PHƯƠNG PHÁP LÀM BÀI VĂN THUYẾT MINH ĐẠT ĐIỂM CAO
Ngày 02/12/2020 09:35:42, lượt xem: 1603
PHƯƠNG PHÁP LÀM BÀI VĂN THUYẾT MINH ĐẠT ĐIỂM CAO
Văn bản thuyết minh là kiểu văn bản thông dụng trong đời sống nhằm cung cấp tri thức về đặc điểm, tính chất và nguyên nhân của các sự vật, hiện tượng trong tự nhiên, xã hội bằng phương thức trình bày, giới thiệu và giải thích. Văn thuyết minh là kiểu bài văn quen thuộc, vì vậy để đạt điểm cao khi làm bài văn thuyết minh hãy theo dõi bài viết này của Học văn chị Hiên nhé!
I.YÊU CẦU
Đối với dạng đề: Thuyết minh về một loại cây, một loài động vật, một danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử…
– Định hướng cho bài viết
Người viết cần tìm hiểu kĩ về nguồn gốc, đặc điểm, tính chất, ý nghĩa… của đối tượng thuyết minh để đem đến những tri thức chính xác, khách quan, không được tùy tiện nêu thông tin không chính xác hoặc chưa xác thực, mang tính chủ quan về đối tượng (Ví dụ: không được tự nghĩ ra năm thành lập của một di tích lịch sử…)
Người viết có thể sử dụng các phương pháp nêu định nghĩa, giải thích, liệt kê, nêu ví dụ, dùng số liệu, so sánh, phân tích, phân loại… để thuyết minh về đối tượng.
– Kết hợp phương pháp thuyết minh với một số biện pháp nghệ thuật và phương pháp miêu tả
Người viết cần sử dụng một số biện pháp nghệ thuật để bài văn thuyết minh sinh động, hấp dẫn, đó là:
+ Dùng một trong các hình thức hoặc kết hợp một số hình thức nghệ thuật sau: tự thuật, kể chuyện, đối thoại, vè, diễn ca, bài phỏng vấn…
+ Dùng đa dạng, linh hoạt các biện pháp nghệ thuật: so sánh, nhân hóa, ẩn dụ, hoán dụ…
Các biện pháp nghệ thuật cần được sử dụng cân đối, tránh sa đà khiến cho bài văn thuyết minh bị mờ nhạt về các tri thức cung cấp đến người đọc.
Người viết cần sử dụng yếu tố miêu tả như miêu tả về hình dáng, kích thước, sự phát triển, ấn tượng về đối tượng thuyết minh.
II. PHƯƠNG PHÁP LÀM BÀI
Bước 1: Xác định đối tượng thuyết minh
– Dựa vào đề bài để xác định đối tượng. Đó có thể là một loại cây, một loài động vật, một danh lam thắng cảnh, một bộ phim….
– Xác định cụ thể những yêu cầu về đối tượng như: vị trí, thuộc sở hữu của ai… (Ví dụ: một loại cây trong vườn nhà em, một danh lam thắng cảnh ở quê hương em….)
Bước 2: Lập dàn ý, nêu rõ yếu tố miêu tả và các biện pháp nghệ thuật được sử dụng ở phần nào.
Một số dàn ý tham khảo:
a. Dàn ý thuyết minh về một loại cây
Mở bài
Giới thiệu khái quát về loài cây được thuyết minh (tên gọi, sự phổ biến…) => Có thể dùng hình thức một trò chuyện giữa các loài cây trong vườn hoặc hình thức kể về chuyến tham quan vườn sinh thái mà em đã rất ấn tượng khi hướng dẫn viên giới thiệu về một loài cây…)
Thân bài
1.Nguồn gốc và chủng loại
Loại cây này có nguồn gốc từ đâu?
Đó là loại cây thân gỗ hay thân cỏ hay thuộc loại thân leo…?
2. Đặc điểm
Đặc điểm của rễ, thân, lá, hoa, quả…
=> Sử dụng yếu tố miêu tả và biện pháp nghệ thuật (so sánh, nhân hóa…) để nêu rõ về hình dạng, màu sắc, đặc điểm….
Mùa ra hoa, đậu quả hoặc vòng đời của cây?
=> Sử dụng yếu tố miêu tả và biện pháp nghệ thuật
3. Công dụng
Loài cây này được dùng để làm gì? (làm thuốc, chế biến đồ ăn thức uống, hàm lượng dinh dưỡng…)
=> Sử dụng yếu tố miêu tả và biện pháp nghệ thuật
4. Cách chăm sóc
Khi trồng cây có cần tưới nước nhiều và thường xuyên không?
Có điểm gì cần lưu ý về loại đất trồng, khu vực trồng, thời gian trồng… hay không?
5. Ý nghĩa
Loài cây này phổ biến trong đời sống hàng ngày như thế nào? => Có thể sử dụng yếu tố miêu tả và biện pháp nghệ thuật
Kết bài
Tổng kết lại về đặc điểm và công dụng, ý nghĩa của cây.
b. Dàn ý thuyết minh về một loài động vật
Mở bài
Giới thiệu khái quát về loài vật được thuyết minh (tên gọi, sự phổ biến…) => Có thể dùng hình thức trò chuyện giữa các con vật trong sở thú hoặc hình thức một cuộc thi của các loài động vật…
Thân bài
1. Khái quát chung về loài vật
Nguồn gốc của loài vật
Chủng loại
2. Đặc điểm
Đặc điểm và chức năng của các bộ phận…
=> Sử dụng yếu tố miêu tả và biện pháp nghệ thuật (so sánh, nhân hóa…) để nêu rõ về màu sắc, đặc điểm, chức năng các bộ phận…. ∙ Đặc tính của loài vật: thức ăn ưa thích? Hoạt động ưa thích?
=> Sử dụng yếu tố miêu tả và biện pháp nghệ thuật
3. Vai trò
Loài vật này giúp gì cho cuộc sống của con người?
=> Sử dụng yếu tố miêu tả và biện pháp nghệ thuật
4. Cách chăm sóc
Có điểm gì cần lưu ý khi chăm sóc không?
Kết bài
Tổng kết lại về đặc điểm và vai trò của loài vật
c. Dàn ý thuyết minh về một nét đặc sắc trong di tích, thắng cảnh
Mở bài
Giới thiệu khái quát về di tích thắng cảnh và nét đặc sắc nhất trong đó (tên gọi chính xác, độ nổi tiếng…)
=> Có thể kết hợp hình thức phỏng vấn một người dân địa phương về di tích đó, hoặc kết hợp kể về chuyến du lịch của em tới di tích này….
Thân bài
1. Vị trí địa lí
Di tích đó nằm ở tỉnh (thành phố), huyện (quận), xã (thị trấn)… nào?
Cách để đến di tích đó (tính từ điểm mốc địa lí quen thuộc như từ thành phố Hà Nội theo hướng nào…?)
2. Lịch sử hình thành
Di tích thắng cảnh đó được hình thành từ bao giờ?
Lí do của sự hình thành (những giai thoại nếu có…)
=> Có thể sử dụng kết hợp biện pháp nghệ thuật như kể chuyện, phỏng vấn
3. Cấu trúc, đặc điểm
Diện tích tổng quan của khu di tích thắng cảnh
Chất liệu chính làm nên công trình hoặc yếu tố chính của thắng cảnh thiên nhiên (bằng gỗ, bằng đá hay bằng tre, nứa….)
Nét đặc sắc trong di tích thắng cảnh (trọng tâm nhất) – đó là điểm thu hút khách du lịch, yếu tố riêng chỉ có ở di tích thắng cảnh: cấu trúc, chất liệu, hình dạng, …
=> Sử dụng yếu tố miêu tả và biện pháp nghệ thuật
4. Ý nghĩa, vai trò
Vai trò trong việc bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống trong lịch sử dân tộc hoặc vai trò trong việc khẳng định vẻ đẹp kì thú, độc đáo của thiên nhiên Việt Nam.
5. Hoạt động du lịch
Di tích thắng cảnh đó được đưa vào khai thác du lịch như thế nào, các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng ở đó ra sao?
Tiềm năng du lịch hay các biện pháp bảo tồn cần được triển khai để phát huy vẻ đẹp, giá trị của di tích, thắng cảnh
=> Có thể sử dụng yếu tố miêu tả và biện pháp nghệ thuật
Kết bài
Tổng kết lại về di tích thắng cảnh.
d. Dàn ý thuyết minh về một bộ phim
Mở bài
Giới thiệu khái quát về bộ phim (tên phim, sự nổi tiếng)
Thân bài
1. Các thông tin chung về bộ phim
Hoàn cảnh ra đời
Chủ đề
Hãng phim, đạo diễn
2. Nội dung phim
Tóm tắt nội dung phim
Nêu lên thông điệp được gửi gắm
=> Có thể sử dụng các biện pháp nghệ thuật
3. Những ấn tượng về nghệ thuật làm phim
Diễn viên
Cảnh quay
Âm thanh, hình ảnh ….
=> Sử dụng yếu tố miêu tả
Kết bài
Tổng kết lại về những điềm ấn tượng của bộ phim
Bước 3: Viết bài
Bám sát dàn ý đã lập để viết bài.
Lần lượt triển khai các ý trong dàn ý thành những đoạn văn. ∙ Đảm bảo liên kết câu, liên kết đoạn uyển chuyển.
Trình bày cẩn thận, sạch sẽ.
Bước 4: Đọc lại bài
Đọc kĩ lại bài viết xem đã đầy đủ các ý chưa hay có mắc lỗi chính tả không.
Sửa các lỗi sai và hoàn thiện bài.
Hy vọng kiến thức trên đây Học văn chị Hiên chia sẻ, các em sẽ dễ dàng trong quá trình làm văn của mình nhé! Để biết thêm nhiều bài học, kiến thức bổ ích theo dõi ngay: Fanpage Học văn chị Hiên và Youtube Học văn chị Hiên
Chúc các bạn nhỏ luôn học tốt
Học văn chị Hiên – Hơn cả một bài văn