Ôn thi môn Sinh học tốt nghiệp: Kiến thức lớp 11, học sinh chớ chủ quan!

GDVN- Thầy giáo Trịnh Văn Đức, giáo viên Sinh học bậc Trung học phổ thông ở Đồng Nai đã chia sẻ một số kiến thức cần lưu ý khi ôn thi môn Sinh học.

LTS: Trong thời điểm các thí sinh đang ôn thi “nước rút” cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thầy giáo Trịnh Văn Đức, giáo viên Sinh học bậc Trung học phổ thông ở Đồng Nai đã chia sẻ một số kiến thức cần lưu ý ở môn Sinh học.

Hi vọng các em sẽ đạt kết quả cao trong kỳ thi sắp tới.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Cấu trúc đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông, kiến thức lớp 11 tập trung ở chương I, gồm Chuyển hóa vật chất và năng lượng ở thực vật, chuyển hóa vật chất và năng lượng ở động vật. Số lượng câu hỏi trong đề thi chính thường 4 câu. Mức độ câu hỏi ở dạng nhận biết và thông hiểu. Theo đánh giá chung, các câu hỏi ở kiến thức lớp 11 ở mức độ dễ.

Chính vì dễ nên nhiều học sinh chủ quan, xem thường không ôn tập đến nơi đến chốn, rồi để mất điểm đáng tiếc mà đáng lẽ ra, nếu cẩn thận một chút các em có thể dễ dàng dành điểm trọn vẹn ở phần này.

Ôn thi môn Sinh học tốt nghiệp: Kiến thức lớp 11, học sinh chớ chủ quan! ảnh 1

1. Như đã nói ở trên, các câu hỏi thuộc kiến thức lớp 11, chỉ dừng ở mức độ nhận biết và thông hiểu. Có điều, mức độ câu hỏi dễ không có nghĩa là chọn được đáp án đúng một cách dễ dàng.

Chúng ta cùng xem xét một câu hỏi trong đề thi minh họa năm 2022 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố vào cuối tháng 3. Câu 88 có nội dung như sau:

Trồng cây dưới ánh sáng nhân tạo (đèn neon, đèn sợi đốt) trong nhà có mái che, có thể đem lại tối đa bao nhiêu lợi ích trong sản xuất nông nghiệp?

I. Khắc phục được điều kiện bất lợi của thời tiết.

II. Giúp tăng năng suất cây trồng.

III. Hạn chế tác hại của sâu bệnh.

IV. Đảm bảo cung cấp rau, củ, quả tươi cho con người ngay cả khi vào mùa đông giá lạnh.

A. 1 B. 2 C. 4 D. 3

Đối với câu hỏi này, học sinh hiểu được như thế nào trồng cây dưới ánh sáng nhân tạo, từ đó suy ra được các lợi ích của phương pháp này. Theo đó, đáp án đúng cho câu hỏi này là C.

Tuy nhiên, nếu học sinh không học kĩ nội dung này, sẽ không thể hiểu được phương pháp trồng cây dưới ánh sáng nhân tạo là như thế nào. Hơn nữa, dù biết phương pháp trồng cây này đi chăng nữa, nếu học sinh không đọc kĩ các phát biểu (I, II, III, IV) thì cũng sẽ đưa ra đánh giá sai. Ví dụ, học sinh có thể hiểu trồng cây dưới ánh sáng nhân tạo chỉ nhằm tăng năng suất chứ không khắc phục được điều kiện bất lợi của thời tiết hay không hạn chế được tác hại của sâu bệnh.

Thông hiểu về kiến thức liên quan đến câu hỏi và đọc kĩ nội dung câu hỏi sẽ hạn chế sai lầm trong lựa chọn đáp án.

2. 4 câu hỏi thuộc chương I, thuộc 4 nội dung khác nhau. Và tất nhiên, đề chính thức không sao y nguyên đề minh họa, hoặc đề chính thức của năm nay sẽ khác so với đề năm ngoái. Mặc dù, cấu trúc đề thi không thay đổi nhưng nội dung câu hỏi có thể thay đổi. Do đó, đối với trắc nghiệm không nên học “tủ”, học “lệch”, và phần kiến thức lớp 11 cũng như vậy.

Người ôn thi phải ôn tập kĩ từng nội dung, đặc biệt là các nội dung trọng tâm, tức là phải nắm vững kiến thức phần này. Muốn vững chắc kiến thức phần này cần thực hiện những gợi ý như sau:

– Hệ thống lại kiến thức cơ bản bằng sơ đồ tư duy. Cần chú ý tìm hiểu lại những khái niệm, cấu trúc – chức năng hay quá trình nếu chưa hiểu rõ. Hơn nữa, đối với các nội dung dễ nhầm lẫn cần phân biệt một cách rõ ràng.

Ví dụ, cần phân biệt hấp thụ thụ động và hấp thụ chủ động ở lông hút, phân biệt dòng mạch gỗ và dòng mạch rây, phân biệt quá trình chuyển hóa nitơ ở trong đất với quá trình cố định nitơ, phân biệt quang hợp và hô hấp, phân biệt quang hợp ở thực vật C3, C4 và CAM.

Đối với chuyển hóa vật chất và năng lượng ở động vật, học sinh nên phân biệt tiêu hóa nội bào và tiêu hóa ngoại bào, tiêu hóa cơ học và tiêu hóa hóa học, phân biệt hệ tuần hoàn hở và hệ tuần hoàn kín, …

– Dành thời lượng phù hợp để ôn tập. Có thể ôn tập hàng ngày, cũng cần có kế hoạch ôn lại những nội dung đã ôn tập trước đó, nhằm củng cố kiến thức đã học. Ví dụ, các em có thể dành cuối tuần để ôn lại những kiến thức đã học đầu tuần. Tuy nhiên, ôn lại không có nghĩa là nhắc lại kiến thức một cách máy móc những gì đã học. Tốt nhất nên trình bày theo cách hiểu của mình, đồng thời làm các câu hỏi và bài tập trắc nghiệm hoặc có thể thêm cả tự luận.

– Sử dụng câu hỏi trắc nghiệm trong các đề thi chính thức hay minh họa, hoặc các đề thi thử,… để luyện tập. Đối với mỗi câu trắc nghiệm, không nên xem đáp án trước, mà phải tự mình lựa chọn đáp án dựa trên những lí giải của bản thân. Sau đó, rút ra được một vài bài học kinh nghiệm, để sau này, gặp câu hỏi tương tự sẽ dễ dàng chọn được đáp án chính xác.

3. Cũng cần nói thêm rằng, hiện nay nhiều học sinh vẫn học theo cách cũ, đó là học thuộc lòng một cách máy móc, thậm chí cố gắng “nuốt” từng câu từng chữ vì cho rằng môn Sinh học là môn học thuộc. Đây là cách học không hiệu quả.

Vấn đề mấu chốt nhất vẫn là học sinh nên hệ thống lại kiến thức cơ bản theo sơ đồ tư duy (một cách làm đã được thầy cô hướng dẫn trên lớp rất nhiều), kết hợp với sử dụng các câu hỏi trong đề thi để luyện tập, củng cố.

Tính thường xuyên, điều độ trong ôn tập cũng có vai trò rất quan trọng đối với khắc sâu kiến thức đã học vào trong não bộ của chúng ta. Vì vậy, các em nên có một lịch (thời khóa biểu) ôn tập phù hợp với bản thân để thực hiện một cách có hiệu quả cao.

Trịnh Đức