Những sự thật có thể khiến bạn ngạc nhiên về cuộc sống ở Nhật Bản
Giáng sinh chỉ như ngày lễ của những cặp tình nhân
Giáng sinh vốn không phải là ngày lễ truyền thống ở Nhật. Dù vậy, trong những thập kỷ gần đây, nó dần trở nên quen thuộc hơn khi người dân cũng mua đèn hay cây thông trang trí nhà cửa trong dịp lễ này. Tuy nhiên, ở Nhật ngày lễ này có vẻ giống như ngày lễ Tình nhân (Valentine’s day) ở Mỹ. Các cặp đôi thường lên kế hoạch hẹn hò tại một địa điểm thú vị vào đêm Giáng sinh, chuẩn bị quà tặng, thường là một món đồ lãng mạn.
Hãy mang rác về… nhà bạn
Đường phố Nhật Bản nổi tiếng sạch sẽ dù hiếm thấy bóng dáng của thùng rác công cộng
Một trong những điều cần lưu ý ở Nhật Bản là bạn sẽ khó tìm ra được thùng rác công cộng trên đường phố. Vậy những vỏ hộp cơm bento hay vỏ lon soda… sau khi dùng xong thì vứt ở đâu? Giải pháp là hãy cho vào túi của bạn và… mang về nhà như người dân ở đây vẫn làm.
Khi sống ở Nhật, bạn sẽ học được rất nhiều về cách xử lý rác. Người Nhật rất chú trọng vào tái chế rác và hạn chế tác động của rác thải tới môi trường xung quanh. Đó là lý do vì sao một trong những điều đầu tiên bạn nhận được khi chuyển đến một căn hộ mới là bản hướng dẫn dày đặc và chi tiết về rác, từ việc phân loại rác sao cho đúng cho đến thời gian thu gom của từng loại rác. Lưu ý: Nếu bạn quên bỏ rác vào đúng ngày quy định, bạn sẽ phải chờ tới tuần sau mới có thể vứt bỏ chúng.
Trải nghiệm lái xe khác biệt
Ở Nhật, bạn cần phải thích nghi với việc ghế lái được thiết kế bên phải và lái xe bên trái làn đường, điều này trái ngược so với việc lái xe ở Việt Nam hay nhiều quốc gia lái xe bên phải khác.
Một đặc điểm dễ nhận thấy là ở Nhật Bản, hầu hết tài xế lái xe rất cẩn thận, tập trung và chậm rãi, đôi khi còn rất chậm. Trung bình tốc độ lưu thông xe ở Nhật chậm hơn so với ở Mỹ từ 20-30 km/giờ bất kể là đường trong khu dân cư hay quốc lộ. Việc di chuyển ở tốc độ vừa phải nhằm bảo đảm an toàn cho người lái xe trên những con đường nhỏ hẹp và ngoằn nghèo ở Nhật Bản.
Nghi thức cúi người chào không dễ như bạn nghĩ
Nghi thức cúi đầu chào ở Nhật Bản cũng có nhiều quy định
Bạn vốn đã quen thuộc với hình ảnh người Nhật thường cúi người khi chào hỏi hay xin lỗi ai đó. Hành động cúi chào trong tiếng Nhật gọi là Ojigi, tùy từng thời điểm và hoàn cảnh mà Ojigi lại mang ý nghĩa khác nhau, với những góc độ cúi chào khác nhau.
Thông thường có 3 kiểu chào như sau trong đời sống hàng ngày:
Eshaku: Chào hỏi xã giao hàng ngày, cúi người khoảng 15 độ
Keirei: Chào hỏi có phần trang trọng, ví dụ như khi chào sếp của bạn hay người có địa vị xã hội cao hơn, cúi người khoảng 30 độ.
Saikeirei: Khi cảm ơn hay cảm tạ ai đó, hoặc trong những sự kiện quan trọng, cúi người khoảng 45 độ.
Nhớ luôn mang theo một chiếc ô vào mùa Hè
Mùa mưa ở Nhật Bản thường diễn ra vào đầu tháng 6 cho đến cuối tháng 7 và trong khoảng thời gian này, đừng quên mang theo một chiếc ô khi ra khỏi nhà. Có thể lúc bước chân ra cửa bạn thấy trời trong xanh nắng đẹp rực rỡ nhưng sẽ không có gì bất ngờ nếu chỉ một tiếng sau, trời bỗng đổ mưa như trút.
Một điều thú vị ở Nhật Bản là bất kỳ cửa hàng nào cũng có chỗ để cho bạn cất ô. Yên tâm là sẽ không ai lấy trộm ô của bạn đâu. Nếu chiếc ô của bạn không có đặc điểm nào riêng biệt, đôi khi sẽ có người lấy nhầm ô của bạn nhưng cũng sẽ không ngạc nhiên nếu ngày hôm sau, bạn lại thấy chiếc ô của mình được trả lại đúng vị trí đó.
Cảnh sát thực sự rất thân thiện và quan tâm đến bạn
Nhật Bản thường được xếp vào nhóm những quốc gia an toàn nhất trên thế giới với tỷ lệ tội phạm ở mức cực kỳ thấp. Nạn trộm cắp rất ít xảy ra ở Nhật và nếu bạn không may để quên điện thoại hay ví tiền ở nhà ga, có đến 99% cơ hội bạn sẽ nhận lại được đồ vào ngày hôm sau mà không bị suy suyển gì.
Bởi vậy, cảnh sát Nhật khá “rảnh” và có nhiều thời gian quan tâm tới các vấn đề mà bạn gặp phải. Ví dụ như nếu bạn bị lạc ở Tokyo, cảnh sát chắc chắn sẽ tận tình đưa bạn về tận nhà hay tới ga tàu điện gần nhất. Thậm chí nếu bạn không may uống quá chén và lỡ mất chuyến tàu cuối, cảnh sát sẽ gọi cho bạn một chiếc taxi và cho bạn mượn tiền trả taxi.
Không cần phải kiểm tra lại hóa đơn khi thanh toán
Ở Nhật, các hành vi gian lận hay không trung thực bị coi là vô cùng đáng xấu hổ và không đáng được tha thứ. Nếu ai đó vi phạm sẽ bị phạt nặng và thậm chí đối mặt với những hậu quả về pháp lý. Do đó, bạn sẽ yên tâm gần như không bao giờ nhận một hóa đơn “in nhầm” khi thanh toán hay mua phải hàng giả hoặc thiếu linh kiện nào đó. Các loại hàng hóa đều được niêm yết giá rõ ràng, kể cả là ở những khu chợ ngoài trời, vậy nên bạn không cần phải mất thời gian trả giá.
Thói quen thay quần áo, giặt giũ hàng ngày
Nhật Bản được coi là một trong những quốc gia sạch sẽ nhất thế giới và người dân xứ Mặt trời mọc cũng bị “ám ảnh” bởi thói quen sạch sẽ trong sinh hoạt hàng ngày. Phần lớn người Nhật ngày nào cũng tắm hay giặt giũ quần áo, thậm chí một số gia đình còn thay ga trải giường, thảm… mỗi ngày.
Hải Đăng
Theo Lifehack