép từ chính những khách hàng và nhà cung cấp của doanh nghiệp. Khách hàng và nhà cung cấp có quyền yêu cầu đối tác của mình ứng dụng TMĐT để giúp họ thuận tiện hơn trong việc tìm kiếm thông tin, mua hàng và thanh toán.

Các yếu tố về đổi mới công nghệ:

Việc nhận thức những lợi thế của việc ứng dụng TMĐT trong doanh nghiệp là một tiền đề cơ bản giúp cho việc hội nhập được thực hiện nhanh chóng (Limthongchai & Speece, 2003; Seyal & Rahman, 2003). Lãnh đạo doanh nghiệp cần phải nhận thức được rằng TMĐT không chỉ mở ra những cơ hội kinh doanh mới, những sản phẩm và dịch vụ mới, những ngành nghề kinh doanh mới mà bản thân nó thực sự là một phương thức kinh doanh mới: Phương thức kinh doanh điện tử. Nó chuyển hóa các chức năng kinh doanh từ nghiên cứu thị trường, sản xuất sản phẩm đến bán hàng, dịch vụ sau bán từ phương thức kinh doanh truyền thống đến phương thức kinh doanh điện tử. 

TÌM HIỂU THÊM: PHÂN TÍCH TRIỂN VỌNG NGÀNH THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ NĂM 2022