Nồi măng hầm giò ngày Tết


Cỗ Tết của nhà tôi lúc ấy ngoài thịt gà với vài ba thứ khác thì không thể thiếu món chân giò (giò heo) nấu măng khô.

Bố mẹ tôi từ Bắc di cư vào Nam lúc đó chưa có tôi…

Vậy mà nay đã hơn nửa thế kỷ.

Thuở bé, chị em tôi cứ mong mau tết Nguyên Đán để được quần áo đẹp, được tiền mừng tuổi mới, được vui chơi, đặc biệt là… không phải học, và được ăn cỗ suốt mấy ngày.

Vả lại hình như cả đại gia đình, ai cũng hảo món này, nhất là ông bà, bố mẹ, cô chú tôi. Tết mà không có nồi măng hầm chân giò thì bữa cỗ tết mất cả cái ngon, y như trong Nam, Tết không thể thiếu nồi khổ qua hầm vậy.

Nồi măng hầm giò ngày Tết - 1Bố kỹ tính nên mẹ tôi tết nhất làm món gì, không cần biết, nồi măng do chính tay bố tôi mua nguyên liệu về mới hài lòng và hình như đó là niềm vui mỗi dịp xuân về của bố thì phải.

Khoảng rằm tháng Chạp, đi làm về trên giỏ xe thể nào cũng có túi măng khô do bố dặn người quen trên sở bán cho. Măng nứa mới, khô, nâu vàng chứ không phải nâu đen như một số măng cũ, cũng không vàng khè khè do nhuộm thêm phẩm màu. Còn sớm nên măng mua về được mẹ tôi xếp ra khay nhôm phơi thêm vài nắng rồi gói kỹ lại cất đi kẻo nó hút hơi nước.

Ngày đi làm cuối cùng của năm cũ tức chiều hai tám tết, bố tôi đem về một chiếc giò heo to tướng. Mẹ tôi cạo rửa sạch sẽ rồi cẩn thận gói ghém cất vào chiếc tủ lạnh nhỏ dưới nhà bếp, chiếc tủ quý giá vô cùng lúc bấy giờ.

Măng được mẹ tôi lấy ra ngâm bằng nước vo gạo từ chiều ngày 26, cứ mỗi lần nấu cơm vo gạo lại thay nước mới. Đến sáng 29, măng nở lưng nồi. Nồi măng được bắc lên bếp luộc đi luộc lại, thay nước mấy lần cho ra hết chất đắng. Bấy giờ mẹ tôi mới ngồi nhặt lại và  cắt miếng vừa miệng ăn rồi luộc lại lần chót.

Sáng sớm 30 Tết, gian bếp nhà tôi rộn hẳn lên! Bố tôi lấy tấm thớt cùng chiếc giò heo ra, vừa liếc con dao to vào trôn bát xoèn xoẹt vừa hát nho nhỏ nhưng cũng đủ cho mọi người nghe:

– Tết nhất làm chi, ai bày tết nhất làm chi, lo quần lo áo… Đang hát lại lẫn vào một câu: Chân giò này ngon quá, nhiều nạc!

Bố cười cười với chúng tôi rồi khéo léo chẻ chiếc giò heo làm đôi, chặt miếng ngọt xớt y người bán thịt chuyên nghiệp. Thế là phần việc của bố xong xuôi, đến phần nấu là của mẹ tôi.

Mẹ cho chỗ chân giò vào cái nồi lớn nhất của căn bếp, nồi chỉ dùng khi có giỗ chạp Tết nhất, ướp mắm muối đậm đà. Một lúc sau, lại cho chỗ măng vào trộn và thêm chút gia vị nữa. Để một lát mới bắc lên bếp. Nồi măng được chăm sóc cẩn thận vì là món quan trọng, ăn cả mấy ngày Tết.

Khi thịt đã săn lại cùng có mùi thơm của măng tỏa ra thì mẹ tôi cho nước ngập qua cả măng và thịt. Chờ gần sôi bắt đầu mở vung vớt bọt. Thế là nước trong veo, có màu vàng nâu đặc trưng của măng khô, ngào ngạt cả góc bếp. Thi thoảng mẹ tôi lại mở vung đảo nồi măng lên cho chín đều và chỉ để sôi liu riu.

Độ hơn một giờ đồng hồ, mẹ nêm nếm lại và dùng đũa  xăm thử lớp da heo xem vừa ăn chưa… Lúc này măng đã mềm hơn và thấm đẫm cái vị ngọt thơm của  chân giò cùng gia vị, lớp nước trên mặt cũng đã óng ánh mỡ từ thịt chân giò tứa ra, bố tôi ghé xuống xem “ngon đấy, hành lá, miến rửa chưa nào?”. Các món khác chúng tôi cùng mẹ lục đục từ sớm cũng đã xong xuôi đâu đấy.

Nồi măng hầm giò ngày Tết - 2Bố tôi lấy chiếc bát to khéo léo múc món đặc biệt ấy vào, mẹ gắp ít miến thả vô nồi măng rồi vớt lên bày trên mặt bát măng vài sợi cho bắt mắt, cây hành lá cũng được chần trong nồi măng đang sôi nhè nhẹ và điểm thêm lên bát măng cho có màu xanh… Chỉ nhìn thôi đã thấy thèm thuồng lắm!

Bố tôi tủm tỉm bê bát măng nóng hổi đặt lên ban thờ tổ tiên, mẹ tôi gắp thêm đĩa bún đặt bên cạnh. Ban thờ ngày Tết chật cả các món ăn nào thịt gà, nem rán (chả giò chiên), dưa nén, thịt đông, đĩa bánh chưng xanh rền… toàn tự tay nhà làm. Rồi bố tôi đốt hương lâm râm khấn vái mời các cụ về ăn tết với con cháu. Ông tôi cũng chống gậy ra đốt nén hương… Không khí trang nghiêm mà vui tươi thích thú làm sao! Cô chú tôi cũng đến đông đủ để trước cúng sau ăn.

Cúng xong, hạ cỗ. Ông tôi móm mém vừa nhai vừa khen măng đậm đà, miếng giò heo với lớp da dày, nở căng, thấm màu của măng ăn không hề ngấy. Mà lạ thật, miếng măng mềm, thơm, thậm chí ngon hơn cả miếng thịt chân giò. Nồi măng to ngày 30 múc ra cúng và ăn hết gần nửa. Mẹ đặt lên bếp đun lại cho khỏi thiu. Sáng mai mùng 1 chỉ luộc con gà, nấu bát miến cúng.

Mẹ tôi bảo nồi măng là món canh đặc biệt nhất ai cũng thích, nên phải nấu nhiều, để ăn năm này sang năm khác. Và thật thế, chiều mùng hai mới nhẵn nồi. Mà măng đun đi đun lại lại càng ngon mới lạ! Mẹ mà không nói thì trong tâm tôi cứ thắc mắc rằng ăn không hết mà sao mẹ cứ nấu nhiều thế không biết. Thì ra nấu nhiều từ hôm ba mươi tết để hôm sau sáng mùng một bước sang năm mới vẫn còn, quanh năm dư ăn dư mặc hết năm này sang năm khác.

Bao năm trôi qua, giờ đây mỗi dịp Tết, giỗ bố mẹ, chúng tôi vẫn không thể quên nấu món chân giò ninh măng khô truyền thống đó… Gắp ít bún tươi vào bát, chan nước măng nóng hổi thêm miếng thịt chân giò chặt khéo kèm vài miếng măng nâu nâu, nhúm hành xanh thái nhuyễn đảo lên… ngon có lẽ không bút nào tả xiết.

Ngày Tết toàn bánh tét bánh chưng đôi lúc ngán, được bát bún măng nóng hầm giò chợt sáng cả mắt!

'Món trời cho' ngày Tết ăn thấy bâng khuâng ở Tây Bắc
‘Món trời cho’ ngày Tết ăn thấy bâng khuâng ở Tây Bắc

Tây Bắc, vùng đất nổi tiếng với nhiều món ăn ngon, lạ của nhiều dân tộc, nhưng nếu du khách chưa thưởng thức món của…