PGS.TS Bùi Thị Nhung: Tỷ lệ trẻ em béo phì tăng cao, hệ lụy sức khỏe rất lớn

(VTC News) –

Trong chương trình tọa đàm với chủ đề “Dinh dưỡng học đường – Phương pháp sử dụng thức ăn nhanh an toàn” do Báo điện tử VTC News tổ chức, PGS.TS.BS Bùi Thị Nhung – Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng quốc gia đưa ra khuyến cáo về rủi ro sức khỏe khi tỷ lệ trẻ béo phì đang tăng nhanh. Bà cũng đưa ra lời khuyên bổ ích giúp các bậc phụ huynh sử dụng thức ăn nhanh an toàn, hợp lý, đủ dinh dưỡng.

PGS.TS Bùi Thị Nhung: Tỷ lệ trẻ em béo phì tăng cao, hệ lụy sức khỏe rất lớn - 1

PGS.TS.BS Bùi Thị Nhung – Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng quốc gia. (Ảnh: Khổng Chí)

Tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì tăng nhanh

Theo PGS.TS.BS Bùi Thị Nhung cho biết, hiện có xu hướng tăng rất nhanh tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em lứa tuổi học đường. Mới đây, Viện Dinh dưỡng Quốc gia thực hiện chương trình điều tra giai đoạn 2017-2018 ở 6 tỉnh thành gồm Hà Nội, Thái Nguyên, Nghệ An, TP.HCM và Sóc Trăng. Kết quả, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em tiểu học khu vực đô thị là 40,9%, trẻ độ tuổi trung học cơ sở là 31,2%. Thực tế cho thấy, ngày nay có em bé nặng tới 80-135kg, thậm chí trẻ trọng lượng lên tới 150kg.

So với những năm trước đây, tỷ lệ trẻ bị tăng cân nhiều hơn, nhưng tỷ lệ béo phì cũng nhiều hơn. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy không tốt cho sức khỏe.

Nguyên nhân của thừa cân, béo phì thường liên quan đến 4 nhóm yếu tố. Đó là sự mất cân bằng giữa năng lượng ăn vào và năng lượng tiêu hao, mất cân bằng giữa cơ cấu các bữa ăn trong ngày. Ví dụ, bữa sáng ăn qua loa, sử dụng các bữa ăn nhanh trên đường phố. Bữa trưa bận việc công sở, bữa tối thường sẽ là “đại tiệc” của cả nhà.

Trước khi đi ngủ cha mẹ thường cho trẻ uống sữa. Một nghiên cứu nói rằng, cho trẻ mầm non uống sữa trước khi đi ngủ thì cũng làm tăng dần nguy cơ thừa cân, béo phì.

Bác sĩ còn chỉ rõ hệ lụy từ việc bổ sung thức ăn vào các bữa không cần thiết. Thông thường, trong một nghiên cứu của chúng tôi về căng-tin trường học thấy rằng, bữa phụ thường chỉ chiếm từ 5-10% nhưng khi các em tan học thường sử dụng phần ăn từ 300-400kcal, tức bằng khoảng ⅓ số lượng bữa ăn trong ngày. Đây cũng là cách ăn thừa năng lượng, làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì. đồng thời giảm các hoạt động thể lực.

Một nguyên nhân nữa, việc sử dụng thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn, thức ăn có chỉ số đường huyết cao. Ví dụ như uống nhiều nước ngọt có chỉ số đường cao, không chỉ là cung cấp dư thừa năng lượng mà còn tăng nguy cơ thừa cân, béo phì. Phần thức ăn nhanh của trẻ cũng có thể chứa nhiều năng lượng.

Việc lựa chọn bữa ăn phụ vào buổi chiều cho trẻ cũng cần chú ý. Chúng ta có thể lựa chọn sữa, hoa quả khoảng 200 kcal, tương đương 10% nhu cầu. Nhưng nếu lựa chọn một bát xôi hay là một cái bánh bao thì có khoảng 400 kcal, tức là sẽ bằng ⅓ nhu cầu trong ngày. Nhưng phụ huynh thường sẽ thích cho con ăn với số lượng nhiều hơn.

Nhiều bậc cha mẹ hoặc ông bà có tâm lý thích trẻ bụ bẫm. Một nghiên cứu được thực hiện so sánh giữa Nhật Bản và Việt Nam cho thấy, một số bà mẹ Nhật Bản thì thích con gầy hơn một chút, nhưng các bà mẹ ở Việt Nam thì thích con bụ bẫm hơn.

Nhóm thực hiện một nghiên cứu trên 600 bà mẹ ở Hải Phòng, Hà Nội và TP.HCM có con ở độ tuổi tiểu học. Sau khi cân đo trẻ và hỏi các bà mẹ tự đánh giá về con của mình, tới 47% các bà mẹ con ở tình trạng bình thường đánh giá con mình bị suy dinh dưỡng. Trẻ thừa cân thì được mẹ đánh giá là bình thường. Tới 27% các em bị béo phì thì chỉ 2% bà mẹ nhận định đúng về tình trạng thực tế của con mình, còn lại thì những bà mẹ vẫn muốn con tăng cân nữa. Nhiều khi trẻ thừa cân nhưng ông bà, bố mẹ vẫn đang nghĩ là còi. Vì thế dù có ăn thực phẩm lành mạnh rồi nhưng nếu ăn quá nhiều thì vẫn làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì.

PGS.TS Bùi Thị Nhung: Tỷ lệ trẻ em béo phì tăng cao, hệ lụy sức khỏe rất lớn - 2

PGS.TS.BS Bùi Thị Nhung. (Ảnh: Khổng Chí)

Không cấm trẻ sử dụng đồ ăn nhanh

Nhiều bà mẹ muốn tìm giải pháp an toàn khi cho học sinh sử dụng thức ăn nhanh tại các vỉa hè, lề đường trước khi tới trường và sau mỗi giờ tan học, lời khuyên của PGS.TS.BS Bùi Thị Nhung là hãy thực hiện việc hướng dẫn kiến thức chuẩn về cách lựa chọn thực phẩm đúng đắn nhất cho trẻ. 

Trong mô hình điểm của đề án 41, bác sĩ Nhung và đồng nghiệp thực hiện mô hình bữa ăn học đường từ lý thuyết tới thực tiễn bằng việc hỗ trợ về cơ sở vật chất, chính sách, đào tạo nhân lực, thậm chí là hỗ trợ mức thu và nghiên cứu trên địa điểm đã ứng dụng thành công công tác bữa ăn học đường và giáo dục dinh dưỡng, là mô hình phối hợp giữa Viện dinh dưỡng và Bộ giáo dục và Đào tạo thực hiện trên 10 tình thành, 5 điểm trường mầm non và 5 điểm trường tiểu học trong năm học 2021 -2022. 

Trong đó, nhóm thực hiện phối hợp với phụ huynh học sinh, thực hiện giáo dục dinh dưỡng với học sinh tiểu học, mỗi tiết dạy khoảng từ 7-10 phút trong giờ sinh hoạt hàng tuần bằng việc hướng dẫn các con về các thức ăn không lành mạnh đối với sức khỏe.

Thực hiện thêm các hội thảo có sự tham gia của phụ huynh. Khi tham gia các hội thảo như vậy, các con có sự thay đổi, ăn rau tích cực hơn, ăn hết suất rau của mình. Trẻ tiểu học, định mức rau là từ 80-120g rau sống sạch cho bữa trưa, với trẻ mầm non thì định mức khoảng 80g, tức là bằng khoảng 1/2 nhu cầu trong ngày của trẻ mầm non.

Phụ huynh cũng cần hiểu và hướng tới việc giảm đi những nguy cơ khiến trẻ chọn những thực phẩm không lành mạnh. Kết quả sau khi thực hiện đã giúp làm giảm khoảng gần 3% tỉ lệ trẻ béo phì ở các trường áp dụng mô hình điểm này.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã trình lên Chính phủ đề án Sức khỏe học đường trong giai đoạn 2021-2025. Đề án này có nội dung về Dinh dưỡng học đường, Giáo dục dinh dưỡng, Căng-tin trường học và Giáo dục thể chất.

Với đề án Căng-tin trường học như mô hình ở Singapore, bán thức ăn nhanh nhưng lành mạnh. Nước là nước quả tươi, sữa là sữa không đường, sữa lành mạnh, hoa quả, các suất bún, miến, phở có đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng.

Các thực phẩm ăn nhanh nhóm khoai thì sẽ có khoai tây nghiền, món mì Ý thì sẽ có đầy đủ các thực phẩm kèm theo.

Chương trình Health Promotions ở Singapore đã thực hiện rất tốt mô hình thức ăn nhanh nhưng lại đáp ứng được nhu cầu của xã hội và đảm bảo được dinh dưỡng.

Khi phụ huynh chấp thuận thì chúng ta sẽ có được những căng-tin trường học, những quy định về thực phẩm và môi trường xung quanh trường học được bán những thực phẩm như thế nào để chúng ta có thể kiểm soát tốt thực phẩm cũng như đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ.

PGS.TS Bùi Thị Nhung: Tỷ lệ trẻ em béo phì tăng cao, hệ lụy sức khỏe rất lớn - 3

Không gian buổi tọa đàm. (Ảnh: Khổng Chí)

Tính toán khẩu phần ăn cho trẻ đúng

Theo PGS.TS.BS Bùi Thị Nhung, để hỗ trợ các bậc cha mẹ tính toán được nhu cầu thức ăn hàng ngày của trẻ phù hợp và đảm bảo dinh dưỡng hợp lý cho mỗi độ tuổi, Viện Dinh dưỡng cũng đã xây dựng được 6 tháp dinh dưỡng cho trẻ từ 3-5 tuổi, 6-11 tuổi, 12-14 tuổi, 15-19 tuổi, người trưởng thành, phụ nữ có thai và nuôi con bú.

Mỗi tháp thể hiện lượng thực phẩm ăn hàng ngày được minh họa cụ thể bằng các đơn vị ăn. Ví dụ, các con được ăn mấy bát cơm theo độ tuổi của mình, thịt gà thì ăn bao nhiêu miếng, thịt lợn ăn bao nhiêu miếng, được minh họa rõ bằng hình ảnh cụ thể. 

Ví dụ trẻ tiểu học thì ăn khoảng từ 4-6 đơn vị chất đạm, tương đương 1 quả trứng, hoặc 38g thịt nạc, 34g thịt bò, hoặc các con phải ăn từ 2-2,5 đơn vị rau, 3 đơn vị quả. Trẻ ở lứa tuổi Trung học cơ sở cũng vậy. Hiện nay, chúng tôi cũng đã xây dựng những giáo trình giáo dục dinh dưỡng dựa trên các tháp dinh dưỡng này để dạy cho các bạn học sinh từ tiểu học đến trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Đặc biệt là khối học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông, các con cần được hiểu rõ ăn thế nào là đúng, và ăn thế nào là đủ. Trong đó, tài liệu sẽ kèm theo các phần giới thiệu về các thực phẩm không lành mạnh thể hiện trong tháp, cụ thể là đường và muối.

Dự án kết hợp với UNICEF về thành phố xanh sạch đẹp thử nghiệm triển khai ở Đà Nẵng, triển khai chương trình giáo dục dinh dưỡng cho các trẻ em trung học cơ sở để các đơn vị ăn hàng ngày.

PGS.TS Bùi Thị Nhung: Tỷ lệ trẻ em béo phì tăng cao, hệ lụy sức khỏe rất lớn - 4

PGS.TS.BS Bùi Thị Nhung (Ảnh: Khổng Chí).

Bí quyết để phòng ngừa thừa cân, béo phì

Nghiên cứu cho thấy, trẻ em lứa tuổi học đường rất thích thức ăn nhanh, vì vậy theo PGS.TS.BS Bùi Thị Nhung, cha mẹ cần phải sớm thực hiện các giải pháp để trẻ đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng an toàn và hợp lý và đặc biệt giảm tình trạng béo phì và các bệnh liên quan.

Trong chương trình giáo dục dinh dưỡng ở trường cần hướng dẫn cho các con bài học là cách lựa chọn thông minh khi đi ăn ở ngoài. Khi sử dụng các phần ăn nhanh thì chúng ta sẽ chọn phần nhỏ hơn, chúng ta giảm các loại nước sốt, giảm muối cũng như một lượng chất béo. Chúng ta chọn những phần ăn có rau, có đa dạng hóa các loại thực phẩm.

Nếu phần ăn của trẻ quá lớn (nhiều) thì nên chia sẻ cho cha mẹ, bạn bè. Nên chọn các món ăn tương đối lành mạnh trong danh sách các món ăn nhanh.

“Thực tế, khi chúng tôi đối mặt với những trường hợp thừa cân, béo phì nặng thì chúng ta cần phải động viên, trong một thời gian ngắn thì nên ăn theo một định lượng năng lượng cụ thể ví dụ như ăn bằng khay, hạn chế ăn những thực phẩm dư thừa năng lượng”, nữ bác sĩ nói.

Sau đó, khi các con trở về trạng thái cân nặng bình thường thì chúng ta áp dụng việc hạn chế một cách tương đối. Cân bằng giữa việc ăn ở nhà và ăn ở trường, sao cho bữa ăn không được vượt quá nhu cầu khuyến nghị thì vẫn đáp ứng được.

Một thông điệp mà tôi muốn nhắc tới ở đây là chúng ta cần tạo cho các con một thói quen ăn uống lành mạnh ngay từ khi còn nhỏ.

Chương trình Bữa ăn học đường của Nhật Bản được đánh giá là một trong những chương trình thành công nhất trên thế giới bởi có Luật Dinh dưỡng học đường năm 1954 và luật Giáo dục dinh dưỡng năm 2005. Với một bữa ăn đa dạng ở trường, với một chương trình giáo dục dinh dưỡng được thiết kế bởi các chuyên gia dinh dưỡng thì các con đã có được những thói quen ăn uống lành mạnh. 

Khi các con có những thói quen ăn uống lành mạnh, sẽ mang thói quen đó áp dụng khi trở thành chủ nhân của gia đình, các quán ăn hoặc các công ty thực phẩm. Chúng ta biết rằng, người Nhật ăn rất đa dạng, mỗi loại thức ăn đều ăn số lượng ít nhưng có nhiều loại thực phẩm trong bữa ăn.

Một khái niệm mà chúng tôi đang nhắc đến là “đại dịch” thừa cân, béo phì. Trong tình hình hiện nay, chỉ trong khoảng 10 năm tới, với số lượng học sinh khoảng gần 20 triệu trẻ, tỉ lệ khoảng 40-50% thừa cân, béo phì ở trẻ em tiểu học khu vực đô thị cũng là nguy cơ lớn mà chúng ta cần phải có chương trình giáo dục dinh dưỡng, lựa chọn thông minh trong từng giai đoạn nhất định.

Trong thời kỳ phải kiểm soát cân nặng thì ăn uống sẽ khác, còn sau đó trong giai đoạn ổn định thì có thể thay đổi cơ cấu dinh dưỡng ở một vài bữa trong tuần.

Chương trình lựa chọn thực phẩm thông minh ở Úc cũng dạy cho trẻ em phương pháp đánh dấu tích vào màu xanh, màu đỏ, màu vàng cho những dạng thực phẩm cần ăn nhiều, thực phẩm cần hạn chế và những thực phẩm chỉ có thể ăn một vài lần trong năm. Kiến thức này được đưa vào chương trình giáo dục để các con dần dần có khái niệm về ăn uống tốt cho sức khỏe.

Thảo Linh

Bổ ích

Xúc động

Sáng tạo

Độc đáo

Phẫn nộ