PHÂN BIỆT KINH DOANH QUỐC TẾ VÀ KINH TẾ QUỐC TẾ – Đại học Quốc gia Hà Nội
Các ngành học mang tính toàn cầu như Kinh doanh quốc tế và Kinh tế quốc tế luôn thu hút sự quan tâm của đông đảo các bạn thí sinh nhờ những bước tiến hội nhập mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, khá nhiều bạn chưa thực sự hiểu rõ sự khác nhau giữa các ngành học trên. Ngành Kinh doanh quốc tế và Kinh tế quốc tế khác nhau như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giúp các thí sinh giải đáp khúc mắc này.
Nội Dung Chính
Kinh doanh quốc tế và Kinh tế quốc tế là gì?
Kinh doanh quốc tế (International Business) là toàn bộ công việc giao dịch giữa các quốc gia với nhau, nhằm mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp, cá nhân và các tổ chức kinh tế. Sinh viên theo học ngành này sẽ được trang bị những kiến thức chuyên sâu về cách thức giao dịch giữa các doanh nghiệp nằm ở các quốc gia khác nhau, cũng như hiểu những tác động của các hoạt động kinh doanh tới thị trường trong nước và ngoài nước. Điều đó giúp các doanh nghiệp quốc tế nắm bắt được những biến đổi của thị trường thế giới và có những phương án giảm thiểu rủi ro khi kinh doanh.
Trong khi đó, Kinh tế quốc tế (International Economics) là một bộ môn khoa học, một chuyên ngành của kinh tế học đi sâu vào nghiên cứu sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa các quốc gia. Phạm vi của Kinh tế quốc tế rất rộng, tập trung vào hai lĩnh vực quan trọng là thương mại quốc tế và tài chính quốc tế. Ngành Kinh tế quốc tế có vai trò lớn về mặt lý thuyết, thực nghiệm và mô tả.
Kinh doanh quốc tế và Kinh tế quốc tế sẽ học những gì?
Thuộc nhóm ngành Kinh doanh, ngành học Kinh doanh quốc tế sẽ cung cấp cho người học kiến thức chung về quản trị kinh doanh và kiến thức chuyên môn thuộc lĩnh vực kinh doanh quốc tế như: phân tích, đầu tư quốc tế, logistic và vận tải quốc tế, thanh toán quốc tế, marketing quốc tế, hoạch định chiến lược kinh doanh quốc tế, phân tích sự tác động của các yếu tố mang tính toàn cầu đến hoạt động doanh nghiệp, …
Tại Khoa Quốc tế – ĐHQGHN, sinh viên sau khi hoàn thành chương trình học thuộc khối kiến thức ngành sẽ được tham gia các học phần định hướng chuyên sâu ở 3 mảng chính: Kế toán doanh nghiệp, Tài chính và Marketing. Kinh doanh quốc tế là chương trình đào tạo cử nhân đầu tiên của Khoa Quốc tế được công nhận đạt tiêu chuẩn và được cấp Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục theo bộ tiêu chuẩn kiểm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo PGS.TS Lê Ngọc Lam, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, ĐHQG Tp Hồ Chí Minh. “Chương trình đào tạo Cử nhân ngành Kinh doanh quốc tế của Khoa Quốc tế, ĐHQGHN là một trong những chương trình tiên phong trong lĩnh vực này được kiểm định và đạt chuẩn. Chương trình có nhiều điểm nổi bật: Chương trình dạy học có kết cấu phù hợp, được tham khảo từ các chương trình đào tạo quốc tế; Nhà tuyển dụng đánh giá cao; đội ngũ giảng viên trẻ, tốt nghiệp từ nhiều cơ sở đào tạo có uy tín; ngôn ngữ đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh”.
Trong khi đó, thuộc nhóm ngành Kinh tế học, ngành Kinh tế quốc tế, ngành này cung cấp cho sinh viên một nền tảng kiến thức và lý luận về quan hệ kinh tế quốc tế, cơ sở phân tích và hoạch định chính sách, kinh tế đối ngoại, kinh tế lượng, nguyên lý quản trị kinh doanh, kinh tế phát triển, phương pháp nghiên cứu kinh tế, nghiên cứu thị trường,… đồng thời sinh viên cũng được trang bị các kỹ năng nghiệp vụ cần thiết trong lĩnh vực thương mại và tài chính.
Cơ hội việc làm của 2 ngành Kinh doanh quốc tế và Kinh tế quốc tế ra sao?
Sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh doanh quốc tế có thể đảm nhiệm các vị trí như: chuyên viên kinh doanh xuất nhập khẩu, kinh doanh cước tàu biển, hàng không, chuyên gia hoạch định tài chính quốc tế, chuyên gia nghiên cứu thị trường, chuyên gia marketing quốc tế, chuyên gia quản trị chuỗi cung ứng, chuyên gia tư vấn đầu tư quốc tế, chuyên gia xúc tiến thương mại, nhà tư vấn quản trị kinh doanh quốc tế…
Sinh viên học Kinh tế quốc tế sẽ làm các công việc như: theo dõi, phân tích và tư vấn các dự án quốc tế, nhà quản lý dự án phát triển quốc tế, các công việc liên quan đến lập kế hoạch, phát triển thị trường quốc tế, …tại các cơ quan xúc tiến thương mại, các trường đại học có đào tạo các ngành liên quan đến kinh tế, các viện và trung tâm nghiên cứu kinh tế với các vị trí trợ lý hay chuyên viên hỗ trợ hoạch định, phân tích và tư vấn chính sách,…
Mức lương của hai ngành này ra sao?
Ngoài sức hút mạnh mẽ, được săn đón bởi các nhà tuyển dụng trên thế giới thì Kinh doanh và Kinh tế quốc tế là những ngành học phổ biến dành cho những sinh viên muốn có thu nhập tốt sau khi tốt nghiệp.
Theo khảo sát lương của NABE (Hiệp hội Kinh tế Kinh doanh Quốc gia), mức lương khởi điểm cho các sinh viên kinh tế quốc tế là từ $32.000 đến $87.500, tùy thuộc vào trình độ học vấn và vị trí công việc đảm nhận. Trong khi đó, mức lương ngành kinh doanh quốc tế sẽ cao hơn, trung bình là $82.787 mỗi năm hoặc $42.45 mỗi giờ. Các sinh viên mới vào nghề kiếm được từ $ 21.938 mỗi năm trong khi hầu hết các nhân viên có kinh nghiệm kiếm tới $140.738 mỗi năm.
Như vậy, Kinh doanh quốc tế và Kinh tế quốc tế đang ngày càng phát triển và mang đến nhiều cơ hội lớn hơn nữa cho những bạn trẻ đam mê kiến tạo. Bài viết đã chỉ ra những khác biệt cơ bản của hai ngành học này từ khái niệm, chương trình học đến triển vọng nghề nghiệp để từ đó các bạn sĩ tử có thể lựa chọn được ngành học phù hợp nhất cho bản thân.
Các thí sinh quan tâm tới các chương trình đào tạo của Khoa Quốc tế cần nhận thông tin tư vấn có thể liên hệ các số điện thoại: 024 3555 3555 | 0983 372 988 | 0379 884 488 | 0989 106 633 hoặc trực tiếp inbox Fanpage Khoa Quốc tế hoặc Group hỗ trợ sinh viên tương lai K19 Future Gen hoặc website: https://student.isvnu.vn/ hoặc email: [email protected]
Các thí sinh cũng có thể nhận thông tin tư vấn trực tiếp tại các văn phòng tuyển sinh:
Địa chỉ 1: Nhà G8, 144 Xuân Thuỷ, Cầu Giấy, Hà Nội
Địa chỉ 2: Phòng 306, Nhà C, Làng Sinh viên HACINCO, 79 Nguỵ Như Kon Tum, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội