Nổi da gà với các bài khấn ở lễ hội

“Con lạy chín phương trời, lạy mười phương Phật, con lạy Đức Thánh Bà. Đức Thánh Bà linh thiêng về giúp tín chủ con là Nguyễn Quang T ở Thanh Trì, Hà Nội bịt mồm, bịt miệng kẻ bán hàng bên cạnh, làm cho nó khuynh gia bại sản, sập tiệm để tín chủ con phát tài phát lộc, mua tươi bán tốt…” – Lời khấn của “thợ khấn thuê” khiến tôi bủn rủn cả chân lẫn tay.

{keywords}

Khó phân biệt ai khấn thật, ai khấn hộ. Ảnh: Q.T

Khấn xin…phạm pháp trót lọt!?

Chỉ với 50.000 đồng, chưa bao gồm tiền mua lễ, tôi đã thuê được người khấn hộ xin vay lộc đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), trong những ngày đầu năm. Ngoài số tiền công, người thuê khấn còn phải “trình” tên, tuổi, ngày tháng năm sinh, quê quán, đơn vị công tác càng chi tiết thì “thánh càng dễ hiểu”(lời thầy khấn).

“Thầy khấn” cho tôi là phụ nữ trạc 50 tuổi, nhất định không xưng tên. Bởi theo “thầy” nói: “Giúp người đời, cái tâm là chính, không cần thiết biết tên làm gì”. Trước khi vào ban thờ hành lễ, tôi có ý “duyệt” qua bài cúng của “thầy” nhưng bị xua tay “bài khấn khỏi phải chê”. Ai ngờ đứng trước ban tờ, bà ta rầm rì, nào là xin kẻ bán hàng bên cạnh khuynh gia bại sản, nào là sập tiệm để… tín chủ con phát tài phát lộc. Đến lúc này thì sự đã rồi!

Để minh chứng hùng hồn cho sự hiệu quả bài khấn “lạ”, thầy kể: “Vừa rồi, tôi xin cho một bà cũng ở Hà Nội, chuyến hàng đầu năm vừa rồi ở Lạng Sơn trót lọt, qua mặt được cả công an lẫn quản lý thị trường. Bà ấy vừa điện thoại cảm ơn tôi đây”.

Khách đi lễ đầu năm xin sức khỏe, tài lộc, công danh đã đành, còn xuất hiện thêm nhiều trò xin “phù hộ” khác lạ. Người thì xin được “mua trôi, bán lọt”, người thì xin cho việc “chạy chọt thành công” để con mình được vào làm chỗ này chỗ nọ. Sinh viên, đến thuê các bà khấn cho mình không phải thi lại môn này môn kia trong kỳ thi hết học phần, ra trường đúng hạn. Thậm chí, có cả người đến thuê khấn để cầu mong mình trúng… lô, đề!

Tôi hỏi chuyện, “thầy” bật mí làm nghề khấn hộ được vài năm. “Phải khấn linh như thế nào thì mới tồn tại được chứ. Khấn cho người ta một lần, không được, năm sau người ta bỏ ngay. Với “thầy” hôm nay ngoài Rằm mới vãn việc đấy, chứ 15 ngày đầu năm, anh có đăng ký cũng chẳng đến phần. Người ta đăng ký từ trước Tết”, “thầy” nói. Tiền công khấn tùy tâm khách, có người đưa 20.000 đồng, kẻ 30.000 đồng, 100.000 đồng hoặc nhiều hơn. Có khách “bo” cho thầy cả triệu đồng. Tính ra, nghề khấn thuê như “thầy” đây có ngày kiếm tiền triệu.

Mùa lễ hội năm nay, dù Ban quản lý đền bà Chúa Kho có cố gắng chấn chỉnh song những người khấn thuê vẫn còn ngồi lỳ ở hai bên lối đi vào nơi thờ bà Chúa Kho, mặc cho khách thập phương bức xúc vì lễ đặt vào đền không có lối nào vào để lấy ra.

{keywords}

Hình ảnh lộn xộn ở đền Bà Chúa Kho những ngày đầu năm.

Nhận diện khấn thuê

Giá mỗi lần khấn thuê từ 50.000 – 200.000 đồng/lần, tùy vào thời gian và nội dung khấn. Nếu không thỏa thuận trước, cò sẽ tận dụng hét giá vài trăm ngàn đồng chỉ trong 1 – 2 phút. Nhiều khách bức xúc vì vừa thuê khấn xong, đang đi hóa vàng, quay trở ra cổng đền đã thấy bà khấn thuê đã mang lễ trả cho cô bán hàng đầu cổng đền. Chị Lành, ở Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội bực bội: “Khay lễ vừa đặt xong đi hoá vàng, “thầy” đã vội mang đi. Đó là đồ lễ của mình, lại mang ra bán cho người khác “.

Từ ra Tết đến bây giờ, đền bà Chúa Kho có rất nhiều người hành nghề khấn thuê, chủ yếu là phụ nữ trung niên. Đội quân này lượn lờ ở những nơi đặt lễ, đặt bát hương, cứ thấy khách vào là hỏi rất bâng quơ “cô (cậu) gì nhỉ?”. Nếu khách xưng tên là mắc bẫy. Bài khấn của các “thầy” khấn chỉ vỏn vẹn chưa đầy 60 giây. Khấn xong, họ tự động xin tiền, tối thiểu 20.000đồng. Nhiều người khách không muốn đôi co chốn linh thiêng, hoặc hiểu nhầm như đó là một thủ tục bắt buộc khi vào đền nên miễn cưỡng móc ví trả tiền.

Hiện tượng khấn thuê còn xuất hiện phổ biến ở chùa Bia Bà La Khê, chùa Hương, chùa Thầy, đền Trần… Ngoài chiêu trò khấn thuê, đội quân này còn kiêm luôn cả việc gieo quẻ, xin âm dương cho người đi lễ. Mỗi lần như thế, khách sẽ phải trả công khấn ít nhất là 20.000 – 50.000 đồng hoặc nhiều hơn. Thường thì đi lễ đầu năm, không mấy ai căn cơ việc bỏ tiền lễ. Đó là tâm lý chung để nghề này có “đất dụng võ”, kiếm tiền ngay chốn linh thiêng.

Chị Hồ Minh Thùy, ở Hà Đông, Hà Nội cho biết mấy năm nay đi lễ ở các đền, chùa vì tuổi trẻ chưa rành việc cúng lễ, sợ có sai sót nên thường thuê thầy cúng hộ. Trong danh bạ điện thoại của chị có lưu số máy của nhiều thầy cúng khác nhau. Nếu có điều kiện, chị gọi điện đặt lịch rồi thuê xe, thầy sẽ đi chùa lễ hộ. “Những lúc thầy làm lễ, mình chỉ cần quỳ phía sau là được”, chị nói.

Giống như chị Thùy, nhiều trường hợp khác đi lễ là những người trẻ, những người ít khi tiếp xúc, thậm chí là chưa từng biết đến những bài khấn Nôm. Do tâm linh, cũng là do tâm lý, người ta nghĩ rằng: Nếu như khấn cúng một cách bài bản, trôi chảy thì thể hiện được sự chu tất của mình đối với thánh, từ đó lộc sẽ đến dễ dàng hơn! Không có gì để kiểm chứng cho điều này, nhưng vô hình trung họ tin rằng: Cúng khấn bài bản, có đầu có cuối cũng coi như thành tâm và họ thấy yên tâm khi tâm nguyện của mình đã được một người “chuyên nghiệp” cầu giúp!?

Chính từ tâm lý của nhiều người, do không quen thậm chí là ngại cúng khấn nên họ mong muốn có được người khấn chuyên nghiệp, bài bản để giúp họ truyền tải tâm nguyện đến thần thánh được tốt hơn. Hàng ngàn người đến cửa đền, cửa chùa để cầu xin tài lộc, sẽ có những người xác định “sinh tử” với cúng thuê, lễ mướn như một… nghề chuyên nghiệp.

(Theo Giadinh.net)

(Theo Giadinh.net)