Nữ bác sĩ truyền cảm hứng ở mặt trận phía tây thành phố
Là bác sĩ ngoại khoa, để chiến đấu ở tuyến đầu, Thạc sĩ Huỳnh Phương Nguyệt Anh phải kiên cường gấp đôi người khác. 5 tháng qua, chị đã thấy sự phi thường là có thật khi chiến đấu với kẻ thù vô hình nguy hiểm.
“Ra trận” không phải để đánh bóng tên tuổi
Gần 6 tháng trước, Thạc sĩ, bác sĩ Huỳnh Phương Nguyệt Anh, Khoa Chấn thương chỉnh hình cùng một đồng nghiệp nam tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh nhận lệnh cùng đoàn chi viện của TP Hồ Chí Minh lên đường tới Bắc Giang. Lúc đi, có nhiều lời đàm tiếu: “Chắc là đi để đánh bóng tên tuổi cho bệnh viện”. Mang theo một nỗi buồn, chị và đồng nghiệp lẳng lặng làm việc với tinh thần hỗ trợ hết mức.
Bắc Giang bấy giờ đang như một chảo lửa. Nắng nóng đỉnh điểm kéo dài, bệnh nhân gia tăng nhanh chóng và trang thiết bị cấp cứu còn khá sơ sài. “Ban đầu cảm thấy áp lực vì không biết bên đơn vị tiếp nhận nghĩ thế nào về sự chi viện này. Nhưng khi mình ăn chung, ở chung, chịu cùng những khó khăn, nóng bức, vất vả và cả thách thức trong công tác điều trị, họ đã có cái nhìn khác”.
Cứ thế, những ngày tháng khó khăn nhất của đợt dịch thứ tư chị đều trải qua, từ cảnh nóng bức tới 40 độ C, đến số bệnh nhân tăng cấp số nhân, tỷ lệ bệnh trở nhiều, luôn áp lực cấp cứu trong tình trạng thiếu máy móc. Từ những việc mà trước nay vốn không phải là chuyên môn chính của mình như đặt ống can thiệp nội khí quản, chị cũng sẵn sàng nhận việc, dù nguy cơ phơi nhiễm rất cao.
Bác sĩ Nguyệt Anh chi viện cho mặt trận điều trị tại Bắc Giang.
Bác sĩ Nguyệt Anh chi viện cho mặt trận điều trị tại Bắc Giang.
Giữa tháng 6, dịch tại TP Hồ Chí Minh bùng phát, chị được rút về vào ngày 28/6. Bệnh viện điều trị Covid-19 Củ Chi – một trong những chiến trường ác liệt điều trị bệnh nhân ở tầng 3 đón chị trong một tình cảnh hoang mang hơn cả Bắc Giang. Bệnh nhân tăng nhanh khủng khiếp, mọi thứ trở nên rối bời. “Bệnh nhân nằm la liệt từ trong phòng đến ra ngoài hành lang, nhìn rất thương”. Ngoài kinh nghiệm từng ở Bắc Giang, chị Anh và các đồng nghiệp phải đối phó với muôn vàn khó khăn mới do mô hình bệnh dịch biến chuyển khôn lường.
Cuối tháng 7, đầu tháng 8, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh được giao triển khai Trung tâm Hồi sức người bệnh Covid-19. Và đây mới thật sự là cuộc chiến không bao giờ quên trong cuộc đời làm ngành y.
Một bác sĩ ngoại khoa vốn chuyên về can thiệp nội soi khớp, giờ đây chuyên môn chính của chị là điều trị những vấn đề liên quan đến Covid-19 đặc biệt nhiều bệnh nhân cao tuổi, có bệnh nền và hầu hết trong tình trạng nguy kịch luôn cần hỗ trợ về hô hấp. Can thiệp nội khí quản, hỗ trợ thở máy, thở ô-xy lưu lượng cao, điều chỉnh các máy móc theo dõi thông số bệnh nhân là công việc vốn không phải chuyên môn chính đã dần thuần thục với một bác sĩ ngoại khoa như chị. Bên cạnh chị, luôn có những đồng đội chiến đấu bền bỉ làm cho những khó khăn của một bác sĩ ngoại khoa dần được vơi đi.
“Trong đại dịch, bất kể ai cũng là người mới vì virus biến đổi khôn lường, không ai có thể ngay lập tức thành chuyên gia được. Ai cũng phải liên tục học. Tôi cũng vậy, học gấp đôi người khác, nghiêm túc với bản thân hơn hết để triển khai kỹ thuật tốt nhất. 4 tháng trước, tôi không bao giờ nghĩ mình có thể tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 nhưng khi dịch bùng phát, chúng tôi phải biết dùng máy thở, biết điều trị bệnh nhân. Giờ điều ấy không còn ngạc nhiên nữa”, bác sĩ Nguyệt Anh tâm sự.
Bác sĩ Nguyệt Anh bước vào cuộc chiến đấu với biến chủng Delta tại trung tâm hồi sức.
Bác sĩ Nguyệt Anh bước vào cuộc chiến đấu với biến chủng Delta tại trung tâm hồi sức.
Ban đầu can thiệp nội khí quản cũng run tay vì đây là kỹ thuật dễ bị lây nhiễm nhất, chỉ một thao tác sai, hoặc chậm trễ, người bệnh đều có thể gặp nguy hiểm. “Ca hồi sức nào cũng hồi hộp cho tới vài ngày sau vì đã có nhiều nhân viên y tế bị phơi nhiễm khi thực hiện kỹ thuật này”.
Ngoài mỗi ngày làm việc 10 tiếng trong khu điều trị F0, bác sĩ Nguyệt Anh còn đảm nhiệm thêm việc quản lý bệnh nhân nhập và xuất viện khỏi trung tâm hồi sức. Công việc không vất vả, nhưng đòi hỏi phải có sự làm việc liên tục, kết nối nhiều bác sĩ chuyên khoa điều trị toàn diện cho người bệnh hoàn toàn khỏe mạnh để trở về nhà.