Những nữ cán bộ y tế “bỏ lại gia đình phía sau”
Bỏ lại gia đình phía sau
Gác lại công việc của một bác sĩ điều trị tại Trung tâm y tế huyện, tạm xa người thân, giấu nỗi nhớ con thơ vào lòng, nữ điều dưỡng Đồng Thị Thanh Hương (SN 1985, quê thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn) làm việc tại Khoa Ngoại, Trung tâm Y tế huyện Hương Sơn đã tình nguyện cùng đoàn cán bộ y tế Hà Tĩnh chi viện cho tâm dịch Bình Dương từ ngày 31/8.
Chị Hương cùng “đồng đội” tham gia chi viện Bình Dương chống dịch.
Chia sẻ về lí do tình nguyện đăng kí vào Bình Dương chi viện chống dịch, chị Hương cho biết: “Nhìn những bệnh nhân mắc COVID-19 đang cần được điều trị, thấu hiểu sự vất vả của các đồng nghiệp ở miền Nam, là một cán bộ y tế tôi cũng muốn góp một phần sức nhỏ cho xa hội. Dù biết vào tâm dịch phải đối diện với nhiều nguy hiểm, rủi ro, thế nhưng tôi bỏ qua những lo ngại để hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Sau khi có mặt tại tỉnh Bình Dương và ổn định chỗ ở, chị Hương cùng các đồng nghiệp bắt đầu làm việc tại Bệnh viện dã chiến số 4 (thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương), với nhiệm vụ chính là tham gia điều trị, cứu chữa bệnh nhân mắc COVID-19.
“Đây là lần đầu tiên tôi xa nhà thời gian dài để thực hiện một nhiệm vụ vô cùng khó khăn nhưng cũng đầy tự hào. Vì vậy, bản thân tôi tự nhủ phải thực sự cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ mà lãnh đạo tỉnh, bệnh viện gửi gắm và bày tỏ tình cảm, hỗ trợ, sẻ chia với người dân Bình Dương” – chị Hương tâm sự.
Chị Hương và mọi người tranh thủ chợp mắt sau thời gian làm việc mệt nhọc.
Sau những ca làm việc cật lực, tay của chị Hương và các đồng nghiệp ai cũng nhăn nheo, khuôn mặt hằn lên vết tì của khẩu trang, của mũ, toàn thân rã rời. Khó khăn, vất vả là thế, nhưng chị Hương vẫn kiên định: “Dù công việc rất áp lực, số lượng bệnh nhân đông, khối lượng công việc lớn, môi trường làm việc có nguy cơ lây nhiễm cao nhưng bản thân tôi và các đồng nghiệp vẫn luôn kiên cường với mục tiêu cao nhất là điều trị tốt cho bệnh nhân, góp phần giúp Bình Dương sớm đẩy lùi dịch bệnh”.
Lên đường tình nguyện vào Bình Dương đã gần 1 tháng, khi không trực ở bệnh viện, chị Hương lại tranh thủ gọi video về cho gia đình. Nhìn các con qua màn hình điện thoại, chị chỉ muốn được trở về nhà, về ôm con vào lòng cho thỏa nỗi nhớ. Nhưng công cuộc chống dịch phía trước vẫn đầy cam go, chị Hương cũng như biết bao nhân viên y tế khác phải nén lòng, gói ghém những nhớ nhung lại vì công việc chung.
Những lúc con ốm, con quấy, người mẹ trẻ lại càng nhớ gia đình. Chị kể: “Trong đoàn công tác vào TPHCM, có nhiều người đang có con nhỏ. Vượt lên tất cả, chúng tôi động viên nhau để yên tâm, cố gắng làm việc. Ở bệnh viện cũng có những bệnh nhi, nhìn các bé bằng độ tuổi con mình, tôi thấy rất thương”.
Còn đối với chị Nguyễn Thị Thúy Hằng (SN 1997, quê xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn), kỹ thuật viên xét nghiệm Khoa Cận lâm sàng, Trung tâm Y tế huyện Hương Sơn, tham gia chống dịch tại Bình Dương là quãng thời gian chị có cơ hội cống hiến sức trẻ cho cuộc chiến cam go này.
Chị Nguyễn Thị Thúy Hằng lúc đang công tác tại Bình Dương.
Có mẹ cũng là một y tá, từ nhỏ Hằng đã được bà truyền cảm hứng về những “chiến sĩ áo trắng” luôn hết lòng vì người bệnh. Thế nên, khi có thông báo chi viện cho Bình Dương để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Hằng đã không đắn đo đăng ký lên đường vào tâm dịch.
“Tôi lên đường vào Bình Dương chỉ với vỏn vẹn một suy nghĩ: Bản thân còn trẻ thì sẽ cố gắng cống hiến hết sức, làm được những điều ý nghĩa cho cộng đồng” – Hằng tâm sự.
Tuy là “chiến sĩ mới” trên mặt trận phòng dịch, lại là chuyến công tác xa nhà dài ngày đầu tiên, nhưng Hằng đã nhanh chóng bắt nhịp với công việc. Tại Bệnh viện dã chiến số 4 (thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương) nhiệm vụ của Hằng là lấy mẫu xét nghiệm PCR và test nhanh COVID-19, phát thuốc, chăm sóc bệnh nhân…
“Lúc đi trực mặc đồ bảo hộ thời gian dài nên rất khó chịu, có khi mồ hôi ra ướt sũng cả người. Những đồ bảo hộ cũng khiến các thao tác khó khăn hơn bình thường. Nhưng tất cả mọi người cùng cố gắng để thực hiện công việc của mình. Khi tiếp xúc bệnh nhân cũng không tránh khỏi những tai nạn, rủi ro. Có những lúc nghe nhân viên y tế bị nhiễm, chúng tôi lại động viên nhau cố gắng hạn chế tối đa lây nhiễm, vượt qua những khó khăn, tập trung chăm sóc cho bệnh nhân”, Hằng tâm sự.
Chị Hằng cùng các cán bộ y tế chụp ảnh lưu niệm.
Chia sẻ về những điều khó quên nhất trong chuyến đi này, Hằng cho biết, đó là hình ảnh những em nhỏ tại bệnh viện dã chiến. “Các em ấy như những “chiến binh” khi kiên trì ngồi cho chúng tôi lấy mẫu dịch tỵ hầu qua đường mũi mà không khóc, trong khi việc này đôi lúc còn khiến người lớn cảm thấy khó chịu” – Hằng kể lại.
“Sợ mắc bệnh không hoàn thành nhiệm vụ”
Cũng trong đoàn công tác trở về từ Bình Dương, bác sỹ Bùi Thị Thái Bình (SN 1994, công tác tại Khoa PHCN, Bệnh viện ĐK tỉnh Hà Tĩnh) tâm sự, “đợt này mình đăng ký tự nguyện đi, vì biết trong tâm dịch bệnh nhân nhiều mà cán bộ y tế lại thiếu nên giảm chất lượng điều trị. Nhìn những con số bệnh nhân ngày càng tăng cao khiến mình nghĩ cần làm gì đó, trong lúc đó dịch bệnh ở tỉnh nhà đang được kiểm soát tốt nên mình quyết định góp sức nhở vào hỗ trợ Bình Dương chống dịch”.
“Đây là lần đầu tiên tôi công tác xa nhà, lại ở trong tâm dịch tôi cũng hơi lo lắng. Điều tôi lo nhất là nếu chẳng may mình mắc bệnh thì không thể hoàn thành nhiệm vụ và làm ảnh hưởng đến người khác”, bác sỹ Bình tâm sự.
Dù khó khăn nhưng các cán bộ y tế luôn cố gắng giữ tinh thần tích cực, lạc quan.
Bác sỹ Bình nhớ lại, ngày cao điểm bệnh nhân nhập viện rất đông, áp lực nhiều nhưng với lòng yêu nghề chị cùng các đồng nghiệp nỗ lực chăm sóc, cứu chữa cho bệnh nhân. “Khi vào viện, bệnh nhân COVID-19 không có người thân bên cạnh để chăm sóc nên nhiều người cảm thấy cô đơn. Có những người, lúc đầu không chịu hợp tác, chỉ đòi về nhà. Khi đó, nhân viên y tế phải thay người thân động viên, an ủi để bệnh nhân tiếp tục ở lại bệnh viện điều trị”, bác sỹ Bình kể.
Để họ yên tâm làm nhiệm vụ, họ đã nhận được sự chia sẻ, động viên và đồng hành của những người thân yêu, ruột thịt, trở thành hậu phương vững chắc để họ bước vào tuyến đầu với tinh thần lạc quan và niềm tự hào khi được nhân dân giao phó. Có những con người như vậy, những gia đình như vậy, tin tưởng rằng, cuộc chiến đấu chống lại đại dịch nguy hiểm sẽ sớm kết thúc.
Tiến Sỹ, BS Nguyễn Lương Tâm, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh cho hay, thời gian các cán bộ y bác sỹ Hà Tĩnh vào hỗ trợ Bình Dương chống dịch được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Bình Dương, các đơn vị, cơ quan liên quan đã tạo điều kiện thuận lợi cho đoàn công tác tại nơi đây. Dù nhiều vất vả và gian truân nhưng đoàn công tác vẫn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ mà tỉnh nhà giao phó
“Với tinh thần quyết tâm cao, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao, mặc dù trong môi trường rất dễ lây nhiễm tuy nhiên đoàn chúng tôi vẫn cố gắng thực hiện giúp nhân dân Bình Dương phòng chống dịch bệnh. Chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với cán bộ y tế tại Bình Dương để công tác phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả cao”,TS.BS Nguyễn Lương Tâm chia sẻ.
Tình nguyện vào vùng dịch để “chia lửa” với Bình Dương, mỗi cán bộ y tế đã xác định được sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, vất vả và hiểm nguy. Họ hiểu và chấp nhận mọi nguy hiểm cũng chưa thể hẹn gia đình ngày trở về. Phía sau họ là cha mẹ, vợ, chồng, con cái và những người thân trong gia đình đang phải cách ly, giãn cách xã hội với không ít khó khăn trong đời sống.