Những tục lệ dân gian ngày Tết
Năm hết Tết đến, người Việt có những tục lệ dân gian hết sức phong phú, đa dạng. Những tục lệ này dựa trên nền tảng phong tục tập quán, vừa ảnh hưởng của tín ngưỡng dân gian tạo nên bản sắc văn hóa lâu đời trong gia đình và cộng đồng người Việt Nam.
Nguồn: Internet
* Trang trí nhà cửa ngày Tết
Cuối năm, người Việt và các dân tộc đều có thói quen sửa sang, sơn phết, dọn dẹp nhà cửa cho mới mẻ. Trước Tết, người ta dọn vệ sinh lau rửa nhà cửa sạch sẽ. Gần Tết, một số gia đình dán giấy đỏ, giấy hình cọp (hổ) trấn giữ nhà cửa. Những năm gần đây, người ta còn mua về những cặp chậu hoa lớn bày trước nhà và không gian nhà tạo cảnh sắc rực rỡ (vàng, đỏ, hồng, trắng, tím…) với đủ loại hoa kiểng bày bán ở chợ hoa tết như: hoa mai, hoa đào, hoa cúc đại đóa, cúc vạn thọ, cúc đồng tiền, hướng dương, hoa hồng, hoa lan, thược dược, xương rồng, sống đời…
Việc trang trí nhà cửa ngày Tết còn được chú trọng bên trong nhà, đặc biệt các không gian chính như: các bàn thờ (thần Phật, Thượng đế, tổ tiên), phòng khách… Vào ngày Tết, màu sắc thường được sử dụng phổ biến là những màu sắc tươi sáng, đặc biệt là sắc vàng và đỏ rực rỡ nhằm tạo không gian thêm sức sống và mọi sự may mắn, đáp ứng nguyện vọng của gia chủ trong năm mới. Đồ đạc trong nhà được vệ sinh sạch sẽ hoặc mua sắm mới để hy vọng những điều may mắn, trọn vẹn, như ý trong năm mới.
* Đón giao thừa, xông nhà đầu năm
Đúng 12 đêm 30 Tết là thời khắc đón giao thừa tiễn biệt năm cũ và đón chào năm mới. Một số gia đình làm mâm cúng đặt trước nhà và trên bàn thờ trong nhà để cúng trời và tổ tiên. Lễ vật cúng gồm: bánh chưng, bánh tét, gà luộc, giò chả, dưa hành muối, củ kiệu, bánh mứt, dưa hấu và quýt có dán giấy đỏ viết chữ “phúc”, “kiết” hoặc “cát” (tốt)… Con cháu trong nhà thắp nhang lạy trời Phật, thần thánh, tổ tiên, ông bà cầu cho gia đạo bình an, vạn sự như ý trong năm mới.
Từ thời điểm đón giao thừa cho tới sáng mùng 1 Tết, gia chủ chọn người hợp tuổi để xông đất, xông nhà. Người đến xông đất bước vào nhà với những lời chúc tốt đẹp cho gia chủ như: “Vạn sự như ý”, “Phát tài phát lộc”, “Vạn sự an khang”, “Gia đạo bình an”, “Ngũ phúc lâm môn”, “Tiền vô như nước”… Gia chủ mời người xông đất uống trà rồi lì xì bao giấy màu đỏ. Ngược lại, người xông đất cũng lì xì lại cho những trẻ nhỏ của gia chủ.
Việc lựa chọn được người hợp tuổi xông nhà đầu năm sẽ đem đến tiền tài, thịnh vượng cho gia chủ suốt một năm. Người xông đất được coi là người đại diện mang tới cho gia chủ sự may mắn và an lành cho một năm. Xông nhà còn mang ý nghĩa thắt chặt tình cảm giữa con người với nhau, gắn bó tình làng nghĩa xóm.
* Kiêng cữ quét nhà 3 ngày tết
Bắt đầu từ giao thừa, các gia đình kiêng cữ không dùng chổi quét nhà cửa bởi mọi người tin rằng quét nhà trong mấy ngày Tết thì sẽ quét hết tài lộc trong năm mới. Nhiều người vẫn tin rằng việc kiêng quét nhà 3 ngày Tết là vì họ sợ sẽ quét hết tiền tài, may mắn và vận đỏ trong năm mới ra khỏi nhà… Một số gia đình ở Nam bộ còn cho rằng khi đã quét sạch sẽ nhà cửa rồi thì phải cất chổi đi. Nếu gia đình nào chẳng may bị mất chổi trong những ngày Tết thì cả năm đó sẽ bị trộm vào nhà trộm của cải.
Tục kiêng cữ này bắt nguồn từ một điển tích của Trung Quốc trong Sưu thần ký. Chuyện kể rằng ngày xưa có người lái buôn tên là Âu Minh, đi qua hồ Thanh Thảo gặp một bé gái ăn mặc rách rưới, gầy gò, xanh xao. Động lòng trắc ẩn, ông lái buôn đưa cô bé về nhà làm con nuôi và đặt tên là Như Nguyệt. Từ khi đem cô bé về nhà nuôi, Âu Minh ăn nên làm ra rất giàu có nhưng cũng trở nên ác độc keo kiệt. Một lần nọ nhân mùng 1 Tết, không may Như Nguyệt làm vỡ chiếc bình quý, Âu Minh đã đánh phạt Như Nguyệt nên cô ấy sợ quá chui vào đống rác ở góc nhà. Vợ Âu Minh không để ý nên vô tình quét nhà hốt luôn cả đống rác đổ đi, kể từ đó nhà Âu Minh trở lại vận nghèo. Dân gian cho rằng, Như Nguyệt chính là Thần Tài và lập bàn thờ để thờ. Từ đó, trong dân gian có tục kiêng hốt rác trong 3 ngày Tết do người ta sợ hốt cả Thần Tài ẩn trong rác đổ đi, sự làm ăn sẽ không phát đạt.
* Lì xì đầu năm
Vào dịp Tết Nguyên đán ở Việt Nam và các nước Đông Á còn có tục lệ lì xì đầu năm mới. Những ngày Tết người lớn mừng tuổi trẻ em, hoặc con cháu trưởng thành mừng tuổi cho ông bà, cha mẹ đã lớn tuổi. Người ta bỏ sẵn những tờ tiền mới vào chiếc phong bì màu đỏ có hình ảnh trang trí rực rỡ để mừng tuổi trẻ em và người già…
Ngày nay, tiền lì xì không chỉ có tiền Việt mà còn có cả những tờ ngoại tệ và đôi khi tục lệ lì xì còn vượt ra ngoài phạm vi gia đình, mà còn đến với cơ quan, đơn vị vào ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết. Trong những phong bao lì xì đôi khi có cả những tấm vé số do cấp trên lì xì cho nhân viên trong đơn vị.
Nguồn gốc tục lệ lì xì ngày Tết xuất hiện từ rất xưa tại Trung Quốc và cũng có rất nhiều câu chuyện giải thích về sự ra đời của phong bao lì xì này. Nhưng có lẽ phổ biến nhất đó chính là câu chuyện về con quỷ hay xoa đầu trẻ. Tương truyền rằng, thời xưa tại Trung Quốc có một con quỷ rất thích xoa đầu trẻ em tên là “Sui”. Đêm giao thừa khi trẻ đã ngủ ngon, Sui thường lẻn vào nhà xoa đầu trẻ khiến trẻ thức giấc, khóc thét đến sốt cao và trở nên ngốc nghếch. Sau này, để giữ an toàn cho trẻ nhỏ, cha mẹ thường phải đốt đèn và canh trẻ cho hết đêm giao thừa.
Một dị bản khác kể như sau: có một gia đình nọ đã khoảng 50 tuổi mới hạ sinh được một bé trai bụ bẫm nên gia đình rất cưng chiều. Một hôm vào đêm giao thừa, có 8 vị tiên đi ngang và trông thấy con Sui đang tìm cách xoa đầu cậu bé này. Nhận thấy cha mẹ cậu ấy có tâm tốt nên tiên bèn ra tay cứu độ bằng cách biến thành 8 đồng tiền và dặn cha mẹ cậu bé hãy gói 8 đồng tiền vào bao đỏ và đặt kế bên cậu bé. Khi con Sui bắt đầu tiến đến gần đứa bé đang ngủ, những bao đỏ bọc đồng tiền liền phát ra hào quang, đánh đuổi con yêu quái chạy mất. Do đó, cứ vào đêm giao thừa, nhà nhà đều gói đồng tiền vào giấy đỏ rồi tặng cho con cháu để cầu an. Từ đó hình thành tục lệ lì xì vào ngày Tết và tồn tại đến nay.
* Rước lộc, thỉnh lộc đầu năm
Dịp Tết, dân gian còn có tục lệ đến chùa, miếu cúng thần Phật và thỉnh lộc từ chùa, miếu về nhà. Lộc thỉnh về nhà trong ngày đầu năm là những cây nhang lớn thắp vài giờ mới tàn hoặc hoa đăng, phúc pháo; lộc cũng có thể là gói gạo, hoa huệ, hoa cúc, bao giấy đỏ lì xì, bánh kẹo, trái cây…
Những ngày đầu năm mới, người ta đến chùa cúng lễ và không quên lấy những bông hoa cắm trên bàn thờ thần hay nhận lấy một phần nhỏ từ những lễ vật đã cúng trên bàn thờ thần đem về nhà. Phổ biến nhất là việc nhận lộc với những bao giấy màu đỏ, bên trong là những tờ tiền giấy có mệnh giá rất nhỏ như: 1, 2 hoặc 5 ngàn đồng kèm theo một tấm bưu ảnh của chùa, miếu. Người nhận lộc hy vọng với bao lộc tượng trưng sẽ được may mắn, đặc biệt là làm ăn phát tài nhờ tấm lộc đầu năm nhận từ chùa, miếu về.
* Hành hương chùa, miếu đầu năm
Những ngày đầu năm mới, một số người còn có quan niệm đi viếng nhiều chùa, miếu thì sẽ được nhiều phúc lộc, may mắn. Việc đi đến nhiều chùa miếu vừa là để cúng thần, Phật vừa là để hành hương, thể hiện tâm hồn thư thái, thành kính tìm về nơi chốn bình yên và tạo phúc lộc cho bản thân và gia đình.
Thông thường người Việt đến các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo bày tỏ những nhu cầu và nguyện vọng chính đáng là cầu xin cho gia đình được bình an, mạnh khỏe. Đặc biệt, ngày đầu năm, người Việt có thói quen đến các chùa, miếu để tích đức, làm từ thiện. Ngoài hành hương viếng chùa thì việc làm từ thiện nhằm cầu xin thần linh phù hộ cho công việc buôn bán được tốt đẹp, khai trương hồng phát, buôn bán phát tài, phát lộc…
* Chọn ngày khai trương mở hàng đầu năm
Để xuất hành, khai trương vào dịp Tết phải chọn ngày đại cát, ngày có sao tốt, tránh ngày sát chủ, ngày tam nương, ngày có sao xấu. Các cửa hàng phần lớn khai trương đầu năm vào các ngày chẵn như: mùng 6 hoặc mùng 10 tháng Giêng. Theo cách tính toán trong dân gian thì mùng 5 là ngày xấu, còn mùng 6 và 10 là ngày tốt. Nếu khai trương vào những ngày đó sẽ gặp nhiều may mắn, quanh năm sẽ buôn may bán đắt.
Ngày khai trương mà có các đoàn lân đến biểu diễn thì sẽ tạo nên sự nhộn nhịp, vui vẻ của ngày khai trương, đồng thời là âm thanh xóa tan những âm khí, tạo sự phấn khích đem lại may mắn cho người hoạt động kinh doanh.
Những ngày đầu năm mới, trẻ nhỏ và nam thanh nữ tú khoe sắc trong các bộ trang phục mới màu sắc lộng lẫy, tươi vui. Mọi người gặp nhau đều chúc mừng nhau với những câu có ý nghĩa tốt đẹp, may mắn, cát tường, phát tài phát lộc, an khang thịnh vượng, gia đình bình an… Người Việt thường có tục lệ “Mùng 1 chúc Tết cha, mùng 2 chúc Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy”.
Ngày Tết, người Việt có khá nhiều tục lệ dân gian nhằm làm đẹp ngôi nhà và không gian đón Tết, những kiêng kỵ và thực hành mang nhiều yếu tố văn hóa tâm linh, cầu mong bản thân và gia đình một năm mới với nhiều điều tốt đẹp.
Nguyên Thơ