Những vấn đề cơ bản về lạm phát: Hậu quả của lạm phát (Phần 3)
Những vấn đề cơ bản về lạm phát: Hậu quả của lạm phát (Phần 3)
Mức độ lạm phát khác nhau sẽ gây tác động khác nhau tới tình hình kinh tế, xã hội của một nước. Nhìn chung, dấu hiệu của lạm phát rất rõ ràng khi giá cả có xu hướng tăng lên trong khoảng thời gian dài. Việc dự đoán chính xác sự biến động của lạm phát đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hoạch định các chiến lược phát triển kinh tế xã hội và giải pháp trong việc kiềm chế lạm phát cho các năm tiếp theo.
Khi tỷ lệ lạm phát dự đoán trùng với mức lạm phát thực tế, lạm phát đó được gọi là lạm phát có thể dự tính được. Ngược lại, nếu tỷ lệ lạm phát dự đoán khác với mức lạm phát thực tế, lạm phát đó được gọi là lạm phát vượt quá mức dự tính được. Do đó, mức độ ảnh hưởng của lạm phát tới sự phát triển kinh tế xã hội của một đất nước tuỳ thuộc vào khả năng dự đoán chính xác mức độ lạm phát của mỗi quốc gia. Hậu quả của lạm phát được nhìn nhận trên hai loại lạm phát: lạm phát có thể dự tính được và lạm phát vượt quá mức dự tính.
1. Đối với lạm phát có thể dự tính
Lạm phát có thể dự tính được không gây tác hại lớn cho nền kinh tế. Thông thường, khi mức dự đoán lạm phát được Nhà nước hay Chính phủ công bố, các cơ quan, các doanh nghiệp và các ngân hàng ngân hàng, quỹ đầu tư v.v… sẽ dựa vào mức lạm pháp dự đoán này sẽ điều chỉnh tiền lương, hợp đồng với đối tác, bảo hiểm, các hợp đồng tín dụng cho phù hợp với tỷ lệ lạm phát. Khi tỷ lệ lạm phát dự tính trùng với tỷ lệ lạm phát thực tế, lạm phát sẽ không gây ảnh hưởng gì đáng kể đến sản lượng sản xuất, thu nhập phân phối của người dân cũng như hiệu quả của các hoạt động kinh tế khác.
Mặc dù vậy, mức lạm phát có thể dự tính được vẫn phần nào ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế. Trong điều kiện có lạm phát, nhu cầu giữ tiền mặt của người dân giảm rõ rệt. Người dân cố gắng gửi tiền vào ngân hàng phần thu nhập chưa sử dụng hoặc đổi sang những đồng tiền mạnh có tính thanh khoản cao như USD, EURO và gửi vào ngân hàng nhằm tránh rủi ro tiền mất giá. Chi phí dành cho việc quản lý tiền mặt của ngân hàng do đó cũng tăng lên.
Ngoài ra, hệ thống thuế cũng chịu tác động của lạm phát. Mức thu nhập danh nghĩa của người dân tăng lên cùng tỷ lệ lạm phát dự tính nhằm đền bù cho phần tiền mất giá. Đồng thời, mức thuế thu nhập theo đó cũng tăng lên cùng với mức tăng của thu nhập danh nghĩa. Thông thường chính sách thuế thường không được điều chỉnh kịp thời với mức thu nhập thực tế. Do đó, thuế đã phân phối lại một phần thu nhập của người đóng thuế, làm giảm tác dụng của việc dự đoán chính xác tỷ lệ lạm phát trước đó.
Bên cạnh đó, khi giá cả biến động liên tục, nó gây khó khăn cho việc đưa ra các quyết định liên quan đến cơ cấu tiêu dùng, tiết kiệm, các quyết định đầu tư. Hơn nữa, khi giá cả dao động, các nguồn lực xã hội phải cập nhật với sự thay đổi về giá cả, ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế xã hội của đất nước
2. Đối với lạm phát vượt quá mức dự tính
Lạm phát vượt quá mức dự tính gây tác hại lớn cho nền kinh tế bởi sự biến động ngoài dự tính của nó. Khi lạm phát vượt quá mức dự tính, nó tạo nên sự biến động bất thường về giá trị tiền tệ, làm sai lệch toàn bộ thước đo các quan hệ giá trị và ảnh hưởng đến mọi hoạt động kinh tế xã hội của đất nước.
Sự biến động bất thường của tỷ lệ lạm phát trong thời gian dài sẽ gây khó khăn cho việc xác định mức sinh lời chính xác của các khoản đầu tư dài hạn. Điều này gây ra tâm lý ngần ngại và hoang mang cho các nhà đầu tư. Họ sẽ thích đầu tư vào các tài sản tài chính hơn là vào các dự án dài hạn trong thời kỳ này, dẫn đến sự phân bổ nguồn lực thiếu hiệu quả, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, lạm phát cũng làm mức lãi suất danh nghĩa tăng lên. Các doanh nghiệp khi đó sẽ thích các vay ngắn hạn hơn là các vay dài hạn với lãi suất cố định bởi các hợp đồng vay dài hạn hàm chứ nhiều rủi ro hơn. Hơn nữa, lạm phát vượt mức dự tính cũng ảnh hưởng lớn đến thị trường lao động, gia tăng tỷ lệ thất nghiệp. Người lao động có thể đình công đòi tăng lương danh nghĩa, gây bất ổn trong việc phát triển kinh tế xã hội. Mức giá chung tăng lên có thể gây sự giảm sút của tổng cầu về các loại mặt hàng, dịch vụ cũng như nhu cầu tuyển lao động. Tỷ lệ thất nghiệp theo đó cũng tăng lên.
Ngoài ra, lạm phát vượt quá mức dự tính cũng ảnh hưởng xấu tới cán cân thanh toán quốc tế và khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế. Khi tỷ lệ lạm phát trong nước cao hơn tỷ lệ lạm phát các nước khác, giá cả hàng hoá dịch vụ trong nước sẽ tăng cao hơn giá hàng hoá dịch vụ nước ngoài, tác động xấu đến hoạt động xuất khẩu hàng hoá dịch vụ ra nước ngoài. Xuất khẩu giảm khiến cầu về ngoại tệ tăng, ảnh hưởng xấu đến tài khoản vãng lai đồng thời gây áp lực đối với tỷ giá hối đoái. Với sức ép này, đồng nội tệ có thể giảm giá so với đồng ngoại tệ. Giá nội địa của hàng nhập khẩu theo đó tăng cao, đẩy mức giá chung tăng lên. Kết quả là mức lạm phát có thể tiếp tục tăng.
Tóm lại, lạm phát trong cả trường hợp dự tính được hay vượt quá mức dự tính đều có tác hại nhất định đến tình hình phát triển kinh tế xã hội của một nước. Việc hoạch định được một chiến lược kiềm chế lạm phát và cách thức khắc phục hậu quả của lạm phát là điều hết sức cần thiết nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước.
3. Lạm phát và thu nhập thực tế
Giữa thu nhập thực tế và thu nhập danh nghĩa của người lao động có quan hệ với nhau qua tỷ lệ lạm phát. Khi lạm phát tăng lên mà thu nhập danh nghĩa không thay đổi thì làm cho thu nhập thực tế của người lao động giảm xuống.
Lạm phát không chỉ làm giảm giá trị thật của những tài sản không có lãi mà nó còn làm hao mòn giá trị của những tài sản có lãi, tức là làm giảm thu nhập thực từ các khoản lãi, các khoản lợi tức. Đó là do chính sách thuế của nhà nước được tính trên cơ sở của thu nhập danh nghĩa. Khi lạm phát tăng cao, những người đi vay tăng lãi suất danh nghĩa để bù vào tỷ lệ lạm phát tăng cao mặc dù thuế suất vẫn không tăng.
Từ đó, thu nhập ròng (thực) của của người cho vay bằng thu nhập danh nghĩa trừ đi tỉ lệ lạm phát bị giảm xuống sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế xã hội. Như suy thoái kinh tế, thất nghiệp gia tăng, đời sống của người lao động trở nên khó khăn hơn sẽ làm giảm lòng tin của dân chúng đối với Chính phủ..
4. Lạm phát và phân phối thu nhập không bình đẳng
Khi lạm phát tăng lên, giá trị của đồng tiền giảm xuống, người đi vay sẽ có lợi trong việc vay vốn trả góp để đầu cơ kiếm lợi. Do vậy càng tăng thêm nhu cầu tiền vay trong nền kinh tế, đẩy lãi suất lên cao.
Lạm phát tăng cao còn khiến những người thừa tiền và giàu có, dùng tiền của mình vơ vét và thu gom hàng hoá, tài sản, nạn đầu cơ xuất hiện, tình trạng này càng làm mất cân đối nghiêm trọng quan hệ cung – cầu hàng hoá trên thị trường, giá cả hàng hoá cũng lên cơn sốt cao hơn.
Cuối cùng, những người dân nghèo vốn đã nghèo càng trở nên khốn khó hơn. Họ thậm chí không mua nổi những hàng hoá tiêu dùng thiết yếu, trong khi đó, những kẻ đầu cơ đã vơ vét sạch hàng hoá và trở nên càng giàu có hơn. Tình trạng lạm phát như vậy sẽ có thể gây những rối loạn trong nền kinh tế và tạo ra khoảng cách lớn về thu nhập, về mức sống giữa người giàu và người nghèo.
5. Lạm phát và nợ quốc gia
Lạm phát cao làm cho Chính phủ được lợi do thuế thu nhập đánh vào người dân, nhưng những khoản nợ nước ngoài sẽ trở nên trầm trọng hơn. Chính phủ được lợi trong nước nhưng sẽ bị thiệt với nợ nước ngoài. Lý do là vì: lạm phát đã làm tỷ giá giá tăng và đồng tiền trong nước trở nên mất giá nhanh hơn so với đồng tiền nước ngoài tính trên cá khoản nợ.
Lương Thanh Hải
Phòng Thông tin, Thư viện và Xúc tiến Thương mại – VIOIT