Những “phép mầu” y khoa đầy hứa hẹn
Có những di chứng thương tật tưởng chừng khó chữa nhưng nhiều kỹ thuật y khoa ra đời gần đây đã mở rộng cánh cửa hy vọng cho người bệnh và tôn thêm vẻ đẹp nhân văn của y học nước nhà.
Lấy lại dáng đi sau 10 năm
Người được xem là “mát tay” trong việc phẫu thuật sửa lỗi di chứng thương tật cho người bệnh là bác sĩ trẻ Nguyễn Cao Viễn, Khoa Ngoại Chấn thương Chỉnh hình – Bệnh viện (BV) Nhân dân 115 TP HCM. Nhiều công nhân tuổi còn khá trẻ chẳng may bị tai nạn lao động, dù thương tổn đã lành nhưng di chứng nặng nề co rút cơ, mất ngón tay, khiến họ đau buồn, mặc cảm. Tuy nhiên, họ đã may mắn tìm lại niềm vui cuộc đời.
Phẫu thuật nội soi tim mạch tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM
Ca mới nhất được bác sĩ Viễn xử trí trả lại khả năng vận động đi đứng là anh công nhân đóng tàu P.V.Kh (35 tuổi, quê tỉnh Nghệ An). Cách nay 10 năm, do sơ suất trong lao động khiến anh Kh. bị cẩu kẹp đường ray va phải khiến ống xương chân bị dập. Dù được cứu chữa, vết thương đã lành nhưng di chứng mất phần mềm co rút khiến đôi chân anh trở nên khập khiễng. Suốt chục năm trời, anh đi khắp nơi với ước mong tìm lại dáng đi như bình thường nhưng vô vọng.
Được bạn bè giới thiệu, anh tìm đến BV Nhân dân 115 với suy nghĩ cứ thử “vận may” lần cuối. Qua thăm khám, các bác sĩ xác định hệ thống gân, cơ, dây chằng, khớp… vẫn có thể sử dụng lại. Sau khi tính toán, cân nhắc, bác sĩ Viễn đã thực hiện ca phẫu thuật tái tạo gân gót, nới thả gân cơ… và chỉ trong hơn 2 giờ, đã phục hồi chức năng vận động đôi chân cho anh công nhân xứ Nghệ. Sau thời gian tập vật lý trị liệu, dáng đi của anh Kh. gần như bình thường, thoát cảnh phải khập khiễng ròng rã 10 năm trời. Trở lại tái khám định kỳ, anh không kìm nổi niềm vui: “Sau chuỗi ngày dài khổ sở, mặc cảm, tôi thật hạnh phúc như được sinh ra lần nữa, xin cảm ơn các thầy thuốc!”.
Cầm, nắm bằng… ngón chân
Nếu như ở những người chẳng may bị tai nạn về chân, việc trả lại chức năng vận động đã khó thì với những người bị tổn thương bàn tay, hành trình tìm lại khả năng cầm, nắm tối thiểu càng gay go hơn. Tuy nhiên, tại BV Nhân dân 115 TP HCM, với kỹ thuật vi phẫu hiện đại, các bác sĩ đã có thể mang đến niềm vui khó ngờ cho những cảnh đời như vậy. TS-BS Nguyễn Đình Phú, Phó Giám đốc BV Nhân dân 115, cho hay lâu nay, kỹ thuật ráp nối “biến” ngón chân thành ngón tay, tái tạo chức năng cầm, nắm cho nhiều công nhân, sinh viên bị tai nạn lao động không còn là chuyện hiếm ở BV.
Điển hình là ca phẫu thuật cho anh Ng.Th.T (38 tuổi, ngụ tỉnh Long An), một công nhân bị tai nạn lao động rất thương tâm. Trước đó 6 năm, anh bị máy ép công nghiệp dập trúng cánh tay phải, mất hẳn 4 ngón tay, chỉ còn ngón cái, từ đó anh gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt và cuộc sống. Tại BV Nhân dân 115, sau 8 giờ vi phẫu, các bác sĩ đã lấy ngón số 2 chân trái đưa lên làm ngón trỏ tay phải; ghép 2 động mạch, 4 tĩnh mạch và ca ghép đã thành công.
Trước đó, trường hợp nữ sinh viên L.Th.L (27 tuổi, ngụ tỉnh Quảng Ninh) bị máy ép nhựa làm dập nát bàn tay trái, đứt lìa 2 ngón trỏ và giữa cũng được cứu chữa thành công sau 12 giờ vi phẫu căng thẳng. Cô gái thoát khỏi mặc cảm tự ti với bàn tay mới đầy đủ 5 ngón, trong đó ngón chân số 2 và 3 được chuyển lên bắt đầu đảm nhận… vai trò mới.
Sửa lỗi tim ít đụng dao kéo
Lâu nay, khi nhắc đến bệnh tim cần phải mổ thì người bệnh ai cũng sợ vì sẽ phải trải qua một cuộc đại phẫu. Tuy nhiên, gần đây, với kỹ thuật mổ tim nội soi ít khi cần đến dao kéo đã giải tỏa nỗi lo cho người bệnh.
Theo PGS-TS-BS Nguyễn Hoàng Định, Trưởng Khoa Phẫu thuật tim mạch – BV Đại học Y Dược TP HCM, việc mở ngực xương ức dẫn đến một số nhược điểm nhất định, như: đau nhiều, mất nhiều máu, làm tăng thời gian nằm hồi sức và thở máy, tính thẩm mỹ hạn chế, nhiễm trùng… Phẫu thuật tim nội soi ít xâm lấn đang được BV Đại học Y Dược triển khai mang lại nhiều hứa hẹn. Kỹ thuật này có lợi điểm hơn mổ hở ở chỗ: có tác dụng giảm đau, giảm chảy máu, giảm truyền máu, giảm thời gian nằm viện và có tính thẩm mỹ cao (mổ hở người bệnh phải mất 3 tháng, còn mổ nội soi chỉ khoảng 2-3 tuần thì vết thương sẽ lành).
Kỹ thuật nội soi này có thể điều trị được hầu hết các bệnh tim mạch như can thiệp thay van tim (van 2 lá, van động mạch chủ), tim bẩm sinh (thông liên nhĩ, thông liên thất, ống động mạch), điều trị hẹp động mạch vành… “Với tỉ lệ tử vong rất thấp (dưới 1%) và tai biến, biến chứng thấp (dưới 5%), phẫu thuật tim nội soi ít xâm lấn hứa hẹn mang lại cơ hội tăng chất lượng cuộc sống cho người bệnh” – bác sĩ Định nhấn mạnh.
“Đẩy” bệnh đi sau 15 phút
Suy tĩnh mạch là căn bệnh khốn khổ, gây ra tê nhức, đặc biệt đối với phụ nữ. Phương pháp điều trị bơm keo sinh học là lựa chọn hứa hẹn. Theo ThS-BS Trần Thanh Vỹ, Trưởng Khoa Lồng ngực Mạch máu – BV Đại học Y Dược TP HCM, đây là phương pháp mới, ít xâm lấn, thời gian thực hiện từ 15-20 phút, người bệnh có thể trở lại các sinh hoạt bình thường hằng ngày ngay sau thủ thuật; giải tỏa tâm lý về nguy cơ khi gây tê tủy sống, gây mê hoặc loét chân…