Nông dân làm nông nghiệp sạch, giá rẻ

Làm nông nghiệp sạch, trong đó sản xuất theo chuẩn hữu cơ là câu chuyện đầu tư dài hơi, tốn kém khiến nhiều nông dân e ngại tham gia.

Nhiều đặc sản chế biến từ nguyên liệu nông sản sạch được nông dân H.Vĩnh Cửu giới thiệu tại hội nghị sơ kết Đề án về minh bạch sản phẩm nông nghiệp hữu cơ H.Vĩnh Cửu vừa được tổ chức. Ảnh: B.Nguyên

Nhiều đặc sản chế biến từ nguyên liệu nông sản sạch được nông dân H.Vĩnh Cửu giới thiệu tại hội nghị sơ kết Đề án về minh bạch sản phẩm nông nghiệp hữu cơ H.Vĩnh Cửu vừa được tổ chức. Ảnh: B.Nguyên

Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều nông dân của Đồng Nai đã ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng hữu cơ, tận dụng nguồn rác thải sinh hoạt, rác thải trong chăn nuôi để làm phân bón, thuốc trừ sâu không độc hại với giá rẻ.

Gần đây, Đề án về minh bạch sản phẩm nông nghiệp hữu cơ H.Vĩnh Cửu được triển khai với quy trình chặt chẽ từ khâu trồng, đầu tư sơ chế, chế biến sạch đến khâu phân phối, minh bạch thông tin để người tiêu dùng yên tâm sử dụng đang thu hút đông đảo nông dân tham gia vì hiệu quả thiết thực.

* Nông dân tự làm phân, thuốc an toàn

Trước yêu cầu thực tế của thị trường nội địa và xuất khẩu về nông sản an toàn, nông dân ngày càng quan tâm đến việc ứng dụng các phương pháp tự ủ phân bón hữu cơ cũng như phòng trừ sâu bệnh bằng các phương pháp tự nhiên như: trồng lúa sạch theo mô hình ruộng lúa bờ hoa; trồng hoa cỏ trong vườn cây, nuôi kiến vàng, tự làm thuốc bảo vệ thực vật sinh học để trừ sâu bệnh bằng phương pháp tự nhiên, rẻ tiền.

Theo các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ, hiện phát triển nông nghiệp, trong đó có nông nghiệp sạch của Việt Nam, chưa xứng tầm với tiềm năng. Chất lượng các vùng nguyên liệu nông sản chưa đáp ứng được yêu cầu cho cả thị trường xuất khẩu và cho ngành chế biến; thương hiệu nông sản còn yếu và thiếu… Theo đó, các địa phương phải quan tâm, tìm ra cách làm phù hợp để phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ để xây dựng được một nền nông nghiệp tín nhiệm bằng sự minh bạch về chất lượng. Vai trò triển khai của các địa phương rất quan trọng vì bên cạnh các chính sách của Trung ương thì việc chủ động ứng dụng, triển khai chính sách phù hợp với thực tế mới phát huy được hiệu quả.

Ông Đoàn Ngọc Thạnh (xã Xuân Thiện, H.Thống Nhất) là một trong những người đi tiên phong trong áp dụng quy trình sản xuất sạch bằng các phương pháp sử dụng chế phẩm sinh học để chăm sóc cây trồng. Song song đó, ông cũng đã thành công với phương pháp diệt côn trùng, sâu rầy bằng đèn, treo bảng màu thay cho thuốc bảo vệ thực vật bằng hóa chất để xử lý sâu bệnh, vừa giảm chi phí lại bảo vệ được sức khỏe con người.

Vườn bưởi hơn 3ha của ông cho chất lượng ngon, lại an toàn nên luôn là địa chỉ được cả khách mua lẻ và thương lái ưu tiên chọn lựa. Do đó, mô hình sản xuất sạch, chi phí rẻ của ông được nhiều bà con trong vùng học hỏi kinh nghiệm.

Cũng là nông dân đi đầu ứng dụng công nghệ sinh học tự ủ phân bón hữu cơ và sử dụng men vi sinh để tạo ra những chế phẩm sinh học diệt sâu bọ, ông Nguyễn Văn Thanh (xã Hiếu Liêm, H.Vĩnh Cửu) cũng được nhiều nông dân trong vùng biết tiếng đến học hỏi kinh nghiệm.

Theo ông Thanh, sản xuất theo hướng hữu cơ do nông dân chủ động tự làm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cây trồng phát triển tốt, cho chất lượng trái ngon hơn; đặc biệt chi phí đầu tư thấp hơn nhiều so với sử dụng các loại phân, thuốc hóa học. Tuy sản xuất theo hướng này không quá khó nhưng đòi hỏi người nông dân phải kiên nhẫn học hỏi, nghiên cứu và quan sát trong suốt quá trình canh tác để tự rút cho mình những kinh nghiệm thực tế.

Thời gian qua, vườn bưởi của gia đình ông Thanh đã đón nhận khá nhiều khách đến tham quan, từ các cơ quan chức năng đưa nông dân đến học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm đến cả những nông dân có hứng thú làm nông nghiệp sạch tự tìm đến để tham quan vườn và học cách tạo men vi sinh. “Tôi hy vọng thời gian tới, ngành nông nghiệp của tỉnh sẽ ngày càng có thêm nhiều diện tích cây trái sạch vừa bảo đảm sức khỏe nhà nông vừa tạo được thương hiệu cho trái cây Đồng Nai” – ông Thanh kỳ vọng.

Cùng chuyển hướng sản xuất nông nghiệp sạch nhưng ông Đoàn Văn Le, nông dân tại xã Tây Hòa (H.Trảng Bom) lại có cách làm đặc biệt hơn khi chọn mô hình nuôi kiến vàng trong vườn cây để bảo vệ cây trồng thay cho thuốc trừ sâu hóa học. Các loài sâu, bọ, côn trùng có hại đã trở thành thức ăn của kiến vàng nên từ đó vườn của ông hầu như không sử dụng thuốc trừ sâu. Ông Le chia sẻ: “Tôi cũng tự ủ phân hữu cơ để bón cho cây trồng để giảm chi phí đầu tư, vừa giúp cải tạo đất canh tác bạc màu vì phân, thuốc hóa học dần màu mỡ hơn. Nông sản lại đáp ứng tốt thị trường xuất khẩu vào những thị trường khó tính nhất”.

* Nhân rộng nhiều mô hình hấp dẫn

Hiện nay, việc sản xuất theo hướng hữu cơ không còn là câu chuyện lẻ tẻ của một vài nông dân mà đã trở thành xu hướng phát triển được nhiều địa phương khuyến khích nhân rộng.

Vườn bưởi sản xuất theo hướng hữu cơ của ông Nguyễn Văn Thanh (xã Hiếu Liêm, H.Vĩnh Cửu). Ảnh: Ngọc Liên

Vườn bưởi sản xuất theo hướng hữu cơ của ông Nguyễn Văn Thanh (xã Hiếu Liêm, H.Vĩnh Cửu). Ảnh: Ngọc Liên

Với mục tiêu chọn phát triển nông nghiệp sạch, sản xuất theo hướng hữu cơ làm mũi nhọn đột phá trong sản xuất nông nghiệp, hơn 1 năm trước, H.Vĩnh Cửu đã triển khai Đề án về minh bạch sản phẩm nông nghiệp hữu cơ H.Vĩnh Cửu. Nội dung quan trọng trong đề án này là chuyển giao cho nông dân ứng dụng công nghệ sinh học (sử dụng men vi sinh) tận dụng nguồn phế thải từ rác thải sinh hoạt, rác thải nông nghiệp hữu cơ, chất thải chăn nuôi… để sản xuất phân bón hữu cơ cũng như tự làm thuốc sinh học trong phòng, trừ dịch hại trên cây trồng. Qua hơn 1 năm triển khai vào thực tế, mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ không ngừng được nhân rộng tại địa phương từ sản xuất cây có múi đến rau quả, trồng lan… 

Tham gia Đề án về minh bạch sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Vĩnh Cửu ngay từ những ngày đầu, ông Hoàng Sơn Công, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ ngành hàng bán lẻ Việt Nam là người đã chuyển giao cho nông dân kỹ thuật ứng dụng công nghệ sinh học để làm nông nghiệp sạch.

“Chúng tôi đã nghiên cứu tìm ra hơn 30 nhóm giải pháp khác nhau với mục tiêu giúp người nông dân làm chủ được mảnh đất của mình, làm chủ môi trường và nông sản của mình. Quan điểm của chúng tôi, các nghiên cứu khoa học này thuận theo tự nhiên, chuyển giao công nghệ này phải đạt được những yêu cầu là dễ làm, sản xuất rất rẻ và khi chuyển giao xong, nông dân không hề phụ thuộc đơn vị chuyển giao” – ông Công chia sẻ.

Ông Công cho biết thêm: “H.Vĩnh Cửu là địa phương đầu tiên chúng tôi hỗ trợ chuyển giao toàn bộ công nghệ mới mà chúng tôi đang có. Tôi chọn H.Vĩnh Cửu là nhờ sự kết nối của nguyên Bí thư Huyện ủy H.Vĩnh Cửu Trần Trung Nhân (hiện là Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Đồng Nai). Đề án đạt những kết quả tốt như hiện nay có lý do rất lớn là lãnh đạo của huyện đặc biệt quan tâm, từ đó, các đoàn thể cũng như nông dân đều tích cực tham gia chương trình”.

Bà Nguyễn Thị Điệp, Phó trưởng phòng NN-PTNT H.Cẩm Mỹ đã trực tiếp cùng một số nông dân của huyện đi tham quan các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ tại H.Vĩnh Cửu cho hay: “Chúng tôi đi học tập thực tế và rất chú ý đến phương pháp tự tạo men vi sinh và tận dụng các loại rác thải từ sản phẩm nông nghiệp để sản xuất phân bón hữu cơ. Tôi đã xin các tài liệu hướng dẫn để về thuyết phục và hướng dẫn lại cho nông dân của huyện ứng dụng vào thực tế trong thời gian tới”.

Theo bà Điệp, Cẩm Mỹ hiện có gần 40 ngàn ha đất sản xuất nông nghiệp. Trên địa bàn huyện đã có một số HTX nông nghiệp cung cấp các sản phẩm hữu cơ, sản phẩm sạch ra thị trường. Tuy nhiên, nông dân Cẩm Mỹ vẫn áp dụng phương pháp chăm sóc vườn cây bằng các chế phẩm sinh học mua ngoài thị trường nên chi phí không hề rẻ. Giải pháp nông dân tự làm chế phẩm sinh học và phân bón hữu cơ theo công thức đơn giản, dễ thực hiện và chi phí rất rẻ như H.Vĩnh Cửu đang hỗ trợ đông đảo nông dân ứng dụng sẽ là lời giải cho bài toán khó về sản xuất sạch có chi phí cao mà nông dân vẫn gặp phải trong thời gian qua.

* Làm đặc sản sạch, chi phí thấp

Khó khăn lớn nhất của nông sản sạch hiện nay là ở khâu xây dựng thương hiệu để có đầu ra ổn định. Với quy trình chặt chẽ từ trồng sạch, đầu tư sơ chế, chế biến sạch đến khâu phân phối, Đề án về minh bạch sản phẩm nông nghiệp hữu cơ H.Vĩnh Cửu cũng đã giải quyết điểm nghẽn lớn cho nông dân làm nông sản sạch là khâu thị trường.

Thời gian qua, nhiều HTX, trang trại trên địa bàn H.Vĩnh Cửu đã được hỗ trợ không chỉ trong sản xuất sạch mà còn đầu tư vào khâu bảo quản, chế biến ra nhiều đặc sản địa phương sạch từ quy trình sản xuất đến khi phân phối ra thị trường.

Kỹ sư Cổ Thanh Dũng, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh nông sản minh bạch Minh Đức (xã Bình Hòa, H.Vĩnh Cửu) cho hay, Vĩnh Cửu có hàng ngàn ha bưởi, cam… là nguồn tài nguyên rất lớn làm nguyên liệu chế biến các sản phẩm đặc sản riêng của địa phương. Hiện tổ hợp tác đang đầu tư chế biến hàng loạt sản phẩm từ nguyên liệu bưởi. Trong đó, nhiều dòng sản phẩm như: mứt vỏ bưởi, tinh dầu bưởi, nước xịt rửa tay diệt khuẩn, dầu gội đầu, nước rửa chén đến nước hoa nhà vệ sinh từ tinh dầu bưởi… được người tiêu dùng đánh giá cao vì đây là dòng sản phẩm thuần tự nhiên, rất an toàn cho người sử dụng.

Phó chủ tịch UBND H.Vĩnh Cửu Nguyễn Quang Phương cho biết, những trang trại, HTX sản xuất nông nghiệp hữu cơ của huyện đang đầu tư chế biến những đặc sản độc, lạ từ các loại cây trái thế mạnh của địa phương như: trà búp ổi tẩm mật ong, trà hoa dâm bụt, mật ong lên men hoa đậu biếc, hoa cúc chi… Định hướng về bài toán đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp sạch thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục nghiên cứu các giải pháp để các đặc sản trên được chứng nhận là sản phẩm nông nghiệp sạch theo hướng đưa sản phẩm vào đăng ký nhãn hàng hóa theo chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đây là kênh có nhiều lợi thế trong chứng nhận và hỗ trợ nông sản sạch phát triển thị trường.

“Trong giai đoạn 2020-2021, Vĩnh Cửu phấn đấu có 50% nông dân triển khai phương pháp sử dụng men vi sinh trong sản xuất. Huyện sẽ gắn Đề án về minh bạch sản phẩm nông nghiệp hữu cơ H.Vĩnh Cửu với phát triển du lịch vườn, du lịch sinh thái nhằm quảng bá, mở rộng thị trường cho cả nông sản tươi và chế biến” – ông Phương nhấn mạnh.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc “4.0 thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản, cơ giới hóa nông nghiệp” diễn ra vào cuối tháng 2, Chủ tịch HĐQT Công ty CP ô tô Trường Hải (trụ sở chính tại TP.HCM) Trần Bá Dương chỉ ra, hiện ngành nông nghiệp còn bị vô cơ hóa quá nặng, dẫn tới đời sống sinh học của sản phẩm nông nghiệp thấp. Tuy nông nghiệp đã phát triển tốt nhưng đã đến lúc cần xem xét để cơ cấu lại cho phù hợp với thị trường hội nhập kinh tế thế giới. Phải có giải pháp đồng bộ trong cả chăn nuôi và trồng trọt theo hướng hữu cơ, từ phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ và biện pháp bảo quản hữu cơ… Khi tổ chức sản xuất nhỏ hơn thì phải dựa trên nền tảng hữu cơ và có tính thiết thực cao. Về chuỗi giá trị hữu cơ thì cần phải xuyên suốt từ giống, chăm sóc, bảo quản và chứng nhận với khách hàng để tạo ra chuỗi giá trị. Ví dụ, dưa hấu hiện vẫn chuyên chở bằng xe nóng và bảo quản chỉ được 10 ngày; thanh long bảo quản được khoảng 24 ngày. Nếu như có biện pháp bảo quản tốt thì thời gian bảo quản của các loại trái cây sẽ được dài hơn.

Vài năm trở lại đây, Công ty CP ô tô Trường Hải quan tâm đầu tư các khu công nghiệp chuyên nông, lâm nghiệp sản xuất bao gồm: tổng kho, các nhà máy chế biến trái cây, ngũ cốc và thực phẩm, dịch vụ và thương mại nguyên liệu ngành gỗ, các nhà máy sản xuất đồ gỗ, vật tư nông, lâm nghiệp, logistics trên toàn chuỗi sản xuất kinh doanh nông nghiệp…

Bình Nguyên

Bình Nguyên – Ngọc Liên

Ông Phạm Minh Phước, Chủ tịch UBND H.Vĩnh Cửu: Tiếp tục hỗ trợ nông dân sản xuất sạch

 

Theo Chủ tịch UBND H.Vĩnh Cửu Phạm Minh Phước, mục tiêu đầu tiên của Đề án về minh bạch sản phẩm nông nghiệp hữu cơ H.Vĩnh Cửu là nông dân có sự thay đổi trong nhận thức, tư duy, chủ động trên chính mảnh đất của mình, chủ động quyết định được giá trị sản phẩm do mình tạo ra và áp dụng thành công minh bạch sản phẩm nông nghiệp nhằm tạo sự liên kết trong sản xuất để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Hiện chỉ là giai đoạn đầu tạo tiền đề để địa phương xây dựng một hệ thống sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ bền vững trong tương lai.

Thời gian tới, H.Vĩnh Cửu sẽ bước sang giai đoạn mới là nhân rộng các mô hình không chỉ toàn huyện mà sang cả các huyện khác trên địa bàn tỉnh, góp phần đưa nông sản của Đồng Nai lên một bậc cao hơn, nông dân làm chủ được công nghệ và sản phẩm của mình.

Ông Đặng Quang Chính, ấp 3, xã Vĩnh Tân (H.Vĩnh Cửu): Mong được hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho nông sản sạch

 

Vui vẻ chia sẻ với bà con nông dân về những thành quả mà mình đã đạt được sau thời gian chuyển đổi cách chăm sóc vườn mít gần 2ha từ vô cơ sang cách mới theo hướng hữu cơ, sử dụng men vi sinh trong chăm bón, ông Đặng Quang Chính cho biết, nếu trước kia mỗi năm vườn mít của ông bị chết khoảng 10 cây mít/năm, sau khi sử dụng men vi sinh phun xịt, chăm sóc, vườn cây của ông khỏe mạnh, số cây chết chỉ còn 1-2 cây.

Chất lượng trái cây vẫn được bảo đảm kèm với chi phí rẻ và theo hướng hữu cơ nên ông đã tạo được thị trường riêng cho mình, không chỉ thương lái mà rất nhiều khách mua lẻ ở xa vẫn tìm đến đặt hàng. Hiện có 21 nông dân tại địa phương tham gia vào HTX Nông nghiệp Vĩnh Tâm liên kết cùng nhau làm nông nghiệp sạch. Ông Chính mong muốn HTX được Nhà nước hỗ trợ trong việc cấp giấy chứng nhận là nông sản sạch cũng như trong việc quảng bá, xây dựng thương hiệu cho nông sản. Đây sẽ là giấy thông hành để nông sản sạch tiếp cận thị trường khó tính hơn.

Ông Nguyễn Văn Tình, chủ trang trại trái cây tại H.U Minh, tỉnh Cà Mau: Nông dân vẫn bán được hàng vào siêu thị Nhật

 

Trang trại của ông Nguyễn Văn Tình tại H.U Minh (tỉnh Cà Mau) được nông dân nhiều tỉnh, thành biết tiếng, tìm đến tận nơi học kinh nghiệm sản xuất vì sản phẩm vào được hệ thống siêu thị Aeon của Nhật và một số siêu thị lớn khác tại TP.HCM. Tuy nhiên, ông Tình vẫn cất công về H.Vĩnh Cửu tham quan, học hỏi thêm kinh nghiệm mới của nông dân Đồng Nai trong làm nông sản sạch.

Chia sẻ kinh nghiệm mở rộng thị trường cho nông sản sạch, ông Tình cho biết, trang trại của ông đã chuyển đổi sản xuất theo hướng hữu cơ hơn 2 năm qua. Nhờ sản xuất với quy mô lớn, đầu tư cho khâu nhãn mác, bảo quản và tích cực đưa sản phẩm đi chào hàng ở nhiều tỉnh, thành nên sản phẩm của trang trại vào được các siêu thị lớn. Yếu tố quan trọng nhất để trở thành bạn hàng lâu dài của kênh phân phối hiện đại là trang trại phải luôn đảm bảo đúng chuẩn sản xuất sạch, nông sản không chỉ đạt về chất lượng mà phải chăm chút để sản phẩm đẹp về hình thức, mẫu mã.

Thủy Mộc – Lê Quyên