Ô nhiễm tiếng ồn có thể tạo gánh nặng bệnh tật cho xã hội

Kim Nhung

  –  

Thứ bảy, 22/10/2022 11:34 (GMT+7)

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tiếng ồn gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người chỉ sau bụi. Tại các đô thị lớn, tiếng ồn được ví như kẻ sát nhân giấu mặt bởi ít ai để ý đến tác hại của nó. Trước những tác động tiêu cực đến sức khoẻ và thính lực con người, ô nhiễm tiếng ồn chính là vấn đề cấp bách cần được đặc biệt quan tâm.

Gây tổn hại sức khoẻ và thính lực con người

Có rất nhiều định nghĩa khác nhau về tiếng ồn nhưng hiểu đơn giản, tiếng ồn chính là những âm thanh không mong muốn hay là tập hợp các âm thanh không có trật tự với cường độ, tần số khác nhau, gây yếu tố bất lợi và ảnh hưởng tới sinh hoạt, cuộc sống con người. 

Theo bác sĩ Hoàng Thị Phương – Trung tâm Thính học và Tiền đình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, nếu tiếp xúc với tiếng ồn trong thời gian dài sẽ gây căng thẳng, rối loạn giấc ngủ, dẫn đến một số trạng thái tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống.

Thính lực của người nghe cũng sẽ bị suy giảm, gây ra những tổn thương vĩnh viễn và không thể phục hồi.

“Với những người thường xuyên tiếp xúc với tiếng ồn trong thời gian dài, nhất là tiếng ồn có cường độ trên 85 dB sẽ gây tổn thương cho thính giác. Đó là tổn thương về thần kinh và cơ học.

Cụ thể qua nghiên cứu, người tiếp xúc thường xuyên với tiếng ồn sẽ bị giảm độ nhạy cảm đối với âm thanh và tăng ngưỡng nghe. 

Trong cơ quan giữ chuẩn âm thanh có một bộ phận quan trọng là ốc tai. Một người bình thường sẽ có khoảng 16 nghìn tế bào lông làm nhiệm vụ thu nhận âm thanh.

Khi tiếp xúc với tiếng ồn lớn trong thời gian dài, những tế bào lông sẽ bị tổn thương hoặc mất đi vĩnh viễn. Chính vì những lý do này, về lâu về dài sẽ gây lên độ trơ về mặt cơ học và thần kinh, gây suy giảm thính lực” – bác sĩ Hoàng Thị Phương cho biết.

Cũng theo bác sĩ Phương, tiếng ồn không để lại hậu quả về môi trường nhưng lại tác động trực tiếp đến con người và để lại hậu quả lâu dài, tạo gánh nặng bệnh tật cho xã hội. Chính vì vậy, tiếng ồn là một vấn đề y tế cộng đồng cần được đặc biệt quan tâm. 

Ảnh: Người dân cung cấpTại những tòa chung cư hiện đại, ô nhiễm tiếng ồn đang trở thành vấn đề nóng được dư luận hết sức quan tâm. Ảnh: Người dân cung cấp

Cần có giải pháp chủ động bảo vệ thính lực 

Trước những tác động tiêu cực mà ô nhiễm tiếng ồn đem lại, vị bác sĩ đại diện Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khuyến cáo, mỗi người nên nên có những giải pháp chủ động nhằm ngăn ngừa nguy cơ giảm thính lực. 

Cụ thể, nên điều chỉnh âm lượng nhỏ dưới 85 dB khi sử dụng các thiết bị nghe cá nhân. Trong những môi trường ồn ào như nhà máy, xí nghiệp, sàn nhảy,… nên sử dụng các thiết bị bảo vệ tai để làm giảm âm lượng.

Không nên nghe âm lượng lớn trong thời gian dài, càng tránh xa nguồn âm thanh ồn ào càng tốt. Cùng với đó, mỗi người nên đi kiểm tra thính lực định kì 6 tháng/lần tại các chuyên khoa tai mũi họng để phát hiện kịp thời và xử trí các dấu hiệu nghe kém sớm nhất.

“Tuỳ vào môi trường làm việc cụ thể sẽ có những mức độ nghe cho phép. Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế thế giới, ngưỡng nghe an toàn và cao nhất có thể nghe trong môi trường làm việc là không quá 85 dB và trong thời gian tối đa 8 tiếng. 

Hiện nay, trên điện thoại thông minh cũng đã có các phần mềm cho phép đo cường độ âm thanh trong cuộc sống. Người dùng nên sử dụng một cách chủ động khi tiếp xúc với môi trường ồn” – bác sĩ Phương chia sẻ.