PHẦN MỘT

[ 1 | 2 |
3 | 4 | 5 |
6 | 7 | 8 |
9 | 10 ]

 

PHẦN MỘT: KHÁI NIỆM VÀ GIẢI
THÍCH

1.

Phạm vi số liệu

Số liệu được tổng hợp từ nguồn số liệu của các
doanh nghiệp thực tế đang hoạt động sản xuất – kinh doanh có đến 31/12 hàng năm
trong 10 năm từ 2000 đến 2010; thuộc các ngành kinh tế. Số liệu đã được rà soát,
kiểm tra, chỉnh lý và bổ sung trên cơ sở lôgic của dãy số 10 năm của từng doanh
nghiệp.

2. Doanh nghiệp

Doanh nghiệp ở đây là một đơn vị kinh tế hạch
toán độc lập, có đủ tư cách pháp nhân, được thành lập theo Luật Doanh nghiệp Nhà
nước, Luật Hợp tác xã, Luật Doanh nghiệp, Luật đầu tư trực tiếp của nước ngoài
hoặc theo hiệp định ký kết giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ nước ngoài. Cụ
thể gồm các loại hình sau đây:

+ Doanh nghiệp Nhà nước do Trung ương quản lý
và do địa phương quản lý (kể cả các doanh nghiệp kinh tế Đảng, đoàn thể do Nhà
nước cấp vốn).

+ Doanh nghiệp tập thể thành lập theo Luật Hợp
tác xã.

+ Doanh nghiệp tư nhân

+ Công ty hợp danh

+ Công ty trách nhiệm hữu hạn

+ Công ty cổ phần (kể cả doanh nghiệp Nhà nước
cổ phần hóa, công ty cổ phần có vốn góp của nhà nước).

+ Doanh nghiệp 100% vốn đầu tư trực tiếp của
nước ngoài, doanh nghiệp được thành lập theo Luật Đầu tư trực tiếp của nước
ngoài.

Riêng các hợp đồng hợp tác kinh doanh được
thống kê vào doanh nghiệp bên đối tác trong nước.

Số doanh nghiệp và các chỉ tiêu thống kê của
doanh nghiệp chỉ tính các doanh nghiệp đang còn hoạt động có đến ngày 31 tháng
12 hàng năm, không bao gồm:

+ Các doanh nghiệp đã được cấp giấy phép, cấp
mã số thuế nhưng chưa đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh;

+ Các doanh nghiệp đã giải thể, sáp nhập,
chuyển đổi loại hình;

+ Các doanh nghiệp đã cấp đăng ký kinh doanh
nhưng không có tại địa phương (đã xác minh mà không thấy);

+ Các đơn vị không phải là doanh nghiệp hạch
toán kinh tế độc lập, như các chi nhánh, đơn vị phụ thuộc, các đơn vị sự nghiệp.

Như vậy, khái niệm và số lượng doanh nghiệp ở
đây khác với khái niệm và số lượng doanh nghiệp được cấp phép đăng ký kinh doanh
do cơ quan cấp phép công bố, đó là số doanh nghiệp được cấp phép cộng dồn của
một thời kỳ, nó gồm cả các doanh nghiệp không còn hoạt động, doanh nghiệp được
cấp phép nhưng chưa triển khai; Và cũng khác với khái niệm và số lượng doanh
nghiệp được cấp mã số thuế do Bộ Tài chính công bố, đó là những doanh nghiệp
được cấp mã số thuế, bao gồm cả doanh nghiệp không còn hoạt động, nhưng vì còn
nợ thuế Nhà nước nên chưa loại bỏ được và những doanh nghiệp được cấp mã số thuế
nhưng chưa triển khai.

Đơn vị doanh nghiệp đồng thời là đơn vị trong
các phân tổ số liệu và các chỉ tiêu theo loại hình doanh nghiệp, theo ngành kinh
tế, ranh giới hành chính; những doanh nghiệp có một hoặc nhiều đơn vị ở các địa
phương khác nhau thì số liệu của toàn doanh nghiệp được phân vào cho địa phương
có trụ sở chính của doanh nghiệp đóng; những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh
nhiều ngành nghề thì căn cứ vào ngành sản xuất kinh doanh chính.

3. Khu vực kinh tế Nhà nước

Gồm các loại hình doanh nghiệp sau:

+ Doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước hoạt động
theo Luật Doanh nghiệp Nhà nước do Trung ương và địa phương quản lý.

+ Doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước hoạt động
theo Luật Doanh nghiệp, đó là công ty trách nhiệm hữu hạn Nhà nước do Trung ương
quản lý và do địa phương quản lý.

+ Công ty cổ phần trong nước mà Nhà nước giữ
trên 50% vốn điều lệ.

4. Khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước

Là các doanh nghiệp vốn trong nước mà nguồn
vốn thuộc sở hữu tập thể, tư nhân một người hoặc một nhóm người hoặc có sở hữu
Nhà nước nhưng chiếm từ 50% vốn điều lệ trở xuống. Khu vực doanh nghiệp ngoài
Nhà nước gồm:

+ Hợp tác xã;

+ Doanh nghiệp tư nhân;

+ Công ty hợp danh;

+ Công ty trách nhiệm hữu hạn tư nhân;

+ Công ty cổ phần có vốn Nhà nước từ 50% trở
xuống.

5. Khu vực đầu tư trực tiếp với nước ngoài

Là các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp
của nước ngoài, không phân biệt tỷ lệ góp vốn của nước ngoài là bao nhiêu. Khu
vực có vốn đầu tư trực tiếp với nước ngoài gồm;

+ Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài;

+ Doanh nghiệp liên doanh giữa nước ngoài với
các đối tác trong nước.

6. Ngành sản xuất kinh doanh

Phân ngành căn cứ vào ngành sản xuất kinh
doanh chính của mỗi doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp chỉ phân vào một ngành sản
xuất kinh doanh duy nhất – là ngành sản xuất kinh doanh chính của doanh nghiệp.
Ngành sản xuất kinh doanh chính của doanh nghiệp là ngành mà doanh nghiệp hạch
toán kinh tế độc lập chiếm tỷ trọng lớn nhất về giá trị sản xuất trong doanh
nghiệp, hoặc ngành sản xuất kinh doanh theo thiết kế xây dựng doanh nghiệp, là
ngành quyết định phương hướng và nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Nếu những tiêu thức trên không xác định được, thì ngành sản xuất kinh doanh
chính được xác định theo ngành có tỷ lệ lao động nhiều nhất trong năm.

7. Doanh thu thuần

Là tổng thu nhập doanh nghiệp do tiêu thụ sản
phẩm, hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho bên ngoài sau khi trừ các khoản thuế và các
khoản giảm trừ.

 Doanh thu thuần
Không bao gồm:

 +
Doanh thu hoạt động tài chính (trừ thuê thiết
bị, máy móc có người điều khiển kèm theo);

 + Doanh thu hoạt động bất thường: Thanh lý,
nhượng bán tài sản, thu tiền phạt hợp đồng, thu các khoản nợ khó đòi đã xử lý…

Đầu trang |
Trang trước |
Tiếp theo