Nỗi lo đi chợ Tết

TP – Mỗi ngày chị Vũ Thu Thảo đều đến chợ Cư xá Ngân hàng (quận 7, TPHCM) gần nhà để mua thực phẩm tươi sống. Theo chị Thảo, đây là ngôi chợ nhỏ nhưng hàng hóa luôn đảm bảo chất lượng và chủ yếu phục vụ cư dân tại chỗ, vì vậy người mua, người bán tại chợ này phần lớn quen biết nhau nên gần như không có chuyện thách giá.

Tuy nhiên, kể từ Tết dương lịch đến nay, mỗi khi đi chợ về, chị Thảo đều cảm thấy bất an bởi cái cảm giác như mình bị đánh rơi tiền. “Giá nhiều mặt hàng thực phẩm tươi sống tăng vọt, có khi ba đến bốn mươi phần trăm”, chị Thảo thở dài.

Theo chị Thảo, những người mua thường nhận được lời giải thích từ người bán như “hàng đang khan” hay “thuế phí tăng cao”, “lấy vào giá cao nên phải bán giá cao”… Cũng có khi chỉ là một lời đáp: “Giá Tết”. Để bữa cơm gia đình được đảm bảo ở mức bình thường như cũ, chị Thảo đã phải tăng mức chi tiêu, trong khi lương thưởng không những không tăng mà còn teo tóp, thậm chí chị còn bị chậm lương vì công ty gặp khó khăn, vì vậy các bà nội trợ như chị rất khổ sở trong tính toán chi tiêu trong những ngày cuối năm.

Nỗi lo đi chợ Tết ảnh 1

Lý giải về nguyên nhân khiến giá nhiều mặt hàng tiêu dùng tăng “giật cục” trong thời gian gần đây, các doanh nghiệp cho rằng, từ nhiều tháng qua, chi phí đầu vào tăng cao, nhất là sự biến động của thị trường xăng dầu, đã ảnh hưởng không nhỏ đến giá thành sản xuất. Sau một thời gian nỗ lực kìm giá bán, doanh nghiệp buộc phải “bung” để cân đối chi phí. Cùng lúc đó, chính sách hỗ trợ 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) của Chính phủ kết thúc đã tác động dẫn đến việc hình thành mặt bằng giá mới. Các nhà quản lý luôn khẳng định không thiếu hàng, kể cả những ngày cao điểm Tết và cam kết không để xảy ra tình trạng găm hàng, đầu cơ, tăng giá để trục lợi. Song trong thực tế, giá hàng hóa, dịch vụ vẫn luôn tăng cao vào mỗi dịp lễ, Tết. Riêng năm nay, Tết vẫn còn xa nhưng giá đã bắt đầu tăng khiến dân nghèo lo lắng. Dù phải trả giá cao nhưng người tiêu dùng vẫn luôn phải đối mặt với các loại hàng hóa không đảm bảo an toàn, chất lượng.

Ngoài việc tăng giá do chi phí tăng như kể trên, còn có cả lý do xuất phát từ sự tùy tiện hay những thói quen không tốt của cả người bán lẫn người mua. Không ít thương nhân đã tăng giá “té nước theo mưa”. Từ người bán hàng ngoài chợ đến người thu gom rác và thợ cắt tóc… cũng nghiễm nhiên áp “giá Tết” mà không xuất phát từ nguyên nhân nào chính đáng, thậm chí không cần phải nêu lý do.

Trong khi người tiêu dùng hoặc là buộc phải chấp nhận vì không còn lựa chọn nào khác, hoặc là có thói quen tập trung chi tiêu trong một thời điểm nhất định, sẵn sàng chấp nhận việc tăng giá như lẽ đương nhiên. Thực tế này khiến giá cả thị trường bị méo mó, không phản ánh đúng với bản chất cung cầu. Đó cũng là cách mà người tiêu dùng tự làm khổ mình.

Vì vậy, mỗi dịp Tết đến xuân về, thay vì vui với sự sum vầy, không ít người, nhất là những người nghèo, lao động thu nhập thấp luôn nơm nớp nỗi lo phải đối mặt với giá hàng hóa tăng, dù Tết thực sự vẫn chưa đến.

Đại Dương