Nỗi khổ của sinh viên học liên thông đại học

Nếu không đủ khả năng đậu Đại học mà vào Cao Đẳng để đi đường vòng thì sau này vẫn phải thi một lần nữa để vào Đại Học. Như thế thì các trường Cao Đẳng và hệ Cao Đẳng tồn tại còn ý nghĩa gì nữa đây bác Bộ trưởng giáo dục ơi.

Bác Bộ trưởng giáo dục ơi,

Cháu hiện là một sinh viên thuộc hệ Cao Đẳng (CĐ), sau khi đọc Dự thảo mới về quy định đào tạo liên thông lên trình độ Đại học, Cao đẳng mới được Bộ giáo dục đưa ra, cháu vô cùng hoang mang lo sợ.

Kỳ tuyển sinh năm 2011 cháu đã trượt hệ ĐH nhưng dù sao cháu vẫn còn một niềm vui là vẫn tiếp tục hệ CĐ và vẫn có thể liên thông ĐH. Nhưng con đường liên thông đó đang bị xiết chặt như thế thì ước mơ có được một tấm bằng ĐH của cháu và các sinh viên cao đẳng nói chung sẽ đi về đâu?

Cháu luôn thấy có 2 ý kiến trái chiều đang tồn tại, một ý kiến cho rằng: không có bằng ĐH thì sẽ chẳng có cơ hội kiếm nhiều tiền và một ý kiến khác nói rằng ĐH không là tất cả, ĐH chỉ là con đường ngắn nhất trong các con đường dẫn đến thành công.

Nhưng thực tế không phải như vậy, các mục đăng tuyển việc làm họ luôn đặt chỉ tiêu là phải có bằng Đại Học trước khi là yêu cầu kinh nghiệm. Để thi vào ĐH, chúng cháu cảm thấy vô cùng vất vả, phải học liên tục ngày đêm, nhiều bạn phải chạy các trung tâm, cơ sở luyện thi, tìm thầy giáo giỏi… không biết tốn hết bao nhiêu tiền bạc và công sức.

Cháu cảm thấy mình may mắn hơn là dù sao vẫn còn được học ở hệ Cao Đẳng trong khi đó nhiều người cho rằng học Cao Đẳng vẫn còn là chưa giỏi.

Giờ đây, nếu Bộ Giáo dục siết lại chương trình liên thông, điều đó có nghĩa là sau khi chúng cháu ngồi ở hệ cao đẳng hết 2 năm rưỡi trời, được học các môn pháp luật, chủ nghĩa Mác-Lênin, các môn cơ sở và chuyên ngành để phục vụ cho chuyên môn về sau thì chúng cháu lại phải quay lại các trung tâm luyện thi để luyện các môn khối A, B, C, D và phải thi cùng với các học sinh cấp 3 nữa hay sao?

Ý cháu ở đây có nghĩa là thời gian trôi qua khá lâu, những kiến thức ở ghế nhà trường dường như chúng cháu đã lãng quên, và các em cấp 3 sẽ có lợi thế hơn chúng cháu rất nhiều, như thế thì thiệt thòi sẽ về chúng cháu và nếu không thi được, chúng cháu sẽ phải dừng chân ở tấm bằng Cao Đẳng mà thôi.

Còn ở các em học sinh cấp 3 thì sao? Nếu theo quy định này, thì các em sẽ tập trung thi vào ĐH mà thôi, vì các em biết rằng nếu không đủ khả năng đậu ĐH mà vào Cao Đẳng để đi đường vòng thì sau này vẫn phải thi một lần nữa để vào Đại Học, như thế thì các trường Cao Đẳng và hệ Cao Đẳng tồn tại cũng chẳng còn ý nghĩa gì và trình độ, kiến thức của chúng cháu chỉ được công nhận, đánh giá ở điểm thi các môn của các khối thi tuyển sinh ĐH chứ không phải là những gì chúng cháu được học ở Cao Đẳng.

Vào Đại Học bằng con đường thi thẳng đã vất vả lắm rồi, nhưng khi ra trường còn vất vả hơn nữa. Vì không phải ai có được tấm bằng Đại Học đều có được việc làm cả. Do điểm thi vào Đại Học của họ thấp quá hay do họ liên thông từ Cao Đẳng lên Đại Học nên không được công nhận?

Cháu nghĩ là do chuyên môn, trình độ của họ chưa hài lòng được các nhà tuyển dụng. Cháu có một người anh là Tổng giám đốc của 1 khách sạn ở Q7, TP HCM. Anh ấy nói với cháu rằng, bảng điểm của trường Đại Học chẳng qua là để đánh giá được sức chịu đựng của một sinh viên ở môi trường ĐH như thế nào thôi, cái quan trọng chính là trình độ chuyên môn.

Ấy vậy mà thật đáng buồn vì không phải ai cũng có tấm bằng Đại Học, họ đã rớt từ vòng duyệt hồ sơ vì thiếu bằng Đại Học chứ đừng nói gì đến kiểm tra chuyên môn.

Với một thực tế xã hội hiện nay là coi trọng bằng cấp hơn chuyên môn thì sinh viên chúng cháu, nhất là sinh viên hệ Cao Đẳng phải làm thế nào để có được địa vị sau này trong xã hội đây?

Với lại, ở môi trường Cao Đẳng – Đại Học thì sinh viên chủ yếu là tự học, phải biết biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo, thì đó mới chính là điều kiện đủ để một sinh viên có đủ tự tin trước nhà tuyển dụng chứ không thể đổ lỗi cho liên thông được.

Đúng là có nhiều trường ĐH tổ chức liên thông một cách thiếu nghiêm túc và không theo quy định của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo, nhưng cháu nghĩ chỉ cẩn quản lý chặt hơn ở việc tổ chức thi liên thông là được rồi chứ việc xiết chặt liên thông không phải là giải pháp.

Cháu mong bác hãy xem xét tình hình thực tế để hiểu rõ hơn về sinh viên chúng cháu. Những gì cháu viết hoàn toàn là sự thật, cũng là tâm sự của tất cả những bạn sinh viên cao đẳng đang hoang mang lo lắng đêm ngày. Cháu mong ý kiến của cháu được bác tiếp nhận. Chúc bác sức khỏe!

Trần Vĩnh Thắng

Theo dự thảo mới về Quy định đào tạo liên thông trình độ Đại học, Cao đẳng các thí sinh phải tham dự cùng kỳ thi tuyển sinh đại học chính quy theo Quy chế tuyển sinh cao đẳng và đại học chính quy hiện hành theo các khối ngành đăng ký dự thi.

Phần đăng ký đối tượng dự thi cần ghi rõ “Liên thông” để được hưởng chương trình đào tạo liên thông. Điểm trúng tuyển của các thí sinh hệ liên thông phải bằng điểm trúng tuyển của các thí sinh dự thi hệ chính quy khác cùng ngành học.

Thời gian đào tạo liên thông trình độ đại học chính quy được xác định bằng sự tích hợp chứng chỉ đào tạo hoặc điểm kết thúc môn học của toàn bộ chương trình đào tạo do hiệu trưởng quyết định.

Sinh viên đăng ký học liên thông trình độ đại học chính quy được miễn giờ lên lớp các môn đã học theo chương trình quy định cho những người học liên thông nhưng phải tham gia dự thi toàn bộ các môn học theo chuyên ngành cùng với sinh viên hệ chính quy của năm thứ 3 theo niên chế hoặc theo số lượng tín chỉ do Hội đồng giáo dục trường quy định.

Đặc biệt, chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo liên thông nằm trong tổng chỉ tiêu được Bộ GDĐT thông báo hàng năm hoặc chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo liên thông được xây dựng trên cơ sở các quy định hiện hành của Bộ GDĐT theo năng lực đào tạo của trường.

Về tuyển sinh lên cao đẳng và đại học hình thức vừa làm vừa học, đào tạo liên thông trung cấp lên trình độ cao đẳng, và từ cao đẳng lên trình độ đại học, các thí sinh phải tham dự thi tuyển 3 môn gồm 2 môn cơ bản và một môn cơ sở ngành.