Nỗi đau không phải ai cũng hiểu
Thạc sĩ – bác sĩ Dương Phước Hưng – trưởng khoa hậu môn trực tràng Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, chuyên gia về lĩnh vực hậu môn trực tràng – trao đổi về nỗi đau này.
BS Dương Phước Hưng, trưởng phân khoa hậu môn – trực tràng (trái) trao đổi với BS Hoài Nam – Ảnh: H.T.V.
* PGS.TS Nguyễn Hoài Nam: Thưa anh, nỗi đau thầm kín mà nhiều bệnh nhân không biết tâm sự cùng ai có phải là đau do bệnh rò hậu môn không?
– ThS.BS Dương Phước Hưng: Đúng vậy, bệnh này có khá nhiều người bị và đứng thứ hai sau bệnh trĩ trong các bệnh lý của hậu môn trực tràng. Bệnh còn có tên gọi đơn giản là bệnh mạch lươn của hậu môn. Những đường rò thường bị nhiễm trùng có mủ, gây đau khiến họ đứng ngồi không yên và tạo ra rất nhiều bất tiện cho sinh hoạt hằng ngày của người bệnh.
* Biểu hiện chính của bệnh này là gì?
– Biểu hiện rất đơn giản đó là đau vùng hậu môn trực tràng và xuất hiện một vài vùng bị viêm tấy sau đó vỡ ra và có mủ. Nhưng do tổn thương ở vùng đặc biệt nhạy cảm này nên phần lớn bệnh nhân đều âm thầm chịu đựng, rất ít chia sẻ cùng ai và không đi khám bệnh. Chỉ đến khi bệnh nặng lắm mới chịu chia sẻ cùng bác sĩ thì lúc đó cũng khá khó khăn cho việc điều trị rồi.
* Nguyên nhân chủ yếu của bệnh là gì vậy?
– Bệnh có nhiều nguyên nhân, nhưng ở Việt Nam nhiều nhất là do ápxe vùng hậu môn, do lao, trên những bệnh nhân bị ung thư máu và bệnh tiểu đường.
Có khá nhiều bệnh nhân bị bệnh bạch cầu cấp là một dạng điển hình của bệnh ung thư máu hoàn toàn không có triệu chứng gì cả, chỉ bị bệnh rò hậu môn thôi, đến khi chuẩn bị phẫu thuật làm các xét nghiệm về máu thấy công thức máu bị giảm cả ba dòng hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu mới phát hiện bệnh nhân bị bệnh ung thư máu.
* Với bệnh nhân bị rò hậu môn cần phải tầm soát vấn đề gì?
– Có ba loại xét nghiệm rất cần thiết để tầm soát nguyên nhân của nỗi đau không biết tỏ cùng ai, đó là chụp phim X-quang phổi xem bệnh nhân có bị bệnh lao hay không. Xét nghiệm đường huyết và đường trong nước tiểu xem có bị bệnh tiểu đường.
Và xét nghiệm công thức máu xem có bị bệnh ung thư máu hay không. Đó là ba xét nghiệm tầm soát nguyên nhân bắt buộc trong bệnh này, nếu bỏ qua rất dễ có những chuyện không hay trong quá trình điều trị.
* Cho đến ngày nay, việc điều trị bệnh rò hậu môn có gì mới hay không?
– Mặc dù nền y học trên thế giới và ở Việt Nam hiện nay đã có rất nhiều tiến bộ, nhưng việc điều trị bệnh rò hậu môn vẫn dựa trên cơ sở phẫu thuật cắt bỏ đường rò là chính.
Việc cắt đường rò sẽ rất khó khăn đối với những đường rò phức tạp hay đường rò hình móng ngựa, cho nên trước khi phẫu thuật các bác sĩ thường cho bệnh nhân siêu âm hậu môn để tìm lỗ trong của đường rò, và nếu cần thiết cho chụp phim X-quang đường rò với thuốc cản quang để xác định hình thái của đường rò. Từ đó mới quyết định cắt đường rò như thế nào.
* Có bao giờ mổ xong đường rò bị tái phát không?
– Tái phát là chuyện thường ngày đối với phẫu thuật cắt bỏ đường rò. Chỉ với những đường rò đơn giản một lối thông thì bác sĩ phẫu thuật mới chắc chắn với bệnh nhân là bệnh không bị tái phát, còn với những đường rò phức tạp, nhiều ngóc ngách mà phần lớn bệnh nhân Việt Nam đều bị thì khó lắm, có khi phải mổ đến hai ba lần. Bệnh nhân cũng khổ mà thầy thuốc còn khổ hơn.
* Như vậy anh có lời khuyên nào cho những người đang bị bệnh rò hậu môn không?
– Có chứ, đừng ngại ngùng, hãy tâm sự cùng bác sĩ để tìm cách giải quyết nỗi đau mà không phải ai cũng hiểu của bạn.
Đừng chủ quan với nhọt ở mông
Hai năm trước tôi phát hiện cạnh hậu môn có mụn nhọt, to dần, tấy đỏ và có cồi. Mụn nhọt không đau lắm, lại ở chỗ kín nên tôi không nói với ai, khi nhọt có mủ vàng tôi tự nặn ra nhưng không thể nặn hết cồi.
Sau đó mỗi lần đi ngoài tôi đều rờ thấy phần cồi cứng nhỏ bằng đốt ngón tay, nó chẳng làm hại ai nên tôi chủ quan không đi khám bác sĩ. Vài tháng sau nhọt lại mọc đúng chỗ cái cồi, tôi lại nặn ra.
Trong hai năm cái nhọt này tái phát khoảng năm lần. Lần thứ năm tôi phát hiện dù mụn nhọt là cồi cứng nhưng ngay giữa mụn nhọt hơi mềm lõm vào trong. Lên mạng tìm kiếm, tôi cảm nhận có triệu chứng của rò hậu môn nên đến bác sĩ chuyên khoa ngay.
Lên bàn mổ, theo chỉ định của bác sĩ, tôi đinh ninh mọi thứ sẽ nhẹ nhàng. Ca mổ khoảng 45 phút nhưng những ngày hậu phẫu mới là nỗi ám ảnh.
Đây là vết mổ hở, bác sĩ đã biến đường hầm rò hậu môn thành một cái hào, cắt luôn một phần hậu môn, lại ở vị trí bất tiện nên mỗi khi vệ sinh vết mổ như một lần chịu cực hình mà nhỏ lớn chưa có cơn đau nào kinh khủng như vậy. Cực hình thứ hai là mỗi lần đi ngoài, đó là những cơn đau thấu trời.
Suốt hai tuần sau khi mổ, tôi chỉ ăn khẩu phần đủ để uống thuốc và hạn chế chất tạo phân. Ngoài ra trong một tuần đầu tiên việc đi lại, ngồi làm việc rất khó khăn. Vết thương liên tục rỉ dịch. Vết thương lành dần nhưng phải sau tám tuần tôi mới chia tay được những lần thay băng hằng ngày.
Tôi chỉ là trường hợp bệnh bình thường nhất, những người tôi biết kinh khủng hơn rất nhiều. Họ thường bị đến hai lỗ, gọi là rò hậu môn hình móng ngựa, thậm chí có người bị đến tám lỗ phải mổ đi mổ lại nhiều lần. Họ thường phát hiện khi những cơn đau hành hạ, có người phải nằm sấp và không thể ngủ được.