Nỗi buồn nơi Cổng Trời Đông Giang (Bài 1)

Vẻ đẹp tự nhiên của dòng suối Bhơm Lom trước đây (ảnh Dương Nam)Vẻ đẹp tự nhiên của dòng suối Bhơm Lom trước đây (ảnh Dương Nam)

Sau 4 năm thi công, dự án Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang (xã Ma Cooih, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) có diện tích hơn 120 ha đã chính thức vận hành và đưa vào sử dụng ngày 29/4/2022. Dự án do Công ty CP Du lịch Hang Gợp (thuộc Tập đoàn FVG) điều hành và đầu tư với tổng vốn hơn 2.600 tỉ đồng. Được mệnh danh là “Kiệt tác giữa đại ngàn” hứa hẹn mang đến những trải nghiệm thú vị cho du khách nhưng, nhiều người đến đây lại cảm thấy buồn man mác bởi những tòa nhà, những khối bê tông đầy màu sắc nổi bật giữa màu xanh của đại ngàn khiến không ít người “xốn mắt”.

"Cổng Trời" Đông Giang“Cổng Trời” Đông Giang

Với người dân Đông Giang, “Cổng trời” hay “Hang Gợp” luôn là niềm tự hào. “Cổng trời” bao gồm một vòm núi đá vôi khổng lồ cấu tạo từ những ngọn thạch nhũ qua hàng trăm triệu năm nhỏ giọt tạo thành. Vòm cổng nối liền hai ngọn núi riêng biệt nằm giữa rừng rậm hoang sơ, dưới cổng có dòng suối Bhơm Lom chảy ngang qua, nơi đây được ví như cánh cổng vào rừng, hệt như chốn thiên đường bồng bềnh mây núi.

Nhưng, một Khu du lịch sinh thái mới mọc lên, với những mảng khối trái ngược với vẻ đẹp của tạo hóa. Việc can thiệp một các thô bạo, không thương tiếc đối với thiên nhiên ở đây cho thấy sự thiếu nghiên cứu trong cách thức quy hoạch, kiến trúc và đầu tư.

Chỉ một khi vực nhỏ tái hiện không gian văn hóa Cơ Tu, liệu chừng đó có đủ?Chỉ một khu vực nhỏ tái hiện không gian văn hóa Cơ Tu, liệu chừng đó có đủ?

Du ngoạn Đông Giang, nhiều người đã thực sự thất vọng, bởi hệ sinh thái đa dạng, độc đáo nơi đây đã bị xâm phạm một cách thô bạo, với những công trình bê tông hoá, cùng các khối kiến trúc ngoại lai, dị biệt, từ công trình xây dựng cho đến tên gọi mỗi điểm. Có người đã thẳng thắn nêu lên quan điểm, rằng khu du lịch sinh thái này như một mớ hổ lốn về kiến trúc, vật liệu lai căng, pha tạp một cách kệch cỡm. 

Tại đây có những khối nhà kiến trúc xây dựng giống như ở Hội An bằng bê tông, với màu phủ vàng và mái ngói đỏ nổi bật nhức mắt trên màu xanh của cây lá đại ngàn? Những hang động, thác nước với tên gọi dân dã, mang đậm chất của người Cơ Tu như Hang Chín tầng (người Cơ Tu gọi là hang Prazoong) lại bị đổi tên thành hang Ngọc Đế, động Tiên Cung.

Bê tông hóa Cổng trời Đông Giang sẽ là một vết thương khó lành với núi rừng và văn hóa Cơ Tu dưới cái mác du lịch sinh tháiBê tông hóa Cổng trời Đông Giang sẽ là một vết thương khó lành với núi rừng và văn hóa Cơ Tu dưới cái mác du lịch sinh thái

Còn dòng suối Bhơm Lom trong vắt, thơ mộng giữa những tán cây rợp bóng, giờ đây đã bị thu hẹp và biến dạng bởi những khối bê tông và còn bị đổi tên thành sông Ngân. Hệ thống tường bê tông dựng đứng, cùng 7 cây cầu có kiến trúc không ăn nhập với cảnh quan, chia cắt dòng suối Bhơm Lom và được đặt những tên gọi lạ lẫm với người địa phương như: cầu Đại Đế, cầu Ô Thước, cầu Thác Tiên, cầu Kiều…

Vách núi đá vôi sừng sững, minh chứng của hàng triệu năm tích tụ giữa thiên nhiên hùng vĩ, giờ đã bị khoét sâu để lấy chỗ “ngự” cho những bức tượng dị biệt, những hạng mục kỳ quái. Chỉ duy có một khu vực, được tái hiện lại khung cảnh văn hóa địa phương với những mái nhà Gươl, những người dân Cơ Tu mặc quần áo thổ cẩm. Chừng đó chưa đủ để lột tả đúng nghĩa khu du lịch sinh thái ở đây.

Bản đồ khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang, lọt giữa màu xanh ngút ngàn của rừngBản đồ khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang, lọt giữa màu xanh ngút ngàn của rừng

Trả lời báo giới, đại diện chủ đầu tư, bà Nguyễn Thị Hương – Giám đốc Khu du lịch Cổng Trời Đông Giang cho biết: “Việc đưa vào vận hành một Khu du lịch thì chắc chắn phải có tỉ lệ bê tông hóa nhất định để phục vụ nhu cầu đi lại, ăn ngủ nghỉ của du khách, nhưng tỉ lệ xây dựng của Khu du lịch Cổng Trời Đông Giang chỉ chưa tới 10% so với tổng diện tích của toàn khu, trong khi tỉ lệ cho phép là 25%. Hơn 90% diện tích còn lại đơn vị đầu tư cố gắng giữ nguyên trạng tỉ lệ phủ xanh cho dự án. Đây không chỉ là chủ kiến của đơn vị đầu tư, mà còn là chỉ đạo từ phía chính quyền tỉnh Quảng Nam và chủ đầu tư hoàn toàn ủng hộ điều đó”.

Đông Giang là một huyện miền núi còn nghèo của tỉnh Quảng Nam, nơi đó người Cơ Tu bao đời sống chan hòa cùng thiên nhiên. Dẫu biết một khu du lịch ra đời, sẽ thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, đời sống người dân sẽ được nâng cao, chất lượng của cuộc sống sẽ tốt dần lên. Thế nhưng, chiêm ngưỡng những “kiệt tác ngoại lai” mới được tạo dựng ở nơi này, nhiều người đã thực sự cảm thấy nó như một nhát chém vào tự nhiên, khiến cho cảnh quan hoang sơ, hùng vĩ nơi này đang từng ngày bị phá vỡ dần đi. 

Thiên Môn Bảo An Tháp, Điện Ngọc Hoàng, cầu lưỡi Rồng, cầu 7 sắc cầu vồng kia... liệu có phải là du lịch sinh thái gắn bó với văn hóa địa phương?Thiên Môn Bảo An Tháp, Điện Ngọc Hoàng, cầu lưỡi Rồng, cầu 7 sắc cầu vồng kia… liệu có phải là du lịch sinh thái gắn bó với văn hóa địa phương?

Tất nhiên, thiên nhiên đẹp chưa chắc là hoang sơ, nguyên trạng… mà có thể cần có bàn tay con người tác động, nhưng đó phải là sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc, quy hoạch với thiên nhiên.