PGS.TS Vương Ngọc Lan: Thắp hy vọng cho những phụ nữ khát khao làm mẹ

PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan là nhà khoa học nữ thứ hai và cũng là đại diện thứ hai của ngành y sinh được vinh danh trong giải thưởng sáng giá nhất của khoa học Việt Nam.

Từ giấc mơ khoác áo blouse trắng

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có cả bố lẫn mẹ đều làm trong ngành y, từ nhỏ bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan (con gái của GS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Nguyên Giám đốc BV Từ Dũ) đã nuôi dưỡng ước mơ được khoác trên mình chiếc áo blouse trắng. Năm 1997, sau khi tốt nghiệp thủ khoa trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, chị tình nguyện đến BV Từ Dũ để phụ giúp mẹ những công việc lặt vặt.

Đúng thời điểm này, đoàn chuyên gia từ Pháp sang Việt Nam để hỗ trợ thực hiện những ca thụ tinh ống nghiệm đầu tiên (IVF). Nhờ sự chỉnh chu, tỉ mẩn và thận trọng trong công việc, chị vinh dự trở thành một trong những bác sĩ Việt Nam đầu tiên được tham gia vào ê kíp thực hiện thụ tinh ống nghiệm.

Bác sĩ Ngọc Lan nhớ lại, trong lần thụ tinh ống nghiệm ấy, 1 trong 3 em bé đầu tiên đã được đặt tên là Phạm Tường Lan Thy, dựa theo tên của chị và bác sĩ Hồ Mạnh Tường (thành viên thứ 2 trong ê kíp và cũng là chồng chị sau này) như một sự biết ơn, tri ân của đôi vợ chồng trẻ.

“Chứng kiến mỗi gia đình vỡ òa hạnh phúc đón con vào lòng, tôi và đồng nghiệp đều không ngăn được xúc động. Đó cũng là động lực để tôi tiếp tục nỗ lực, hỗ trợ những đôi vợ chồng hiếm muộn hoàn thành ước nguyện sinh con”- BS Ngọc Lan chia sẻ.

Tâm huyết là thế, tuy nhiên trong thời gian đầu kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ đậu thai thụ tinh ống nghiệm tại Việt Nam còn rất thấp khiến chị và đồng nghiệp luôn luôn trăn trở.

“Nhìn cảnh các cặp vợ chồng hi vọng rồi thất vọng, thậm chí nhiều gia đình tan vỡ sau quá nhiều lần thụ tinh ống nghiệm không thành công, tim tôi như thắt lại, đau xót vì chưa giúp được họ như tâm nguyện. Mỗi lần như vậy, tôi và các bác sĩ khác tại Khoa Hiếm muộn – BV Từ Dũ không buông tay mà nỗ lực hơn nữa, dần dần đã nâng tỷ lệ này lên 20%, 30%, rồi 40%… Những nụ cười đã nhân lên gấp nhiều lần và trọn vẹn hơn trước…”, chị xúc động nói.

Gia đình BS Vương Thị Ngọc Lan và mẹ của mình là GS Nguyễn Thị Ngọc Phượng.

Trong 20 năm qua, cặp vợ chồng bác sĩ Ngọc Lan – Mạnh Tường đã điều trị trực tiếp cho hơn 20.000 cặp vợ chồng hiếm muộn. Cũng vì thế mà BS Ngọc Lan được nhiều người gọi bằng cái tên thân thương là “bà mẹ trẻ của ngàn đứa con”.

Từ những nỗ lực và thành quả đã đạt được, tên tuổi của thụ tinh ống nghiệm Việt Nam dần được quốc tế công nhận, bác sĩ Ngọc Lan và bác sĩ Hồ Mạnh Tường được mời đi nhiều hội thảo quốc tế báo cáo về những kết quả của thụ tinh ống nghiệm Việt Nam.

…đến Giải chính Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2020

Với tham vọng đưa tên tuổi của IVF Việt Nam đứng ngang hàng với các cường quốc trên thế giới như Mỹ, Pháp, bác sĩ Ngọc Lan đã lên ý tưởng và thực hiện nghiên cứu, so sánh việc chuyển phôi tươi và phôi trữ đông trong kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Sau 4 năm dày công nghiên cứu, năm 2018, công trình nghiên cứu mang tên “So sánh việc chuyển phôi tươi và phôi trữ đông trong kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm” đã được đăng tải trên Tạp chí Y khoa New England Journal of Medicine (NEJM) – một trong những tạp chí y khoa có uy tín và có ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới hiện nay.

Mỗi tuần có hàng ngàn bài báo trên khắp thế giới được gửi về tạp chí và phải trải qua nhiều vòng đánh giá, sàng lọc, phản biện. Chỉ 5% tổng số bài gửi về là được xuất bản. Vì vậy, đây là sự kiện gây nên tiếng vang lớn, bởi là lần đầu tiên, một nghiên cứu do người Việt Nam chủ trì được đăng trên tạp chí này.

Nhóm tác giả chính đã công bố bài báo trên tạp chí NEJM. Từ trái qua BS Vinh, BS Lan, BS Tường.

Bác sĩ Lan cho biết, khi mới bắt đầu làm thụ tinh ống nghiệm, mỗi lần thụ tinh sẽ cho khoảng 5-7 phôi. Lúc đó kỹ thuật đông lạnh phôi chưa phát triển nên các bác sĩ trên thế giới tiến hành chuyển phôi tươi. Nếu sử dụng số phôi quá ít thì tỉ lệ có thai sẽ không cao, do đó các bác sĩ chuyển tăng số phôi tươi vào buồng tử cung cho bệnh nhân, tỉ lệ thành công tăng lên, nhưng đồng nghĩa với nguy cơ đa thai cũng cao hơn.

Cho đến khi kỹ thuật đông lạnh hoàn chỉnh, nhiều trung tâm trên thế giới nhận thấy kỹ thuật này giúp tăng tỉ lệ mang thai nên không thực hiện chuyển phôi tươi nữa mà đông lạnh toàn bộ số phôi có được và chuyển phôi rã đông sau đó. Thế nhưng, việc dùng phôi đông lạnh vô tình kéo dài thêm thời gian chờ đợi của các cặp vợ chồng, chi phí cũng tăng theo.

Nhóm của bác sĩ Lan đã nghiên cứu ngẫu nhiên 782 phụ nữ vô sinh (không do buồng trứng đa nang) đang thụ tinh ống nghiệm. Kết quả cho thấy, việc chuyển phôi đông lạnh mang lại kết quả thành công tương đương như chuyển phôi tươi khi thụ tinh ống nghiệm.

Đây là công trình nghiên cứu đầu tiên trên thế giới chứng minh việc chuyển phôi đông lạnh có hiệu quả tương đương với chuyển phôi tươi trên bệnh nhân thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm mà không bị hội chứng buồng trứng đa nang.

Công trình này khi được công bố trên tạp chí NEJM đã góp phần làm thay đổi thực hành thụ tinh trong ống nghiệm trên thế giới. “Chúng ta có thể đông lạnh phôi lại và giảm số phôi chuyển xuống, mỗi lần chỉ cần chuyển 1 phôi. Phương pháp này giảm nguy cơ kích thích buồng trứng, giảm nguy cơ đa thai cho bệnh nhân”, PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan cho biết.

Mỗi năm trên thế giới là có khoảng 2 triệu trường hợp có nhu cầu thụ tinh trong ống nghiệm và có khoảng 3 triệu trường hợp thực hiện chuyển phôi. Tại Việt Nam, mỗi năm ước tính có khoảng 30.000 trường hợp thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm và 40.000 trường hợp thực hiện chuyển phôi. Vì vậy, công trình này giúp các cặp vợ chồng xác định kiểu chuyển phôi nào để tăng hiệu quả, giảm biến chứng, chi phí và thời gian điều trị.

Một đóng góp nữa của công trình là triển khai thành công kỹ thuật thủy tinh hóa trong thực hiện đông lạnh phôi, đây là một quy trình kỹ thuật khá mới mẻ nâng cao tỉ lệ sống của phôi sau rã đông, cao đến khoảng 99%. Bên cạnh đó, công trình đã xây dựng được đội ngũ thực hiện nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng một cách chuẩn mực, theo đúng chuẩn quốc tế.

PGS.TS Ngọc Lan (bìa trái) cùng các cộng sự trong nhóm nghiên cứu của mình. 

Đây cũng là một trong ba công trình nghiên cứu được trao tặng giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020. Với kết quả này, PGS. TS Vương Thị Ngọc Lan đã trở thành nhà khoa học nữ thứ hai và cũng là đại diện thứ hai của ngành y sinh được vinh danh trong giải thưởng sáng giá nhất của khoa học Việt Nam.

Ươm mầm hạnh phúc

Từ năm 2014, nhóm các bác sĩ tâm huyết như GS.Nguyễn Thị Ngọc Phượng, bác sĩ Hồ Mạnh Tường, bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan và một số bác sĩ của Bệnh viện Mỹ Đức đã sáng lập chương trình “Ươm mầm hạnh phúc” với mong muốn hỗ trợ những gia đình hiếm muộn tìm con không tắt hy vọng.

Theo đó, mỗi năm đã có từ 30-60 cặp vợ chồng có hoàn cảnh khó khăn được lựa chọn để thực hiện thụ tinh ống nghiệm hoàn toàn miễn phí. Đặc biệt, toàn bộ các ca thụ tinh ống nghiệm này đều được chính tay bác sĩ Lan đích thân thực hiện từ khâu chọc hút trứng, thụ tinh, trữ đông đến cấy phôi.

Trong gần 6 năm qua, đã có hàng trăm cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn được chọn và đã có hơn 90 em bé chào đời từ chương trình này. Với bác sĩ Ngọc Lan, điều này đồng nghĩa với việc càng nhiều mái nhà có thêm tiếng khóc cười trẻ thơ, niềm hạnh phúc vì thế cũng sẽ trọn vẹn hơn. “Đó cũng chính là động lực để chúng tôi tiếp tục thắp sáng hy vọng cho những người phụ nữ khát khao thiên chức làm mẹ…”, chị hạnh phúc chia sẻ.