Ông Trần Ngọc Thiều – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Viễn thông ACT: Tinh thần người lính giúp chúng tôi đương đầu với thử thách

Ông Trần Ngọc Thiều – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Viễn thông ACT: Tinh thần người lính giúp chúng tôi đương đầu với thử thách

(CTG) Hơn 40 năm trong quân ngũ, tinh thần người lính dám đương đầu với khó khăn đã giúp người quân nhân ở tuổi xế chiều Trần Ngọc Thiều quyết tâm khởi nghiệp chỉ với suy nghĩ lao động để thấy mình còn giá trị. Hơn 5 năm qua, Công ty CP Viễn thông ACT do ông và một đồng nghiệp cũ ở Viettel (cũng là quân nhân) điều hành đã trở thành đối tác quan trọng của Viettel tại TP.HCM.

* Duyên cớ nào đưa một người lính như ông đến với ACT khi đã về hưu?

– Nghỉ hưu sau nhiều năm làm việc ở Viettel, tôi được một đồng nghiệp cũ cũng là quân nhân mời hợp tác kinh doanh. Ban đầu, ACT là công ty viễn thông nhỏ của gia đình cậu ấy. Thấy hoạt động của ACT phù hợp với chuyên môn và kinh nghiệm của mình nên tôi đồng ý cùng cậu ấy phát triển công ty.

2015 được xem là năm ACT tiến lên một bước trong chặng đường khởi nghiệp và tôi chính thức trở thành một trong hai người chủ doanh nghiệp này. Cũng trong thời điểm này, Viettel triển khai chính sách thuê ngoài (outsource) mảng viễn thông băng thông rộng để tập trung cho những lĩnh vực mới hơn. Với năng lực và kết quả lao động vượt trội so với các đối tác khác, ACT được Viettel tín nhiệm giao toàn bộ phần việc này. Sau một tháng chuẩn bị nhân sự, cơ sở vật chất, quy trình quản lý, chính sách cho người lao động… cuối tháng 4/2015, Viettel chuyển toàn bộ hạ tầng cố định tại TP.HCM và hơn 900 con người làm outsource cho chúng tôi quản lý. Thành công từ mảng viễn thông có dây, năm 2017, Viettel giao luôn phần viễn thông di động với 4.000 trạm tại TP.HCM và hơn 250 con người làm việc của bộ phận này cho ACT.

Việc nhân sự tăng một cách đột biến một mặt rất thuận lợi cho sự phát triển nhưng mặt khác cũng gây ra những khó khăn trong việc cơ cấu tổ chức bộ máy. Thế nhưng, nhờ kinh nghiệm nhiều năm làm việc trong lĩnh vực này, cả ở trong nước lẫn nước ngoài, chúng tôi đã vượt qua khó khăn và đưa ACT lên tầm cao mới. Từ hơn 400.000 thuê bao trong năm 2015, đến nay chúng tôi có gần 1,3 triệu thuê bao. Từ mức lương bình quân 6 triệu đồng/người/tháng ở thời điểm năm 2015 đã lên 15 triệu đồng/người/tháng như hiện nay. Ngoài đối tác lớn của Viettel, chúng tôi còn phát triển mảng đầu tư hạ tầng viễn thông cho thuê, xây dựng và bảo hành, bảo dưỡng các công trình viễn thông, kinh doanh các sản phẩm dịch vụ viễn thông.

Cùng với việc kinh doanh, chúng tôi đã xây dựng tổ chức Đảng tại ACT. Hiện chi bộ có gần 40 đảng viên và mỗi năm có thêm 6-7 người được kết nạp Đảng. Hiện chi bộ ACT đang dẫn đầu các chi bộ trong khối doanh nghiệp tư nhân của quận Tân Bình, TP.HCM, và là chi bộ điển hình của quận.

* Điều gì khiến ACT xây dựng được chi bộ lớn mạnh như vậy, thưa ông?

– Đa số cán bộ chủ chốt của ACT là bộ đội từ Viettel sang. Ban tổng giám đốc có bốn người thì ba người là đảng viên, quân hàm đại tá. Chúng tôi xác định việc xây dựng Đảng rất quan trọng đối với doanh nghiệp và là trách nhiệm của đảng viên. Lâu nay, nhiều người cho rằng tổ chức Đảng xung đột với quyền lợi công ty, nhưng không phải vậy. Các doanh nghiệp làm ăn chân chính đều xem trọng quyền lợi người lao động. Họ mong muốn mang đến cho người lao động một cuộc sống tốt đẹp, còn công ty thì phát triển bền vững và có trách nhiệm với xã hội. Đó cũng chính là mục tiêu của Đảng.


Có tổ chức Đảng trong doanh nghiệp là điều rất tốt cho chính doanh nghiệp đó. Đảng viên lãnh đạo công ty là những người tuân thủ điều lệ Đảng mà điều trước tiên họ phải thực hiện là làm việc theo đúng pháp luật. Không chỉ vậy, khi doanh nghiệp có tổ chức Đảng thì các tổ chức khác như Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ cũng phát triển. Điều này sẽ giúp cho việc giáo dục ý thức, trách nhiệm của người lao động tốt hơn. Tại ACT, nhờ có tổ chức Đảng lãnh đạo mà gần 1.000 con người ở đây làm việc rất có trách nhiệm.

Hiện tại, thu nhập của người lao động đã khá, nhưng chúng tôi đang cố gắng để tăng lên mức bình quân 18 triệu đồng/người/tháng, có thể là năm sau. Trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, làm được điều này không phải dễ nhưng tôi tin mỗi người cố gắng một chút thì sẽ đạt được mục tiêu đề ra.

* Với ban lãnh đạo có đến 3/4 là quân nhân và không ít quân nhân là người lao động, có thể xem ACT là công ty quân đội?

– Không chỉ có ban lãnh đạo mà rất nhiều người lao động, từ nhân viên cho đến quản lý công ty cũng xuất thân từ quân nhân. Hiện nay, có đến 1/9 trong số hơn 900 lao động đang làm việc ở ACT xuất thân là quân nhân. Họ là những người đã làm việc cho Viettel lúc trước và sau này, những bộ đội xuất ngũ có kiến thức về viễn thông chúng tôi đều tuyển dụng. Những bộ đội có tay nghề yếu nhưng có đạo đức tốt chúng tôi sẵn sàng tuyển dụng và cho đi đào tạo với sự hỗ trợ kinh phí một phần từ công ty.

Ở ACT, chúng tôi hoạt động và quản lý theo tinh thần của người lính. Mọi quy định được thực hiện rất nghiêm và điều này giúp mọi người cố gắng và làm việc với tinh thần cao nhất. Và dĩ nhiên, để có được sự cố gắng, đồng lòng của mọi người, công ty phải tạo môi trường làm việc tốt, thu nhập ổn định và ngày càng tốt lên.

Vào những ngày truyền thống như Ngày thành lập Quân đội Nhân dân (22/12) hay Ngày Thương binh – Liệt sỹ (27/7), công ty đều tổ chức sinh hoạt, họp mặt ôn lại những kỷ niệm, tưởng nhớ công lao của các anh hùng, liệt sỹ đã quên mình vì độc lập và thống nhất đất nước.

* Dịch Covid-19 đã và đang tác động đến nền kinh tế khi nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, thu hẹp sản xuất. ACT có thoát khỏi nỗi ám ảnh mang tên Covid-19?

– Khi nền kinh tế bị tác động thì doanh nghiệp dù ít dù nhiều cũng bị ảnh hưởng. Thu nhập của người dân ít đi thì họ phải tiêu dùng ít đi nhưng nhu cầu về viễn thông vẫn tăng.

Hiện tại, do thị trường bất động sản bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nên mảng đầu tư của ACT có phần giảm vì liên quan đến các công trình xây dựng. Vì thế, chúng tôi phải cố gắng hơn trong thời gian tới dù đang là một trong những công ty có thương hiệu trong ngành với hơn 40% thị phần của Viettel ở mảng viễn thông có dây.

* Người lính kinh doanh có khác nhiều với người lính trong quân ngũ không, thưa ông?

– Thời bình, trong khi phải chấp hành các quy định của quân đội, người lính được giao nhiệm vụ làm kinh tế phải tự túc vốn, phải đóng thuế. Người lính làm kinh tế phải vừa có trách nhiệm với Nhà nước vừa có trách nhiệm với quân đội.

Người ta nói, thương trường như chiến trường là rất đúng. Khi làm thuê, mình không phải lo gì nhưng khi làm chủ thì chỉ cần đưa ra một quyết định không chính xác là phải gánh chịu hậu quả ngay. Và cũng như những doanh nhân khác, cựu binh làm doanh nghiệp tư nhân như chúng tôi có rất nhiều nỗi lo. Cái lo đầu tiên là làm sao đảm bảo đời sống cho người lao động để họ gắn bó với ACT. Ngành viễn thông cần lao động có tay nghề cao. Một lao động có tay nghề phải mất ít nhất một năm đào tạo lại tại công ty sau 4 năm họ được đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng.

Nguồn lực là một trong những lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp và công ty muốn phát triển được, trước hết phải có con người giỏi. Làm sao để thu hút và giữ chân người tài là điều mà chúng tôi luôn trăn trở. Trong điều kiện kinh tế như hiện nay, đặc biệt là ở TP.HCM, người lao động có rất nhiều sự lựa chọn. Vì thế, nếu không có chính sách giữ người tốt, công ty sẽ rất khó khăn.

* Tinh thần người lính có giúp ích nhiều cho ông trong điều hành ACT?

– Rất nhiều. Tinh thần người lính giúp tôi bản lĩnh đương đầu với khó khăn. Thường những người kinh qua gian khổ, khó khăn, đa phần sống rất nhân văn, có trách nhiệm.

Khi nhận việc của Viettel, nhiều người cho rằng tôi sẽ “vỡ trận”, không làm được. Trong khi quy mô công ty chỉ hơn 20 người mà dám nhận một công việc quá lớn mà lại không có thời gian chuẩn bị. Thử tưởng tượng, chỉ trong vòng một ngày, chúng tôi tiếp nhận thêm hơn 900 nhân sự từ Viettel mà không có cán bộ. Vừa nhận người, vừa xây dựng bộ máy, vừa tổ chức điều hành… Bao nhiêu việc phải làm khiến nhiều người nghi ngờ về khả năng xoay trở của lãnh đạo ACT. Nhưng không khó khăn nào có thể cản bước những người lính chúng tôi. Khi bắt tay vào việc, chúng tôi nhanh chóng sàng lọc, sắp xếp cán bộ, tổ chức đào tạo, thống nhất các quy trình, quy định về phối hợp và điều hành trong nội bộ ACT với Viettel Hồ Chí Minh.

Trong thời gian ba tháng thử nghiệm, chúng tôi vừa xây dựng, thiết lập bộ máy, vừa thực hiện công việc theo hợp đồng outsource của Viettel và đã thành công.

Từ khi có chủ trương thuê ngoài mảng viễn thông, Viettel đã làm việc với nhiều doanh nghiệp nhưng không đơn vị nào dám nhận vì những yêu cầu của họ quá cao. Đó là trong ba tháng thử nghiệm phải cắt giảm 20% chi phí, chất lượng dịch vụ phải bằng với Viettel, thu nhập của người lao động phải tăng từ 6 triệu đồng lên 8 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ đáp ứng được tiêu chuẩn phía Viettel đặt ra, hiệu quả chúng tôi làm được còn vượt qua yêu cầu đó. Trong ba tháng thử nghiệm với lĩnh vực mới, chúng tôi đã tăng lương bình quân từ 6 triệu đồng lên 10 triệu đồng/người/tháng. Cùng với đó, chúng tôi đã phát triển chất lượng dịch vụ, mạng lưới không có sự khác biệt so với trước đó. Vậy là sau thời gian thử thách, chúng tôi chính thức trở thành đối tác quan trọng của Viettel ở TP.HCM.

* Tại sao ông không chọn cuộc sống an nhàn khi về hưu mà lại hướng đến con đường đầy khó khăn và lo lắng như vậy?

– Tôi chẳng thể giải thích được vì sao nhưng có lẽ đó là số phận. Phải nghĩ là mình có giá trị khi sống trên cõi đời này và giá trị ấy được chứng minh bằng lao động. Mình còn sức, mình có điều kiện mà không làm việc thì rất lãng phí.

Cái đáng quý nhất của một đời người là tuổi trẻ và thời gian. Những người trẻ không nghĩ quá nhiều về việc thời gian sẽ hết nhưng chúng tôi thì rất quan tâm. Có thể hôm nay mình thế này nhưng chưa biết ngày mai sẽ ra sao nên còn làm được gì thì cứ cố gắng làm. Làm việc giúp đầu óc mình minh mẫn hơn, giúp mình có thêm thu nhập cho gia đình, tạo công ăn việc làm cho nhiều người và có thể giúp ích cho xã hội.

Khi nghỉ hưu, tôi không nghĩ là mình sẽ kinh doanh, nhưng đã bắt tay vào việc thì bị nó cuốn lấy, không dứt ra được. Tôi nghĩ đây là cái duyên và cố gắng làm cho tốt. Trước đây mình đi làm chỉ để mang lại kinh tế cho gia đình nhưng giờ phải tính đến việc mang lại kinh tế cho nhiều người.

* Đó có phải là một cách ông “trả nợ” cho xã hội, cho đồng đội, đồng chí ngày trước?

– Trên những chiến trường ác liệt ngày xưa, nhiều đồng đội của tôi đã hy sinh. Hai người bạn thân thời trẻ, một người hy sinh ở chiến trường miền Trung, một hy sinh ở Biên Hòa trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. Chiến trường Campuchia những năm nước ta giúp bạn trừ họa diệt chủng rất ác liệt, số người nằm xuống không phải ít nên mình được sống đến hôm nay là cực kỳ may mắn.


Là quân nhân làm kinh tế, qua chiến tranh và sống được đến bây giờ, tôi thấy mình phải có trách nhiệm với đất nước, với nhân dân. Nghe có vẻ to tát nhưng thực sự là vậy. Công ty mới hoạt động được hơn 5 năm nên còn nhiều việc để làm. Tuy nhiên, trong khả năng của mình, chúng tôi cố gắng để tham gia các chương trình thiện nguyện, hoạt động cộng đồng, như giúp Quỹ Học bổng Vừ A Dính, giúp học sinh nghèo đến trường, tham gia tài trợ cho các chương trình vì Hoàng Sa, Trường Sa…

* Có thể hình dung ACT sẽ thế nào trong tương lai…

– Để công ty phát triển bền vững, mục tiêu của chúng tôi là phải xây dựng được lực lượng nhân viên, bộ máy lãnh đạo có trình độ, năng lực, đạo đức tốt. Các lĩnh vực ACT đang triển khai phải mở rộng hơn nữa. Và không chỉ phục vụ người tiêu dùng TP.HCM, chúng tôi sẽ phát triển dịch vụ ra các tỉnh lân cận.

* Cảm ơn ông và chúc ACT phát triển mạnh hơn nữa!

Theo DNSG