“Nóng” với mô hình đầu tư lãi suất lên đến 30% của Thịnh Phát Group
“Đầu tư lãi khủng, lại trúng quà to”
Ngày 5/7 vừa qua, ông Nguyễn Mạnh Hải, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Thịnh Phát Group vừa ký ban hành Thông báo số 74/TB-TPG về “chương trình đặc biệt” của doanh nghiệp này về việc “tặng thưởng cho khách hàng ký hợp đồng mua cổ phần, hợp tác kinh doanh nhân kỷ niệm 21 năm thành lập công ty”.
Theo bản thông báo trên, khách hàng khi tham gia “đầu tư” với Thịnh Phát Group, ngoài việc hưởng lãi suất (theo mức mà các nhân viên môi giới tư vấn) sẽ còn được hưởng hàng loạt ưu đãi khủng như tặng vàng (theo gói đầu tư), được đối ứng (bảo đảm) bằng bất động sản cũng như sẽ có cơ hội trúng thưởng cả xe ô tô.
Các thông tin chào mời đầu tư xuất hiện liên tục trên mạng. Ảnh chụp màn hình đã được làm mờ phần thông tin liên hệ để đảm bảo không xâm phạm thông tin cá nhân.
Cụ thể, với các gói tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh/mua cổ phần có giá trị từ 300 triệu đồng đến 5 tỷ đồng, nhà đầu tư sẽ được Thịnh Phát Group tặng ngay từ 0,5 chỉ vàng đến 2,5 cây vàng (tùy theo gói đầu tư). Ngoài ra, nếu khách hàng đầu tư lớn (trên 5 tỷ đồng) sẽ còn được tham gia vào “câu lạc bộ nhà đầu VIP Thịnh Phát Group”.
Thực hiện “chủ trương” tại bản thông báo trên, một số môi giới đầu tư xưng là nhân viên của Thịnh Phát Group đang liên tục chào mời các nhà đầu tư tham gia các gói đầu tư của doanh nghiệp này với lãi suất lên đến 2,5%/tháng, tức 30%/năm, một mức lãi suất “trong mơ” nếu so với gửi tiết kiệm ngân hàng.
Theo giới thiệu của các nhân viên “tự xưng” nói trên, bảo chứng cho các hợp đồng hợp tác đầu tư hay mua cổ phần của Thịnh Phát Group là hàng loạt dự án bất động sản mà doanh nghiệp này công bố gồm: Dự án nhà ở thương mại, dịch vụ, khách sạn tại Thanh Hóa; Dự án nhóm nhà ở thương mại tại Cẩm Phả (Quảng Ninh); Dự án Cáp treo chùa Lôi Âm (Hạ Long, Quảng Ninh); Dự án Chung cư kết hợp dịch vụ thương mại tại Hạ Long, Quảng Ninh; Dự án KĐT dịch vụ tại khu Cao Sơn 3 (Cẩm Phả, Quảng Ninh)…
Cũng theo bản hợp đồng mua bán cổ phần “mẫu” mà nhân viên “tự xưng” của Thịnh Phát Group cung cấp thì mỗi cổ phần của doanh nghiệp được bán với giá 12.000 đ/cổ phần, lãi suất cam kết là 2,5%/tháng, duy trì trong 24 tháng. Người mua phải thanh toán 100% tiền mua cổ phần sau khi ký hợp đồng. Nếu khách hàng muốn bán lại trước hạn thì Thịnh Phát Group sẽ chỉ mua lại với 70% giá trị số cổ phần lúc mua.
Bên cạnh đó, nếu khách hàng bán số cổ phần của mình cho một khách hàng khác thì Thịnh Phát Group sẽ thu 1% phí chuyển nhượng.
Mẫu hợp đồng do cá nhân tự xưng là nhân viên của Thịnh Phát Group gửi. Ảnh chụp màn hình đã được làm mờ phần thông tin liên hệ để đảm bảo không xâm phạm thông tin cá nhân.
Những dấu hỏi đặt ra
Đứng sau mô hình đầu tư “hot” như trên là Công ty CP Thịnh Phát Group, doanh nghiệp có trụ sở chính tại số 02 ngõ 158 đường Tô Hiệu, Phường Cẩm Trung, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Người đại diện pháp luật của doanh nghiệp là ông Nguyễn Mạnh Hải, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc.
Được biết, trước đây ông Nguyễn Mạnh Hải cũng từng là Chủ tịch kiêm Giám đốc của Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Du lịch Cẩm Phả Quảng Ninh, một đơn vị “có tiếng” tại Quảng Ninh. Tại thông báo thay đổi thông tin doanh nghiệp ngày 17/12/2013 của Phòng Đăng ký kinh doanh tỉnh Quảng Ninh cấp, ông Nguyễn Mạnh Hải đã không có tên trong công bố thông tin của doanh nghiệp này.
Về các dự án mà Thịnh Phát Group sử dụng làm bảo chứng hoặc cam kết dùng làm bất động sản đối ứng hầu hết đều đang trong giai đoạn nghiên cứu hoặc nếu đang triển khai thì chưa đủ điều kiện kinh doanh bất động sản theo quy định của pháp luật. Thậm chí, có dự án còn thuộc sở hữu của một doanh nghiệp khác, không liên quan tới Thịnh Phát Group.
Tại dự án “trọng điểm” mà Thịnh Phát Group vẫn dẫn các nhà đầu tư về thăm quan là dự án cáp treo du lịch chùa Lôi Âm – Legacy Lôi Âm tại Hạ Long (Quảng Ninh). Theo giới thiệu, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 500 tỷ đồng, được khởi công vào quý II/2022, hoàn thành vào quý IV/2023, hiện dự án đã cơ bản hoàn thành xong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Tuy nhiên, theo thông tin mà Markettimes có được đến nay, các căn cứ pháp lý mà – Thịnh Phát Group đưa ra gồm văn bản số 4668/UBND-QH1 ngày 29/6/2017 của UBND tỉnh Quảng Ninh và Quyết định 720/QĐ-TTg ngày 7/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ cho thấy dự án này mới chỉ dừng ở việc nghiên cứu, lập quy hoạch Tuyến cáp treo và Khu dịch vụ tại Cụm di tích lịch sử văn hóa chùa Lôi Âm.
Như vậy, có thể nói, chưa có căn cứ nào để xác nhận Thịnh Phát – Group được công nhận là chủ đầu tư của dự án đầu tư Tuyến cáp treo và Khu dịch vụ tại Cụm di tích lịch sử văn hóa chùa Lôi Âm.
Tương tự, tại dự án có tên “Thịnh Phát Garden Valley” được Thịnh Phát Group quảng bá rầm rộ từ cuối năm 2021 là một dự án “trọng điểm”, góp phần đem về doanh thu hàng ngàn tỷ đồng cho doanh nghiệp trong năm 2022.
Tuy nhiên, thực tế, dự án có tên ”Thịnh Phát Garden Valley” vốn là dự án Nhóm nhà ở khu 4B, phường Quang Hanh, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh (giai đoạn 1). Dự án này vừa mới được UBND tỉnh Quảng Ninh công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất vào ngày 8/7/2022.
Đáng chú ý, pháp nhân được công nhận trúng đấu giá dự án nói trên lại không phải Thịnh Pháp Group mà là Công ty cổ phần xây dựng và thương mại Trường Lộc (MST:5700539212).
Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Ninh vừa công nhận kết quả trúng đấu giá “dự án Thịnh Phát Garden Valley” cho Công ty Trường Lộc.
Bên cạnh đó, dù hoạt động theo mô hình công ty cổ phần cũng như liên tục có các hoạt động chào bán cổ phần, tuy nhiên tại thời điểm 20/7/2022, trên trang thông tin của Thịnh Phát Group (thinhphatgroup.vn) lại không hề cung cấp các thông tin theo quy định của Luật doanh nghiệp 2020, nhất là thông tin về báo cáo tài chính hàng năm của doanh nghiệp.
Cụ thể, điều 176 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định “Công ty cổ phần công bố trên trang thông tin điện tử của mình thông tin sau đây: Điều lệ công ty; Sơ yếu lý lịch, trình độ học vấn và kinh nghiệm nghề nghiệp của các thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty; Báo cáo tài chính hằng năm đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua; Báo cáo đánh giákếtquả hoạt động hằng năm của Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát”.
Bên cạnh đó, liên quan đến việc Thịnh Phát Group cam kết chi trả “cổ tức” hàng tháng ở mức 2,5% tại điều 1 của hợp đồng mua bán cổ phần (do nhân viên tự xưng cung cấp) cũng cho thấy một số vấn đề.
Thứ nhất, Thịnh Phát Group chào bán cổ phần mệnh giá 10.000đ với giá 12.000đ, vậy mức cổ tức 2,5%/tháng là dựa trên giá trị mua bán hay mệnh giá của cổ phần.
Thứ hai, việc chi trả cổ tức của công ty Cổ phẩn đã được quy định chi tiết tại điều 135, Luật doanh nghiệp 2020. Theo đó, doanh nghiệp chỉ được chi trả cổ tức khi đạt đủ các điều kiện như đã hoàn thành nghĩa vụ thuế, đã trích lập quỹ và bù lỗ, sau khi trả cổ tức phải đảm bảo đủ khả năng thanh toán các khoản nợ.
Tuy nhiên, với trường hợp của Thịnh Phát Group, khi doanh nghiệp chưa công khai đầy đủ các thông tin về sức khỏe tài chính của doanh nghiệp bao gồm báo cáo tài chính hàng năm đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua.
Thứ ba, về thời điểm chi trả cổ tức, theo quy định tại điều 135 luật doanh nghiệp 2020, “cổ tức phải được thanh toán đầy đủ trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày kết thúc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên…”. Tuy nhiên, dù không có bất kỳ thông tin nào về việc tổ chức Đại hội cổ đông trên trang thông tin của mình nhưng Thịnh Phát Group vẫn cam kết chi trả cổ tức 2,5% hàng tháng.