Nỗ lực về đích nông thôn mới ở xã miền núi Ái Thượng
Nỗ lực về đích nông thôn mới ở xã miền núi Ái Thượng
Là địa phương nghèo của huyện vùng cao Bá Thước, xã Ái Thượng không có nhiều điều kiện phát triển kinh tế, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự đồng tâm góp sức của đồng bào Mường, Kinh và Thái trong xã, đến giữa tháng 12–2021, Ái Thượng được đánh giá đã hoàn thành 19 tiêu chí xã nông thôn mới (NTM).
Mô hình trồng cây ăn quả cho hiệu quả cao tại xã Ái Thượng.
Do xuất phát điểm thấp nên những năm đầu bắt tay xây dựng NTM, Ái Thượng gặp không ít khó khăn, thách thức. Phát triển kinh tế của xã đều nhìn vào hoạt động nông nghiệp nhưng lại khá manh mún và nhỏ lẻ, không có điểm nhấn. Ngoài tư tưởng trông chờ ỷ lại ở một bộ phận không nhỏ người dân và cán bộ, thì việc huy động sức dân cũng trở thành thách thức. Với quyết tâm chính trị cao, xã đã ban hành lộ trình xây dựng NTM dài hơi, lại được huyện Bá Thước chọn làm điểm để sớm thực hiện các tiêu chí. Nhiều nghị quyết, đề án của xã về xây dựng NTM được ban hành làm cơ sở thực hiện.
Xác định nâng cao nhận thức về xây dựng NTM để Nhân dân đồng thuận, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức. Ngoài các hội nghị, xã còn kết hợp vận động trực tiếp, lồng ghép qua các hoạt động sinh hoạt tập thể, họp tại khu dân cư, hệ thống loa truyền thanh, băng rôn, khẩu hiệu… Từ đó, từng người dân, các cộng đồng dân cư dần hiểu được ý nghĩa của chương trình xây dựng NTM là lấy sức dân để lo cho dân, người dân là chủ thể trong các hoạt động, cũng là người hưởng thụ thành quả. Nhiều người dân dần thay đổi nếp nghĩ, khơi dậy được tinh thần chủ động trong Nhân dân, góp phần đưa chương trình xây dựng NTM thành phong trào lan rộng.
Lấy nông nghiệp làm nền tảng phát triển kinh tế, địa phương đã từng bước bố trí lại sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất và sản xuất các sản phẩm hàng hóa mang tính tập trung. Nông nghiệp đã có sự tăng trưởng nhanh, xuất hiện các mô hình sản xuất giỏi, sản lượng các sản phẩm nông nghiệp liên tục tăng cao. Ở các diện tích canh tác lúa nước, địa phương đã thực hiện phương thức cấy hàng rộng, hàng hẹp kết hợp phân bón dúi sâu cho năng suất cao hơn, bảo đảm nguồn lương thực tại chỗ. Vụ đông dần trở thành vụ sản xuất chính trong năm, hàng chục héc – ta ngô luôn được duy trì. Những đồi rừng và vườn tạp um tùm cũng được vận động cải tạo để trở thành những vườn cam, các loại cây ăn quả cho thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm.
Lợi thế đồi rừng cũng được phát huy khi hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm đã giúp nhiều hộ dân có nguồn thu trang trải cuộc sống và hướng tới khá giả. Đáng nói, nhiều hộ dân trong xã đã tận dụng lợi thế ven sông Mã và lòng hồ Nhà máy Thủy điện Bá Thước 2 để phát triển mạnh hoạt động nuôi cá lồng, cho tổng giá trị thu nhập nhiều tỷ đồng mỗi năm. Tuy là xã miền núi nhưng đến nay, Ái Thượng đã có 1 HTX, 77 cơ sở kinh doanh và phát triển các nghề tiểu thủ công nghiệp. Những năm gần đây, các hoạt động thương mại và dịch vụ trong xã đạt giá trị ổn định từ 20 đến 25 tỷ đồng.
Các hoạt động kinh tế và mô hình sản xuất đã giúp đời sống kinh tế của người dân địa phương liên tục tăng. Hiện thu nhập bình quân đầu người ở xã năm 2021, đạt 40,15 triệu đồng/người. Gần 10 năm qua, xã Ái Thượng đã huy động gần 217 tỷ đồng để thực hiện các tiêu chí của xã NTM. Trong đó, Nhân dân địa phương đóng góp hơn 133 tỷ đồng, chiếm gần 62% tổng nguồn lực để xây dựng và chỉnh trang nhà cửa, phát triển hệ thống hạ tầng công cộng.
Đến nay, Ái Thượng đã có hệ thống hạ tầng khá khang trang, tạo nên diện mạo mới cho vùng quê ven bờ sông Mã. Thuộc vùng cao, nhưng 100% tuyến đường giao thông trục xã ở đây đã được cứng hóa, với chiều rộng hơn 6,5m, các tuyến ngõ xóm, trục thôn, liên thôn cũng được bê tông hóa từ 83 đến 90%. Tiêu chí điện nông thôn cũng bảo đảm với 7 trạm biến áp hạ thế, hơn 16km đường dây hạ thế được đầu tư mới. Hiện nay, 100% trong tổng số 1.305 hộ gia đình trong xã đều sử dụng điện với nguồn cung ổn định. Đáng ghi nhận, tuy là xã thuộc vùng cao nhưng cơ sở vật chất giáo dục của xã được xây dựng khang trang. Trường tiểu học và THCS xã đều được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Cơ sở vật chất văn hóa ở đây cũng trở thành điểm sáng tại huyện Bá Thước. Xã đã xây dựng được hội trường đa năng rộng 600m2, với 250 chỗ ngồi. Trung tâm văn hóa – thể thao xã có tổng diện tích 11.200m2, trong đó có sân vận động 8.800m2 và nhiều công trình phụ trợ khác. Ở 11 thôn đều đã xây dựng được nhà văn hóa khang trang, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của cư dân địa phương.
Với những diện mạo mới về hạ tầng, cũng như thay đổi tích cực trong phát triển đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, xã Ái Thượng đã được các sở, ngành thẩm tra, đánh giá hoàn thiện các tiêu chí NTM.
Bài và ảnh: Linh Trường