Nuôi dưỡng bình an chữa lành bằng tâm linh
GN – Thượng tọa Thích Minh Quang, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó Chánh Văn phòng I Trung ương GHPGVN, người có nhiều hoạt động gắn với giới trẻ trong các khóa tu tập thu hút hàng ngàn người, nói về giá trị của nuôi dưỡng bình an…
* Thưa Thượng tọa, tại sao việc giữ và nuôi dưỡng tâm bình an lại là điều cần thiết trong cuộc sống, đặc biệt trước những nghịch cảnh lớn của xã hội như dịch Covid-19?
– Trong kinh Pháp cú, Đức Phật có dạy: Tâm làm chủ, chỉ đạo, dẫn dắt hành động và lời nói của chúng ta. Còn trong kinh Hoa nghiêm dạy rằng: Nhất thiết do tâm tạo. Tất cả đều để nhắc nhở mỗi chúng ta phải luôn luôn biết nuôi dưỡng tâm bình an bằng cách nhìn lại bản thân để tu tập, không để 6 căn bản phiền não (tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến) chi phối.
Trong cuộc sống, ai cũng mong cầu sự bình an cho mình, người thân và cho cộng đồng xã hội. Và để đạt được sự mong cầu ấy, mỗi chúng ta phải luôn nuôi dưỡng tâm bình an, nhất là khi đối diện với những nghịch cảnh của xã hội như thiên tai (bão lũ, động đất, sóng thần…), dịch bệnh, nhân họa (những tai họa do con người có thể là vô tình, hữu ý, hoặc do vô minh, lòng tham gây nên tai họa cho chính mình và những người xung quanh).
Nhưng nếu hiểu được triết lý vô thường, triết lý duyên sinh thì chúng ta cũng có thể sẵn sàng đối mặt với thiên tai, dịch bệnh, nhân họa của cuộc đời này.
Với dịch Covid-19 cũng vậy. Đây có thể coi là đại dịch chưa từng có đối với loài người, và cả thế giới đang gồng mình để chống chọi với dịch bệnh. Chúng ta không làm chủ được những thiên tai dịch bệnh đến với con người, nhưng ta hoàn toàn có thể bình tĩnh, không hoang mang thái quá, nhìn lại bản thân, khởi tâm từ bi đối với thực trạng của xã hội, cố gắng tạo những nghiệp thiện lành, nương theo chư Phật và Bồ-tát mà phát khởi hạnh nguyện tu tập để cùng chung tay vượt qua đại dịch.
Để có được niềm hỷ lạc trong cuộc sống, đặc biệt là niềm an vui, hạnh phúc ở nơi tâm, chúng ta cần dùng tuệ giác để nhìn nhận một cách thấu đáo về bản thân cuộc đời và thế giới này. Khi đã nhìn nhận thấu đáo rồi, ta sẽ không còn quá nhiều những tham chấp, ganh ghét đố kỵ hận thù. Đó chính là cách tốt nhất để ta chăm sóc cho tâm hồn của chúng ta.
* Trong cuộc sống mỗi con người chúng ta đều được kết hợp bởi thân và tâm. Thân này được kết hợp bởi ngũ uẩn: sắc, thụ, tưởng, hành, thức. Hàng ngày chúng ta ăn uống để duy trì thân thể khỏe mạnh, cường tráng. Vậy làm thế nào để chăm sóc cho tâm hồn, thưa Thượng tọa?
– Bản thân cuộc đời và thế giới là vô thường, là khổ, là vô ngã. Con người chúng ta bị chi phối bởi sinh già bệnh chết. Cuộc đời này chịu sự chi phối của sinh trụ dị diệt. Thế giới này chịu sự chi phối của thành trụ hoại không. Bằng tuệ giác, chúng ta giác ngộ được về bản thân, cuộc đời và thế giới như vậy, thì chắc chắn ta sẽ không bị những căn bản phiền não như tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến, hay các cảnh trần như sắc, thanh, hương, vị, xúc pháp lôi kéo, chi phối, dẫn dắt chúng ta.
Để có được niềm hỷ lạc trong cuộc sống, đặc biệt là niềm an vui, hạnh phúc ở nơi tâm, chúng ta cần dùng tuệ giác để nhìn nhận một cách thấu đáo về bản thân cuộc đời và thế giới này. Khi đã nhìn nhận thấu đáo rồi, ta sẽ không còn quá nhiều những tham chấp, ganh ghét đố kỵ hận thù. Đó chính là cách tốt nhất để ta chăm sóc cho tâm hồn của chúng ta.
Khi tâm ta an thì chắc chắn thân cũng sẽ an. Thân khỏe thì tâm cũng an. Đó là sự tương hỗ lẫn nhau giữa thân và tâm. Hay nói theo cách của ngài Thần Tú, thì:
“Thân là cây bồ-đề
Tâm là đài gương sáng
Thường thường cần quét dọn
Cho bụi trần không bám”.
* Đức Phật có nói tới bốn loại thức ăn là: Đoàn thực (thức ăn đưa vào đường miệng), Xúc thực (những gì ta tiêu thụ bằng năm giác quan còn lại là mắt, tai, mũi, thân và ý), Tư niệm thực (nuôi dưỡng bằng những mong ước và hoài bão sâu sắc nhất của mỗi chúng ta) và Thức thực (là những ảnh hưởng của tâm thức cộng đồng và của môi trường trong đó ta đang sống trên tâm thức của ta). Thức thực là loại thức ăn cao cấp, mang lại nhiều năng lượng nhất cho con người. Vậy suy nghĩ của Thượng tọa về vai trò, giá trị của thức thực – hay nói cách khác là niềm tin và sự thực tập, chữa lành bằng tâm linh trong đời sống hiện nay?
– Tất cả sự hiện hữu trên thế gian này chỉ là do nhân duyên giả hợp, do vọng thức phân biệt nên nó vô thường, biến đổi, không tồn tại mãi mãi. Khi ta nhận thức được một cách chân chính như vậy, ta không còn quá tham đắm vào cái thân này, vào những thứ quanh ta, mà hướng về nội tâm để tu tập, tìm đến sự an vui, giải thoát, giác ngộ.
Vậy nên Đức Phật nói “Duy tuệ thị nghiệp” (lấy trí tuệ làm sự nghiệp) là cách nhắc nhở chúng ta phải luôn luôn sống tỉnh thức, biết sử dụng tuệ giác, trí tuệ vô lậu để nhìn nhận bản thân, cuộc đời và thế giới. Cũng bởi thế nên trong Bát Chính đạo thì Chính kiến cũng được đặt lên hàng đầu.
Sự nhận thức của ta sai lệch sẽ có suy nghĩ sai lệch. Suy nghĩ sai lệch sẽ có lời nói và hành động sai lệch. Vậy nên có thể nói, thức thực là thức ăn cao cấp, mang lại nhiều năng lượng tinh khiết, năng lượng sạch, tích cực cho bản thân và những người xung quanh.
Ngài Đường Huyền Trang trong “Bát thức quy củ tụng” có dạy rằng: “Độc thân phát ngữ độc vi tối, dẫn mãn năng chiêu nghiệp lực khiên”. Khi chúng ta bước chân đi, mở miệng nói là chịu sự chi phối của tâm thức. Tâm thức chi phối lời nói, hành động của ta, dẫn đến tình trạng ta phải chịu những nghiệp như dẫn nghiệp, mãn nghiệp.
Khi ta có những ý nghĩ sai lệch, theo chiều hướng xấu thì những điều kiện, vấn đề, những tâm sở bất thiện sẽ kéo theo nhận thức của ta, như: tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến, phẫn hận, phũ lão, tật san, cuống xiểm, hại kiêu…
Ngược lại, nếu tâm thức của ta biết nhận thức chân chính, có tư duy chân chính, thì lập tức những tâm sở thiện, thiện pháp sẽ kéo theo như tín, tàm, quý, vô tham, vô sân, vô si, tinh tiến, khinh an, bất phóng dật, hành xả, bất hại.
Nói theo duy thức học, do mạt-na thức – thức thứ 7 luôn bị những căn bản phiền não chi phối. Nên cứ động nghĩ, nói, làm là dễ theo xu hướng xấu ác. Chính vì vậy, nếu ta có được tư lương là thức thực tốt thì sẽ dẫn dắt cho ta đi trên những con đường chính, vơi đi được tất cả những nỗi khổ niềm đau, đạt tới sự an vui và giải thoát.
* Lời khuyên của Thượng tọa với các Phật tử về những phương pháp thực hành cụ thể trong việc chăm sóc thân tâm tốt nhất trong mùa dịch?
– Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh thế này, mỗi người Phật tử chúng ta cần phát huy tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm. Với bản thân, thực hành nói lời hay làm việc tốt giữ tâm thiện, cố gắng bình tĩnh, làm tốt các quy định về phòng chống dịch của các cơ quan chức năng và khuyến cáo của Bộ Y tế về 5K. Người Phật tử cần luôn tâm niệm rằng: Ta làm tốt phòng chống dịch cũng chính là giữ cho chính ta, cho người thân của ta và cộng đồng xã hội.
Đây cũng sẽ là một khoảng thời gian ý nghĩa để chúng ta sống chậm lại để suy ngẫm về bản thân, cuộc đời, thế giới, cũng như về thời gian tới ta nên làm gì, tránh những điều gì, siêng năng làm những việc phúc thiện.
Mỗi chúng ta ai cũng có nghiệp. Muốn giải nghiệp không có cách nào khác chúng ta phải làm hai việc, đó là tu tập và sám hối. Đây là lời dạy của vua Trần Thái Tông trong Khóa hư lục. Ngài dạy mỗi chúng ta sớm tối đều phải tu tập, sám hối. Có làm như vậy, nghiệp của kiếp trước, nghiệp của đời này mới nhẹ bớt, hết đi được. Còn nếu chúng ta không tu tập sám hối thì nghiệp vẫn cứ chất chồng mà thôi.