Những tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay

12/8/2022 7:53:31 AM

Thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang mang lại nhiều cơ hội và cả tác động tiêu cực đến nhiệm vụ xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, nghiên cứu nắm rõ bản chất những tác động đó là cơ sở quan trọng để có chủ trương, giải pháp hạn chế tiêu cực, phát huy tích cực, tận dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp này phục vụ hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Chúng ta đều biết, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) đang phát triển với tốc độ rất nhanh, được thúc đẩy bởi những cải biến theo cấp số nhân về sức mạnh máy tính, dung lượng lưu trữ và kết nối toàn cầu. Những tiến bộ này mở ra “kỷ nguyên số”; trong đó, dữ liệu là yếu tố có giá trị nhất, khắc phục sự gián đoạn trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực quốc phòng, quân sự. Trên thực tế, những thành tựu mới của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với những đột phá trong lĩnh vực kỹ thuật số, công nghệ vật liệu, sinh học,… đã tác động mạnh mẽ đến tư duy, chiến lược quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc và hoạt động tác chiến cụ thể thông qua việc ứng dụng công nghệ nền tảng, tạo ra các sản phẩm đột phá nâng cao hiệu quả tác chiến.

Đây là tiền đề, động lực để đổi mới tư duy, xác định giải pháp nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện chiến tranh hiện đại. Vì vậy, tập trung nghiên cứu, luận giải những tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 tới sức mạnh chiến đấu, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc của Quân đội trong điều kiện tác chiến mới vừa mang tính cấp thiết, vừa cơ bản, lâu dài.

Trước hết, Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động đến tổ chức, biên chế của Quân đội. Những thành tựu đột phá của cuộc cách mạng này tạo nên sự đổi mới về thể chế, nhằm mục đích kết hợp hiệu quả hoạt động giữa con người với vũ khí, trang bị, phương tiện chiến đấu; kết hợp giữa nghệ thuật chỉ huy truyền thống với xu thế thông minh hóa, tự động hóa hoạt động chỉ huy, điều hành tác chiến. Điều đó đặt ra yêu cầu cao đối với việc điều chỉnh, kiện toàn tổ chức, biên chế, tinh gọn bộ máy của Quân đội. Quán triệt và cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII); Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; đặc biệt là Nghị quyết số 05-NQ/TW, ngày 17/01/2022 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 230-NQ/QUTW, ngày 02/4/2022 của Quân ủy Trung ương về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030 và những năm tiếp theo, Quân đội đã và đang đẩy mạnh rà soát, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh, gọn, mạnh, hiệu lực, hiệu quả, nâng cao sức mạnh, khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống. Việc điều chỉnh lực lượng, xây dựng Quân đội theo hướng “tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại” là hết sức cần thiết hiện nay, nhưng quá trình thực hiện cần kết hợp chặt chẽ giữa sáp nhập, giải thể, tinh gọn bộ máy với thành lập mới một số đơn vị, lực lượng đặc thù, quan trọng, cần thiết, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện chiến tranh hiện đại, như: thông tin, trinh sát kỹ thuật, tác chiến điện tử, không gian mạng, v.v. Khoa học công nghệ nói chung, công nghệ quân sự nói riêng phát triển; vũ khí, trang bị hiện đại, hoạt động với hiệu suất cao đương nhiên phải đi đôi với giảm số lượng, nâng cao chất lượng con người, trọng tâm là nâng cao khả năng khai thác, làm chủ khoa học công nghệ quân sự hiện đại. Như vậy, điều chỉnh tổ chức, biên chế, tinh gọn bộ máy Quân đội vừa là tất yếu khách quan, vừa thể hiện tư duy nhạy bén, tầm nhìn chiến lược của Đảng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Thứ hai, Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động đến yếu tố con người thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Sự phát triển vượt bậc của các thế hệ vũ khí, trang bị, phương tiện quân sự mới tác động trực tiếp đến tâm lý con người trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, làm nảy sinh tư tưởng tuyệt đối hóa yếu tố vũ khí, trang bị kỹ thuật, xem nhẹ yếu tố chính trị – tinh thần, dẫn đến tâm lý chủ quan, không quan tâm, chú trọng xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, làm chệch hướng chính trị trong quá trình xây dựng, hiện đại hóa Quân đội. Do vậy, quá trình xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, chúng ta cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc và giải quyết tốt mối quan hệ giữa con người với vũ khí, trang bị; không tuyệt đối hóa hoặc xem nhẹ yếu tố nào. Bởi lẽ, vũ khí, trang bị có tối tân, hiện đại bao nhiêu vẫn do con người làm chủ; ngược lại, có con người mà không có vũ khí, trang bị thì không tạo thành sức mạnh chiến đấu của Quân đội. Đồng thời, kiên định chủ trương xây dựng Quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, trong đó ưu tiên hiện đại một số quân chủng, binh chủng, lực lượng; lấy xây dựng vững mạnh về chính trị làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, bảo đảm Quân đội luôn là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành, tin cậy, là công cụ bạo lực sắc bén bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Thứ ba, Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động mạnh mẽ đến yếu tố vũ khí, trang bị. Những thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 là tiền đề tạo ra các thế hệ vũ khí, trang bị mang tính tự động hóa, thông minh và tính tổ hợp cao – yếu tố quan trọng nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội. Thành tựu tiêu biểu trong lĩnh vực khoa học quân sự, nhất là công nghệ rô bốt, trí tuệ nhân tạo, công nghệ vật liệu, sinh học,… được tích hợp trên các thiết bị quân sự mới, hiện đại: phương tiện bay (UAV), phương tiện thủy (SUV) không người lái trong thực hiện nhiệm vụ trinh sát, chiến đấu; hệ thống tự động hóa C4IRS trong thực hiện nhiệm vụ cảnh giới vùng trời, vùng biển, biên giới quốc gia; các thiết bị điều khiển vũ khí, khí tài thông minh trong lực lượng Phòng không, Không quân, Hải quân, Tác chiến điện tử,…; trong đó, trí tuệ nhân tạo đang là xu thế phát huy hiệu quả nhằm tạo ra các thế hệ vũ khí, trang thiết bị quân sự thông minh hơn, hỗ trợ nhiều hơn, chính xác hơn trong tác chiến hiện đại. Để tiếp tục tận dụng và phát huy những thành tựu đó, chúng ta cần phải có chiến lược, lộ trình tiếp cận công nghệ mới; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, kết hợp chặt chẽ giữa mua sắm, chuyển giao công nghệ vũ khí, khí tài mới với đầu tư, nghiên cứu, chế tạo, làm chủ vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại phù hợp với điều kiện của Quân đội. Đồng thời, xây dựng nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật, công nghệ quân sự chất lượng cao, ngang tầm với sự phát triển của vũ khí, trang bị và nghệ thuật tác chiến mới.

Thứ tư, Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động đến phương thức chỉ huy, điều hành tác chiến. Những sản phẩm mới của Cách mạng công nghiệp 4.0 hỗ trợ thiết thực cho hoạt động của người chỉ huy và cơ quan, làm thay đổi toàn diện, sâu sắc phương thức chỉ huy, điều hành trong các giai đoạn: chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu, tổ chức chuẩn bị và thực hành tác chiến. Trong hoạt động quân báo trinh sát, sự xuất hiện của các thiết bị bay, thiết bị thủy không người lái, thiết bị quan sát viễn thám, quan sát đêm, vệ tinh,… hỗ trợ cho công tác thu thập tin tức, tình hình tác chiến một cách nhanh chóng, chính xác – cơ sở quan trọng để người chỉ huy và cơ quan nghiên cứu, đánh giá tình hình, xác định quyết tâm, phương án xử lý tình huống trong quá trình tác chiến. Các yếu tố công nghệ mới về trí tuệ nhân tạo, cơ sở dữ liệu,… tạo nên hệ thống cơ sở dữ liệu tác chiến có thể cập nhật, cung cấp tình hình tác chiến mọi lúc, mọi nơi trong các môi trường tác chiến (không, bộ, biển, vũ trụ và không gian mạng). Đây là những thông tin giá trị về địa bàn, địa hình tác chiến; thời tiết, khí hậu, thủy văn; điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa; về địch: số hiệu, tổ chức lực lượng, phương tiện, âm mưu, thủ đoạn tác chiến; về ta: tổ chức sử dụng lực lượng, phương tiện, xây dựng thế trận, hiệp đồng, bảo đảm; về vũ khí công nghệ cao, v.v. Công nghệ kết nối không gian mạng quân sự cho phép thiết lập hệ thống tự động hóa chỉ huy từ cấp phân đội, đến cấp chiến dịch, chiến lược, tạo ra không gian phẳng cập nhật, cung cấp thông tin tác chiến và truyền đạt mệnh lệnh, chỉ thị nhanh chóng, chính xác, bảo đảm yếu tố thời cơ trong tác chiến.

Từ những tác động trên, đòi hỏi người chỉ huy, cơ quan tham mưu các cấp phải tích cực đổi mới tư duy, nội dung, phương pháp tiến hành; kết hợp thực hiện điều lệnh, điều lệ công tác tham mưu tác chiến với phát huy tính năng các loại vũ khí, phương tiện hiện đại. Đồng thời, phải tích cực trang bị kiến thức, kinh nghiệm để thích ứng, vận hành hiệu quả hệ thống thiết bị chỉ huy mới; kết hợp hiệu quả yếu tố con người với máy móc, nhằm nâng cao chất lượng công tác chỉ huy, điều hành tác chiến.

Thứ năm, Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động đến công tác huấn luyện, đào tạo. Với những thành tựu mới, như: công nghệ mô phỏng thực tại ảo, thực tại tăng cường, in 3D,… giúp người học được huấn luyện và đào tạo một cách hoàn toàn khác biệt trong môi trường thực tại ảo, thực tại tăng cường về không gian tác chiến, vũ khí, khí tài, thành phần, lực lượng cùng môi trường tác chiến khắc nghiệt; xử lý thực hành các tình huống giả định phức tạp về không gian, thời gian, ở cấp độ nguy hiểm, nhạy cảm. Những hỗ trợ mạnh mẽ trong công tác huấn luyện quân sự giúp người học có cơ hội được huấn luyện, thực hành trong nhiều điều kiện, tình huống tác chiến khác nhau; tiếp thu được kỹ năng, kinh nghiệm phong phú, sẵn sàng đối phó với các tình huống khó khăn, phức tạp có thể xảy ra. Để tận dụng tốt những thành tựu Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, cần có chiến lược, lộ trình, mục tiêu, phương hướng rõ ràng, cụ thể trong xây dựng các mô hình học viện, nhà trường thông minh, hiện đại, tiếp cận công nghiệp 4.0, đáp ứng yêu cầu huấn luyện, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nâng cao hiệu quả chuyển đổi số trong công tác huấn luyện, đào tạo; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế.

Trên đây là một số tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 đến lĩnh vực  quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc xin được trao đổi cùng bạn đọc; với mong muốn, chúng ta sẽ nhận thức sâu sắc vấn đề này, trên cơ sở đó có biện pháp hạn chế tác động tiêu cực, tận dụng những thành tựu, cơ hội, mặt tích cực do cuộc cách mạng đó mang lại, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội, tiềm lực quân sự quốc gia, củng cố quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Thượng tá, PGS, TS. NGUYỄN LONG, Học viện Quốc phòng