Nuôi Trùn Quế Mang Lại Nhiều Lợi Ích Kép Cho Người Nông Dân

Trùn quế là một món ăn bổ dưỡng cho gia súc và gia cầm rất được ưa chuộng hiện nay. Đối với cây trồng thì nó cung cấp rất nhiều chất dinh dưỡng cho sự sinh trưởng và phát triển. Không những vậy, trùn quế còn có rất nhiều lợi ích đối với con người và môi trường. Nuôi trùn quế đang là một mô hình tạo ra nhiều lợi nhuận cho nhà nông. Cùng Defarm tìm hiểu về đặc điểm, lợi ích và cách nuôi trùn quế như thế nào nhé!

1. Trùn Quế Là Gì?

Trùn quế (hay còn gọi giun quế) là nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng cung cấp cho hoạt động chăn nuôi và trồng trọt. Sử dụng trùn quế làm thức ăn nhằm bổ sung thành phần dinh dưỡng trong khẩu phần ăn của gia súc, gia cầm.

Nuôi giun quế là hình thức chuyển đổi từ phân chuồng, các phụ phẩm nông nghiệp thành phân hữu cơ dinh dưỡng cho cây trồng, vật nuôi. Đồng thời nó còn đóng góp nhiều lợi ích cho xã hội. Tuy nhiên do thiếu kiến thức, kinh nghiệm nên mô hình nuôi trùn quế vẫn chưa được phổ biến rộng rãi và khai thác đúng tiềm năng của nó.

Trùn Quế Là Gì

>>> Xem Thêm: Cải Tạo Đất Nhiễm Phèn Và Bí Quyết Xây Dựng Farmstay Của Người Dân Miền Tây

2. Những Lợi Ích Của Mô Hình Nuôi Trùn Quế 

2.1. Làm Thức Ăn Cho Động Vật

Trùn quế là thức ăn ưa thích bổ sung rất nhiều dinh dưỡng cho các loại gia súc và gia cầm. Trùn quế có chứa tới 70% là protein ở dạng thô, một lượng protein rất lớn tương đương với thịt cá. Ngoài ra, trong trùn quế cũng có rất nhiều các loại acid amin khác nhau. Một điểm đặc biệt nữa của trùn quế đó là nó có yếu tố kích thích sự sinh trưởng tự nhiên của gia súc, gia cầm. Đây là một nguồn thức ăn sạch và vô cùng bổ dưỡng.

Trùn quế với nhiều cách bảo quản có thể lưu trữ lâu dài và tốt hơn những loại thức ăn khác. Theo nghiên cứu của các chuyên gia Mỹ thì trùn quế là hình thức cung cấp số lượng lớn thức ăn cho động vật với chi phí thấp hơn các loại thức ăn khác. Bên cạnh đó, nguồn dinh dưỡng dồi dào của trùn quế giúp tăng năng suất và chất lượng thành phẩm gia súc, gia cầm. Nuôi trùn quế rất có lợi cho chăn nuôi.

Làm Thức Ăn Cho Động Vật Nuôi

2.2. Cung Cấp Bón Hữu Cơ Cho Cây Trồng

Không chỉ làm thức ăn cho động vật mà trùn quế còn được dùng để tạo ra phân hữu cơ bón cho cây. Trong phân trùn quế có rất nhiều hỗn hợp vi sinh tan trong nước và chứa nhiều mùn. Dịch trùn quế là sản phẩm của quá trình thủy phân các hợp chất dinh dưỡng cao trong trùn quế thành dưỡng chất cây trồng có thể hấp thu. Dịch trùn quế là dịch đạm sinh học hữu hiệu. Cách làm dịch trùn quế cũng khá đơn giản nên có thể tự làm tại nhà.

Thành phần dinh dưỡng trong dịch trùn quế chủ yếu là các acid amin – amino acid, khoáng chất (đa lượng, trung và vi lượng), các vi sinh vật hữu hiệu, hormone tăng trưởng, các peptide,… giúp cây hấp thụ tốt. Phân trùn quế khi được bón xuống đất còn có thể cải tạo đất trồng, tăng cường khả năng giữ nước. Đây là yếu tố quan trọng tăng năng suất và chất lượng cây trồng. Các vi sinh vật có trong phân trùn quế kiểm soát các loại sâu bọ có hại. Hiện nay phân trùn quế được sử dụng bón cho cây trồng đang nảy mầm, kích thích sự mọc rễ và cung cấp dinh dưỡng cho cây.

Phân Bón Hữu Cơ Dinh Dưỡng Cho Cây Trồng

>>> Xem Thêm: Đất Nhiễm Mặn – Nỗi Khó Khăn Trong Canh Tác Nông Nghiệp

2.3. Làm Thuốc Chữa Bệnh

Trùn quế cũng được sử dụng làm một số loại thuốc. Không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới cũng có rất nhiều nước sử dụng trùn quế làm thuốc chữa các bệnh lý liên quan tới huyết áp, tim mạch hoặc là khớp. Thuốc từ trùn quế giúp cơ thể tăng cường tuần hoàn máu, điều hòa nhiệt độ và ổn định huyết áp. Thuốc trùn quế khắc phục tình trạng chán ăn, lười ăn, còi xương, kém ngủ, suy nhược cơ thể của trẻ nhỏ.

Đối với phụ nữ thì thuốc trùn quế làm giảm tác động co bóp của tử cung sau sinh, giãn nở khí quản hoặc điều trị hen suyễn. Ngoài ra còn có thuốc điều trị xơ vữa động mạch hoặc tai biến mạch máu não. Thuốc làm từ trùn quế hiện nay ở Việt Nam vẫn còn khá ít. Do hiện tại chưa có nguồn trùn quế dồi dào để sản xuất. Chủ yếu trùn quế được sử dụng làm thức ăn gia súc, gia cầm. Hy vọng với những tiềm năng như vậy thì mô hình trùn quế sẽ được nhân rộng hơn nữa.

Làm Thuốc Chữa Bệnh

2.4. Làm Nguyên Liệu Để Chế Biến Món Ăn

Trùn quế cũng được làm thành món ăn. Bạn thấy như thế nào? Nhiều quốc gia trên thế giới đã chế biến trùn quế thành các món ăn. Ở Đài Loan có khoảng 200 món ăn, các nước châu Âu ăn trùn quế với trứng ốp la cho bữa sáng. Tại sao họ lại thích ăn trùn quế? Bởi vì lượng protein, đạm và các chất dinh dưỡng như vitamin B1, B2, A, C, E rất cao. Nó thậm chí còn cao hơn thịt cá. Hiện đã bắt đầu xuất hiện nhiều thực phẩm đóng hộp được làm từ trùn quế. Tương lai chúng không chỉ là thức ăn phổ biến của động vật mà còn của con người nữa. Điều này cũng có thể hiểu được vì nó mang lại quá là nhiều lợi ích.

2.5. Bảo Vệ Môi Trường

Trùn quế là một giải pháp rất hay để xử lý phế thải. Trung bình thì 1 tấn trùn quế giải quyết được tới hàng chục tấn rác thải thuộc loại hữu cơ chỉ trong vòng 3 tháng. Rất nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng phương pháp này xử lý phế thải, làm sạch và bảo vệ môi trường. Trong quá trình xử lý, phế thải sẽ trở thành phân bón hữu cơ. Môi trường và các vùng sinh thái cũng được bảo đảm. Nuôi trùn quế theo hộ gia đình có nhiều lợi ích như là xử lý rác, phế thải hoặc nước thải. Có thể tận dụng trùn quế để tạo phân bón cho vườn nhà mình.

Có Lợi Đối Với Môi Trường

>>> Xem Thêm: Tìm Hiểu Đất Bạc Màu – Nỗi Lo Của Người Làm Nông Nghiệp

3. Quy Trình Nuôi Trùn Quế Đạt Năng Suất Cao

3.1. Chọn Trùn Quế Giống 

Có hai loại trùn quế giống:

  • Trùn sinh khối: Có lẫn cả trùn bố, mẹ, trùn con, trứng kén và môi trường mà trùn đang sống. Trong đó trùn giống chiếm số lượng chỉ từ khoảng 3 – 5%.
  • Trùn tinh: Tỉ lệ trùn trên 80%. Không nên chọn trùn thương phẩm 100% dùng làm giống. Trùn tinh dễ bị tổn thương trong quá trình bắt, thả và khả năng thích nghi kém. Giá thành trùn tinh cũng khá là đắt.

Cần tránh các loại rau củ quả có tinh dầu sả, rau thơm, gừng hoặc bạch đàn,… Khi sử dụng rác thải hữu cơ hay phế phẩm cần chú ý.

3.2. Thời Điểm Cho Trùn Quế Ăn 

Ngay sau khi thả giống: Cho trùn tinh ăn sau 6 giờ thả. Với trùn sinh khối thì nên cho ăn sau 2 ngày thả. Những lần cho ăn tiếp theo chỉ cho giun ăn khi bề mặt luống không còn thức ăn cũ. Ước tính số lượng trùn quế, từ đó đưa ra liều lượng cho ăn phù hợp. Nếu khối lượng trùn tinh là 2kg/m2 thì 1 ngày phải cho ăn từ 1,5 – 2kg thức ăn.

Thức ăn của giun là phân tươi như phân trâu, bò, lợn, dê,… Ngoài ra còn có rác hữu cơ đã hoai mục, được ủ với các phương pháp nêu trên. Trộn lẫn chúng lại với nhau và ngâm vào bể có tưới nước sạch trong 1 – 2 ngày. Đến khi nào nó thành dạng lỏng sền sệt, rồi mới múc vào cho giun ăn là tốt nhất. Khi cho ăn phải gỡ tấm phủ. Thức ăn nên được rải trên mặt luống thành vệt dài hoặc từng đám mỏng cách đều nhau. Khi nhiệt độ trong luống tăng cao hoặc trong thức ăn có chất gây sốc thì trùn có khoảng trống để chui lên thở. Sau khi cho ăn xong thì đừng quên đậy tấm phủ lại và tưới ẩm.

Lượng thức ăn bón trên bề mặt luống nuôi trùn quế được đưa ra cụ thể và tùy từng mùa khác nhau:

  • Vào mùa hè thì cứ 2 – 3 ngày nên cho giun ăn 1 lần. Lượng thức ăn bón trên bề mặt luống dày từ khoảng 2 – 3cm là được.
  • Vào mùa đông thì lượng thức ăn nên cho nhiều hơn. Độ dày khoảng 5cm, bón phủ đầy luống giun. Thời gian cho ăn từ 3 – 4 ngày/lần.

Thời Điểm Cho Trùn Quế Ăn

3.3. Thu Hoạch 

Thời gian có thể thu hoạch trùn quế thường là sau 2 – 3 tháng. Nó còn phụ thuộc vào mật độ thả, điều kiện nhiệt độ duy trì được cho trùn. Đối với luống mới thì thời điểm thu hoạch tối thiểu 16 ngày. Luống cũ thì từ 30 ngày nuôi. Kích cỡ giun phải đạt tiêu chuẩn từ 10 – 15cm.

Thu hoạch theo mục đích sử dụng:

  • Thu hoạch làm thức ăn cho vật nuôi: Từ 30 – 60 ngày, chu kỳ từ khoảng 2 – 3 tuần.
  • Thu hoạch phân: Từ 2 – 3 tháng nuôi, chu kỳ khoảng từ 1 – 1,5 tháng.
  • Thu hoạch để chế biến thành thức ăn cho con người, chu kỳ từ 1 – 1,5 tháng.

Có nhiều cách thu hoạch trùn quế. Sử dụng phương pháp nhặt tay nếu số lượng ít. Còn với số lượng nhiều thì dùng mồi nhử hoặc đe dọa bằng tiếng động hay cho chúng ra ánh sáng. Sau khi cho trùn ăn được 3 ngày thì dùng tay hốt phần trên bề mặt luống. Trùn sẽ tập trung tại nơi có thức ăn.

Trải tấm bạt ra sân giữa trời nắng nóng rồi đổ hỗn hợp này lên bạt. Tiếp theo là gạt bỏ phân giun bên trên ra lần lượt. Trùn sợ nắng nên sẽ chui xuống phía dưới. Nếu trời rét thì ta dùng đèn cao áp rọi xuống tấm bạt hỗn hợp trùn. Lớp phân trùn quế bên trên sau khi thu hoạch nên bỏ lại chuồng nuôi. Sinh khối này chứa nhiều ấu trùng, trùn được nhân luống rất nhanh.

Thu Hoạch Trùn Quế

3.4. Nhân Giống Trùn Quế

Nếu giống trùn thả ban đầu là giống thuần thì thời gian ban đầu luống sẽ chưa có ấu trùng. Trùn chưa thích nghi ngay được với nơi ở mới. Sau 2 tháng thì nơi nuôi trùn được nhân đầy với lượng trùn nhân đôi. Lúc này ta có thể tách trùn để nhân giống tiếp hoặc cho gia súc, gia cầm ăn.

Cách nhân luống: Bổ sung thức ăn liên tục trên bề mặt luống. Trùn trưởng thành sẽ tập trung lên trên bề mặt luống, ta gạt lấy phần trên mặt khoảng 15cm bỏ vào luống mới. Luống cũ thì tiếp tục cho ăn đến khi đầy sinh khối. Luống mới thả giống phải sau 2 tháng ta mới thu hoạch được.

Nhân Giống Trùn Quế

>>> Xem Thêm: Độ Phì Nhiêu Của Đất – Yếu Tố Quan Trọng Giúp Cây Trồng Phát Triển

3.5. Những Lưu Ý Trong Xử Lý Một Số Bệnh Thường Gặp Của Trùn Quế 

3.5.1. Một Số Điều Cần Lưu Ý Trong Phòng Bệnh

  • Hàng ngày theo dõi nơi nuôi giun, tiêu diệt kiến hay các loại bọ.
  • Che chắn hoặc bao lưới xung quanh để tránh động vật khác ăn giun.
  • Chú ý đến các loại thuốc trừ sâu, hóa chất như xà phòng, nước rửa chén,… rất độc hại đối với giun.
  • Tránh các điều kiện sống bất lợi như: Nhiệt độ, độ ẩm, độ pH, không khí, tiếng ồn. Điều kiện không tốt sẽ làm cho giun chết hoặc bò đi ra khỏi chuồng nuôi.
  • Nguồn nước dùng để tưới cho giun sạch sẽ, không bị ô nhiễm, pH trung tính.
  • Nếu thay đổi thức ăn hay thử nghiệm loại thức ăn mới thì chỉ nên thử nghiệm ở diện tích nhỏ, tránh việc giun chết hàng loạt.

3.5.2. Một Số Bệnh Thường Gặp Và Cách Xử Lý

  • Bệnh no hơi: Bệnh này do trùn ăn phải những loại thức ăn quá giàu chất đạm có trong phân bò sữa, lợn,… Phân trùn có mùi chua. Sau khi cho ăn sẽ thấy trùn nổi lên trên mặt luống, trương dài. Sau đó cơ thể trùn chuyển sang màu tím bầm và chết. Khi phát hiện bệnh thì nên hốt hết phân cho ăn ngay lập tức và tưới nước lên luống.
  • Bệnh trúng khí độc: Đáy chất nền bị thối rữa trong thời gian dài gây thiếu O2, trùn chui hết lên bề mặt. Lúc này nên ngừng cho ăn ngay, dùng cuốc đào mặt luống để tạo độ tơi xốp và thông thoáng cho giun.

Chuồng Nuôi Trùn Quế

4. Những Mô Hình Nuôi Trùn Quế Thành Công

4.1. Mô Hình Của Ông Lê Hồng Công Ở Quảng Ngãi

Ông Lê Hồng Công, 60 tuổi ở tỉnh Quảng Ngãi luôn nghiên cứu, học hỏi về kỹ thuật để sản xuất các sản phẩm phát triển nông nghiệp. Ông triển khai mô hình sản xuất phân hữu cơ trùn quế, trùn quế giống và trùn quế tinh đạt hiệu quả cao. Nó đem lại nguồn thu nhập khá và giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Trên diện tích gần 700m² đất, ông đầu tư xây dựng 3 trại giun, mỗi trại trên 200m² và 1 kho đựng phân hữu cơ để đóng gói xuất bán. Không cần mất nhiều thời gian và công sức để tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm trùn quế, phân trùn quế, trùn quế giống.

Nuôi Trùn Quế

4.2. Công Ty Trùn Quế An Phú Ở Hồ Chí Minh 

Ông Nguyễn Văn Lý là chủ nhân của gần 400m2 chuồng trại kiên cố kết hợp nuôi trùn quế với gà đồi. Với giá thị trường từ khoảng 150 – 200 nghìn đồng/kg trùn thương phẩm, nuôi trùn quế được xem là một mô hình sản xuất dễ làm. Vốn đầu tư cần bỏ ra ít mà hiệu quả kinh tế lại cao. Kết hợp với nuôi trùn, ông Lý đầu tư xây chuồng trại nuôi gà đồi. Tận dụng phân trùn trộn với cám gà, vừa tiết kiệm chi phí, vừa giúp gà phát triển nhanh, rút ngắn thời gian xuất chuồng. Trùn và phân trùn có chứa nhiều chất đạm và chất kháng khuẩn. Gà đồi cho ăn trùn quế sạch giun sán và ít bệnh tật. Mô hình nuôi gà kết hợp với trùn quế như của ông Lý được xem là hình thức sản xuất nông sản sạch được các địa phương học hỏi kinh nghiệm.

Nuôi Trùn Quế Và Gà Đồi

4.3. Công Ty Cổ Phần Trang Trại Sạch Ở Tiền Giang

Đây là mô hình khởi nghiệp của anh Nguyễn Công Vinh ở tỉnh Tiền Giang. Bên cạnh việc xây chuồng nuôi trùn quế để bán con giống, con thịt, bán phân, anh Vinh trồng vườn dừa xiêm, dừa dứa để tận dụng phân trùn bón cho cây. Dưới mương anh nuôi các loại cá: Diêu hồng, cá bống tượng, lấy trùn quế làm thức ăn cho chúng. Đối với con trùn quế thịt thì anh cung ứng cho các cơ sở nuôi thủy sản, gia cầm. Ngoài ra còn có chế biến thức ăn gia súc, gia cầm, chế biến dược liệu. Trùn quế giống bán cho các hộ nuôi nhân giống. Phân trùn quế dùng để bón cho cây trồng theo tiêu chuẩn GAP. Phân trùn quế đầu ra rất nhiều, nhất là phục vụ cho các dự án nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Cuối năm 2017, anh Vinh và các cộng sự của mình đã thành lập Công ty cổ phần trang trại sạch. Công ty chuyên sản xuất kinh doanh trùn quế và các sản phẩm từ trùn quế.

Khởi Nghiệp Làm Giàu Từ Trùn Quế

>>> Xem Thêm: Tìm Hiểu Các Cách Cải Tạo Đất Hay Và Hiệu Quả

5. Cách Nuôi Trùn Quế Tại Nhà

Việc nuôi trùn quế tại nhà đòi hỏi bạn cần có thời gian chăm sóc cho nó qua nhiều công đoạn. Không phải tự nhiên mà phân trùn quế lại đắt đúng không nào. Việc nuôi trùn quế tại nhà sẽ giúp bạn có nguồn phân chất lượng và chủ động cho việc chăm bón cây trồng. Ngoài ra còn tiết kiệm một khoản kha khá so với việc mua phân ngoài. Nhiều hộ gia đình biết được lợi ích của trùn quế nên nuôi trùn quế để xử lý rác, phế thải hoặc nước thải. Thậm chí tận dụng được trùn quế để tạo phân bón cho vườn nhà mình.

5.1. Chuẩn Bị Nguyên Liệu

Nuôi trùn quế tại nhà mình dùng thùng xốp hoặc xô, chậu để nuôi. Nếu nuôi trùn trong thùng xốp, bạn cần đục 1 – 2 lỗ thoát nước phía dưới thùng, tránh ứ đọng nước. Khi đó chỉ cần đổ trùn vào trong thùng và dùng nắp đậy lại. Trên mặt nắp thùng để các lỗ thông cung cấp không khí cho trùn. Chuẩn bị thêm khay hoặc chậu nhựa để chứa dịch. Một số phần không thể thiếu trong quá trình chuẩn bị đó là trùn quế giống và đất ẩm. Trùn quế giống có thể mua tại các cửa hàng bán nguyên liệu câu cá. Thức ăn cho trùn quế là hỗn hợp rau rác hữu cơ gia đình dùng thường ngày như nước gạo, vỏ giá đỗ, cơm canh còn thừa, vỏ trái cây,…

Cách Nuôi Trùn Quế Tại Nhà

5.2. Cách Làm Phân Trùn Quế

Cần thực hiện theo nguyên tắc: Một lớp đất, một lớp rác hữu cơ. Nếu như có phân trùn thì càng tốt, hãy cho một ít phân vào chung bởi trong đó thường có trứng trùn. Sau đó thì bỏ thêm một số chất có chứa cacbon và cho trùn vào. Hoàn tất quá trình thì cần phải che đậy lại để giữ độ ẩm. Cung cấp thức ăn thường xuyên cho trùn.

Trong quá trình nuôi cần cung cấp nước, che đậy cẩn thận để tạo môi trường cho trùn quế phát triển. Cuối cùng sau một tháng mình sẽ có thành quả phân trùn quế. Nếu thành công, phân trùn quế của bạn sẽ có màu nâu, khá tơi xốp, có nhiều trùn con và không có mùi.

Phân Trùn Quế

>>> Xem Thêm: Thiên Địch – Sinh Vật Tiêu Diệt Sâu Hại Hiệu Quả Và Bảo Vệ Môi Trường Trong Farmstay

6. Vòng Tuần Hoàn Phát Triển Nông Nghiệp Sạch Với Trùn Quế Trong Farmstay

Đối với mô hình farmstay, trùn quế là một giải pháp hiệu quả cung cấp nguồn phân bón sạch cho cây trồng trong farm. Các rác thải hữu cơ cũng được sử dụng quay vòng một cách triệt để. Vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa tạo ra nhiều lợi ích. Trong quá trình xử lý phế thải, những chất hữu cơ sẽ được trùn quế chuyển hóa thành phân bón hữu cơ dinh dưỡng tốt cho cây trồng. Môi trường và các vùng sinh thái trong quần thể farmstay cũng đảm bảo được khả năng phát triển của mình.

Đối tác phát triển của Defarm, Quang Minh Farm đã ứng dụng thành công mô hình nuôi trùn quế. Mô hình này đã mang lại rất nhiều lợi ích cho trang trại. Vòng thức ăn khép kín từ mô hình nuôi trùn quế tạo ra sự hiệu quả trong quá trình sản xuất, môi trường sạch sẽ, tạo điều kiện phát triển mô hình farmstay.

Nuôi trùn quế đang là một mô hình mang lại nhiều lợi nhuận cho người nông dân. Với rất nhiều lợi ích mang lại, mô hình này đang được nhân rộng và phổ biến hơn ở Việt Nam. Hy vọng rằng những thông tin của Defarm hữu ích cho mọi người hiểu về những tác dụng của trùn quế. 

4.7/5 – (11 bình chọn)