Những sai lầm của người mới chơi lan

Những người mới chơi lan thường hay phải đóng học phí, đây là câu nói có thể thấy rất phổ biến trên các trang mạng xã hội. Những sai lầm của người mới chơi lan thường khá giống nhau do suy nghĩ sai lầm về loài hoa lan. Vậy đâu là những nguyên nhân khiến nhiều người phải trả giá như vậy?

Một số người mới chơi chỉ thấy hoa đẹp là thích, hợp túi tiền là ra ngoài hàng xách về hoặc đặt ngay trên mạng mà không biết cách chăm sóc chúng như thế nào, cần những điều kiện gì. Có rất nhiều loại lan cho hoa đẹp nhưng để chăm được chúng ra hoa hoặc có loại chỉ cần sống thôi đã khó rồi.

Nếu bạn không rành chơi lan đừng chọn những loại sau về trồng nhé: Trúc phật bà, trúc mành, đơn cam, chuỗi ngọc, hoàng thảo kèn, kim điệp nhựa, trầm vàng, hoàng thảo u lồi, hoàng thảo lông trắng, ý ngọc,…

Lựa chọn giá thể không phù hợp

Đối với từng loại lan mà có những cách trồng trên các giá thể khác nhau. Có loài rất ưa ẩm nên trồng trên dớn phù hợp, có loại ưa khô nên ghép gỗ là ổn nhất. Nếu muốn trồng lan nào bạn nên tìm hiểu cách trồng lan đó và chuẩn bị trước giá thể.

Những sai lầm của người mới chơi lan

Giá thể chưa được xử lý đã mang lan lên ghép: Đây là ví dụ điển hình của nhiều người chơi lan. Các bạn nên biết rằng giá thể là nơi trú ngụ của vô vàn các loại vi khuẩn, virut có thể hại lan. Nếu bạn không xử lý chúng thì khi cây lan đã bắt đầu bén rễ, sống bám vào giá thể thì chúng đã bắt đầu bị vi khuẩn có hại xâm nhập. Lúc này xử lý giá thể đã là muộn và đôi khi còn không mang lại hiệu quả. Bạn gỡ lan ra ghép lại thì cũng tội cây, sốc và chột cây lần nữa; không gỡ ra mà xử lý thì giá thể khó có thể sạch được mầm bệnh. Chính vì thế bạn nên cân nhắc xử lý giá thể kĩ càng trước khi trồng lan nhé!

Sử dụng quá nhiều dây kim loại để ghép lan: Ngày xưa tôi thích dùng dây thép, loại nhỏ để ghép lan lắm. Với ưa điểm vừa dễ cố định cây, vừa chặt, gọn gàng, dễ buộc mà ghép chi chít đến nỗi chỉ thấy dây thép mà rễ lan cụt ngủn. Qua cái thời ghép lan như vậy rồi lại đến cái thời ghép lan thân thòng vào dớn bảng, uốn thép hình chữ U đóng ngược vào phần rễ để cố định gốc cây. Ok khá chắc chắn và thẩm mĩ. Tôi cứ nghĩ nó ổn cho đến khi 2 tháng, 3 tháng sau dây thép đó ngấm nước và phơi ngoài trời nên trở nên han gỉ, rễ cây ra đến đâu chạm vào nó là y như rằng đen đầu rễ và không phát triển luôn. Một lần nữa tôi phải tháo ra và ghép lại. Lần này tôi sử dụng dây thít nhựa, cái loại mà dùng để thít cuộn dây điện mà các cửa hàng đồ điện luôn có sẵn từng gói màu trắng, đen ấy. Ồ, lần này thì khỏi phải nói, thẩm mĩ cao, không ảnh hưởng đến cây lan, lỡ có buộc lỏng vẫn thít chặt gốc cây lại bình thường mà không cần thiết phải gỡ ra.

Rễ cây phong lan cực kì kị kim loại, đặc biệt là những kim loại đã bắt đầu có hiện tượng han gỉ. Chính vì thế tôi khuyên các bạn nên cực kì hạn chế sử dụng kim loại khi ghép lan nhé!

Những sai lầm của người mới chơi lan

Cho ăn phân quá sớm là sai lầm của người mới chơi lan: Nhiều bạn hỏi sao đầu rễ lan bị đen, hoặc lan đang phát triển rất tốt nhưng đột nhiên đen hết rễ rồi cây héo rũ. Đây là hiện tượng sốc phân do dùng quá liều.

Cây lan mới ghép, rễ còn ngắn nhưng đừng nóng vội mà gắn phân cho em nó, cây dễ ngộ độc phân mà chết lắm. Đợi khi cây cứng cáp, rễ ổn định lúc này gắn phân cũng chưa muộn. Thường thì chỉ nên dùng phân theo liều lượng thấp hơn quy định một chút là cây phát triển ổn định.

Cho ăn phân bón quá liều lượng: Nếu bạn muốn cây lan được phát triển nhanh chóng, hạn chế sâu bệnh hại thì không phải lúc nào cũng sử dụng phân bón mà phun, bạn có phun nhiều nó cũng không lớn nhanh như thổi được đâu, thậm chí có thể gây sốc, chết cây lan là chuyện bình thường. Và trên thực tế cũng rất nhiều. Có nhiều người hỏi tôi tại sao cây lan èo ọt, tròng mãi không lên nhưng bón phân lại phản tác dụng? Cho ăn phân với nồng độ cao có thể là nguyên nhân này đấy. Khi có dấu hiệu cây héo ủ rũ, thân có dấu hiệu tóp lại, bộ rễ không thấy thay đổi thì bạn hãy xem bài viết này để xử lý xốc phân cho lan.

Lan rừng sống nhờ nước, gió, ánh sáng mặt trời và chút mùn rừng như vẫn cực kì dẻo dai, xanh tốt. Bạn không nên lạm dụng phân thuốc quá nhiều sẽ không tốt đâu. Một chút phân bón, đủ nắng, đủ gió, không mầm bệnh, ẩm vừa phải chắc chắn là điều kiện lý tưởng để cây sinh trưởng nhanh mà cực khỏe mạnh.

Tưới quá nhiều nước cho lan cũng không tốt: Nhiều bạn mua lan về chăm lan rất nhiệt tình, có bạn chăm lan quá đâm ra lan nói lời tạm biệt. Đặc tính của lan là ưa ẩm, một số loại ưa khô chứ không có loại nào ưa nước cả. Theo lý thuyết,  có chỗ hướng dẫn 1 ngày tưới 2 lần, 1 ngày tưới 1 lần,…

Tuy nhiên, theo tôi thì tùy vào điều kiện, tình trạng cụ thể mà ta có chế độ tưới cho phù hợp. Cây lan hơi khô một tí không thể chết được, chỉ kém phát triển thôi, để chúng thừa nước, úng rễ là có thể chết luôn. Chính vì thế những người mới chơi lan không nên phạm phải sai lầm này nhé.

Chậu trồng lan
Lan cần giá thể thoáng không cần giữ nước quá lâu, nếu không có thời gian khô thì rễ sẽ bị thối, nhiễm bệnh

Trồng không đúng cách cũng là sai lầm của người mới chơi lan: Nhiều bạn hỏi sao lan cứ bị thối rễ. Ngoài chế độ nước tưới, lan rất cần sự thông thoáng ở phần gốc, rễ để hô hấp. Phong lan mà, tất nhiên gió cũng đóng góp 1 phần quan trọng cho lan, vì vậy đừng trồng lan như trồng khoai nhé.

Không cắt tỉa rễ cũ khi ghép lan: Có nhiều người khi mới chơi lan không dám mạnh tay cắt tỉa rễ cũ. Với suy nghĩ để rễ cũ cho cây có thể hấp thụ nước và các chất dinh dưỡng luôn để cây khỏe và không bị chột. Ban đầu tôi cũng không dám cắt đâu, cứ để nguyên một mớ dài thòng lòng ốp thẳng vào gỗ, vào chậu. Nhưng trải qua thời gian ấy, tôi đã nhận ra 1 điều, cái gì đã cũ không nên giữ lại và dùng kéo cắt thật thẳng tay, trảm không thương tiếc.

Không cắt tỉa rễ cũ khi ghép lan

Những chiếc rễ cũ không nên giữ lại vì sao?

Thứ nhất, nó đã bị hư hại, héo khô do thời gian, có giữ lại mấy cái rễ hỏng này cũng chỉ làm giò lan thêm phần mất thẩm mĩ mà thôi.

Thứ hai, những chiếc rễ cũ có chưa nhiều các mầm bệnh có thể gây hại cho giàn lan của bạn, chính vì thế hãy cắt bỏ chúng.

Thứ ba, theo kinh nghiệm 8 năm chơi lan của mình, lan cắt rễ càng cụt càng cho ra những chiếc rễ mới khỏe hơn, đẹp hơn so với những rễ mọc ra từ rễ cũ.

Thứ tư, bạn có cắt cũng nên giữ lại 1 chút gần gốc cây lan để ta có thể sử dụng chúng để buộc cây lan vào giá thể một cách dễ dàng hơn. thường thì đối với thân thòng tôi chỉ để khoảng 0,5 đến 1cm để ghép lan dễ hơn thôi. Với lan đơn thân thì tùy, rễ nào hỏng thì mạnh tay cắt bỏ, rễ nào còn khỏe cứ giữ lại để nó có thể ra rễ mới ngay trên chính rễ cũ đó.

Để có được một giò lan đẹp, đòi hỏi sự kiên trì và hiểu biết của người chơi lan. Đây chính là cái thú vui tao nhã của người trồng lan. Có như vậy mới thấy được giá trị và vẻ đẹp của bông hoa lan. Chúc các bạn mới chơi tích lũy được nhiều kinh nghiệm!