PHÚC KIẾN (TRUNG QUỐC) CÓ NHỮNG ĐIỂM ĐẾN NỔI TIẾNG NÀO? | Air Tour
Trung Quốc luôn là lựa chọn hàng đầu cho chuyến du lịch của nhiều du khách quốc tế. Trong đó, tình Phúc Kiến đang rất được du khách yêu thích. Phúc Kiến với những danh lam thắng cảnh, những công trình kiến trúc độc đáo hứa hẹn sẽ cho du khách một hành trình khám phá ấn tượng, khó quên.
Phúc Kiến là một tỉnh nằm ở ven biển Đông Nam của Trung Quốc. Phía Bắc giáp với Chiết Giang. Phía Nam giáp với Quảng Đông. Phía Tây giáp với Giang Tây. Đi qua eo biển Đài Loan về phía Đông của Phúc Kiến chính là đảo Đài Loan. Dân cư bản địa ở Phúc Kiến xuất hiện từ thế kỷ thứ 6 TCN. Ở Phúc Kiến từng có sự tồn tại của vương quốc Mân Việt. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, đến nay, Phúc Kiến thuộc khu kinh tế bờ Tây eo biển. Du lịch ở Phúc Kiến đóng góp một phần không nhỏ cho nền kinh tế nơi đây.
Phúc Kiến là một tỉnh thành có bề dày lịch sử và văn hóa. Nơi đây nổi tiếng với vô vàn những địa danh khác nhau.
CỔ LÃNG TỰ
Cổ Lãng Tự sở hữu những dinh thự duyên dáng từ thời thuộc địa, không khí trong lành, yên bình là một điểm tham quan xinh đẹp. Cổ Lãng Tự tuy chỉ là hòn đảo nhỏ nhưng tầm quan trọng của nó ảnh hưởng việc thúc đẩy phát triển ngành du lịch ở Phúc Kiến, thu hút hàng ngàn lượt du khách tới tham quan mỗi ngày.
Những năm 1880, Cổ Lãng Tự là nơi định cư của những người ngoại quốc bởi vậy nên các kiến trúc nhà thờ, bệnh viện, văn phòng, bưu điện, khách sạn và cả lãnh sự quán,… đều có đủ. Năm 1903, đảo chính thức trở thành khu định cư của người nước ngoài với hội đồng thành phố và lực lượng trị an đảo riêng.
Tham quan đảo, du khách sẽ được kiến thức đủ loại kiến trúc với phong cách đa dạng, có miếu tự mái cong kiểu Trung Quốc, có mái nhà theo phong cách Nhật Bản, cũng có những tòa lãnh sự quán theo phong cách Châu Âu từ thế kỷ 19. Do đó, Cổ Lãng Tự còn được ca ngợi là Hội chợ triển lãm kiến trúc vạn quốc.
Hòn đảo còn là nơi đản sinh ra những nhân tài về âm nhạc, nơi có nhiều quán quân đàn dương cầm toàn quốc như Yu Feixing, Lin Junqing và Yin Chengzong. Bởi vậy nó còn có tên gọi “Đảo Dương Cầm”. Cổ Lãng Tự vốn là một hòn đảo yên tĩnh, cư dân trên đảo rất mộc mạc chất phác, nhịp sống chậm và không gian yên tĩnh chính là điểm nhấn thu hút khách du lịch tơi đây.
Trên Cổ Lãng Tự có nhiều điểm đến thú vị cho du khách ghé đến tham quan như:
– Bảo tàng dương cầm được xây dựng bên trong tòa Bát Quái Lâu, bên trong là bộ sưu tập khoảng 100 cây đàn piano, trong đó có cây organ ống Norman & Beard từ những năm 1909.
– Hạo Nguyện Viên: Bên trong khu vườn có một bức tượng đá Trịnh Thành Công trong trang phục quân đội.
– Công viên Nhật Quang Nham là điểm cao nhất hòn đảo ở độ cao 93 m, dưới chân nó là đài tưởng niệm Trịnh Thành Công. Có thể đi cáp treo miễn phí từ đài tưởng niệm lên núi Yingxiong để quan sát chim ưng, vẹt, và nhiều loài chim độc đáo khác.
– Hoa viên Thục Trang là một công viên nằm ở phía Nam của đảo, là nơi tuyệt vời để tham quan thư giãn. Trong hoa viên có bảo tàng dương cầm, lưu giữ chiếc đàn Melbourne ở cuối thế kỷ 20.
KHU THẮNG CẢNH ĐẠI HỒNG BẢO
Đây đích thị là điểm đến hoàn hảo cho những ai kiếm tìm chốn thanh tịnh, hòa mình với thiên nhiên xanh ngát. Xung quanh vùng đất này là 9 ngọn núi đá sừng sững oai linh như 9 con rồng tụ họp lại, bảo vệ cho mảnh đất thanh bình. Không gian hoàn hảo với tiếng chim hót trong trẻo, tiếng suối chảy róc rách hòa cùng sắc thắm của những bông mẫu đơn sẽ làm du khách ngây ngất quên lối về!
VŨ DI SƠN
Vũ Di Sơn được mệnh danh là dãy núi đẹp nhất vùng Đông Nam Trung Quốc. Núi Vũ Di nằm cách thành phố Vũ Di Sơn, tỉnh Phúc Kiến khoảng 15 km về phía Nam.
Là một trong 4 di sản thiên nhiên và di sản văn hóa thế giới của Trung Quốc, núi Vũ Di vừa có khu thắng cảnh cấp quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên cấp quốc gia lại có khu nghỉ dưỡng cấp quốc gia và khu phát triển kinh tế du lịch của tỉnh Phúc Kiến, nơi lý tưởng cho du khách đến thưởng ngoạn phong cảnh núi non hùng vĩ, vừa khám phá nền văn hoá lâu đời nơi đây.
Khu thắng cảnh núi Vũ Di dài 60 km, nổi tiếng bởi địa thế của vùng đất Đan Hạ, xung quanh bao bọc bởi núi và nước. Núi non kỳ diệu xinh đẹp, tài nguyên sinh vật phong phú, nền văn hóa lịch sử lâu đời và phong tục tập quán đậm đà bản sắc đã tạo nên nguồn tài nguyên du lịch đặc sắc ở nơi đây.
Núi Vũ Di có 36 ngọn, 72 hang động và 99 vách đá hùng vĩ. Nét độc đáo nhất của khu thắng cảnh núi Vũ Di là nước. Dòng suối trong xanh, chia làm chín khúc chảy quanh co uốn khúc giữa các ngọn núi. Khi chảy sang hướng Đông, khi chảy về hướng Tây, hướng Nam sau đó lại chảy quay sang hướng Bắc.
Sơn thuỷ hữu tình, phong cảnh đẹp tạo nên bức tranh thiên nhiên kỳ thú. Tất cả các đỉnh núi nổi tiêng của núi Vũ Di đều nằm dọc theo con suối này. Nhiều đỉnh núi có hình thù kỳ quái, được gọi là “Tam tam, lục lục”. “Tam tam” nghĩa là 3×3=9, chín khe suối nước trong xanh, và có 36 đỉnh núi cao chọc trời.
Nổi tiếng nhất là đỉnh Đại Vương, đỉnh Ngọc Nữ, đỉnh Thiên Du, Vân Oa, động Thủy Liêm, động Lưu Hương, cung Vạn Niên… Du khách ngồi trên những chiếc bè gỗ tre xuôi theo dòng nước thăm thú cảnh núi non trùng điệp, mây trời lung linh kết hợp một cách hoàn mỹ bức tranh thủy mặc. Những chiếc bè làm bằng thân tre từng là phương tiện giao thông của vùng núi này trên 1.000 năm, bây giờ nó trở nên rất hấp dẫn với khách du lịch.
Với hơn 2 vạn động thực vật, trong đó có hơn 100 loài động vật quý hiếm, hơn 2 vạn côn trùng, hơn 400 loài thực vật, được mệnh danh là “Vương quốc của các loài rắn”, “Thiên đường của các loài chim muông”, “Thế giới của côn trùng” và “Cửa sổ của sinh vật thế giới”. Năm 1987 được UNESCO công nhận là khu bảo tồn thiên nhiên thế giới.
Vũ Di còn bảo tồn được nền văn hóa khu vực lâu đời như văn hóa trà, văn hóa cách mạng, văn hóa tôn giáo, văn hóa phong tục tập quán, văn hóa du lịch Trung Quốc… thể hiện sự phát triển của văn hóa đa nguyên. Văn nhân mặc khách các đời đã để lại hơn 450 bức thư pháp khắc đá và mấy nghìn bài thơ viết lên trang sử hoành tráng và kể về những truyền thuyết tươi đẹp rung động lòng người.
Với khí hậu hiền hòa, dễ chịu, với rất nhiều cơn mưa rào và nhiệt độ vừa phải. Nhiều loại chè được sản xuất xung quanh núi Vũ Di, đặc biệt là trà Đại Hồng Bào nổi tiếng.
Khu thắng cảnh núi Vũ Di thu hút một lượng lớn khách du lịch trong nước và khách du lịch quốc tế mỗi năm.
THỔ LÂU PHÚC KIẾN
Thổ lâu Phúc Kiến là các nhà ở của người Hakka (Khách Gia) và các dân tộc khác được xây dựng trên địa hình núi non hiểm trở, ẩn sâu trong những thung lũng xa xôi tại vùng núi Mân Tây của tỉnh Phúc Kiến. Những thổ lâu này vừa là nhà để sống vừa là những pháo đài bất khả xâm phạm.
Kiến trúc thổ lâu còn được gọi là kiến trúc Hakka, do người Hakka xây dựng. Những ngôi nhà ở đây thường có có hình khối tròn, hình vuông, oval. Các bức tường đất được xây dựng bằng cách nén đất với hỗn hợp đá, tre, nứa… có thể dày tới gần 2 m. Thổ lầu chỉ có một cửa và không có cửa sổ dưới tầng trệt, các cửa sổ ở tầng trên được làm bằng gỗ dày khoảng 5 – 6 cm với lớp ngoài được gia cố bằng tấm sắt; cổng của thổ lâu thường là điểm trọng yếu nhất, và thường được gia cố bằng đá, và sắt.
Một thổ lâu thường lớn, có từ 3 – 5 tầng với tầng trên cùng lợp ngói. Tường bên ngoài thổ lâu dày tới 1 m. Bên trong thổ lâu được chia làm nhiều phòng, phòng chứa thực phẩm, ngăn chứa vũ khí, phòng khách, phòng thờ… Ngoài ra, tầng trên cùng thổ lâu còn có gác nhỏ để quan sát, thiết kế những lỗ châu mai để có thể bắn công kích từ trong ra.
Thổ lâu lớn nhất trải rộng trên một diện tích 40.000 m2. Ngày nay thổ lâu lớn nhất còn lại nằm trên một diện tích hơn 10.000 m2. Với thổ lâu lớn này có thể chứa tới 800 người hay là nơi sinh hoạt cho 80 gia đình. Các gia đình ở trong cùng một thổ lâu thường ít có sự phân biệt về mặt địa vị xã hội hay của cải, tất cả các căn hộ trong thổ lâu được xây dựng giống nhau. Tài sản chung như giếng nước, cây trái trong thổ lâu cũng thường được coi là tài sản chung chứ không thuộc về một gia đình nhất định nào.
Mỗi thổ lâu có thể xem như một ngôi làng nhỏ hay một “vương quốc nhỏ” của một đại gia đình. Trái ngược với cấu trúc đơn giản bên ngoài, bên trong mỗi thổ lâu được xây dựng trang trí khá cầu kì, sao cho ấm áp vào mùa đông, mát vào mùa hè. Các phòng đều đủ ánh sáng, thông gió tốt và toàn bộ tòa nhà được xây dựng sao cho chống được động đất.
Hiện nay có hơn 20.000 thổ lâu nằm rải rác ở khu vực miền núi phía Đông Nam của tỉnh Phúc Kiến. 10 trong số đó có tuổi thọ hơn 600 năm tuổi. Đây được coi là “hóa thạch sống” của kiến trúc xây dựng cổ ở Trung Quốc. Tập hợp các thổ lâu ở Phúc Kiến đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 2008 và thông qua tên gọi chung cho kiểu kiến trúc này là Thổ lâu Phúc Kiến.
HẠ MÔN
Hạ Môn là thành phố du lịch điển hình của tỉnh Phúc Kiến, là đáp ứng đầy đủ những nhu cầu của du khách trong một chuyến du lịch. Đến với nơi này, du khách có thể dành cả ngày để tham quan những công trình kiến trúc cổ xưa, ngụp lặn trong làn nước biển xanh ngắt, khám phá nét văn minh trong thành phố hay đơn giản là thong dong thưởng thức những món ăn đặc sản địa phương.
Du khách tới Hạ Môn đừng quên ghé thăm những cái tên sau:
Nam Phổ Đà Tự
Nằm dưới chân của Wulao Đỉnh ở phía Nam của đảo Hạ Môn, Nam Phổ Đà là một ngôi chùa nổi tiếng ở Phúc Kiến cũng như ở Trung Quốc. Ngôi chùa này được xây dựng đầu tiên trong triều đại Nhà Đường, và đã bị phá hủy nhiều lần trong các triều đại sau. Trong năm thứ 23 của triều đại Khang Hy Nhà Thanh, nó được xây dựng lại một lần nữa.
Ngôi chùa này được xây dựng trên một diện tích rất lớn 258.000 m2. Ở phía trước chùa có một hồ sen lớn, sân trước có Đại Hùng Bảo Điện. Trong điện là 3 vị Phật tượng trưng cho quá khứ, tương lai và hiện tại. Phía sau chùa là Đại Bi Điện thờ phụng tượng Quan Âm nghìn tay đúc bằng vàng ròng. Tất cả đều được xây dựng trên sườn đồi. Ngoài ra, Drum và Bell Towers nằm ở hai bên và tháp Thiện ở phía bên trái và tháp Phổ Shining bên phải tương ứng với nhau, tuyệt đẹp và tuyệt vời.
Xung quanh chùa có nhiều quán đồ chay ngon tuyệt, du khách cũng có thể thưởng thức đồ chay của nhà chùa trong căng-tin và tản bộ phía sau chùa.
Đại học Hạ Môn
Nằm kế Nam Phổ Đà Tự là ngôi trường được xây dựng từ quỹ của những người Trung Quốc sinh sống ở nước ngoài. Ngôi trường mang nhiều nét kiến trúc từ thời Cộng hòa và có nhiều hồ nước lớn, tạo thành một không gian dạo bộ lý tưởng.
Trong khuôn viên trường có Bảo tàng nhân học, nổi tiếng với hai chiếc “mộ thuyền” được khai quật từ Vũ Di Sơn chuyển đến.
Pháo đài Hồ Lý Sơn: Trên đường Daxue, phía nam Đại học Hạ Môn là một pháo đài khổng lồ được Đức xây dựng năm 1894. Đứng trên pháo đài, du khách có thể thuê ống nhòm để quan sát hòn đảo KinMen nằm giữa Trung Quốc, Đài Loan.
Bảo tàng Hoa kiều: Đây là nơi để cộng đồng Hoa kiều đến triển lãm, bên trong có mô hình thành phố, tranh ảnh giới thiệu.
Chợ cá đường Khai Hòa: Ở khu phố cổ Hạ Môn, chợ cá đường Khai Hòa tuy diện tích nhỏ nhưng mức độ sầm uất lại không thua kém bất kỳ trung tâm thương mại nào.
TUYỀN CHÂU
Tuyền Châu là thành phố nằm ở phía Đông Nam tỉnh Phúc Kiến, được mệnh danh là Thượng Hải của Trung Quốc vào 1.000 năm trước đây. Là cảng lớn nhất ở châu Á vào thời đại nhà Tống (960-1279) và nhà Nguyên (1271-1368), Tuyền Châu được xây dựng vào năm 718 và từng được gọi là điểm xuất phát của con đường tơ lụa trên biển.
Ngày nay, Tuyền Châu là thành phố ven biển với tám triệu người sinh sống. Nó đã trở thành một điểm du lịch hàng đầu Phúc Kiến bởi những khung cảnh đẹp thơ mộng và đặc biệt là những di sản hàng hải, nhân chứng một thời của con đường tơ lụa trên biển Trung Quốc.
Phố cổ Tuyền Châu
Không giống như trung tâm các thành phố khác ở Trung Quốc, trung tâm Tuyền Châu khá thưa thớt và yên bình. Những con đường cũ và các lối đi vẫn được gìn giữ từ xa xưa. Hai bên đường là những tòa nhà mang kiến trúc miền Nam Trung Quốc. Du khách cũng có thể bắt gặp kiểu kiến trúc đó ở Quảng Đông và Hồng Kông, tuy nhiên ở Tuyền Châu dường như không bị ảnh hưởng nhiều bởi thời gian và sự phát triển hiện đại.
Ven đường vẫn là những quán ăn nhỏ lâu đời, bán những món đặc sản địa phương, bánh bao gạo và hàu rán là món ăn nhất định du khách phải thử khi ghé đến phố cổ Tuyền Châu.
Bảo tàng Hàng hải Phúc Kiến
Đây là một trong rất ít bảo tàng có chủ đề ở Trung Quốc. Nơi đây trưng bày rất nhiều bảo vật cổ từ các triều đại lịch sử, phản ánh những thời kỳ hoàng kim của ngành hàng hải ở Tuyền Châu. Du khách có thể chiêm ngưỡng những hiện vật xuất phát từ nhiều nguồn gốc, nhiều nền văn hóa, chúng đã được trục vớt từ vùng biển Tuyền Châu trong thế kỷ 19.
Một trong số những hiện vật đặc biệt mà du khách thường bắt gặp chính là những tấm bia mộ. Những tấm bia này có niên đại lâu đời nhất là từ thời nhà Nguyên. Có rất nhiều tấm bia mộ được khắc theo nhiều phong cách văn hóa khác nhau để tưởng nhớ cái chết của những thương nhân nước ngoài đã sống ở Tuyền Châu và cũng là minh chứng cho nét đa văn hóa ở thành phố này.
Nhà thờ Hồi giáo Ashab và Nghĩa trang Hồi giáo
Các thương gia Hồi giáo đã đến Tuyền Châu thông qua con đường tơ lụa trên biển bắt đầu từ triều đại nhà Đường (618-907). Các bằng chứng về sức mạnh và sự giàu có của họ vẫn còn được thể hiện rõ thông qua công trình kiến trúc nhà thờ Hồi giáo Ashab, được xây dựng năm 1009 bởi người Ảrập. Đây là nhà thờ Hồi giáo duy nhất còn sót lại ở Trung Quốc từ thời nhà Tống.
Mặc dù kiến trúc hiện nay không còn tồn tại nguyên vẹn, nét kiêu hãnh và sự vinh quang trước đây vẫn còn hiện diện qua cổng vòm cao chót vót và những bức tường dường như bất khả xâm phạm. Cách không xa Bảo tàng Hàng hải, nghĩa trang Hồi giáo là nơi an nghỉ thanh bình cuối cùng của những người Hồi giáo nổi tiếng một thời, bao gồm cả hai môn đồ của đấng Mohammed.
Chùa và Đền thờ
Tuyền Châu có rất nhiều đền đài dành cho các vị thần khác nhau nằm rải rác ở khắp nơi. Đền thờ là nơi làm chứng cho niềm tin và đạo đức của người dân đi biển Phúc Kiến và là niềm hy vọng của họ, cầu mong cho may mắn, sức khỏe và thật nhiều của cải.
Guandi là vị thần của thời tiết và sự giàu có, đây là một trong những vị thần được các ngư dân cũng như những nhà buôn sùng bái. Đền thờ thịnh vượng nhất Guandi ở Tuyền Châu nằm cách một quãng không xa từ nhà thờ Hồi giáo Ashab. Ngôi đền tọa lạc trên khuôn viên 1.300 m2 và luôn được khói hương cẩn thận. Ngoài đền thờ Guandi, chùa Kai Yuan là một địa điểm hành hương Phật giáo nổi tiếng nhất ở Tuyền Châu. Phía sau ngôi chùa là nơi lưu giữ những di tích được khai quật ở vùng biển Tuyền Châu vào năm 1974, cũng như một số tác phẩm điêu khắc Phật giáo từ đá thủ công có niên đại từ thời nhà Tống.
Trên đây chúng tôi vừa mới giới thiệu xong những điểm đến đẹp nổi bật ở thành phố Phúc Kiến. Nếu du khách có dịp du lịch Trung Quốc thì đừng bỏ qua những địa điểm này nhé! Chúc các du khách có một chuyến đi đầy thú vị!