Những thuận lợi và khó khăn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính Nhà nước
Hà Cẩm
Bình Phước : Cổng thông tin điện tử
https://binhphuoc.gov.vn/uploads/binhphuoc/quochuy_1.png
Ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước, hướng đến xây dựng một nền hành chính hiện đại và hiệu quả là một trong những điểm trọng tâm trong quá trình xã hội hóa thông tin, phát triển dân chủ và củng cố bộ máy chính quyền các cấp. Hiện nay, mô hình Chính phủ điện tử (e-government) đã được áp dụng rộng rãi tại nhiều nước trên thế giới và mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho xã hội. Tại Việt Nam, mô hình “chính phủ điện tử” đã được đưa vào ứng dụng nhằm cải thiện phương thức quản lý hành chính, giúp giới doanh nghiệp và người dân tiếp cận được với các chính sách, cơ chế của Đảng và Nhà nước một cách nhanh nhất.
–
Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính nhà nước là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, đã được triển khai quán triệt, cán bộ công chức có bước nhận thức cơ bản về sự cần thiết của việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý hành chính nhà nước.
– Sở Thông tin và Truyền thông đã tiến hành mở các lớp tập huấn công nghệ thông tin nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin và hướng dẫn cài đặt các phần mềm mở, phần mềm ứng dụng cho đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức cho các xã, thị trấn giúp cho đội ngũ cán bộ, công chức thành thạo trong việc đưa công nghệ thông tin vào công việc của mình được thuận lợi hơn.
– Cần phải xác định một trong những yếu tố quan trọng góp phần mang lại hiệu quả là ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý hành chính nhà nước, nên có sự tập trung quan tâm chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các phòng ban cấp huyện thể hiện tinh thần trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện dự án.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những khó khăn, hạn chế như:
–
Vẫn còn một bộ phận cán bộ công chức chưa nhận thức được hết tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin nên chưa tích cực thay đổi thói quen làm việc thủ công, chưa chủ động học tập và trau dồi nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin vào trong công tác của mình;
vẫn còn một số đơn vị chưa thật sự tích cực, chủ động trong việc khai thác, sử dụng các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin đã đầu tư.
– Nguồn nhân lực chuyên trách về công nghệ thông tin chủ yếu là kiêm nhiệm nên ảnh hưởng rất lớn đến công tác triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện quản lý nhà nước tại địa phương; chưa có cơ chế, chính sách thu hút người giỏi về công nghệ thông tin vào làm việc trong cơ quan nhà nước nên công tác tham mưu, đề xuất giải pháp ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin còn nhiều hạn chế.
– Chưa khai thác, phát huy được tối đa tính năng, lợi ích của các phương tiện công nghệ thông tin và cơ sở hạ tầng, thiết bị công nghệ thông tin hiện có để nâng cao hiệu quả trong công việc cũng như trong quản lý điều hành.
– Trang thiết bị phục vụ cho hoạt động của đài truyền thanh – truyền hình, các trạm truyền thanh cơ sở, cổng thông tin điện tử, đội thông tin lưu động, tuyên truyền quảng cáo, cổ động trực quan…chưa được đầu tư đúng mức. Chưa có chính sách thu hút nhân tài, kinh phí cho công tác thông tin tuyên truyền còn rất hạn hẹp.
– Chưa có Chế tài cụ thể về công tác thi đua khen thưởng nên chưa khích lệ động viên kịp thời những tập thể cá nhân tích cực, đồng thời phê bình đánh giá với những tập thể cá nhân chưa tích cực trong việc ứng dụng công nghệ thông tin – Truyền thông vào nâng cao hiệu quả công tác.
– Lãnh đạo một số cơ quan đơn vị chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí, tác dụng của việc ứng dụng công nghệ thông tin truyền thông vào công việc và trong điều hành quản lý. Chưa quan tâm và đầu tư đúng mức, kịp thời cho công tác này tại cơ quan, đơn vị mình. Trình độ, năng lực của một số lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức và nhân dân chưa bắt kịp với tốc độ phát triển cao của công nghệ thông tin.