PGS.TS.BS Nguyễn Thị Việt Hà giải đáp thắc mắc về bổ sung men vi sinh cho trẻ nhỏ

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Việt Hà trả lời bạn đọc AloBacsi: khi nào cần bổ sung men vi sinh cho trẻ nhỏ, làm sao lựa chọn được loại men vi sinh chất lượng tốt, cách bổ sung nước khi trẻ bị tiêu chảy, dùng men vi sinh cho bé 2 tháng tuổi có được không?…

Tiếp theo 2 bài trước:

>> Các bệnh đường ruột tác động thế nào đến hệ vi sinh đường ruột?

>> Điều trị tiêu chảy cấp khi nào cần bổ sung men vi sinh, loại nào phù hợp?

Tổng kết lại một vài từ khóa, thông tin cô đọng về việc lựa chọn men vi sinh với các bạn nhỏ thì PGS.TS.BS Nguyễn Việt Hà, BV Nhi trung ương Hà Nội tổng kết lại ngắn gọn để tất cả phụ huynh nắm được một cách nhanh nhất:

Chúng ta có các chữ S như sau:

  • Source: nguồn gốc (sản phẩm có nguồn gốc từ người)
  • Strong: mạnh (tồn tại được trong đường tiêu hóa, chịu đựng được với môi trường hết sức khắc nghiệt của đường tiêu hóa)
  • Science: tính khoa học (được chứng minh trong các nghiên cứu thực hiện và một vài bằng chứng khác)
  • Safe: sự an toàn (quy trình sản xuất an toàn)

Nhiều tài liệu khác đúc kết lại nhiều chữ S hơn, nhưng suy cho cùng vẫn phải đạt được những tiêu chí quan trọng trên.

Nên sử dụng thuốc cầm tiêu chảy như thế nào và nên đảm bảo chế độ dinh dưỡng thế nào cho các bạn nhỏ trong trường hợp này:

Chúng ta biết những thuốc để giúp em bé ngừng tiêu chảy phần lớn đều là thuốc có chứa các dẫn xuất của thuốc phiện (theo như dân gian vẫn hay gọi), những loại thuốc này tác động trên đường ruột và làm giảm nhu động ruột. Khi giảm nhu động ruột thì thời gian luân chuyển của các chất lỏng trong lòng ruột lâu hơn và chúng ta không nhìn thấy em bé đi đại tiện ra bên ngoài.

Tuy nhiên việc giảm nhu động ruột thì sẽ làm gia tăng hấp thu các chất độc vào trong cơ thể của chúng ta. Chưa kể là các em bé sẽ bị những tác dụng không mong muốn của những thuốc này. Trong lời khuyên của bác sĩ thì là không sử dụng các thuốc cầm tiêu chảy trong giai đoạn bé bị tiêu chảy.

Vấn đề thứ hai là một chế độ dinh dưỡng phù hợp cho các em bé. Nếu như em bé của chúng ta là một cơ thể phát triển khỏe mạnh bình thường thì khi bé bị tiêu chảy, chế độ dinh dưỡng mà chúng ta cần bổ sung cho bé vẫn phải là một chế độ dinh dưỡng hợp lý. Bởi với chế độ dinh dưỡng hợp lý con của chúng ta tăng cân khỏe mạnh, đạt được chiều cao cân nặng ổn tức là dinh dưỡng đó của chúng ta phù hợp rồi.

Tuy nhiên khi chúng ta cho bé ăn mà đột nhiên từ một em bé khỏe mạnh, không có dấu hiệu mất nước bỗng dưng lại tiêu chảy tăng lên, có dấu hiệu mất nước trên lâm sàng, xuất hiện nôn, tiêu chảy tăng nhiều thì cần đưa em bé đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám.

Bởi khi các con bị tiêu chảy thì đường ruột tổn thương, chính vì tổn thương như vậy nên có thể xuất hiện các hiện tượng kém hấp thu chất đạm, đường, béo. Khi mức độ tiêu chảy tăng lên thì bác sĩ sẽ phải đánh giá lại thay đổi chế độ ăn cho em bé. Có thể bác sĩ sẽ thay đổi chế độ ăn không có đường lactose, bổ sung đạm, dầu ăn thế nào là phù hợp hay nên sử dụng các vitamin, khoáng chất gì cho các em bé.

Nếu không may em bé có một chế độ dinh dưỡng mà khiến cân nặng và chiều cao của bé thấp (một chế độ dinh dưỡng từ trước đó đã không phù hợp) thì hãy đến ngay với bác sĩ để có một chế độ dinh dưỡng phù hợp để không làm nặng thêm tình trạng tiêu chảy, rút ngắn thời gian tiêu chảy cũng như là làm cho em bé của chúng ta nhanh hồi phục hơn.

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Việt Hà – Phó chủ nhiệm Bộ môn nhi, Đại học Y Hà Nội, Trưởng khoa Tiêu hóa – Bệnh viện Nhi Trung ương

CÂU HỎI BẠN ĐỌC

Nhi Ngô: Cho em hỏi hệ vi sinh ruột bao gồm các thành phần gì?

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Việt Hà:

Khi nói đến hệ vi sinh ruột người ta sẽ nhắc đến tất cả vi sinh sống ở đường ruột: vi khuẩn, virus và nấm. Trong đó các virus không tồn tại một mình mà nó sẽ tồn tại trên các vi khuẩn gọi là các thực khuẩn thể.

Nhóm thứ 2 là nấm, có thể kích thước của nó lớn hơn và có thể sống riêng rẽ bên trong đường ruột của chúng ta. 3 thành phần cốt lõi của hệ vi sinh đường ruột đó là vi khuẩn, virus và nấm; tuy nhiên vi khuẩn là một thành phần chiếm tỷ lệ nhiều nhất có sự tương tác với các virus và vi nấm. Cho nên nó được nghiên cứu nhiều nhất và được chứng minh ảnh hưởng nhiều đến cơ thể chúng ta nhất.

Ngọc Trà: Khi bé bị tiêu chảy bổ sung nước thế nào cho đúng, nên chăm sóc bé thế nào? Có nên cho bé uống thuốc tiêu chảy không? Đúng là bé dùng kháng sinh thì hay bị tiêu chảy, vậy có cách nào hạn chế tiêu chảy do kháng sinh hay không ạ?

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Việt Hà:

Như phần đầu tôi có nói, nột trong những cách điều trị tiêu chảy cho bé thì điều then chốt nhất đó chính là bù nước, bù điện giải. Thông thường chúng tôi (BS) thường khuyến cáo cha mẹ nên cho bé dùng oresol. Bởi oresol được Tổ chức Y tế Thế giới phát triển từ những năm 1975 được chứng minh trên toàn cầu với hiệu quả điều trị tiêu chảy cho em bé. Duy chỉ có điều trong oresol thì có muối, đường và nó lợi dụng cơ chế hấp thu muối đường trong đường tiêu hóa (một cơ chế hoàn toàn sinh lý) để đảm bảo được sự hấp thu nước cho em bé là tối đa.

Nếu chúng ta không sử dụng oresol mà chỉ dùng nước lọc đơn thuần thôi thì khi em bé bị tiêu chảy sẽ đồng thời mất muối, mất kali,… các chất điện giải có trong oresol. Nếu chúng ta chỉ sử dụng dung dịch nước lọc đơn thuần thôi thì sẽ rất dễ dẫn đến rối loạn điện giải ở trong cơ thể bé, do đó bổ sung bằng dung dịch oresol là tốt nhất.

Nếu em bé của chúng ta không uống được oresol đó (ở những em bé dưới 6 tháng tuổi) đang độ tuổi bú sữa mẹ hoàn toàn, bé không có các biểu hiện mất nước thì mẹ có thể tăng cữ bú lên cũng có thể bù nước và điện giải cho em bé. Với những em bé ở độ tuổi lớn hơn thì chúng ta sử dụng nước cháo, nước hoa quả, nước canh cũng giúp cho việc bù nước, bù điện giải cho em bé.

Với những em bé bị tiêu chảy nhưng tỉnh táo, không có dấu hiệu khát nước, đi tiểu nhiều, không bị nôn, không bị sốt thì mỗi lần bé bị tiêu chảy, chúng ta sẽ bổ sung lượng oresol tương đương với lượng phân bé thải ra. Cụ thể, với em bé dưới 1 tuổi, thì bổ sung 50ml oresol sau mỗi lần đi ngoài, bé từ 1-5 tuổi là 100ml oresol, trên 5 tuổi là 100-200ml oresol. Như vậy, với em bé bị tiêu chảy nhưng không mất nước thì có thể điều trị tại nhà.

Với những em bé bị tiêu chảy nhưng quấy khóc nhiều, uống nước nhiều, đi tiểu ít, độ đàn hồi da chậm thì bé cần được điều trị trong bệnh viện. Bởi bác sĩ sẽ cho bé uống dung dịch oresol với lượng rất nhiều trong 4 tiếng liên tục. Hoặc là những em bé ngủ nhiều, không đánh thức được, nôn hết thức ăn, thức uống thì bác sĩ sẽ truyền dịch vào cơ thể em bé.

Với những em bé sử dụng thuốc nhưng vẫn bị tiêu chảy thì chúng ta sử dụng thuốc thế nào để làm giảm việc bài xuất nước, điện giải ở đường ruột? Tiêu chảy do virus, vi khuẩn nhưng có nhiều cơ chế gây bệnh khác nhau. Có tác nhân gây bệnh làm tăng tình trạng xuất tiết nước, điện giải ở lòng ruột thì bác sĩ sẽ cho em bé sử dụng thuốc kháng tiết. Nhưng thuốc kháng tiết phải có sự khuyến cáo của bác sĩ, không tự ý sử dụng.

Đối với những em bé tăng xuất tiết nước, điện giải do nhiễm khuẩn, tức tiêu chảy phân có máu thì việc sử dụng dung dịch oresol là chưa đủ, phải sử dụng thêm thuốc kháng sinh cho các em bé. Thuốc kháng sinh phải được chỉ định của bác sĩ.

Nguyễn Huyền: Em muốn nhờ tư vấn về việc sử dụng men vi sinh Bioflora cho bé 2 tháng tuổi có được không ạ?

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Việt Hà:

Bioflora là men vi sinh có tên gốc là Saccharomyces boulardii CNCM I-745. Bioflora được chỉ định cho tất cả các trường hợp bé bị tiêu chảy cấp hoặc tiêu chảy liên quan đến kháng sinh, trừ em bé có các bệnh nền như nhiễm khuẩn, suy giảm miễn dịch. Với các probiotic là các vi sinh vật sống thì đều không được khuyến cáo sử dụng cho bệnh nhân suy giảm miễn dịch và bệnh nhân có bệnh nền làm nặng thêm tình trạng bệnh đó.

Tuy nhiên, tiêu chảy ít gặp ở em bé dưới 6 tháng tuổi. Nếu em bé mới 2 tháng tuổi đã bị tiêu chảy thì cần đưa bé đi khám, bởi có thể bé bị nhiễm khuẩn hoặc dị ứng thực phẩm, hay bất dung nạp thức ăn. Do đó, bé cần được đánh giá bởi bác sĩ trước khi sử dụng Bioflora. Nếu em bé đã được chỉ định thì có thể yên tâm sử dụng.

Nguyễn Thị Ly Ly: Thưa bác sĩ, hôm nay chúng ta được biết thêm định nghĩa hệ vi sinh ruột. Vậy nếu hệ vi sinh đường ruột bị rối loạn và không thể phục hồi tốt sau khi bị bệnh thì các biểu hiện sớm và lâu dài sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cơ thể ạ?

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Việt Hà:

Nếu hệ vi sinh đường ruột bị rối loạn thì sẽ gây rối loạn các tác nhân gây bệnh ở đường ruột, làm gia tăng các vi sinh vật gây bệnh và gây ra các triệu chứng tiêu hóa như nôn, biếng ăn, tiêu chảy, nặng hơn là viêm đại tràng giả mạc. Tức là bệnh nhân còn có biểu hiện tiêu chảy phân có máu và bắt buộc phải có sự đánh giá từ bác sĩ để quyết định nên điều trị thế nào.

Những trường hợp còn lại chúng ta có thể giải quyết được hay không còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh. Nếu tình trạng có liên quan đến kháng sinh thì chúng ta phải sử dụng men vi sinh từ 3-5 ngày. Nếu mức độ triệu chứng không giảm hoặc bệnh diễn tiến nặng thì phải đưa trẻ đi khám lại, để bác sĩ đánh giá xem vấn đề ở đâu, từ đó có cách điều trị hợp lý.

Vấn đề thứ hai là hệ vi sinh đường ruột gồm vi khuẩn, vi rút, nấm. Nếu chúng ta sử dụng kháng sinh kéo dài thì sẽ gia tăng tiêu chảy do nấm thì thuốc điều trị tiêu chảy thông thường không đáp ứng, bắt buộc phải có sự kê đơn của bác sĩ với các kháng sinh chống nấm và đánh giá trên toàn cơ thể.

Vấn đề thứ ba là nếu không cân bằng hệ vi sinh đường ruột thì nó sẽ tương tác đến hệ miễn dịch của cơ thể và gây ra các vấn đề về chuyển hóa, miễn dịch, dị ứng; gây ảnh hưởng đến sức khỏe về sau này.

Theo thống kê của thế giới về những em bé có thể trạng bình thường với em bé bị suy dinh dưỡng, với em bé bị dị ứng kháng sinh, với em bé sử dụng sữa công thức hoặc giữa người béo và người gầy thì đều thấy sự khác biệt của hệ vi sinh đường ruột, liên quan đến chuyển hóa và miễn dịch của cơ thể.

Phương Nguyên: Thưa bác sĩ, nên cho bé dùng men vi sinh vào thời điểm nào khi điều trị kháng sinh là hợp lý nhất?

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Việt Hà:

Vấn đề là tại sao con nhà bạn lại phải dùng kháng sinh, do bác sĩ chỉ định hay do bạn tự dùng. Nếu bạn tự ý dùng là sai và mọi vấn đề kéo theo sẽ sai hoàn toàn.

Với trẻ em, khi tôi chỉ định thì sẽ giảm tối thiểu số lượng thuốc mà trẻ phải dùng nhưng phải tối đa hiệu quả mà các bé đạt được. Tại vì không dễ dàng cho trẻ uống thuốc, kể cả vitamin. Vì vậy, mình cần xem xét đích đến của sử dụng thuốc là gì, cần bổ sung dinh dưỡng hay điều trị bệnh.

Ví dụ như một em bé bị viêm phổi phải vừa uống thuốc kháng sinh, thuốc ho, thuốc giãn phế quản nhưng mình chỉ bổ sung men vi sinh thì sẽ không ổn. Như vậy, mình phải quan tâm đến vấn đề mình cần giải quyết là gì.

Tất cả em bé bình thường thì không cần bổ sung men vi sinh, bởi nếu em bé có chế độ dinh dưỡng hợp lý, môi trường sống tốt thì bản thân em bé đã tự cân bằng cơ thể. Nếu em bé phải sử dụng men vi sinh vì sử dụng kháng sinh thì ngay từ khi bắt đầu uống kháng sinh đã uống bổ sung men vi sinh và duy trì trong suốt thời gian uống kháng sinh. Nếu em bé bị tiêu chảy thì phải uống men vi sinh đến khi tình trạng em bé ổn định hoặc được đánh giá bởi bác sĩ.

Miêu Miêu: Bé nhà em sau khi uống kháng sinh thì càng bị tiêu chảy. Thì lúc đó, em nên cho bé uống men vi sinh hay men tiêu hóa?

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Việt Hà:

Chúng ta phải phân biệt 2 loại này. Men vi sinh là những vi sinh vật sống có lợi, mang lại sức khỏe khi bổ sung vào cơ thể với lượng vừa đủ. Men tiêu hóa là men do đường tiêu hóa tiết ra, tuyến nước bọt tiết ra amylase tiêu hóa chất bột đường, dạ dày tiết ra axit clohidric tiêu hóa chất đạm, dịch mật tiêu hóa mỡ, tụy có enzym để tiêu hóa đạm, đường, mỡ.

Nếu chúng ta bổ sung men tiêu hóa thì cơ thể sẽ không tự tiết ra. Nếu không có khuyến cáo của bác sĩ, tự ý sử dụng men tiêu hóa thì đường tiêu hóa của chúng ta sẽ không tự tiết ra men tiêu hóa và vô hình chung chúng ta đã làm men của đường tiêu hóa không tiết ra nữa. Do đó, men tiêu hóa chỉ được dùng khi có chỉ định của bác sĩ. Còn men vi sinh chúng ta có thể tự sử dụng với các sản phẩm an toàn.

Mai Hoa: Chào bác sĩ, tôi đi làm nên để bé ở nhà với bà. Bé đang uống kháng sinh thì bị tiêu chảy nên được kê thêm men vi sinh. Tôi nghe nói phải uống cách nhau 3 giờ, không biết có cách nào để bà dễ cho bé uống 2 loại này hay không? Hay có loại men vi sinh nào uống chung với kháng sinh không, thưa bác sĩ?

Như tôi đã chia sẻ, men vi sinh có 2 dạng: men vi sinh có nguồn gốc vi khuẩn và men vi sinh có nguồn gốc nấm men. Với men vi sinh có nguồn gốc vi khuẩn thì thường chịu tác động của kháng sinh, do đó thường được uống sau khi uống kháng sinh 2 giờ.

Với men vi sinh có nguồn gốc từ nấm men thì sẽ không bị phá hủy bởi kháng sinh, do đó có thể uống đồng thời với thuốc kháng sinh. Như vậy, bạn gặp khó khăn trong việc số lần cho con uống thuốc thì bạn nên chọn men vi sinh có nguồn gốc từ nấm men để vừa mang lại hiệu quả vừa giảm được số lần cho bé uống thuốc.

Nguyên Nguyên: Thưa bác sĩ, dùng lá ổi giã nát để cầm tiêu chảy cho trẻ theo phương pháp dân gian thì có hiệu quả không ạ?

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Việt Hà:

Chúng ta biết là lá ổi, lá sim, lá chè hay những sản phẩm có vị đắng thì trong đó có chất gọi là tanin. Tanin có tác dụng làm se niêm mạc ruột, làm trẻ không bị tiêu chảy và chúng ta có cảm giác là đỡ bệnh. Nhưng trên thực tế thì đó là điều không tốt, bởi nó tác động đến bề mặt niêm mạc ruột và ảnh hưởng đến sự hấp thu, các chất độc có cơ hội ngấm ngược vào cơ thể gây rối loạn hệ vi sinh đường ruột.

Do đó, người lớn có thể áp dụng những biện pháp dân gian này nhưng với trẻ em thì không nên vì làm gia tăng nguy cơ độc cho em bé.

Trân trọng cảm ơn Nấm men vi sinh Bioflora đã đồng hành cùng chương trình!

Minh Huy