Niềm vui đón ‘bác sĩ thành phố’ ở trạm y tế xã đảo duy nhất TP.HCM
Trước đây, điều mà người dân xã đảo Thạnh An lo nhất không phải là cái đói, cái khổ, mà lo nhất là khi bệnh nặng phải chờ phà qua cấp cứu. Và chỉ có một phương tiện duy nhất là chiếc ghe, muốn chạy qua bờ bên kia phải mất đến 45 phút.
Những ngày này ở xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.HCM, nơi mà hàng chục năm trước là đơn vị hành chính cấp xã khó khăn nhất của thành phố, hoa mai vàng dường như rực rỡ hơn hẳn, khi cuộc sống của bà con nơi xã đảo ngày càng khởi sắc.
Đặc biệt, trong lĩnh vực y tế, lần đầu tiên người dân nơi đây được chẩn đoán hình ảnh bằng hệ thống máy X-quang kỹ thuật số tích hợp trí tuệ nhân tạo AI, cũng như được các bác sĩ trẻ tình nguyện về phục vụ sức khỏe nhân dân.
Lượng bệnh nhân đến trạm y tế xã đảo Thạnh An khám ngày càng đông hơn, nhờ có máy móc hiện đại và bác sĩ tăng cường.
Niềm vui bình dị nơi xã đảo
Vừa hoàn thành những món ăn trưa thơm ngon nóng hổi và tắt bếp, bà Nguyễn Thị Thanh Bình, 51 tuổi ở ấp Thạnh Hòa, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.HCM đã đon đả nhắn tin nhắc nhở bác sĩ tình nguyện ở trạm y tế xã ghé nhà ăn cơm như đã hẹn. Nhà cạnh trạm y tế Thạnh An, bà Bình sợ bác sĩ bận khám bệnh cho người dân nên không gọi làm phiền, nhưng ngày nào cũng háo hức mong ngóng bác sĩ sang ăn cơm chung cùng với gia đình.
“Mình nấu cơm rồi đến giờ cơm thì gọi bác sĩ qua ăn, có cái gì thì ăn cái đó. Bữa nay là xương hầm với củ cải đỏ với bông cải, thịt dồn khổ qua sốt cà. Chiều mà không có gì ăn thì cho ăn rau muống không chừng ấy (cười). Bác sĩ tình nguyện về đây với xã mình là may mắn lắm rồi, nhà chỉ có chén cơm, mời bác sĩ lại”.
Bà Lê Thị Nguyệt, 49 tuổi ngụ ấp Thạnh Hòa, xã Thạnh An, bị tức ngực khó thở, rất bất ngờ vì lần đầu tiên được chụp X-quang hiện đại và nhanh chóng tại trạm y tế xã.
Cuộc sống biệt lập trên biển Cần Giờ, điều mà người dân xã đảo này lo nhất không phải là cái đói, cái khổ, mà lo nhất là khi bệnh nặng phải chờ phà qua cấp cứu. Trước đây, để chuyển bệnh nhân từ xã đảo đi cấp cứu chỉ có một phương tiện duy nhất là chiếc ghe, muốn chạy qua bờ bên kia phải mất đến 45 phút. Điều lo ngại nhất là cấp cứu trong đêm, bởi rất dễ gặp các sự cố như dông bão, điểm xoáy nước, vướng lưới…. Sau này, trạm y tế được xây dựng khang trang, được trang bị ca nô nhưng cũng chỉ sử dụng khi có ca bệnh nặng cần chuyển lên tuyến trên.
Vì vậy, người dân nơi đây ai nấy đều rất vui mừng phấn khởi khi xã đảo Thạnh An đón nhiều “bác sĩ thành phố”- theo cách gọi của bà con – tình nguyện về khám chữa bệnh, cùng với đó là những thiết bị y tế hiện đại.
Đầu tư cho y tế xã đảo
Không chỉ với người dân xã đảo, việc trạm y tế Thạnh An lần đầu tiên đưa vào vận hành máy chụp X-quang kỹ thuật số tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) còn là một “sự kiện lịch sử” của TP.HCM. Hệ thống này đồng thời giúp kết nối các bác sĩ từ xa với các chuyên gia đầu ngành tại các bệnh viện tuyến cuối của TP.HCM, chăm sóc sức khỏe kịp thời cho người dân trên xã đảo.
Máy X-quang tại giường hiện đại sẽ giúp đội ngũ y bác sĩ tại trạm y tế xã Thạnh An chẩn đoán nhanh tình trạng bệnh, không phải di chuyển lên tuyến trên. Đây là hoạt động nằm trong kế hoạch nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân xã đảo Thạnh An từ 2022-2025 do Sở Y tế TP.HCM chủ trì. Cùng với đó, bước đầu sẽ có 36 bác sĩ từ 18 bệnh viện ở TP.HCM tình nguyện ra xã đảo.
Bác sĩ Hoàng Thị Phượng cho biết, năm nay là lần thứ 2 chị không được ăn Tết ở nhà cùng bố mẹ và gia đình.
Theo bác sĩ Luân Thanh Trường – Trạm trưởng Trạm y tế xã Thạnh An, chỉ sau một tháng đưa máy X-quang đến trạm y tế và đội ngũ bác sĩ tình nguyện, tỷ lệ người dân đến khám, chữa bệnh đã tăng trên 20% so với những tháng trước, với 500 lượt người. Trong đó, có 3 trường hợp cấp cứu tại chỗ, 6 trường hợp cấp cứu được chuyển viện kịp thời lên tuyến trên.
Đáng nói, ngành y tế TP.HCM cũng đã có những định hướng đầu tư phát triển y tế cho xã đảo.
“Theo kế hoạch, năm 2024 sẽ có một trạm y tế mới, có cả phòng mổ để xử lý các tình huống cấp cứu xuất huyết nội. Tôi rất mừng khi biết thông tin chia sẻ của lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết, nếu trong trường hợp gặp khó khăn do thời tiết thì sẽ có trực thăng để đưa lực lượng chi viện cho xã đảo”, bác sĩ Luân Thanh Trường cho hay.
Theo Sở Y tế TP.HCM, những bác sĩ tình nguyện khám chữa bệnh cho người dân ở xã đảo đều có ít nhất 2-3 năm kinh nghiệm cấp cứu ở các bệnh viện lớn. Các bác sĩ không chỉ khám, điều trị cho bà con ở Trạm y tế xã mà còn đến tận nhà để khám, chữa bệnh, cấp cứu người già, neo đơn, tàn tật và gia đình chính sách.
Bác sĩ Hoàng Thị Phượng, Bệnh viện Nhân Ái TP.HCM (trụ sở tại huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) chia sẻ: “Năm nay là năm thứ 2 bọn em ăn Tết xa nhà, cũng rất bồi hồi, nhớ nhà nhưng em nghĩ ăn tết với người dân ở đây sẽ có nhiều niềm vui mới. Ở đây chủ yếu là hải sản, khi mà đánh bắt xong họ mang hải sản luộc sẵn, mang cả nước chấm tới đây cho bác sĩ ăn luôn”.
Trên chiếc ghe chở những chậu mai, bông cúc vàng rực rỡ từ đất liền hướng về xã đảo, người dân râm ran chuyện trò về cuộc sống mới ở nơi này, từ việc bán khô cá dứa đắt hàng ngày Tết, cho đến niềm vui khôn xiết của bà con khi không còn phải vất vả ra-vào đất liền để khám chữa bệnh.
Trước đó, Sở Y tế TP.HCM phối hợp chính quyền địa phương triển khai chương trình “Nâng cao năng lực y tế xã đảo Thạnh An” nhằm chăm lo sức khỏe cho người dân xã đảo tốt hơn.
Theo đó, lần đầu tiên trạm đưa vào vận hành bộ máy X-quang hiện đại tại giường, có tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) và hệ thống PACS (lưu trữ, truyền hình ảnh). Bộ máy X-quang này được tích hợp AI do chính các kỹ sư Việt Nam lập trình. Nó có thể đọc được chính xác 95 tổn thương bệnh lý của người bệnh. Hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh hiện đại sẽ giúp các bác sĩ ở trạm có thể dễ dàng kết nối, hội chẩn từ xa với các chuyên gia bệnh viện tuyến trên để chẩn đoán chính xác và đưa phác đồ điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
Bên cạnh đó, Sở Y tế TPHCM còn chuyển giao kỹ thuật và đào tạo cán bộ tại chỗ nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cho nhân viên y tế tại trạm.
Theo bác sĩ Luân Thanh Trường – Trạm trưởng Trạm y tế xã Thạnh An, tính từ ngày 18/11 đến 25/12/2022, trạm đã khám chữa bệnh cho trên 700 trường hợp (cao gấp đôi, thậm chí gấp ba so với trước đó). Trong đó, hơn 100 ca được sử dụng máy chụp X-quang. Riêng một bệnh nhân ung thư tuyến giáp có biểu hiện mờ mắt đã được các bác sĩ của trạm kết nối trực tiếp hội chẩn với chuyên gia nội tiết và mắt tại các bệnh viện tuyến cuối của TP.HCM thăm khám.
Theo Sức khỏe Đời sống