PGS.TS.BS.TTND Nguyễn Thị Ngọc Dung: Chỉ khi bắt đầu từ những việc nh – ĐỒNG HƯƠNG BẠC LIÊU CÀ MAU

PGS: PGS.TS.BS.Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Thị Ngọc Dung. Gặp PGS.TS.BS – Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Thị Ngọc Dung những ngày đầu tháng ba trong không khí kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ, cùng với niềm vui lớn khi hai thành tựu y khoa do chính cô “thai nghén” vừa được vinh danh tại “Giải thưởng thành tựu y khoa Việt Nam” năm 2020. Điềm đạm, khiêm tốn, cô trải lòng về những nỗ lực cố gắng và những đóng góp của mình trong suốt gần 40 năm hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, giảng dạy và khám chữa bệnh cứu người, đặc biệt là các bệnh nhi…

Dành trọn tâm huyết cho những bệnh nhi

Trong tổng số 16 thành tựu y khoa vừa được tôn vinh, được biết có hai thành tựu do PGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Dung là người khởi xướng, đó là thành tựu “Phẫu thuật cấy ốc tai điện tử” của Bệnh viện Tai mũi họng TPHCM và “Công trình đưa trẻ tự kỷ hoà nhập cộng đồng” của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Không nén được niềm vui và sự xúc động, BS Dung chia sẻ về những ngày đầu tiếp cận, tìm hiểu và áp dụng các kỹ thuật này.

Trước đây trẻ khiếm thính bẩm sinh là coi như cả đời phải chịu cảnh sống trong câm lặng, không có tương lai, chỉ có thể vào trường khuyết tật để học giao tiếp bằng tay, bằng đọc hình miệng chứ không còn cách chữa, với trẻ điếc quá sâu thì máy trợ thính không mang lại tác dụng, chỉ còn hy vọng vào cấy ốc tai điện tử.

BS Dung cho biết, kỹ thuật cấy ốc tai điện tử được Bệnh viện Tai mũi họng TPHCM triển khai từ năm 1998 nhưng còn gặp rất nhiều khó khăn về nhân lực, cơ sở vật chất, giá thành thực hiện còn cao khiến việc thực hiện có thời gian bị ngưng trệ. Thấy được thực tế đó, trong 10 năm làm giám đốc Bệnh viện, BS Dung đã đẩy mạnh đào tạo nhân lực chuyên sâu bằng cách cử người đi tu nghiệp ở nước ngoài, mời các đoàn bác sĩ nước ngoài về thiết kế chương trình đào tạo tại chỗ. Nhờ đó, cô đã cùng các đồng nghiệp đưa cấy điện cực ốc tai vào danh sách các phẫu thuật thường quy tại bệnh viện. Trong hơn 20 năm qua, Bệnh viện đã thực hiện thành công hơn 500 ca cấy ốc tai điện tử cho người bệnh.

Có tầm nhìn xa, BS Dung cũng chính là người đầu tiên đưa âm ngữ trị liệu về Việt Nam và đến nay đã góp phần rất lớn trong việc điều trị cho trẻ tự kỷ – một hội chứng khi trẻ bị khiếm khuyết trong giao tiếp, trong tương tác với mọi người, khó khăn trong việc kiểm soát ngôn ngữ, hành vi, cảm xúc, dẫn đến giảm khả năng hòa nhập vào xã hội.

“Cách đây 11 năm, khi lần đầu tiên đưa âm ngữ trị liệu về Việt Nam, mong muốn của chúng tôi lúc đó chỉ là có thể điều trị cho những trẻ bị hở hàm ếch sau khi mổ xong có thể nói được, có thể giúp trẻ sau khi thực hiện kỹ thuật cấy ốc tai điện tử được luyện âm để nói được, nhưng khi được học tập về âm ngữ trị liệu, chúng tôi thấy được lĩnh vực này sẽ còn đóng góp rất nhiều, đặc biệt là trong việc huấn luyện cho trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng” – BS Dung nhớ lại.

Việc phát triển, áp dụng âm ngữ trị liệu trong điều trị bệnh có nhiều thuận lợi hơn khi BS Nguyễn Thị Ngọc Dung được phân công về làm Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Ngoài việc giảng dạy, đào tạo lĩnh vực âm ngữ trị liệu, phổ biến rộng trong toàn quốc, Trường đã thiết lập ra một mô hình sử dụng âm ngữ trị liệu trực tiếp giải quyết chứng rối loạn ngôn ngữ ở trẻ, là sự kết hợp giữa giáo dục, y tế và gia đình, được Đơn vị Âm ngữ trị liệu, Phòng khám đa khoa Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch thực hiện.

“Mô hình này đã và đang gặt hái được nhiều thành công lớn, nhiều trẻ tự kỷ đã được hòa nhập với cộng đồng – điều mà chúng tôi vô cùng hạnh phúc, bởi đây là kết quả mà chúng tôi đã mày mò nghiên cứu, thử nghiệm, thuyết phục phụ huynh cùng tham gia thực hiện… Đặc biệt chúng tôi không ngờ rằng cộng đồng đã ghi nhận và bỏ phiếu vinh danh là Thành tựu y khoa nổi bật tại TPHCM” – BS Nguyễn Thị Ngọc Dung chia sẻ và và cho rằng niềm vui lớn nhất là từ nay, phụ huynh, người thân có trẻ tự kỷ biết rằng hiện nay ở Việt Nam có một mô hình có thể giúp con họ hòa nhập cộng đồng, trở lại với xã hội.

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Dung (thứ tư từ trái qua) và PGS.TS.BS. Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (thứ 6 từ trái qua) trao chứng chỉ cho học viên tham gia lớp đào tạo về âm ngữ trị liệu.

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Dung (thứ tư từ trái qua) và PGS.TS.BS. Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (thứ 6 từ trái qua) trao chứng chỉ cho học viên tham gia lớp đào tạo về âm ngữ trị liệu.

Y đức chính là nỗ lực đi đến cùng trong nghề nghiệp

Khi được hỏi về khái niệm y đức, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Dung khẳng định, đối với cô y đức chính là nỗ lực đi đến cùng trong nghề nghiệp để giành lại sự sống và cơ hội lành lặn cho bệnh nhân, đồng thời dốc hết sức mình để thực hiện trọn vẹn nghĩa vụ khám chữa bệnh của người thầy thuốc.

Với “kim chỉ nam” đó, trong học tập cũng như trong công tác, BS Dung luôn nỗ lực từ những phần việc nhỏ nhất và không bao giờ đầu hàng trước những khó khăn, trở ngại. Bởi, với cô, chỉ khi bắt đầu từ những việc nhỏ nhất thì mới có thể gặt hái được những thành công lớn.

Dù là người học sâu, hiểu rộng, nhưng với PGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Dung, để có được những thành công như ngày hôm nay chính bản thân cô đã nhận được sự chia sẻ, hỗ trợ rất lớn từ gia đình mình. “Nhiều người tỏ ra e ngại khi phải sống với ba mẹ chồng, nhưng quan điểm của tôi thì ngược lại. Tôi may mắn được sống cùng gia đình chồng gần 20 năm, và đã nhận được sự yêu thương, dạy dỗ, hỗ trợ, giúp đỡ rất nhiều” – BS Dung chia sẻ và cho rằng công việc xã hội và đời sống gia đình là hai mặt không thể tách rời nhau. Người phụ nữ phải hiểu rằng không nên để áp lực công việc của mình lên chồng, con; sau giờ làm việc trở về với gia đình thì phải thực hiện đúng vai trò là người “giữ lửa” của mình, nghĩa là phải biết làm những công việc của gia đình như nấu cơm, rửa bát, giặt quần áo, chăm chút cho gia đình…, quan tâm chia sẻ, động viên các thành viên trong gia đình. “Nếu chúng ta sống hết lòng với gia đình thì chắc chắn chúng ta sẽ nhận được sự hỗ trợ, tiếp sức, tạo điều kiện để bản thân tham gia công việc của xã hội” – BS Nguyễn Thị Ngọc Dung tâm sự.

Trong suốt quá trình công tác, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, BS Nguyễn Thị Ngọc Dung luôn nhắc nhở, nhắn nhủ đến đội ngũ y-bác sĩ trẻ, các thế hệ sinh viên, học viên của mình khi chọn ngành nghề cho mình nếu được soi xét kỹ, chọn nghề như một điều tâm huyết thì lúc đó mới có đủ nghị lực, nỗ lực để vượt qua những khó khăn, trở ngại – điều mà bất cứ ngành nghề nào, bất cứ ai trong đời cũng phải trải qua như một điều tất yếu. Và một khi đã chọn rồi thì phải theo đuổi đến cùng. “Khác với con trai, con gái thường ít nhận được sự đồng thuận từ ba mẹ khi theo học ngành y. Bác sĩ nam cũng có nhiều ưu thế hơn so với các bác sĩ nữ. Chính vì vậy mà người phụ nữ trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng cần phải nỗ lực cố gắng nhiều hơn. Nếu mình là một bác sĩ giỏi thì sự cống hiến của mình nhất định sẽ được đền đáp, ghi nhận” – BS Dung nhắn nhủ.

Theo BS Dung, niềm hạnh phúc lớn nhất của người thầy thuốc chính là kết quả khám chữa bệnh cho bệnh nhân, là sự ghi nhận từ bệnh nhân của mình. Hiện nay, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Dung vẫn dành nhiều tâm huyết và dốc sức thực hiện rất nhiều phần việc nhằm góp phần phát triển ngành y khoa Việt Nam nói chung, cho sự nghiệp y tế của TPHCM nói riêng. Trong đó, cô đang cùng với đồng nghiệp thực hiện tiếp nối công trình về y đức, y nghiệp của VS.TS.BS Dương Quang Trung – người từng giữ cương vị Giám đốc Sở Y tế TPHCM, người sáng lập ra Viện Tim TPHCM, Trung tâm Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ y tế (nay là Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch)…

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Dung phát biểu tại lễ khai giảng khóa đào tạo nhà chuyên môn can thiệp âm ngữ trị liệu cho trẻ tự kỷ, do Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tổ chức.

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Dung phát biểu tại lễ khai giảng khóa đào tạo nhà chuyên môn can thiệp âm ngữ trị liệu cho trẻ tự kỷ, do Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tổ chức.

Với vai trò hiện là Chủ tịch Hội Y học TPHCM, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Dung đã và đang hỗ trợ các hội chuyên khoa phát triển, hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi cho hội viên. Đặc biệt là thực hiện các hoạt động nhằm giúp cho đội ngũ y-bác sĩ TPHCM tiếp cận được với những thành tựu y khoa của các nước, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, như: tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, hỗ trợ cho đội ngũ y-bác sĩ những kỹ năng chuyên sâu trong ngành. Ngoài ra còn phối hợp tư vấn truyền thông cho cộng đồng về các bệnh lý để biết cách phòng tránh, nhất là liên quan đến dịch bệnh Covid-19.

Ngoài cố vấn chuyên môn, BS Dung hiện còn trực tiếp khám, điều trị, tư vấn các vấn đề liên quan đến tai-mũi-họng cho bệnh nhân tại Phòng khám Đa khoa Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

Với tấm lòng rộng mở, có tầm nhìn xa, PGS.TS.BS – Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Thị Ngọc Dung vẫn đang từng ngày miệt mài, nỗ lực đóng góp cho ngành y tế, đúng như tâm niệm của chính cô: “Y đức chính là nỗ lực đến cùng trong nghề nghiệp”.

Theo Thanhuytphcm.vn