‘Ông lớn’ Olam kết nối nông sản Việt ra thế giới
Thứ Bảy 09/11/2019 , 21:57 (GMT+7)
Tập đoàn kinh doanh nông sản và thực phẩm hàng đầu thế giới Olam, trụ sở tại Singapore chọn Việt Nam làm điểm trung chuyển kết nối xuất khẩu nông sản.
Chiến lược này được đưa ra trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung còn tiềm ẩn nhiều khó lường, ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới.
Trước đó, Olam đã tiến hành trồng thử nghiệm giống tiêu sạch bệnh theo công nghệ tưới tự động tại tỉnh Gia Lai. Dự kiến, vụ tiêu đầu tiên sẽ cho thu hoạch vào năm tới với sản lượng trung bình đạt khoảng 2.000 tấn mỗi năm đến năm 2024.
Sau khi thu hoạch, tiêu sẽ được vận chuyển đến nhà máy chế biến của chi nhánh Olam tại tỉnh Đồng Nai và sau đó đưa đi xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Một trang trại hồ tiêu thí điểm của Olam tại tỉnh Gia Lai
Hiện sản lượng hồ tiêu của Việt Nam chiếm khoảng 40% tổng sản lượng hồ tiêu toàn cầu và có tới 60% là hàng thương phẩm do đặc tính nổi trội của khí hậu tiểu vùng nên đây là mặt hàng nông sản chiến lược của Việt Nam.
Ngay từ năm 2004, Olam đã tiến hành thu mua hồ tiêu của Việt Nam để xuất khẩu và đến năm 2008 thì thiết lập nhà máy sơ chế -khử trùng và có cơ sở chế biến tiêu thành phẩm vào năm 2010.
Dự kiến, đến tháng 5/2020, Olam sẽ tiếp tục khởi công một nhà máy chế biến hồ tiêu có công suất gấp đôi hiện nay nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ xuất khẩu. Hiện Olam đang có hệ thống kinh doanh tại 67 quốc gia trên thế giới.
Theo nghiên cứu của Olam, hồ tiêu Việt Nam trung bình có năng suất từ 3,5 đến 5 tấn/ha, vượt xa Ấn Độ và Indonesia, chỉ đạt 0,5 đến 1,5 tấn/ha. Ngoài ra, các mặt hàng nông sản khác của Việt Nam như cà phê, điều và nhiều loại đặc sản khác cũng cho năng suất rất cao so với các nước khác.
Ông Amit Verma, trưởng đại diện Olam Việt Nam cho hay, do Việt Nam là thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, nên hầu hết các mặt hàng nông sản đều có thể xuất khẩu đi các nước trong khối với thuế suất bằng 0. Chính điều này đã khiến tập đoàn khổng lồ Thụy Sĩ là Nestle đã quyết định chọn Việt Nam xây dựng nhà máy chế biến cà phê hòa tan hồi tháng 6/2018.
Công nhân phân loại điều tại nhà máy của Olam tại tỉnh Đồng Nai
Trước đó, gã khổng lồ thực phẩm khác là CP của Thái Lan cũng mở rộng thêm các nhà máy chế biến thịt gà tại Việt Nam. Do ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung nên hiện Olam đang đẩy mạnh khai thác mở rộng mạng lưới sản xuất và chế biến xuất khẩu để thích ứng linh hoạt với thị trường.
Chỉ tính riêng tại Việt Nam, hiện Olam đã bao tiêu 22 vùng canh tác và chế biến nông sản hàng hóa, với mạng lưới nhân viên đạt khoảng 5.000 người, và dự kiến sẽ mở rộng thêm 30% vào năm 2021.
Ông Prakash Jhanwer, Chủ tịch Olam khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc đánh giá cao vị thế của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay và dự báo, nếu tiếp tục khai thác tốt thị trường đầy tiềm năng này thì giá trị cổ phiếu của tập đoàn sẽ tăng trưởng từ 15% đến 20% trong vòng 5 hoặc 6 năm tới.
Tính đến hết quý 2/2019, tập đoàn Olam đã đạt doanh thu về 15,9 tỷ đô la Singapore (11,7 tỷ USD), tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước. Hiện công ty này tập trung nguồn lực vào các loại gia vị và cây có hạt giàu năng lượng.
Để phát triển bền vững, Olam đang tiếp tục huấn luyện kỹ thuật miễn phí cho nông dân Việt Nam về cách trồng hồ tiêu chất lượng cao với chi phí thấp. Tuy nhiên không bắt ép họ phải bán sản phẩm cho công ty.