Nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế

Trong thời kỳ đầu của quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa, nông nghiệp Bắc Giang đã đạt được nhiều kết quả toàn diện trên các lĩnh vực. Trong Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nông nghiệp Bắc Giang tiếp tục khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế.

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển KT-XH bền vững, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng- an ninh, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước. Do đó, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn và nâng cao đời sống nông dân.


Người dân thôn Phú Thịnh, xã Quý Sơn (Lục Ngạn) thu hoạch vụ vải thiều năm 2021. Ảnh: Thế Đại.

 

Dù quy mô và giá trị sản xuất của nông nghiệp nhìn chung không bằng công nghiệp nhưng sức lan tỏa lại rất lớn, ảnh hưởng đến hàng chục triệu hộ nông dân. Vì thế, nền nông nghiệp cần được xem là một cấu trúc KT-XH, chứ không phải là ngành kinh tế đơn lẻ. Nông nghiệp không những cung cấp lương thực, thực phẩm với số lượng và chất lượng ngày càng tăng cho tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu. Đồng thời, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và sản phẩm đầu vào cho nhiều ngành công nghiệp như dệt may, hóa chất… 

Nông nghiệp góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và an ninh quốc phòng, đang trở thành “trụ đỡ”, là “cứu cánh” cho nền kinh tế trong những thời điểm khó khăn. Điều đó thể hiện rõ nét nhất trong thời điểm đại dịch Covid 19 bùng phát và tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống xã hội.

Nông nghiệp, nông thôn ngày càng phát triển, nhu cầu cơ giới hóa, hiện đại hóa ngày càng tăng sẽ là thị trường tiêu thụ hàng hóa của các ngành công nghiệp, dịch vụ, nhất là máy móc, thiết bị phục vụ nông nghiệp như máy cày, máy cấy, máy gặt, đập… Sản xuất nông nghiệp cũng đang tham gia vào một số ngành kinh tế khác, trong đó có du lịch. Điều này có nghĩa là tăng trưởng ngành nông nghiệp giúp kéo theo tăng trưởng chung mạnh nhất do sử dụng nhiều lao động và đầu vào các ngành khác.

Nông nghiệp còn đem lại nguồn thu ngoại tệ lớn từ xuất khẩu nông, lâm, thủy sản và là lĩnh vực có thặng dư thương mại cao và ổn định, góp phần giảm nhập siêu cho Việt Nam. Nông sản Việt Nam đang vươn mạnh ra thế giới và có mặt tại trên 185 quốc gia và vùng lãnh thổ. Xuất khẩu nông sản Việt Nam đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á và thứ 15 thế giới, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong hội nhập quốc tế thông qua hình ảnh một Việt Nam ổn định, an ninh lương thực và có trách nhiệm với thế giới, từ đó tạo thế và lực của đất nước trên trường quốc tế.

Nhận thức được vai trò quan trọng của nông nghiệp trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa, Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh trên cơ sở phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch. Mục tiêu Bắc Giang sẽ trở thành tỉnh trọng điểm nông nghiệp quốc gia, đứng đầu miền Bắc.

10 năm qua, tỉnh đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và cơ chế chính sách phù hợp với thực tiễn để phát triển ngành nông nghiệp: Cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh chuyển dịch theo hướng phát huy lợi thế của địa phương và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường; phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với áp dụng khoa học công nghệ cao; tập trung chủ yếu vào các cây con chủ lực, đặc trưng và có lợi thế của địa phương như: Lúa chất lượng cao, rau chế biến an toàn, vải thiều, cam, bưởi… 

 

Quy hoạch phát triển tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh trên cơ sở phát triển nông nghiệp cộng nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch. Mục tiêu Bắc Giang trở thành tỉnh trọng điểm nông nghiệp quốc gia, đứng đầu miền Bắc.

 

Đến nay, toàn tỉnh đã hình thành 163 mô hình cánh đồng mẫu trồng lúa, rau với diện tích 5.159 ha. Có 66 cơ sở được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP với diện tích 2.027 ha. Nhờ vậy, nông nghiệp Bắc Giang tiếp tục đạt được nhiều thành tựu, kết quả quan trọng. 

Đến hết năm 2020 và cả 10 năm 2010 – 2019, các chỉ tiêu chủ yếu của ngành nông nghiệp đều đạt và vượt mục tiêu đề ra, nổi bật như: Tốc độ tăng giá trị sản xuất (GRDP) bình quân giai đoạn 2010 – 2020 đạt 2,3%/năm. Trong đó, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản (giá so sánh năm 2010) tăng từ 13.590 tỷ đồng (năm 2010) lên 18.923 tỷ đồng (năm 2019), tốc độ tăng trưởng bình quân 3,7%/năm. 

Năm 2020, giá trị sản xuất toàn ngành đạt 36.500 tỷ đồng, vượt 10% kế hoạch, sản lượng lương thực có hạt đạt trên 630 nghìn tấn; sản lượng nhãn, vải đạt gần 184 nghìn tấn; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt trên 168 nghìn tấn; thịt gà hơi xuất chuồng đạt trên 44,6 nghìn tấn… Giá trị sản xuất 1 ha đất nông nghiệp cao hơn bình quân chung của cả nước, đạt 120 triệu đồng, tăng 14,3%, vượt 9,1% kế hoạch. Nhiều nông sản như vải thiều đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Australia, Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản…

Phát triển nông nghiệp đã thật sự tạo động lực thúc đẩy tiến trình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh. Đến năm 2020, toàn tỉnh có 124 xã đạt chuẩn, chiếm 67,4% tổng số xã và 3 huyện trong tỉnh đạt chuẩn NTM (Việt Yên, Lạng Giang, Tân Yên). 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao – kiểu mẫu; 73 thôn được công nhận NTM kiểu mẫu. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) thu được nhiều kết quả quan trọng. Bắc Giang tiếp tục là tỉnh đứng tốp đầu các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc về xây dựng NTM.

Nông nghiệp đã khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế thông qua việc bảo đảm vững chắc an ninh lương thực tại chỗ trong mọi tình huống, tạo sinh kế, việc làm và thu nhập ổn định cho người dân nông thôn, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới; hạ tầng thiết chế về giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục… được cải thiện, hộ nghèo giảm, đời sống người dân nâng lên, góp phần quan trọng ổn định chính trị – xã hội và phát triển tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn đứng trước một số rủi ro, thách thức, hạn chế. Nổi bật là phát triển nông nghiệp vẫn còn những yếu tố thiếu bền vững, tăng trưởng chưa vững chắc (tỷ trọng VA/GO tăng chậm và không đều ở các lĩnh vực). Sản xuất nông nghiệp vẫn phân tán, nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết, hợp tác, thị trường tiêu thụ nông sản thiếu ổn định. 

Cùng với đó, năng suất lao động, chất lượng và khả năng cạnh tranh của nhiều loại nông sản mặc dù đã được cải thiện nhiều nhưng vẫn còn thấp. Việc đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất còn chậm; cơ sở hạ tầng nông nghiệp vẫn còn nhiều bất cập, nhất là để đáp ứng yêu cầu sản xuất quy mô lớn và cạnh tranh cao; sản xuất quy mô lớn, theo chuỗi giá trị chưa trở thành chủ đạo. 

Thu hút nguồn lực xã hội cho nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế; quy mô đất đai bình quân/hộ còn quá nhỏ, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất hàng hóa lớn, gắn với chế biến và xuất khẩu. Lao động trong nông nghiệp chưa được đào tạo còn chiếm tỷ trọng cao, thu nhập của người lao động trong khu vực quan trọng này còn thấp. Môi trường sinh thái nông thôn chậm được cải thiện và khắc phục…

Để đạt được mục tiêu Quy hoạch tỉnh đề ra, Bắc Giang cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh và dựa trên tăng năng suất, chất lượng nông sản và nhân lực chất lượng cao, khoa học, công nghệ và năng lực cạnh tranh; phát triển kinh tế hộ, kinh tế hợp tác mà nòng cốt là hợp tác xã kiểu mới và doanh nghiệp gắn chặt với phát triển công nghiệp chế biến và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản toàn cầu để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, sinh thái; xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng KT- XH hiện đại, với hệ giá trị văn hóa mới, nâng cao sức mạnh của hệ thống chính trị ở nông thôn.

Đồng thời, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp dựa trên mục tiêu tăng sản lượng sang tư duy kinh tế với mục tiêu tăng giá trị. Tức là chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh doanh nông nghiệp với vai trò “bà đỡ” của doanh nghiệp nông nghiệp với công nghệ mới, hiện đại và cơ chế, chính sách tương thích nhất để hỗ trợ, khuyến khích tập trung đất đai, đầu tư khoa học, công nghệ, nâng cao chất lượng và giá trị nông sản gắn với thị trường.

Theo Báo Bắc Giang