Nỗ lực duy trì việc làm, đảm bảo chế độ cho người lao động
Công nhân làm việc tại một công ty ở Bắc Giang. Ảnh: BẢO HÂN
Công ty thiếu đơn hàng, công nhân thu nhập giảm
Chị Bùi Thị Thu là công nhân một công ty điện tử nằm trong cụm công nghiệp của huyện Việt Tiến, tỉnh Bắc Giang. Trước đây, công ty nơi chị làm việc thường xuyên tổ chức tăng ca, từ 2-3 giờ/ngày. “Nhưng 2 tháng trở lại đây, tôi cũng như nhiều công nhân khác chỉ còn làm giờ hành chính. Tổng thu nhập của tôi chỉ còn 4-5 triệu đồng/tháng so với 6-7 triệu đồng/tháng như trước đây khi còn làm thêm” – chị Thu cho hay.
Trước đây, khi còn đi làm thêm, nữ công nhân này về nhà rất muộn, khoảng 20h30 -21h, ít có thời gian chăm sóc các con. Hiện giờ, 16h30 chị Thu đã tan ca, được về nhà sớm. “Được nghỉ làm sớm, tôi có thời gian chăm sóc các con hơn, nhưng thu nhập lại giảm đi nhiều” – chị Thu nói.
Khó khăn còn tăng gấp đôi khi vợ chồng chị Thu làm chung một công ty. Do cùng làm giờ hành chính, hơn nữa, lại do khan hiếm xăng, nên thời gian gần đây, anh chị quyết định đi chung một xe máy đi làm để tiết kiệm. Tổng thu nhập của cả hai hiện nay chỉ còn khoảng 10 triệu đồng – số tiền rất khó để có thể nuôi 3 con nhỏ trong tình hình giá cả tăng cao như hiện nay.
Cả nhà chị Thu đang phải ở nhờ nhà của ông bà. “Vợ chồng tôi đang tích góp để xây nhà, nhưng không có làm thêm, thu nhập giảm như này thì không biết bao giờ ước mơ có chỗ ở riêng mới thành sự thật” – chị Thu than thở.
Theo nữ công nhân này, hằng năm, vào dịp cuối năm, công ty điện tử nơi chị làm việc đều gặp tình trạng thiếu việc, nhưng năm nay, theo chị dự đoán, tình hình phức tạp hơn do ảnh hưởng của dịch bệnh, cuộc xung đột Nga – Ukraina, lạm phát … Chị mong công ty sớm nhiều việc trở lại, vợ chồng chị đi làm thêm để có thêm thu nhập lo cho gia đình …
Ông Nguyễn Văn Tân – Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Hosiden (Bắc Giang) (Công ty có 6.000 công nhân lao động) – cho biết, gần 2 tuần nay, Công ty đã giảm giờ tăng ca của công nhân. Trước đây, công nhân bình quân tăng ca 2 giờ/ngày thì bây giờ còn 1 giờ/ngày. Nếu giảm giờ tăng ca như trên thì thu nhập của NLĐ có thể giảm 1 triệu đồng/người/tháng. “Hằng năm Công ty đều trải qua quãng thời gian một vài tháng sản xuất bị ảnh hưởng, nhưng năm nay có thể khó đoán hơn do tác động của lạm phát, cuộc xung đột Nga – Ukraina” – ông Tân cho biết.
Cố gắng đảm bảo chế độ cho NLĐ
Cũng trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Sinh – Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Phú Thọ – cho biết, cách đây khoảng 2 tháng, một doanh nghiệp trong khu công nghiệp của tỉnh đã chấm dứt hợp đồng lao động đối với 700 công nhân lao động. “Thời điểm này, chỉ có một Công ty may đang dự kiến chấm dứt hợp đồng đối với khoảng 50-60 người” – ông Sinh thông tin.
“Về cơ bản, doanh nghiệp khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với NLĐ đều tuân thủ theo quy định của pháp luật” – ông Sinh nói và cho biết thêm, tại các khu công nghiệp tỉnh Phú Thọ, số NLĐ bị mất việc thời gian qua chủ yếu là công nhân may, trong khi đó, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng chủ yếu là trong lĩnh vực điện tử, nên chỉ có những lao động còn trẻ tiếp cận được công việc mới ngay; còn những trường hợp đã lớn tuổi gặp nhiều khó khăn.
Ông Trần Văn Hà – Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Bắc Giang – cho biết, vừa qua, sở cũng trực tiếp liên hệ với các doanh nghiệp trên địa bàn để nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, đời sống việc làm của NLĐ. Qua báo cáo sơ bộ, từ nay đến cuối năm, nhiều đơn vị cũng gặp khó khăn về đơn hàng. Song, các doanh nghiệp này vẫn cố gắng duy trì việc làm cho NLĐ.
“Hầu hết NLĐ vẫn có việc làm đều đặn, chủ yếu bị cắt giảm ở làm thêm giờ. Những doanh nghiệp chịu tác động chủ yếu thuộc lĩnh vực may mặc và có vài doanh nghiệp điện tử” – ông Hà nói.
Do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, nhiều chuỗi cung ứng bị tác động. Từ đó, ảnh hưởng đến đơn hàng, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Song những doanh nghiệp chịu tác động ít vẫn cố gắng duy trì tạo việc làm, giữ chân NLĐ. Theo ông Hà, qua theo dõi tình hình giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn thì vẫn chưa có phát sinh, đột biến.
Nói về nguyên nhân của việc giảm đơn hàng, đại diện Ban Quản lý các KCN và chế xuất Hà Nội cho hay, do những biến động tình hình kinh tế thế giới, chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng. Vừa qua, có một số doanh nghiệp điện tử trực thuộc bị giảm đơn hàng. Song, tình hình sản xuất kinh doanh, việc làm của NLĐ không có biến động lớn.
Theo đại diện Ban Quản lý các KCN và chế xuất Hà Nội, NLĐ chỉ giảm giờ làm thêm, còn giờ làm việc hành chính vẫn được đảm bảo. Tình hình lao động của các doanh nghiệp vẫn ổn định.