Những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu tới sức khỏe con người – Tin tức chung – Cổng thông tin điện tử Sở y tế Hà Nội
Ngày nay con người đang ngày càng thấy rõ hơn mối đe dọa của biến đổi khí hậu đối với mọi quốc gia và sự sống trên trái đất, đặc biệt là ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của con người.
Biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ góp phần làm tăng gánh nặng bệnh tật và tử vong sớm. Nguyên nhân là do con người đang phải tiếp xúc trực tiếp với biến đổi khí hậu thông qua những mô hình thời tiết thay đổi như: nhiệt độ, lượng mưa, mực nước biển dâng và các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra với tần suất ngày một nhiều. Hoặc phải chịu những tác động gián tiếp thông qua những thay đổi về lưu lượng nước, chất lượng nước, chất lượng không khí, an toàn thực phẩm và những thay đổi trong hệ sinh thái… do biến đổi khí hậu gây lên.
Một số tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe con người có thể kể đến là:
Những tác động trực tiếp do các điều kiện nhiệt độ cực đoan: bao gồm các đợt sóng nhiệt và các đợt lạnh khắc nghiệt gây lên. Trong đó, sóng nhiệt là hiện tượng thời tiết nóng bất thường diễn ra trong một khoảng thời gian kéo dài, có thể đi kèm với độ ẩm cao. Khi phơi nhiễm với sóng nhiệt, con người phải đối mặt với nguy cơ căng thẳng do nhiệt khi làm việc dưới nhiệt độ và độ ẩm cao, hoặc say nắng, say nóng, chuột rút, ngất xỉu, kiệt sức do nhiệt. Nặng hơn nữa là tình trạng sốc nhiệt, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn tới tử vong.
Nhiều bệnh nhân nhập viện do nắng nóng trong mùa hè 2019. (Ảnh sưu tầm)
Ngoài các đợt sóng nhiệt, các đợt không khí lạnh khắc nghiệt cũng là điều kiện nhiệt độ cực đoan gây nhiều tác động xấu đến sức khỏe con người. Các đợt lạnh khắc nghiệt có thể khiến nhiệt độ mùa đông ở nhiều nước trên thế giới xuống tới dưới -300C, thậm chí dưới -400C, hoặc các nước có khí hậu nhiệt đới như Việt Nam trong những năm gần đây, nhiệt độ mùa đông có khu vực từng xuống tới -50C kèm theo những đợt lạnh kỷ lục kéo dài. Các đợt lạnh khắc nghiệt có thể gây ra các nguy cơ cấp tính như cước chân tay, giảm thân nhiệt hoặc tăng nguy cơ phát các bệnh mạn tính liên quan đến đường hô hấp và một số bệnh khác. Đặc biệt các đợt lạnh khắc nghiệt có tác động xấu rõ rệt tới sức khỏe của người già, trẻ em, người nghèo và những người vô gia cư…
Những tác động trực tiếp đến sức khỏe còn do các điều kiện thời tiết cực đoan, là những tác động rất đa dạng, thường liên quan tới các thảm họa do bão, lụt, hạn hán, động đất, sóng thần, các vụ cháy lớn… Biến đổi khí hậu góp phần làm tăng tần xuất xuất hiện và cường độ của các thảm họa thiên nhiên, điển hình là trong những năm gần đây, do biến đổi khí hậu, các cơn bão có sức tàn phá lớn xuất hiện ngày càng nhiều, gây hậu quả nặng nề cho sức khỏe con người như tử vong, mất tích, chấn thương, các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần nghiêm trọng…
Ngoài những tác động trực tiếp đến sức khoẻ, con người đã, đang và sẽ phải hứng chịu nhiều gánh nặng bệnh tật khác do những thay đổi môi trường dưới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Đó là:
Tình trạng dinh dưỡng bị tác động: những thay đổi của môi trường do biến đổi khí hậu như hạn hán, lũ lụt, nước biển dâng… gây nên tình trạng khan hiếm nước, mặn hóa diện tích đất nông nghiệp, sâu bệnh, thất thu mùa màng, mất sinh kế, tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm và các bệnh đường hô hấp. Hậu quả đối với sức khỏe là thiếu đói và cuối cùng là tình trạng suy dinh dưỡng protein năng lượng, thiếu hụt vi chất dinh dưỡng.
Biến đổi khí hậu làm tăng bệnh tật liên quan đến an toàn thực phẩm: Biến đổi khí hậu làm thời tiết trở nên ấm áp hơn, mùa đông đỡ lạnh hơn, là điều kiện thuận lợi cho ruồi, gián và các véc tơ truyền bệnh qua thực phẩm khác sinh sôi phát triển mở rộng phạm vi sống và thời gian lưu hành truyền bệnh trong năm. Liên quan chặt chẽ tới sự thay đổi này là sự gia tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm và các bệnh đường tiêu hóa do vi khuẩn Salmonella.
Mặt khác, khi nước biển ấm lên do biến đổi khí hậu thì số ca ngộ độc thực phẩm do ăn phải các loại hải sản sò, hàu… chứa độc tố của các loài tảo biển độc gia tăng, đây là những loài tảo có đặc điểm phát triển mạnh khi nước biển ấm lên, sản sinh ra lượng chất độc lớn thấm nhiễm vào các loài động vật biển.
Bệnh tật liên quan đến nước tăng: Biến đổi khí hậu làm thay đổi lượng mưa có thể dẫn tới khô hạn, thiếu nước sinh hoạt, ăn uống khiến con người phải đối mặt các bệnh liên quan đến dùng nước bị nhiễm bẩn hoặc thiếu nước như sỏi thận, viêm da, đau mắt, tử vong … Hoặc sự gia tăng của bệnh ỉa chảy và các bệnh liên quan đến điều kiện vệ sinh kém do ngập, lụt làm ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước.
Với các bệnh liên quan đến chất lượng không khí: Các mô hình thời tiết đặc thù của biến đổi khí hậu làm tăng thúc đẩy quá trình hình thành một số chất ô nhiễm không khí khiến hàm lượng các chất đó trong không khí trở nên rất cao ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Một trong các khí đó, có thể kể đến là khí ozon ở tầng đối lưu (tầng sát mặt đất), hay còn gọi là khói mù, là nguyên nhân gây kích ứng hệ hô hấp, làm giảm chức năng phổi, khiến bệnh hen trở lên trầm trọng hơn và tăng nguy cơ đối với những người có tiền sử bệnh tim mạch, hô hấp…
Các chất hạt mịn hay còn gọi là bụi mịn (PM) là một trong những chất ô nhiễm không khí thay đổi theo sự biến đổi của khí hậu. Với loại PM có kích thước siêu nhỏ, có khả năng vượt qua tất cả các hàng rào ngăn bụi để đi sâu vào hệ hô hấp, thậm chí vào máu và nó có thể tác động đến cấu trúc DNA gây đột biến gen… PM gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người còn hơn cả ozon, nó làm tăng cả tỷ lệ mắc bệnh và tử vong trong các cộng đồng dân cư.
Ngoài ra dưới tác động của biến đổi khí hậu, các vụ cháy rừng lớn có xu hướng tăng cả về tần suất và mức độ nguy hiểm. Hậu quả là các chất khí độc hại, các chất ô nhiễm dạng hạt từ các vụ cháy thải vào khí quyển quá nhiều, góp phần làm tăng đột biến số ca mắc bệnh đường hô hấp cấp tính và mạn tính như viêm phổi, viêm đường hô hấp trên, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính…
– Các bệnh do véc tơ và gặm nhấm truyền và một số bệnh truyền nhiễm khác: Nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu làm mở rộng các vùng có nhiệt độ mùa đông tăng, cùng sự thay đổi về lượng mưa gây ngập lụt, là điều kiện thuận lợi cho các véc tơ như ruồi, muỗi, chuột, bọ chét, ve, các loài gặm nhấm sinh sôi, phát triển gia tăng cả về số lượng và phạm vi lưu hành, dẫn tới khuynh hướng gia tăng các bệnh liên quan đến các véc tơ truyền bệnh trên như: bệnh như sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, dịch hạch…
– Tác hại của bức xạ tia cực tím đối với sức khỏe: Trong khi khí ozon ở tầng đối lưu gây hại cho sức khỏe con người, thì lớp ozon ở tầng bình lưu lại có tác dụng ngăn chặn bức xạ cực tím không cho xuyên qua bầu khí quyển Trái Đất. Sự suy giảm ozon ở tầng bình lưu sẽ tạo điều kiện cho các bức xạ cực tím đến mặt đất nhiều hơn. Biến đổi khí hậu làm thay đổi sự phơi nhiễm của con người với tia bức xạ cực tím do làm thay đổi sự phân bổ của các đám mây góp phần tăng phơi nhiễm của con người với tia bức xạ cực tím ở một số khu vực, gây nhiều hệ lụy cho sức khỏe như: đục thủy tinh thể, ung thư da, cháy nắng, giảm miễn dịch của cơ thể với một số loại vắc xin…
Biến đổi khí hậu đang ngày càng thể hiện tác động tiêu cực của nó tới sức khỏe con người. Việt Nam là một trong các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Nguyên nhân gây biến đổi khí hậu, ngoài nguyên nhân khách quan là do sự biến đổi của tự nhiên còn có nguyên nhân chủ quan là do hoạt động của con người làm thay đổi thành phần của khí quyển hay trong khai thác sử dụng đất. Các hoạt động giao thông vận tải, sản xuất công nghiệp, sản xuất năng lượng, đốt các nhiên liệu hóa thạch, chặt phá đốt rừng… của con người đã phát thải các khí nhà kính như: CO2, CH4, hơi nước, N2O… vào khí quyển vượt quá khả năng hấp thụ của trái đất, hậu quả làm nhiệt độ trái đất tăng lên, dẫn tới hiện tượng biến đổi khí hậu.
Ứng phó nhằm giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu đối với con người là hành động cấp bách phải có sự tham gia của tất cả các quốc gia trên trái đất. Với phương diện cá nhân, mỗi người cần điều chỉnh hành vi của mình góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu, hạn chế tới mức thấp nhất có thể các hoạt động gây phát thải khí nhà kính làm ô nhiễm môi trường hoặc các hoạt động khai thác, sử dụng đất, chặt phá rừng bừa bãi… để bảo vệ môi trường, hệ sinh thái và mục tiêu cuối cùng chính là bảo vệ sức khỏe con người.
Thanh Thủy