Những nhà sáng chế già từng xuất hiện trên sóng Shark Tank Việt Nam
Chương trình Shark Tank Việt Nam không chỉ ghi nhận những dự án startup do người trẻ tuổi dẫn dắt mà ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, nhiều người mới bắt đầu chập chững giấc mơ khởi nghiệp và đặc biệt, họ là những nhà sáng chế, mong muốn phát minh của mình có thể giúp ích cho xã hội.
Trong tập mới nhất của Shark Tank Việt Nam mùa 5, sự xuất hiện của nhà sáng chế Trịnh Vĩnh Sơn là một điểm nhấn đặc biệt, bởi ông hiện là Ủy viên Ban sáng lập Hội Sáng chế Việt Nam và mục đích của ông Sơn khi đến với bể cá mập chỉ là đưa các sáng chế của ông ra nước ngoài, chứng minh khả năng của người Việt không phải là không làm nổi con ốc.
“Người ta vẫn hay nói với tôi rằng ở tuổi này anh viên mãn rồi, cần tiền làm gì? Tôi nói, không, tôi còn một ước mơ cao lắm. Đó là tôi muốn cả thế giới này biết Việt Nam là ai. Thứ hai nữa là tôi muốn truyền đạt đến các startup trẻ rằng phải có niềm cảm hứng, và hãy làm gì đó thật hoàn chỉnh rồi hãy đến đưa cho các Shark, đừng làm nửa vời”, ông Sơn bày tỏ.
Hai sản phẩm chính mà ông Sơn mang đến Shark Tank là vòng bi cổ xe, sở hữu bằng sáng chế của Việt Nam và bằng của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới Wipo; Bộ điều khiển giảm xóc, thứ đã có bằng sáng chế và đã được khai thác hơn 10 năm nay).
Với mong muốn nhờ các Shark đưa sản phẩm ra xa khỏi biên giới Việt Nam, ông Sơn đã đưa ra deal gọi vốn là 4,5 tỷ cho 10% cổ phần. Đáng chú ý, nhà sáng chế này cũng đề nghị tặng thêm 20% cổ phần nữa cho Shark nào đi cùng với ông cho đến khi hoàn thành tâm nguyện là có 10 sản phẩm phụ tùng xe máy.
Nhà sáng chế Trịnh Vĩnh Sơn. (Ảnh: Shark Tank Việt Nam).
Sau màn thương thuyết, hai cha con ông Sơn đã thuyết phục được Shark Bình với đề nghị 4,5 tỷ đồng hoặc có thể hơn, nếu startup vượt qua màn thẩm định doanh nghiệp. Phía Shark Bình sẽ đầu tư và phụ trách các công việc liên quan đến sản xuất đại trà, kinh doanh và thương mại hóa… đổi lại, 70% lợi nhuận sau khi trừ đi các chi phí sẽ là của Shark Bình. Đề nghị này sẽ áp dụng cho tất cả các sản phẩm sáng chế của startup, trong đó có chiếc áo giáp chống dao đâm. Tuy nhiên, 1% lợi nhuận sẽ được trích cho anh em trong hội Sáng chế của ông Sơn.
Ở Shark Tank Việt Nam trong những mùa qua, trường hợp của ông Sơn không hề hiếm gặp. Đa phần những nhà sáng chế lớn tuổi, tìm đến Shark Tank đều có chung mục đích là mang sáng kiến của mình cống hiến cho xã hội, thay vì đi tìm mục đích lợi nhuận.
Phan Đình Phương – Dị nhân gọi mưa
Là người lớn tuổi nhất xuất hiện trong Shark Tank Việt Nam mùa 1, ông Phan Đình Phương, sinh năm 1950, khi đó là Chủ tịch Hội sở hữu trí tuệ Đà Nẵng, Hội viên Hiệp hội PCCC NFPA – Mỹ, đã cùng CTCP Khoa học Công nghệ An Sinh Xanh đến gọi vốn 300.000 USD cho 50% cổ phần.
Các sản phẩm được ông Phương dày công nghiên cứu nhiều năm như động cơ “tự tạo mưa” không cần nhiên liệu, ba lô chữa cháy… Là người sở hữu nhiều bằng sáng chế, ông Phương cũng tiết lộ bản thân chính là tác giả của hệ thống phun nước ở cầu Rồng (Đà Nẵng).
Chia sẻ thêm lý do gọi vốn, nhà sáng chế bộc bạch rằng những người như ông không giỏi kinh doanh, nên ông Phương muốn nhượng 50% cổ phần để nhà đầu tư tham gia điều hành công ty. Ngoài ra, ông Phương cũng đề xuất nhà đầu tư có thể bỏ ra hàng chục triệu USD nếu thấy dự án triển vọng.
Dị nhân gọi mưa, ông Phan Đình Phương. (Ảnh: Shark Tank Việt Nam).
“Lên trời gọi mưa” là dự án với tham vọng “điều khiển” mưa nắng trên toàn quốc mà không phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên. Nhà sáng chế Phan Đình Phương tin rằng ý tưởng này sẽ giúp giảm ngập lụt, tắc đường tại thành phố, hạn chế mưa đá, lũ quét trên miền núi, cung cấp nước phát triển nông nghiệp.
Để thực hiện dự án, ông Phương sáng chế động cơ An Sinh Xanh siêu mạnh, hoạt động nhờ lực trọng trường, không cần nhiên liệu. Động cơ sẽ bơm nước lên trời, tạo lớp mỏng gây mưa và kéo hạt mây tự nhiên rơi xuống. Khi đó, ông Phương chia sẻ dự án này có thể tốn hàng chục năm phát triển.
Sau khi bàn bạc, cả 4 vị cá mập đều tham vọng của ông Phương khó có thể thương mại hóa. Do đó, cả hội đồng đầu tư của Shark Tank đã quyết định không đầu tư. Tuy vậy, Shark Phú và Shark Hưng cũng đề xuất hỗ trợ nhà sáng chế Phan Đình Phương có thể hiện thực hóa ý tưởng của ông.
Nhà sáng chế 5x với ý tưởng tuabin gió
Ở tuổi ngoài 50, ông Lại Bá Ất vẫn miệt mài tìm kiếm người đồng hành phát triển sáng chế của mình. Ông Ất đem đến Shark Tank sản phẩm tuabin gió có tốc độ cố định cùng lời đề nghị đầu tư 6 triệu USD cho 5% cổ phần công ty. Theo giới thiệu, tua bin gió được ông phát triển dựa trên định luật mới, thay thế công nghệ tuabin gió ở thời điểm đó.
“Tuabin gió của tôi thu được năng lượng nhiều hơn và giá thành điện gió ra chắc chắn rẻ hơn tuabin gió hiện nay từ hai lần trở lên”, ông Lại Bá Ất nói. Ở thời điểm gọi vốn, nhà sáng chế cho biết sản phẩm mới vừa hoàn tất quá trình nghiên cứu, chưa đi vào chế tạo nên nhà sáng lập muốn đến Shark Tank kêu gọi 6 triệu USD để tìm người giúp sản xuất, chứng minh sáng chế của mình có giá trị.
Ông Ất chia sẻ bản thân đã bỏ ra 9 năm để nghiên cứu lĩnh vực này và mất 7 năm để chứng minh định luật Betz là sai lầm. Theo ông Ất, nếu dùng tubin mới thì số tiền đầu tư sẽ giảm được 50%. Trước đó, ông Lại Bá Ất cho biết từng được công nhận hai bằng sáng chế Mỹ và Châu Âu nhưng ông không hợp tác sản xuất mà đến Shark Tank tìm cơ hội.
“Tôi muốn tiến từ Việt Nam và tôi muốn Việt Nam trở thành trung tâm của điện gió thế giới. Tôi muốn tất cả mọi người Việt Nam hợp tác lại phát triển sản phẩm này”, ông Ất nói.
Nhà sáng chế Lại Bá Ất. (Ảnh: Shark Tank Việt Nam).
Trong hội đồng đầu tư, người hứng thú với sáng chế của ông Lại Bá Ất là Shark Việt. Khi đó, vị cá mập đã đưa ra lời đề nghị tài trợ 6 triệu USD với điều kiện ứng dụng phải thực tế. Shark Việt nói: “Tôi góp ngay bước đầu tiên cho anh 5 tỷ đồng, nếu thành công thì chúng ta chia 50 – 50% cổ phần”.
“Nhiều phát minh trên thế giới lúc đầu đưa ra không ai công nhận cả. Với công thức mà ông Ất nghiên cứu và trình bày, nếu đúng thì trong tương lai dự án sẽ mang lại giá trị lớn cho con người và môi trường. Vì thế, tôi muốn cho ông ấy một cơ hội. Khi tiến đến bước thẩm định thì sẽ có nhiều thời gian hơn để chúng tôi kiểm tra thực tế và tham vấn ý kiến Hội đồng Khoa học về nghiên cứu này. Và tôi hi vọng có thể sớm công bố kết quả của dự án”, vị shark nói thêm. Nhà sáng chế sau đó đã bắt tay với Shark Việt trong thương vụ này.
Nhà phát minh bất đắc dĩ nhận một triệu USD ở Shark Tank
Ông Nguyễn Văn Khỏe là nhà sáng lập CTCP Công nghệ Nhiệt Mặt Trời và ông tới Shark Tank để gọi số vốn một triệu USD cho 25% cổ phần doanh nghiệp. Theo giới thiệu, ông Khỏe từng chủ doanh nghiệp sản xuất miến dong, bún tàu. Tuy nhiên, trong quá trình 10 năm nghiên cứu nguồn năng lượng làm khô sản phẩm, ông Khỏe bất đắc dĩ trở thành một nhà phát minh.
“Trong quá trình làm khô nông sản, tôi phát hiện ra công nghệ sấy nhiệt mặt trời, áp dụng cho nông sản, trái cây, quần áo ở khách sạn và bệnh viện”, ông Nguyễn Văn Khỏe trình bày.
Nhiệt Mặt Trời được áp dụng sấy khô sản phẩm nông sản chế biến như bánh tráng, hủ tiếu, bún miến tại TP HCM. Ông Khỏe cho biết, công nghệ này tạo ra những sản phẩm đẹp, chất lượng cao với chi phí giảm một nửa.
Tuy vậy, sản phẩm công nghệ của ông Khỏe không được các cá mập đánh giá cao. Đồng thời, các con số và bức tranh tài chính của startup cũng không thuyết phục được các nhà đầu tư. “Một công ty mới, chưa có gì mà định giá vô căn cứ khoa học, gọi vốn quá cao, nên tôi quyết định không đầu tư”, Shark Phú nói.
Hầu hết các nhà đầu tư đều lắc đầu với ông Khỏe, chỉ có mỗi Shark Việt hào hứng với deal này. Theo vị cá mập, năng lượng sạch là con đường mà ông đang theo đuổi và Shark Việt nhận thấy nhiệt mặt trời có lợi cho nông dân.
Từ đó, Shark Việt đề nghị ban đầu ông rót vốn 5 tỷ đồng đổi lấy 50% cổ phần, rồi giải ngân 20 tỷ đồng còn lại trong vòng 10 năm cùng điều kiện nhà sáng lập phải chỉ rõ người kế nhiệm doanh nghiệp sau 5 năm. Cuối cùng, ông Khỏe đã gật đầu với đề nghị của Shark Việt.