Ở nhà mùa dịch: “Cày” những bộ phim có cảnh quay tuyệt đẹp dành cho người mê du lịch – Sài Gòn Tiếp Thị

(SGTTO) – Những tín đồ du lịch trong khi ở nhà mùa dịch Covid-19 có thể tham khảo các bộ phim dưới đây, với những cảnh quay từ hoành tráng đến lãng mạn ở nhiều địa điểm nổi tiếng trên thế giới.

Bạn sẽ thích thú khi được du lịch qua màn ảnh nhỏ, có cơ hội khám khá hậu trường các bộ phim.

Khu rừng cổ tích (2014)

Bộ phim nhạc kịch tưởng tượng Khu rừng cổ tích (Into the woods) năm 2014 được viết từ vở nhạc kịch cùng tên từng đoạt giải Tony của James Lapine và Stephen Sondheim. Tuy Khu rừng cổ tích được quay chủ yếu tại xưởng phim ở Surrey, Anh nhưng cũng có nhiều cảnh quay ngoài trời.

Cảnh khu rừng chủ yếu quay tại Công viên Windsor Great. Còn cảnh ngôi làng ở Vương quốc Anh, nơi bắt đầu tất cả các câu chuyện cổ tích, là Hambleden ở Buckinghamshire. Nơi này đẹp như tranh vẽ với một CV (phim trường của nhiều bộ phim)cho nhiều bộ phim: Chitty Chitty Bang Bang (1968), Thế giới phù thủy (1990), Kỵ sĩ không đầu (1999), HBO’s band of brothers (2001), Bảo mẫu PhcPhee quay trở về (2010) và Good Omens (2019).

Cô bé lọ lem (do Anna Kendrick thủ vai) sống ở Byfleet Manor, West Byfleet, cũng là nơi đã được sử dụng làm địa điểm quay cảnh nhà của nữ bá tước Grantham (do diễn viên Maggie Smith đóng) trong bộ phim Tu viện Dftimeon, và đã kết hôn trong Lâu đài Dover. Cảnh cô nàng Rapunzel với mái tóc dài thần kỳ (do MacKkenzie Mauzy đóng) bị giam cầm được quay ở Tu viện Waverley, gần Farnham. Tu viện đổ nát từ thế kỷ 13 này cũng xuất hiện trong Siêu cớm (2007) và 28 ngày sau (2002).

John Carter (2012)

Bộ phim khoa học viễn tưởng này kể lại cuộc hành trình đến các hành tinh đầu tiên của nhân vật John Carter. Mặc dù có doanh thu kém tại các phòng vé của Mỹ nhưng đây là một bộ phim phiêu lưu khá vui nhộn, với một số địa điểm quay đẹp trên thế giới.

Trong phim, khán giả sẽ có một chuyến viếng thăm nhanh đến hạt Surrey ở Đông Nam nước Anh. Rồi Ham House – ngôi nhà lịch sử nằm cách sông Thames phía Nam thành phố Richmond, Luân Đôn, 200m. Và rồi, khán giả lại được chiêm ngưỡng những sa mạc ma quái ở phía Nam Utah, Mỹ.

Cảnh sa mạc đầu tiên mà Carter xuất hiện là khu hoang mạc phía Tây, gần Hanksville – thị trấn nhỏ ở hạt Wayne, Utah. Trong khi những vách đá đỏ khổng lồ nằm ở Big Water – thị trấn thuộc quận Kane, Utah, một trong những khu vực cuối cùng được lập bản đồ ở lục địa Hoa Kỳ.

Còn những cảnh quay Carter trên sông River Iss, được thực hiện tại hồ Lake Powell, một hồ chứa khổng lồ được sử dụng trong cảnh mở màn của phim Hành tinh Khỉ (Planet of the Apes – 1968).

Các địa danh khác được sử dụng bao gồm các khối đá sa thạch của tháp Fisher gần Moab, và Shiprock ở New Mexico. Khối đá núi lửa lởm chởm có hình dáng đặc biệt này cũng đã được sử dụng làm bối cảnh trong các bộ phim như My Darling Clementine (1946), Natural Born Killers (1994).

Cướp biển vùng Caribbean (2003 – 2011)

Loạt phim giả tưởng về những tên cướp biển đem lại cho người xem không chỉ những cảnh hài hước, những pha hành động kịch tính mà còn có một số cảnh quan tuyệt đẹp.

Tập đầu tiên trong loạt phim, Lời nguyền của tàu Ngọc trai đen (2003), cảnh đi thuyền được quay từ St Vincent ở Grenadines, Bắc Mỹ, còn cảng hoàng gia được xây dựng tại vịnh Wallilabou. Trong khi đó, hòn đảo sa mạc nơi thuyền trưởng Jack Sparrow (do Johnny Depp thủ vai) và Elizabeth Swann (do Keira Knightley thủ vai) bị bỏ rơi là Petit Tabac, ở phía Nam của đảo.

Với tập 2 Chiếc rương tử thần (2006), chúng ta lại đến với vùng đất nằm cách đất nước Dominica vài hải lý về phía Bắc, bao gồm hẻm núi Titou trong Công viên quốc gia Morne Trois Pitons nơi giam cầm Will Turner (do Orlando Bloom đóng).

Đối với sự trở lại của phần 4 Suối nguồn tươi trẻ (2011), chuyến đi tới Luân Đôn được quay tại Đại học Hải quân Greenwich. Pha hành động thì được quay ở Hawaii, trong vườn Allerton nằm trên bờ phía Nam của đất nước Kauai. Nơi này cũng được sử dụng làm phim trường trong phim Công viên kỷ Jura.

Biên niên sử Narnia: Sư tử, phù thủy và cái tủ áo (2005)

Đây là phần đầu trong loạt phim The Chronicles of Narnia (Biên niên sử Narnia) được chuyển thể từ tác phẩm kinh điển giả tưởng của tiểu thuyết gia C. S. Lewis.

Biên niên sử Narnia kể về chuyến phiêu lưu của 4 anh em nhà Pevensive tại thế giới tưởng tượng Narnia trong cuộc chiến chống lại mụ phù thủy tuyết. Các cảnh trong phim chủ yếu được quay tại New Zealand và Đông Âu. Có một vài phân đoạn quay tại Anh, đó là khi những đứa trẻ Pevensie đi tàu nơi thung lũng Severn, ở Shropshire và Worrouershire, Anh. Nhưng ngôi nhà của giáo sư Kirke, nơi bọn trẻ đến sơ tán thì lại ở gần Auckland, New Zealand.

Trong phim cũng có cảnh quay tại Pah Homestead, một ngôi nhà lịch sử nằm ở ngoại ô Hillsborough thuộc Auckland, New Zealand. Ngôi nhà được dựng bằng công nghệ mô phỏng hình ảnh bằng máy tính (CGI). Cảnh này cũng đã từng được sử dụng trong phim Gió qua rặng liễu (The Wind In The Willows – 1996) và phim kinh dị The Witchfinder General (1968).

Các địa điểm quay phim khác của bộ phim tại New Zealand chủ yếu ở Đảo Nam: Trại của Aslan (con sư tử lớn tạo ra Narnia) gần Duntroon; trận chiến cuối cùng là ở phía Bắc thành phố Christchurch, vịnh Purakaunui.

Đối với những cảnh mùa đông, nhà sản xuất chuyển qua Cộng hòa Séc, đầu tiên là Công viên Quốc gia Adrsšpach ở biên giới Ba Lan, sau đó về phía Tây đến tòa tháp bằng sa thạch của Tiské Stěeny, nhìn ra ngôi làng Tisa, nơi quay cảnh Lucy đi đến nhà thần Tumnus.

Thanh Thảo

Theo Cntraveller