Ô nhiễm môi trường và những ảnh hưởng của nó đến con người
>> Quan trắc môi trường lao động
>> Kiểm nghiệm thực phẩm
Môi trường là bao gồm tất cả các yếu tố tự nhiên và vật chất nhân tạo tồn tại xung quanh chúng ta. Nó có ảnh hưởng đến đời sống, sự tồn tại và phát triển của con người cũng như sinh vật sống khác.
Ô nhiễm môi trường để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng và ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Chúng là nguyên nhân chính gây ra các bệnh hiểm nghèo, thiên tai (bão, lũ lụt, hạn hán…), và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học, sự cân bằng của hệ sinh thái, biến đổi khí hậu, suy giảm, cạn kiệt nguồn tài nguyên…. Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường còn gây thiệt hại cho mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến kinh tế và sự phát triển của đất nước.
1. Ô nhiễm môi trường là gì?
Ô nhiễm môi trường là hiện tượng môi trường bị biến đổi. Kéo theo đó, các yếu tố có tính chất vật lý, sinh học, hoá học của môi trường bị thay đổi. Sự thay đổi này còn ảnh hưởng đến sức khoẻ con người cũng như các sinh vật khác.
2. Có các dạng ô nhiễm môi trường
Ô nhiễm môi trường nước
Khi môi trường nước sẽ xuất hiện các chất, hợp chất lạ ở dạng lỏng hoặc rắn. Sự biến đổi này khiến nguồn nước trở thành chất độc hại đối với con người và động vật. Không những vậy, nó còn làm giảm sự đa dạng sinh học trong môi trường. Trong tất cả các dạng ô nhiễm, ô nhiễm nước được đánh giá là có tốc độ lan truyền và quy mô ảnh hưởng đến sự sống lớn nhất.
Ô nhiễm môi trường đất
Môi trường đất là nơi cư ngụ của con người và nhiều giống động vật. Với nhịp độ gia tăng dân số và sự phát triển của đô thị hóa khiến diện tích đất ngày càng bị thu hẹp, thậm chí là suy thoái.
Ô nhiễm không khí
Ô nhiễm không khí là sự thay đổi lớn trong thành phần của không khí do khói, bụi, hơi trong không khí. Việc này sẽ gây ra biến đổi khí hậu, các bệnh về đường hô hấp, gây hại cho động vật và môi trường tự nhiên.
3. Một số nguyên nhân chính dẫn đến việc gây ô nhiễm môi trường
Do chặt phá rừng:
Rừng là lá phổi xanh, lọc bụi bẩn, hấp thu CO2 và đưa ra O2 cho con người. Tuy nhiên, vì mưu sinh mà con người tàn phá cây rừng và săn bắt động vật rừng bừa bãi. Dẫn đến việc rừng mất, đất trống, mưa xuống nước kéo theo vô số tầng lớp mặt đất cuốn về chỗ trũng. Đất xói mòn dần mất chất, còn những con sông ngập tràn rác và tàn dư trôi từ núi rừng.
Rừng mất không khí nóng lên và thường xuyên xảy ra các vụ cháy rừng, người ta cho rằng phải đốt tầng lớp mặt là cây cỏ và lá cây đi thì việc cháy rừng sẽ không xảy ra. Nhưng chỉ giải quyết được tầng nổi của tảng băng chìm, đốt tầng mặt đồng nghĩa với việc vi sinh vật bề mặt phân hủy lá cây, vi sinh vật phân hủy xác động thực vật bị tiêu diệt, cây cối lớn bị cháy xém, động vật sống trên mặt đất bị ảnh hưởng (hoặc chết hoặc phải di chuyển đi nơi khác) cây mọc trên đất chết hoặc sẽ chết hoặc sẽ còi cọc khẳng khiu, cốt lõi của việc này chỉ là bớt chặt cây, trồng thêm cây và đừng vào rừng săn bắt thú nữa, thú ăn và thải ra chất nuôi vi sinh đất và nuôi cây.
Nước thải không được xử lý
Cuộc sống ngày càng phát triển, con người có nhu cầu ăn ngon hơn, mặc đẹp hơn kéo theo việc sử dụng các hóa chất công nghiệp trong cuộc sống hằng ngày như: xà bông tắm gội, giặt giũ, lau sàn, nước tẩy rửa, những hóa chất công nghiệp này vô tình giết chết hàng loạt vi sinh vật có lợi trong nước giúp phân hủy chất hữu cơ. Nước này trôi ra sông suối kênh rạch mà không được xử lý, nước chết làm cả con sông con suối chết. Thiết nghĩ mỗi gia đình đều có hệ thống xử lý nước thải thì sẽ có cơ hội cứu lấy những con sông, cứu lấy nguồn nước.
Do các chất bảo vệ thực vật
Do dư thừa lưu lượng thuốc trừ sâu, phân bón hoá học do người dân sử dụng trong quá trình canh tác, sản xuất nông nghiệp. Các chất thải này sẽ ngấm dần vào đất vào nguồn nước ngầm dưới lòng đất, ao hồ… Điều này không những khiến ô nhiễm đất mà còn ô nhiễm nước ngầm. Thậm chí, đây còn là nguyên nhân chính gây nên hiện tượng “thuỷ triều đỏ” trên biển…
Do chất thải rắn được tạo ra trong quá trình sinh hoạt
Nguồn gốc chất thải rắn có thể đến từ sinh hoạt của người dân, từ khu chế xuất hay cơ sở y tế. Các chất thải này không được xử lý đúng quy trình trước khi thải ra môi trường. Việc này gây ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước, ô nhiễm nước ngầm, ô nhiễm đất. Đồng thời còn gây ảnh hưởng trầm trọng đến hệ sinh thái.
Ý tưởng nhỏ: thay vì đến nơi tập kết rác sinh hoạt mới dùng máy móc phân loại thì ngay tại nhà hãy quy định hãy thành văn bản luật bắt buộc người dân phải phân loại rác. Nhưng hãy cho người dân công cụ để phân loại như: Thùng rác 3 ngăn: ngăn 1: để rác thải sinh hoạt, có quạt khô và ép khối, ngăn 2 để rác vô cơ có thể đốt đc và ngăn 3 là ngăn to nhất để rác tái chế như: giấy, chai nhựa, lon bia… và đặc biệt phải hướng dẫn người dân bỏ riêng các mảnh thủy tinh vỡ, pin và bóng đèn vào 1 nơi riêng vì đây là rác thải nguy hại. Bạn nghĩ đi 1 gia đình vất pin thải vào thùng rác và 1 thành phố người dân làm việc đó thì chúng ta đang hủy hoại môi trường một cách nhanh chóng.
Rác phân loại rồi sẽ đi đâu, hãy làm thùng rác 3 ngăn cho những người gom rác, và rác vô cơ sẽ được thiết kế lò đốt tiêu chuẩn như ở Singapore, rác hữu cơ sẽ được bán cho các nhà máy phân vi sinh để họ xử lý, rác tái chế thì tốt rồi cũng xoay được vòng đời sử dụng. Bài toàn làm từ vi mô sẽ vô cùng hiệu quả ở tầm vĩ mô, mà rất rất cần chính sách văn bản pháp luật, sự tuyên truyền thôn xóm báo đài, thậm chí SMS hằng ngày cho người dân và tổ dân phố đi từng nhà yêu cầu ký cam kết phân loại rác thải. Tôi tin rằng toàn dân đồng lòng thì cả xã hội sẽ ngăn được mùi rác thải từ Đa Phước hay chật kín chỗ chôn rác sinh hoạt. Hãy dành quỹ đất đấy để làm công viên cho các con trẻ vui đùa, chúng ta cần cây cần thiên nhiên, chúng ta cần hít thở không khí trong lành thay vì mua máy lọc nước hay máy lọc khí tốn kém đắt tiền mà chỉ mình ta dùng được.
Ô nhiễm do khí thải
Có thể nói đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí. Tình trạng này thường xảy ra tại các thành phố lớn có mật độ dân cư và phương tiện giao thông đông đúc…
Bạn có bao giờ nhìn lên bầu trời với nhiều đường vằn vện, liệu tất cả các máy bay đều không thải ra bất kỳ chất gì trên bầu trời hay những vệt khói trắng mà cả ngày mới tan hết đó là khí gì, nó sẽ đi đâu và về đâu, liệu các thành phố lớn có còn là nơi an cư lạc nghiệp khi sức khỏe con người đang nhiều mối lo ngại?
Chất thải từ nhà máy, khu công nghiệp
Theo đó, các nhà máy, xí nghiệp thải các chất thải môi trường chưa qua quá trình xử lý. Bên cạnh đó, các nhà máy sử dụng các nhiên liệu hoá thạch làm chất đốt trong quá trình sản xuất đã tạo các khí CO2, CO, N0, SO2… Các khí thải này cũng gây ô nhiễm không khí trầm trọng, thậm chí là gây nên hiệu ứng nhà kính.
Thường bài toán doanh thu doanh nghiệp sẽ không tiếc tiền để đầu tư ví như marketing cả tiền tỷ để có doanh thu doanh nghiệp nào cũng sẵn lòng, nhưng bỏ tiền tỷ ra làm hệ thống xử lý khí thải/ nước thải thì rất nhiều doanh nghiệp căn ke và chọn bài toán đối phó, nếu luật pháp không thắt chặt, cán bộ nhà nước sống công tâm vì môi trường xanh, doanh nghiệp không có ý thức xã hội, cộng đồng vẫn dung chứa cho các hành vi xả thải thì chúng ta phải chấp nhận việc sống trên bãi rác và hít thở không khí không trong lành vì mọi thứ đều luân hồi cả, tất cả đều về Đất và Nước.
4. Những hậu quả nghiêm trọng của ô nhiễm môi trường
Ô nhiễm không khí
Ô nhiễm không khí là nguyên nhân chính gây ra các bệnh về đường hệ hô hấp. Ngoài ra, bụi mịn là yếu tố gây ô nhiễm nguy hiểm nhất vì nó tồn tại khá lâu trong không khí và phát tán rất xa. Do kích thước khá nhỏ, nếu xâm nhập sâu vào phổi, máu sẽ gây nên các bệnh hô hấp, vô sinh…
Ô nhiễm không khí có thể làm tăng nguy cơ mắc các rối loạn nhịp tim, thậm chí dẫn đến đau tim ở người cao tuổi, phụ nữ mang thai, người đang mang bệnh, trẻ em dưới 15 tuổi…
Bên cạnh đó, sóng nhiệt hay tiếng ồn cũng gây những thương tích đối với tai mà còn gây đau đầu, stress, dễ bị căng thẳng thần kinh…
Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu khiến cho nhiệt độ tăng giảm bất thường có chiều hướng gia tăng. Điều này khiến gây ra các bệnh như đột quỵ nhiệt thậm chí là tử vong.
Ảnh hưởng của ô nhiễm nước
Khi con người ăn/ uống phải nước ô nhiễm hoặc thực vật, động vật được nuôi trồng trong môi trường ô nhiễm hoặc tiếp xúc trực tiếp với môi trường nước bị ô nhiễm thì rất dễ mắc các bệnh như tiêu chảy, dịch tả, thương hàn, viêm gan, viêm não, bệnh do muỗi truyền, thiếu máu…
Những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với hệ sinh thái
Mối đe dọa chính và tác động trực tiếp đối với hệ sinh thái chính là ô nhiễm không khí. Ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây ra mưa axit, mưa đá, biến đổi khí hậu, trái đất nóng lên, hiệu ứng nhà kính… gây mất cân bằng và suy thoái các cấu trúc loài.
5. Các biện pháp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường
Trồng nhiều cây xanh
Hạn chế sử dụng túi nilong và các sản phẩm từ nhựa
Tiết kiệm điện
Tận dụng ánh sáng mặt trời
Sử dụng các sản phẩm tái chế
Áp dụng khoa học hiện đại vào đời sống
Vì bản thân bạn và thế hệ tương lai hãy cân nhắc trước khi mua sắm và hãy cùng chung tay để bài toán phân loại rác được thành hiện thực sớm cho VN ta.