Núi Đôi – Vẻ đẹp độc đáo nơi cổng trời Quản Bạ

Biên phòng – Cách thành phố Hà Giang khoảng chừng 45km, vượt qua dốc Pắc Sum, theo Quốc lộ 4C ngoằn ngoèo, khúc khuỷu, lúc trèo lên, khi tụt xuống theo những sườn núi đá tai mèo xám xịt, với một bên vách đá cao vút và một bên vực sâu thăm thẳm, bỗng hiện ra một cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp. Đó là “Núm Riến” – Núi đôi, vú cô Tiên (mọi người thường gọi là Núi đôi Quản Bạ) thuộc thôn Nà Khoang, thị trấn Tam Sơn, huyện Quản Bạ, cửa ngõ đầu tiên của cao nguyên đá Đồng Văn.

074v_21“Núm Riến” trong biển mây. Ảnh: Anh Hiền

Đất trời Quản Bạ xưa nay vốn được xem như một “Đà Lạt” ở vùng cao Tây Bắc. Với đặc trưng là những dãy núi đá vôi trùng điệp và thời tiết quanh năm trong lành, mát mẻ, nhiệt độ bình quân khoảng từ 16oC – 17oC, phong cảnh thiên nhiên ở Quản Bạ đẹp ngỡ ngàng, quyến rũ, bởi những nét vừa huyền ảo, tráng lệ, vừa hùng vĩ, hoang sơ. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, vùng đất này đã được mọi người biết đến là “vùng tự trị của người Mèo”.

Và cũng chính tại Cổng Trời Quản Bạ này, năm 1939, thực dân Pháp xâm lược đã từng cho dựng một bức tường đá và một cánh cổng bằng gỗ nghiến dày 15cm để kiểm soát con đường núi duy nhất trên cao nguyên đá. Đứng trên đỉnh cao 1.500m so với mặt nước biển ở Cổng Trời, chúng ta có thể phóng tầm mắt tới những cánh đồng, trông xa như tấm thảm nhung xanh mướt cùng với những thửa ruộng bậc thang tuyệt mĩ của các xã Quản Bạ, Quyết Tiến, Thái An, Đông Hà, Cán Tỷ, Bát Đại Sơn, đặc biệt là thắng cảnh diệu kì của tạo hóa: Núi đôi vú cô Tiên.

Núi đôi vú cô Tiên là tên gọi của người bản địa, người H’Mông gọi là “Núm Riến” (vú cô Tiên). Ngày nay, mọi người quen gọi là Núi Đôi. Cách gọi này dễ gây nhầm lẫn với hình ảnh núi Đôi ở huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội trong bài thơ “Núi Đôi” nổi tiếng của nhà thơ Vũ Cao. Thực ra, cách gọi “Núi Đôi” không gợi tả được dáng vẻ và hương vị ngọt ngào của trái núi; không phù hợp với câu chuyện tình cảm động, sâu sắc mà người xưa dùng để kể về hai quả núi. Núi đôi vú cô Tiên là hai chóp núi đá vôi kề bên nhau có hình dáng giống đôi gò bồng đảo đang độ xuân thì, căng tràn nhựa sống của người sơn nữ đang say giấc nồng, giữa biển mây bồng bềnh với bốn bề núi biếc. Hai trái núi này tròn đều, có diện tích gần 3,6ha và có chu vi gần 1.000m².

Theo vòng quay của thời gian, mỗi mùa Núi đôi vú cô Tiên lại được choàng lên mình một bộ áo mới. Khi xuân về, núi hồng tươi màu đất. Lúc sang hè, núi phủ trên lưng màu xanh của lúa. Thu đến, núi lại vàng ươm màu mật ngọt. Đông về, núi lại chuyển màu nâu óng. Vẻ đẹp quyến rũ của núi đã làm ngẩn ngơ, say đắm lòng người; thu hút biết bao khách gần xa chiêm ngưỡng. Và xung quanh hai gò bồng đảo này, người xưa đã thêu dệt nên biết bao câu chuyện huyền thoại.

Người xưa kể rằng, ở vùng đất Tam Sơn có một chàng trai tuấn tú người Mông thổi đàn môi rất hay. Mỗi khi chàng thổi, tiếng đàn vang xa, réo rắt như tiếng nước suối chảy; ríu rít, lảnh lót như tiếng chim rừng; lúc lại sâu lắng, trầm bổng, da diết như tiếng gió giữa đêm khuya. Tiếng đàn ấy cứ thế mà bay xa, bay xa… Rồi một hôm, theo tiếng gió đưa, tiếng đàn môi của chàng trai đã đến bên tai của một nàng tiên. Nàng tiên rất đẹp, tên là Hoa Đào. Hoa Đào đã trốn xuống trần gian tìm đến bên chàng trai. Ở bên người đẹp, chàng trai say sưa thổi đàn cho tiên nữ nghe.

Rồi hai người phải lòng nhau, rồi nên vợ nên chồng và sinh được một con trai rất kháu khỉnh. Một hôm, Ngọc Hoàng phát hiện ra chuyện Hoa Đào bỏ thượng giới trốn xuống trần gian lấy chồng. Ngọc Hoàng rất tức giận và sai người đi bắt nàng về. Nàng đã khóc lóc thảm thiết, van xin Ngọc Hoàng cho nàng được ở lại trần gian nuôi con nhưng không được. Buộc phải về trời, thương chồng một mình vất vả nuôi con, thương con thơ thiếu bầu sữa mẹ nên nàng đã bỏ lại đôi nhũ hoa của mình ở lại trần gian để chồng tiếp tục nuôi con. Đôi nhũ hoa của nàng tiên căng tròn đã nuôi con khôn lớn. Đôi nhũ ấy sau này đã biến thành hai quả núi dáng hình như bầu vú mẹ, tròn trịa, đều đặn đến lạ thường. Hai quả núi ấy được mọi người gọi là Núi đôi vú cô Tiên.

Người ta còn bảo, nhờ có dòng sữa của nàng mà vùng đất này có khí hậu trong lành, mát mẻ; các loại hoa trái có hương vị thơm ngon; rau cỏ, lúa ngô, bốn mùa xanh tốt. Hoa Đào ở trên thượng giới nhưng không nguôi nhớ chồng con. Nàng khóc hoài, khóc ròng. Nước mắt của nàng tuôn chảy đã biến thành dòng sông Miện xanh ngắt, mơ màng trôi trên biển đá tai mèo, ôm lấy cả rẻo đất phía sau Cổng Trời huyền thoại.

Chưa hết, người xưa còn có một truyền thuyết khác cũng khá li kì để lí giải sự tích đôi bầu vú. Chuyện kể rằng: Ngày xưa, ở vùng đất Tam Sơn có một người con gái vô cùng xinh đẹp. Và ở một nơi xa, có một chàng trai khổng lồ đã đem lòng yêu người con gái rất xinh đẹp này. Chàng trai đã vượt non cao, suối sâu để đến với người mình yêu. Bố mẹ người con gái muốn thử sức chàng trai nên đã bảo rằng: Nếu anh ngăn được con sông Đông Hà chảy ngược vào thung lũng nơi nhà ta (nay gọi là thị trấn Tam Sơn) thì ta sẽ đồng ý cho lấy con gái ta.

Chàng khổng lồ nhận lời, ngày đêm chàng gánh đất, đào núi để ngăn dòng sông Đông Hà chảy ngược về thung lũng nhà người yêu. Một ngày kia, chàng đang miệt mài với công việc ngăn sông thì nghe tin mẹ chết, chàng trai vô cùng đau đớn, vứt vội đôi quang gánh vào dãy núi cao rồi vội vã quay về nhà chịu tang mẹ. Không biết vì lý do gì mà chàng khổng lồ đi mãi không trở lại. Người con gái xinh đẹp kia đã ngày đêm mỏi mòn đợi chờ người yêu. Ngày ngày, nàng đi quanh thung lũng để ngắm những công việc đang dang dở của chàng khổng lồ. Mắt nàng hướng nhìn về phía Cổng Trời để mong ngóng chàng.

Ngóng mãi, mệt quá, nàng ngả lưng xuống nơi gần chiếc đòn gánh của người yêu để chờ chàng. Cứ thế, nàng đợi mãi. Đợi đến nỗi nàng hóa đá thành trái núi để ngàn năm ngóng đợi người thương. Nơi đòn gánh của chàng khổng lồ bị gãy hóa thành dãy núi, ngày nay gọi là núi đòn gánh ông khổng lồ, tiếng địa phương gọi là dãy núi “Phia Pới”. Còn ba ngọn núi do chàng khổng lồ gánh về để ngăn sông có tên là: “Pu Tỉnh” (núi Sáng), “Pu Vang” (núi Vàng), “Pu Phia Nú” (núi Đá chuột). Những bước chân chạy vội vã của chàng khổng lồ tạo thành những cái hồ nước ở các làng vẫn còn đó đến ngày nay: Sum Pưn, Thâm Rí, Thâm Lâu, Thâm Nán, Thâm Nậm Đăm, Thâm Lùng Pết… Còn chỗ người con gái hóa núi hiện còn lại đôi trái đào tiên. Người ta kể, đó là hiện thân bộ ngực căng tròn của người con gái.

Hai câu chuyện tình trên là trí tưởng tượng diệu kì của dân gian, làm đẹp thêm cho dáng hình quê hương xứ sở. Còn theo các nhà khoa học thì Núi đôi vú cô Tiên được cấu tạo bằng đá dolomít. Do quá trình phong hóa, đá tự vỡ và lăn đều xuống dưới, theo các sườn núi làm sườn núi ngày càng bé lại và đỉnh núi cũng hạ thấp dần, cuối cùng tạo nên hình chóp nón như hiện nay. Đá dolomít tự vỡ thành các hạt sạn, hạt cát và trôi theo sườn xuống dưới chân núi, do trọng lực và nước chảy trong mỗi mùa mưa.

Đặc biệt, nó còn đóng vai trò quan trọng trong việc làm thành hình như trái núi hiện nay. Núi đôi vú cô Tiên thuộc kỷ Đệ Tứ – có niên đại cách ngày nay khoảng từ 1,6 triệu đến 2 triệu năm. Núi đôi vú cô Tiên thực chất là sản phẩm của quá trình rửa trôi, bào mòn đều đặn tập dăm kết vôi. Đây là một dạng cảnh quan karst, dạng đồi độc đáo của Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn, mặc dù được cấu tạo bởi đá dăm kết vôi, nhưng núi vẫn mang nét mềm mại của địa hình đá lục nguyên. Cảnh quan thiên nhiên quyến rũ này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Quốc gia năm 2010. Và cũng là một trong những cảnh quan góp phần để Hội đồng tư vấn Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu (GGN) của UNESCO, chính thức công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Đây là danh hiệu đầu tiên – duy nhất ở Việt Nam và thứ hai ở Đông Nam Á.

Thế mới biết, trí tưởng tượng của dân gian thật phong phú, diệu kì. Có lẽ phải gắn bó và tha thiết lắm với cuộc sống và thiên nhiên xứ sở thì người xưa mới thổi hồn vào từng hồ nước, dòng sông, ngọn núi của quê hương hay đến thế, cảm động đến thế. Núi đôi vú cô Tiên dưới cái nhìn của người xưa thật sinh động. Nó đâu chỉ là những câu chuyện kể về địa danh thường thấy trong truyện cổ, mà đấy còn là tính cách phóng khoáng và tâm hồn nhân ái của những con người nơi rẻo cao biên giới. Biết bao thế hệ con người sinh sống ở nơi đây đã sản sinh, nuôi dưỡng những thiên tình sử thơ mộng, giàu tính nhân văn để thổi hồn vào đá núi. Họ đã không ngừng “hóa thân” vào dáng hình của xứ sở, làm đẹp thêm cho mỗi tấc đất của tổ tiên ông cha.

Đến với mảnh đất Hà Giang nơi địa đầu Tổ quốc, dừng chân bên Cổng Trời, ngắm núi sông kì thú, thưởng lãm đôi trái đào tiên thơ mộng và lắng nghe những bản tình ca của người xưa, ta càng thấy tự hào về đất nước tươi đẹp với biết bao kiệt tác của tạo hóa ban tặng. Thả hồn bên “Núm Riến”, ta mới thấy cuộc sống này có ý nghĩa và trân quý biết bao.

Phan Anh – Thu Hiền