Nông nghiệp sinh thái – Lựa chọn cho nông nghiệp Việt Nam
Thứ Ba 18/01/2022 , 06:03 (GMT+7)
‘Nông nghiệp sinh thái có thể xem là lựa chọn duy nhất giúp chúng ta đạt được đồng thời cả hai mục tiêu thích ứng và giảm nhẹ rủi ro’, theo TS Phạm Văn Hội.
Trong tham luận với chủ đề “Nông nghiệp sinh thái: Hiệu quả và lựa chọn cho nông nghiệp Việt Nam và là một trong những lựa chọn cho hướng đi mới của ngành nông nghiệp Thái Bình”, TS Phạm Văn Hội từ Trung tâm Sinh thái Nông nghiệp, Học Viện Nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh: “Nông nghiệp sinh thái phải được xem là một lựa chọn thay đổi cho nền nông nghiệp thâm canh hoá học hiện nay”.
Không chỉ giúp độc giả hiểu rõ thế nào là nông nghiệp sinh thái, TS Phạm Văn Hội cũng đưa ra nhiều ví dụ thực tiễn để chứng minh rằng dịch vụ sinh thái chính là nền tảng để tạo ra lợi ích kinh tế.
Mô hình canh tác nông nghiệp theo hướng hữu cơ giúp nông dân giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả kinh tế. Ảnh: TL.
Lựa chọn duy nhất để thích ứng và giảm nhẹ rủi ro
Những năm đầu thế kỷ XXI, chúng ta đã chứng kiến hàng loạt thảm họa môi trường, dịch bệnh, biến đổi khí hậu (BĐKH) và suy thoái tài nguyên. Điều đó cho thấy rằng, những thành tựu của khoa học – công nghệ mặc dù đã giúp thế giới thay đổi nhanh chóng, đặc biệt từ cuối thế kỷ XX, nhưng đã không đem lại hạnh phúc cho đa số nhân loại.
Số lượng người bị rơi vào nghèo đói, thiếu nước sạch, thiếu vệ sinh, bệnh tật và các rủi ro môi trường ngày càng tăng lên. Với những người nghèo, tiến bộ kỹ thuật dường như càng làm cho cuộc sống của họ thêm khốn đốn và bất hạnh hơn bao giờ hết.
Nông nghiệp thâm canh đã gây ra rất nhiều những tác động tiêu cực đến hệ sinh thái. Khi môi trường bị suy thoái, chi phí để phát triển kinh tế sẽ tăng lên. Bởi trong sản xuất nông nghiệp thâm canh, người dân sẽ đồng thời đối mặt với áp lực suy thoái tài nguyên và sâu bệnh tăng, các chi phí đầu tư hoá học cũng tăng theo.
Điều này cho thấy rằng chất lượng môi trường/dịch vụ sinh thái mới là yếu tố quyết định đến khả năng phát triển kinh tế cũng như đảm bảo phúc lợi chung và lâu dài cho con người. Đối mặt với rủi ro cộng hưởng từ dịch bệnh, BĐKH, suy thoái tài nguyên và thị trường ngày càng tăng, nông nghiệp sinh thái có thể xem là lựa chọn duy nhất giúp chúng ta đạt được đồng thời cả hai mục tiêu thích ứng (với các rủi ro) và giảm nhẹ (nguyên nhân dẫn đến các rủi ro này).
Về cơ bản, nông nghiệp sinh thái là hệ thống sản xuất dựa vào, tự thúc đẩy và khai thác các tiến trình tự nhiên (phân huỷ hữu cơ, cân bằng sinh học, tái tạo đất, dinh dưỡng đất…) trên cơ sở tăng cường bảo vệ đa dạng sinh học.
Mô hình nuôi tôm kết hợp trồng lúa hữu cơ đang phát triển mạnh tại ĐBSCL.
Hệ thống nông nghiệp được thiết kế theo hướng càng tuần hoàn sẽ cho hiệu quả càng cao (về kinh tế, xã hội và môi trường). Ở quy mô hệ thống sản xuất nông hộ và trang trại, tổ chức Gret (Pháp) nghiên cứu ở Đông – Nam châu Á liệt kê 6 hình thức nông nghiệp sinh thái bao gồm: Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM/ICM), nông – lâm kết hợp, hệ thống nông nghiệp tổng hợp (VAC), hệ thống lúa thâm canh bền vững (SRI), nông nghiệp bảo tồn, nông nghiệp hữu cơ.
Hệ thống nông nghiệp sinh thái theo mức độ tuần hoàn cao như hệ thống Aquaponics; VAC; lúa – cá; lúa tôm; lúa – vịt… Hệ thống nông nghiệp sinh thái ở mức tuần hoàn trung bình và thấp như: 1 vụ lúa – 1 vụ cá; rau luân canh với cây họ đậu; trồng cây ăn quả kết hợp nuôi ong…
Nông nghiệp sinh thái không chỉ nhằm tăng hiệu quả đầu tư và thu nhập cho người dân đồng thời với tăng chất lượng nông sản, mà còn là vành đai xanh trợ giúp cho tất cả các hoạt động kinh tế và sự sống khác.
Trong thực tế sản xuất, do các dòng di chuyển không ranh giới của dịch bệnh và chất ô nhiễm, bởi vậy hệ thống sản xuất nông nghiệp sinh thái có quy mô càng lớn sẽ càng đạt hiệu quả cao (ví dụ quy mô hợp tác xã, tỉnh hoặc khu vực).
Lợi thế của nông nghiệp sinh thái
Đối mặt với đa dạng và cộng hưởng từ các rủi ro ngày càng tăng, nông nghiệp sinh thái sẽ có nhiều lợi thế hơn so với nông nghiệp thâm canh hoá học. Ví dụ, so sánh người dân A độc canh cây ngô và người dân B áp dụng hệ thống tổng hợp lúa – ngô – nuôi gà. Người dân B sẽ có năng lực độc lập cao hơn về nhu cầu tự cung tự cấp thực phẩm cho gia đình, khả năng tái sử dụng chất thải cao (bởi vậy ít phụ thuộc vào phân bón hóa học hoặc hữu cơ mua từ bên ngoài), khả năng đàn hồi trong điều kiện rủi ro cao hơn (ví dụ khi giá ngô giảm chẳng hạn), khả năng sử dụng nhân công gia đình, tài nguyên khác cũng hợp lý và hiệu quả hơn.
Nông dân trồng cải bắp ở Indonesia áp dụng thành công IPM đã cắt giảm lượng thuốc sâu sử dụng tới 80%, thuốc trị nấm 90% trong khi năng suất cải bắp tăng 7,6%.
Từ cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, nông dân các nước khác như Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Hà Lan và Guatemala cũng đã cắt giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật tới 33 – 37% trong khi năng suất cây trồng nhìn chung vẫn được duy trì ổn định.
Mục thiêu chính của nông nghiệp sinh thái là phục hồi và tăng cường chất lượng dịch vụ sinh thái nhằm cải thiện hiệu quả sản xuất và duy trì hoặc tăng năng suất cây trồng (so với nông nghiệp thâm canh hóa học); cải thiện môi trường sống và chất lượng nông sản giúp tăng phúc lợi cho người dân nói chung và toàn xã hội nói riêng; tăng năng lực sản xuất cho người dân và năng lực cạnh tranh quốc gia.
Nông nghiệp sinh thái – Lựa chọn cho Việt Nam
Các thành phần trong hệ sinh thái tự nhiên nói chung và nông nghiệp nói riêng tác động qua lại nhau rất phức tạp với sự hiện diện của hàng trăm, hàng ngàn yếu tố, và đến nay khoa học cũng chưa hiểu biết nhiều về các tác động này.
Trong nghiên cứu của Costanza và cộng sự (năm 1997) đã xác định 17 dịch vụ sinh thái của hệ sinh thái tự nhiên cung cấp cho con người. Hiểu một cách đơn giản, các giá trị sinh thái này chính là nền tảng duy trì lợi ích kinh tế trực tiếp từ tất cả các hoạt động kinh tế của con người, bao gồm sản xuất nông nghiệp. Khi chất lượng dịch vụ sinh thái suy giảm, lợi ích kinh tế trực tiếp trong sản xuất nông nghiệp cũng suy giảm theo.
Sự tàn phá các dịch vụ sinh thái đã đẩy Việt Nam vào tình thế đối mặt với ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên, và những căng thẳng về an toàn thực phẩm trong suốt nhiều thập kỷ qua. Cách sửa chữa và phục hồi lại các dịch vụ sinh thái này chỉ có thể duy nhất qua áp dụng các giải pháp sinh thái trong sản xuất nông nghiệp.
Sức sản xuất (lâu dài) của hệ sinh thái nông nghiệp và chất lượng nông sản bị chi phối, quyết định bởi các dịch vụ sinh thái hỗ trợ (chất lượng đất, nước, và đa dạng sinh học…). Bởi vậy, trong điều kiện rủi ro từ dịch bệnh, BĐKH, thị trường, suy thoái tài nguyên rộng khắp cũng như áp lực dân số trên toàn cầu như hiện nay, việc bảo vệ các nguồn tài nguyên nông nghiệp phải được xem là ưu tiên hàng đầu trong mục tiêu phát triển quốc gia.
Nông nghiệp sinh thái phải được xem là một lựa chọn thay đổi cho nền nông nghiệp thâm canh hóa học hiện nay. Nông nghiệp sinh thái nhằm tăng cường năng lực sáng tạo của người dân trong các chiến lược thích ứng nhằm thu được thành quả sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao nhất (trên đồng vốn đầu tư), bền vững (bảo vệ được các dịch vụ sinh thái), cũng như bảo đảm chất lượng nông sản, sức khoẻ cho người sản xuất và người tiêu dùng nói chung, tăng năng lực tự chủ sản xuất, năng lực xuất khẩu quốc gia và chất lượng môi trường sống chung cho tất cả chúng ta.