Những vấn đề về nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bán lẻ trên thị trường nội địa: Khái niệm, các yếu tố cấu thành năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bán lẻ (Phần 1)
Những vấn đề về nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bán lẻ trên thị trường nội địa: Khái niệm, các yếu tố cấu thành năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bán lẻ (Phần 1)
1. Một số khái niệm
+ Khái niệm doanh nghiệp bán lẻ được thu hẹp từ khái niệm doanh nghiệp, chỉ bao gồm các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ trên thị trường, được dùng để phân biệt với các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong các ngành, lĩnh vực khác. Do đó, doanh nghiệp bán lẻ được định nghĩa là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh bán lẻ trên thị trường.
+ Khái niệm doanh nghiệp bán lẻ tiếp tục được thu hẹp thành khái niệm doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam trên thị trường nội địa. Cụ thể, khái niệm doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam trên thị trường nội địa được thu hẹp, gia tăng nội hàm ở hai khía cạnh: Một là, doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật của Việt Nam, kể cả các doanh nghiệp có vồn đầu tư nước ngoài, nhưng không bao gồm các doanh nghiệp Việt Nam đăng ký thành lập doanh nghiệp bán lẻ ở nước ngoài theo qui định của luật pháp nước ngoài; Hai là, phạm vi hoạt động kinh doanh bán lẻ của doanh nghiệp giới hạn trong biên giới lãnh thổ của Việt Nam (thị trường nội địa), không bao gồm hoạt động cung cấp dịch vụ bán lẻ của doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài theo các phương thức thực hiện thương mại dịch vụ.
+ Khái niệm cạnh tranh bán lẻ được thu hẹp từ khái niệm cạnh tranh, được dùng để phân biệt cạnh tranh trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ với cạnh tranh trong các lĩnh vực kinh doanh khác của nền kinh tế.
+ Khái niệm cạnh tranh đã được định nghĩa trong nhiều tài liệu khác nhau như: Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam (tập 1), “Cạnh tranh trong kinh doanh là hoạt động ganh đua giữa những người sản xuất hàng hóa, giữa các thương nhân, các nhà kinh doanh trong nền kinh tế thị trường, bị chi phối bởi quan hệ cung-cầu, nhằm giành các điều kiện sản xuất, tiêu thụ, thị trường có lợi nhất”; Theo Từ điển Kinh tế kinh doanh Anh–Việt, “Cạnh tranh là sự đối địch giữa các hãng kinh doanh trên cùng một thị trường để giành đựợc nhiều khách hàng, do đó thu được nhiều lợi nhuận hơn cho bản thân, thường là bằng cách bán theo giá thấp nhất hay cung cấp một chất lựợng hàng hoá tốt nhất”; Theo Diễn đàn cao cấp về cạnh tranh công nghiệp của tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), “Cạnh tranh là khái niệm của doanh nghiệp, quốc gia và vùng trong việc tạo việc làm và thu nhập cao hơn trong điều kiện cạnh tranh quốc tế.”…
+ Khái niệm bán lẻ, trong cuốn sách Quản trị Marketing, Philip Kotler đã định nghĩa: Bán lẻ bao gồm tất cả những hoạt động liên quan đến việc bán hàng hoá hay dịch vụ trực tiếp cho người tiêu dùng cuối cùng để họ sử dụng vào mục đích cá nhân, không kinh doanh. Từ điển Bách khoa toàn thư mở Wikipedia định nghĩa: Bán lẻ bao gồm việc bán hàng cho cá nhân hoặc hộ gia đình để họ tiêu dùng, tại một địa điểm cố định, hoặc không tại một địa điểm cố định mà qua các dịch vụ liên quan. Theo Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và theo danh mục sản phẩm chính tạm thời của Liên Hợp quốc (CPC) định nghĩa: Bán lẻ là hoạt động bán hàng hoá cho người tiêu dùng hoặc các hộ tiêu dùng từ một địa điểm cố định (cửa hàng, kiốt) hay một địa điểm khác (bán trực tiếp) và các dịch vụ phụ liên quan. Danh mục CPC xác định rằng “dịch vụ chính do các nhà bán buôn và bán lẻ thực hiện là bán lại hàng hóa kèm theo hàng loạt các dịch vụ phụ trợ có liên quan khác như: bảo quản, lưu kho hàng hóa; sắp xếp và phân loại đối với hàng hóa khối lượng lớn, bốc dỡ và phân phối lại đối với hàng hóa khối lượng nhỏ; dịch vụ giao hàng; dịch vụ bảo quản lạnh; các dịch vụ khuyến mãi; và các dịch vụ liên quan đến việc kinh doanh của người bán lẻ như chế biến phục vụ cho bán hàng, dịch vụ kho hàng và bãi đỗ xe”.
Mặt khác, khi người tiêu dùng thực hiện việc mua hàng hóa cũng đã bao gồm việc mua nhiều dịch vụ khác nhau được cung cấp bởi nhà phân phối. Betancourt (2004) đã phân định các loại dịch vụ của nhà bán lẻ cung cấp tại cơ sở bán lẻ mà người tiêu dùng nhận được, bao gồm 5 nhóm khác nhau:
+ Nhóm dịch vụ liên quan đến môi trường của cơ sở bán lẻ. Môi trường của cơ sở bán lẻ có tác động đến tâm lý khách hàng. Ví dụ, môi trường ở một cửa hàng giảm giá sẽ khác biệt với một cửa hàng cao cấp. Sản phẩm bán tại cửa hàng cao cấp sẽ có mức giá cao hơn bởi nhà bán lẻ phải mất chi phí cho các nguồn lực cần thiết để tạo ra một môi trường bán lẻ cao cấp, kể cả chi phí thuê địa điểm tại khu vực đắt đỏ hơn.
+ Nhóm dịch vụ thứ hai là dịch vụ phân loại sản phẩm do nhà bán lẻ thực hiện để giúp cho người tiêu dùng đưa ra quyết định mua hàng hóa. Phân loại sản phẩm được nhà bán lẻ cung cung cấp cho người tiêu dùng bao gồm: phân loại theo chiều rộng (các dòng sản phẩm – product line) hoặc phân loại theo chiều sâu (các loại sản phẩm khác nhau trong cùng một dòng sản phẩm).
+ Nhóm dịch vụ thứ ba là sự tiện lợi của địa điểm (accessibility). Đây là loại dịch vụ dễ định nghĩa và định lượng nhất. Sự tiện lợi ở đây, có thể hiểu đơn giản nhất, là khoảng cách đến cơ sở bán lẻ. Yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí đi lại và thời gian của khách hàng cho hoạt động mua sắm và thanh toán. Một doanh nghiệp bán lẻ có thể tăng cường sự tiện lợi cho khách hàng bằng cách thiết lập nhiều cơ sở bán lẻ trong cùng khu vực thị trường, tuy nhiên bố trí này cũng làm chi phí cao hơn so với việc vận hành một cơ sở bán lẻ duy nhất.
+ Nhóm dịch vụ thứ tư là sự bảo đảm về giao hàng, có thể chia ra thành hai loại: giao hàng tại thời điểm và theo hình thức mong muốn của người tiêu dùng. Giao hàng tại thời điểm mong muốn đạt được bằng cách tăng thời gian mở cửa hoặc cung cấp tín dụng. Giao hàng theo hình thức mong muốn bao gồm việc thực hiện các chức năng: chia lô hàng, chịu rủi ro thông qua bố trí chuyển giao quyền sở hữu hoặc cung cấp bảo hành.
+ Nhóm dịch vụ thứ năm được cung cấp bởi các cơ sở bán lẻ là thông tin về giá cả, sự sẵn có và các đặc điểm khác biệt của hàng hóa, dịch vụ cung cấp, kể cả thông tin về chính cơ sở bán lẻ. Việc cung cấp dịch vụ này sẽ dẫn đến gia tăng chi phí đối với hệ thống bán lẻ, nhưng mặt khác làm giảm chi phí về tìm kiếm thông tin, giảm mức độ rủi ro cho khách hàng.
Việc phân loại các nhóm dịch vụ của nhà bán lẻ trên đây làm rõ hơn bản chất của giao dịch mua – bán trên thị trường bán lẻ hàng tiêu dùng và các dịch vụ do cơ sở bán lẻ cung cấp cho người mua (người tiêu dùng).
Từ những tiếp cận khái niệm về cạnh tranh và bán lẻ trên đây, có thể định nghĩa khái niệm cạnh tranh bán lẻ như sau: Cạnh tranh bán lẻ là sự ganh đua giữa các chủ thể kinh doanh trong hoạt động bán lẻ hàng hóa cho người tiêu dùng cuối cùng thông qua việc cung cấp hàng hóa với chất lượng, giá cả và dịch vụ bán lẻ tốt hơn các đối thủ cạnh tranh trên thị trường bán lẻ để giành được lợi nhuận cao hơn trong điều kiện thị trường cạnh tranh.
+ Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bán lẻ: Có rất nhiều cách tiếp cận khác nhau về khái niệm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Theo cách tiếp cận hẹp, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là khả năng chống chịu trước sự tấn công của doanh nghiệp khác. Theo quan điểm phổ biến nhấn mạnh đến phương hướng tác động của năng lực cạnh tranh thì năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là khả năng duy trì và mở rộng thị phần, thu lợi nhuận của doanh nghiệp. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho rằng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là sức sản xuất ra thu nhập tương đối cao trên cơ sở sử dụng các yếu tố sản xuất có hiệu quả làm cho doanh nghiệp phát triển bền vững trong điều kiện cạnh tranh quốc tế. Theo cách tiếp cận mang tính tổng quát hơn, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thể hiện thực lực và lợi thế của doanh nghiệp so với đối thủ cạnh tranh trong việc thoả mãn tốt hơn các đòi hỏi của khách hàng để thu lợi ngày càng cao. Lợi thế cạnh tranh, theo Micheal Porter, là giá trị mà doanh nghiệp mang đến cho khách hàng, giá trị đó vượt quá chi phí dùng để tạo ra nó. Khi một doanh nghiệp có được lợi thế cạnh tranh, doanh nghiệp đó sẽ có cái mà các đối thủ khác không có, nghĩa là doanh nghiệp hoạt động tốt hơn đối thủ, hoặc làm được những việc mà các đối thủ khác không thể làm được.
Từ những tiếp cận trên đây về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, cũng như các định nghĩa về doanh nghiệp bán lẻ và cạnh tranh bán lẻ, có thể định nghĩa: Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bán lẻ thể hiện thực lực và lợi thế của doanh nghiệp so với đối thủ cạnh tranh trên thị trường bán lẻ trong việc cung cấp hàng hóa với chất lượng, giá cả và dịch vụ cho người tiêu dùng cuối cùng tốt hơn để giành được lợi nhuận cao hơn.
2. Vai trò của cạnh tranh giữa các doanh nghiệp bán lẻ trên thị trường
Vai trò của cạnh tranh nói chung đã được đề cập trong nhiều công trình nghiên cứu cả ở nước ngoài và trong nước. Trước hết, ở phạm vi nền kinh tế, cạnh tranh là động lực phát triển kinh tế, tăng năng suất lao động cho xã hội. Thứ hai, đối với doanh nghiệp, cạnh tranh khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng các công nghệ mới, hiện đại, tạo sức ép buộc các doanh nghiệp phải sử dụng có hiệu quả nguồn lực của mình. Thông qua cạnh tranh, doanh nghiệp sẽ càng vững mạnh và phát triển hơn trước áp lực cạnh tranh trên thị trường. Cuối cùng, đối với người tiêu dùng, cạnh tranh mang lại những lợi ích thiết thực như: được cung cấp những sản phẩm có chất lượng tốt hơn, giá bán thấp hơn, chất lượng phục vụ cao hơn…
Ở phạm vi hẹp, trên thị trường bán lẻ, vai trò của cạnh tranh giữa các doanh nghiệp bán lẻ được thể hiện ở những khía cạnh chủ yếu như:
+ Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp bán lẻ trên thị trường làm gia tăng qui mô tiêu dùng cuối cùng (một bộ phận chiếm tỷ trọng lớn và quan trong cấu thành tổng cầu của nền kinh tế), qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển chung của nền kinh tế.
Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp bán lẻ sẽ làm gia tăng qui mô tiêu dùng cuối cùng trong nền kinh tế do: 1) Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp bán lẻ dẽ dẫn đến việc giảm giá bán hàng hóa, ít nhất là trong giới hạn chiết khẩu mà các nhà sản xuất và các nhà bán buôn dành cho các doanh nghiệp bán lẻ. Điều này không chỉ kích thích những người tiêu dùng có mức thu nhập chưa cao và còn băn khăn về giá ra quyết định mua hàng, mà còn kích thích người tiêu dùng mua nhiều hàng hóa hơn; 2) Cạnh tranh cũng buộc các doanh nghiệp bán lẻ phải tìm kiếm các giải pháp để bán được nhiều hàng hóa cho người tiêu dùng. Chẳng hạn, doanh nghiệp bán hàng hóa theo bộ (dựa trên các tiêu chí về giá cả, về tính năng sử dụng, về mẫu mã, kiểu dáng,…) để cung cấp đồng bộ cho người tiêu dùng cuối cùng phù hợp hơn với mức thu nhập, sở thích, mục đích tiêu dùng,… của các đối tượng, tầng lớp người tiêu khác nhau; 3) Cạnh tranh cũng buộc các doanh nghiệp bán lẻ phải chú trọng hơn đến việc cung cấp các dịch vụ bán lẻ cho người tiêu dùng như xây dựng điểm bán thuận tiện hơn, gia tăng tiện nghi khi mua sắm cho người mua hàng…
+ Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp bán lẻ trên thị trường sẽ tạo ra tác động tích cực đối với các nhà sản xuất và các nhà cung cấp trung gian trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới công nghệ, phát triển sản phẩm mới, giảm thiểu chi phí, tổ chức cung ứng hợp lý,… phù hợp với nhu cầu thị trường, qua đó góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất nâng cao hiệu quả tăng trưởng, phát triển chung của nền kinh tế.
Trong các nền kinh tế công nghiệp, sản xuất càng phát triển sẽ càng có xu hướng tập trung hóa. Xu hướng này được sự hỗ trợ quan trọng từ các doanh nghiệp bán lẻ. Các doanh nghiệp bán lẻ trực tiếp thu nhận thông tin thị trường để cung cấp các nhà sản xuất điều chỉnh hoạt động sản xuất. Do áp lực cạnh tranh trên thị trường, các doanh nghiệp bán lẻ không chỉ phải phản ánh kịp thời các thông tin thị trường cho các nhà sản xuất, các nhà cung cấp trung gian mà còn phải tham gia tích cực vào việc hình thành ý tưởng mới về cải tiến, phát triển sản phẩm mới, phát triển hệ thống cung ứng hàng hóa…
Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp bán lẻ đang ngày càng có xu hướng tham gia tích cực, mạnh mẽ của vào quá trình sản xuất, cung ứng hàng hóa. Trong xu thế đó cùng với xu hướng hợp nhất dịch vụ logistics của các nhà sản xuất và bán lẻ, vai trò của các nhà bán buôn truyền thống đang dần mai một. Trong chuỗi cung ứng có sự phối hợp chặt chẽ của các nhà sản xuất và nhà bán lẻ ở tất cả các khâu từ sản xuất, vận chuyển đến phân phối và tài chính nhờ sự hỗ trợ của công nghệ thông tin. Hơn nữa, đối với các chuỗi cung ứng hàng tiêu dùng (thực phẩm và may mặc,…) nhà bán lẻ đang thay thế các nhà sản xuất để trở thành lực lượng chủ đạo trong chuỗi cung ứng. Điều này đang dẫn đến xu hướng chuyển biến trong các chuỗi cung ứng từ cơ chế cung/đẩy sang cơ chế cầu/kéo. Do đó, có thể khẳng định rằng, các nhà bán lẻ đang ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn đối với các nhà sản xuất và góp phần tích cực vào thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất nâng cao hiệu quả tăng trưởng, phát triển chung của nền kinh tế.
+ Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp bán lẻ trên thị trường sẽ tạo ra tác động tích cực thúc đẩy ngành bán lẻ phát triển theo hướng hiện đại, mở rộng qui mô, thay đổi cơ cấu ngành và tăng năng suất lao động, qua đó gia tăng qui mô, mở rộng cơ cấu lưu chuyển hàng hóa bán lẻ trong nền kinh tế.
Cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp bán lẻ trên thị trường dẫn đến xu hướng thay thế các cửa hàng bán lẻ truyền thống bằng các cửa hàng lớn hơn, siêu thị, trung tâm thương mại. Đồng thời, lao động trong ngành bán lẻ cũng được thu hút nhiều hơn, được đào tạo kỹ năng sâu hơn, chuyên môn hóa hơn. Mặt khác, các cửa hàng bán lẻ truyền thống có thể tham gia hội nhập vào các chuỗi cửa hàng bán lẻ, hoặc nhận nhượng quyền từ các doanh nghiệp bán lẻ lớn, hướng tới các phân đoạn chuyên biệt hơn trên thị trường bán lẻ.
Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp bán lẻ cũng làm tăng mức độ bao phủ của mạng lưới bán lẻ trên thị trường, gia tăng năng lực khai thác nguồn hàng, thương mại hóa sản phẩm, tổ chức lại các kênh cung ứng hàng hóa bán lẻ theo hướng tiết kiệm thời gian, chi phí vận chuyển,…
Tất cả những điều đó góp phần gia tăng qui mô, mở rộng cơ cấu lưu chuyển hàng hóa bán lẻ trong nền kinh tế.
3. Các yếu tố cấu thành năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bán lẻ
Như khái niệm đã nêu trên đây, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bán lẻ được cấu thành từ thực lực và lợi thế của doanh nghiệp so với đối thủ cạnh tranh trên thị trường bán lẻ.
Thực lực hay nguồn lực sẵn có của doanh nghiệp thể hiện ở nhiều dạng khác nhau. Thông thường, nguồn lực của các doanh nghiệp nói chung được chia thành hai nhóm:
+ Nguồn lực hữu hình bao gồm nguồn lực về tài chính và vật chất hữu hình. Trong đó: Nguồn lực về tài chính như vốn tự có và khả năng vay vốn của doanh nghiệp; Nguồn vật chất hữu hình bao gồm những tài sản sản xuất hữu hình (nhà xưởng, thiết bị, phương tiện sản xuất, máy móc…) của doanh nghiệp có thể đem lại lợi thế về chi phí sản xuất như qui mô, vị trí, tinh vi về kỹ thuật, tính linh hoạt của nhà máy sản xuất, của trang thiết bị, nguyên vật liệu đầu vào,…
+ Nguồn lực vô hình bao gồm công nghệ, danh tiếng và nhân lực của doanh nghiệp. Trong đó: Nguồn lực về công nghệ bao gồm sở hữu trí tuệ, bằng phát minh, sáng chế,…; Nguồn lực về danh tiếng bao gồm việc sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng về dịch vụ, chất lượng, độ tin cậy, thiết lập được mối quan hệ tốt với khách hàng, nhà cung cấp, ngân hàng và chính quyền,…; Nguồn lực về nhân sự bao gồm kiến thức, kỹ năng của nhân viên, khả năng thích hợp của nhân viên với tính linh hoạt trong chiến lược, lòng trung thành của nhân viên,…
Lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp, một mặt, được tạo ra từ thực lực sẵn có của doanh nghiệp. Mặt khác, Eisenhardt KM và Martin JA (2000) đã chỉ ra rằng nguồn lực (hữu hình và vô hình) có thể trở thành năng lực cạnh tranh phải thỏa mãn bốn yêu cầu: 1) Có giá trị; 2) Hiếm, 3) Khó thay thế; 4) Khó bị bắt chước. Như vậy, về cơ bản, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp được cấu thành từ các nguồn lực hữu hình và vô hình của doanh nghiệp, đồng thời các nguồn lực đó phải có giá trị, hiếm, khó thay thế và khó bị bắt chước để tạo ra được lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp.
Các yếu tố cấu thành năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bán lẻ, về cơ bản cũng bao gồm các yếu tố trên đây, nhưng có một số khác biệt do sự khác biệt giữa kinh doanh dịch vụ với sản xuất vật chất, giữa kinh doanh dịch vụ bán lẻ hàng hóa với kinh doanh các dịch vụ khác. Cụ thể, các yếu tố cấu thành năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bán lẻ, bao gồm:
a/ Các nguồn lực hữu hình của doanh nghiệp bán lẻ:
+ Vốn tự có và khả năng vay vốn của doanh nghiệp cho kinh doanh bán lẻ.
+ Mạng lưới cơ sở bán lẻ và phương tiện phục vụ cho hoạt động bán hàng của doanh nghiệp trên thị trường.
+ Hệ thống cơ sở vật chất đảm bảo cung ứng hàng hóa cho các cơ sở bán lẻ của doanh nghiệp (kho hàng, cơ sở sơ chế, phân loại hàng hóa, phương tiện bảo quản, phương tiện vận tải,…).
+ Các nguồn lực vật chất hữu hình khác của doanh nghiệp bán lẻ như các nguồn cung cấp vật liệu đầu vào (như bao bì, chất phụ gia chế biến thực phẩm,…), hệ thống thu gom, xử lý chất thải.
b/ Các nguồn lực vô hình của doanh nghiệp bán lẻ:
+ Danh tiếng của doanh nghiệp trên thị trường bán lẻ, bao gồm: Chất lượng các dịch vụ bán lẻ được cung cấp cho khách hàng; Nhãn hiệu của doanh nghiệp được dán trên các hàng hóa bán ra của doanh nghiệp…
+ Các mối quan hệ của doanh nghiệp trên thị trường bán lẻ, bao gồm: với khách hàng (người tiêu dùng cuối cùng), với các nhà cung cấp, với các ngân hàng, với cơ quan quản lý nhà nước…
+ Nguồn nhân lực của doanh nghiệp bán lẻ, bao gồm: Kiến thức, kỹ năng của các nhân viên (bán hàng, kế toán, kho, quản lý,…); Khả năng thích ứng của nhân viên với tính linh hoạt trong hoạt động kinh doanh; Lòng trung thành của nhân viên,…
Những yêu cầu về có giá trị, hiếm, khó thay thế và khó bị bắt chước của những yếu tố hữu hình và vô hình cấu thành năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bán lẻ trên đây có thể nhận thấy như: Vị trí “đắc địa” hay “khu đất vàng” của cơ sở bán lẻ của doanh nghiệp (liên quan đến sự tiện lợi của địa điểm); Hoặc, cung cấp dịch vụ bán lẻ khác biệt;…
Từ những yếu tố trên đây, các doanh nghiệp bán lẻ trên thị trường có thể xây dựng lợi thế cạnh tranh và duy trì được lợi thế cạnh tranh trên thị trường ở những phân khúc thị trường cụ thể và ở những mảng dịch vụ bán lẻ khác nhau trong cùng một phân khúc.
Ths. Lương Thanh Hải
Phòng Thông tin, Thư viện và Xúc tiến Thương mại – VIOIT