Những nguyên tắc đảm bảo an toàn thực phẩm ngày Tết
Những nguyên tắc đảm bảo an toàn thực phẩm ngày Tết
Ðể những bữa cơm sum họp, những bữa tiệc đoàn viên trọn vẹn trong ngày Tết, các chuyên gia y tế khuyến cáo, các gia đình cần lưu trữ thực phẩm đúng cách.
Bên cạnh đó, lựa chọn chế biến các món ăn cân đối dinh dưỡng, đảm bảo sức khỏe cả nhà.
Chuyên gia khuyến cáo, ăn quá nhiều đồ chiên xào, dầu mỡ gây rối loạn hệ tiêu hóa.
4 nguyên tắc đảm bảo an toàn thực phẩm
TS Nguyễn Quốc Anh, Viện Dinh dưỡng Quốc gia lưu ý 4 nguyên tắc giúp đảm bảo an toàn thực phẩm ngày Tết.
Thứ nhất, mua thực phẩm vừa đủ, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không cần thiết tích trữ thực phẩm nhiều. Vì việc bảo quản không đúng cách khiến thực phẩm hư hỏng, lãng phí.
Thứ hai, cẩn thận khi mua thực phẩm chế biến sẵn, sản xuất thủ công tại hộ gia đình. Với điều kiện hạn hẹp về cơ sở, môi trường, thiết bị, sản phẩm có thể mất an toàn, đặc biệt là khi đơn đặt hàng vượt quá khả năng của cơ sở sản xuất chế biến.
Thứ ba, sử dụng đồ uống có cồn vừa phải. Dịp Tết hằng năm, các bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp ngộ độc rượu, tai nạn giao thông có liên quan đến yếu tố rượu bia. Vì thế, bác sĩ khuyên, mọi người hạn chế uống rượu bia, hạn chế các loại rượu ngâm thảo dược, động vật, có nguy cơ chứa hàm lượng độc tố tự nhiên, gây ngộ độc cấp và mạn tính.
Thứ tư, thực hành vệ sinh, phân loại, bảo quản và chế biến thực phẩm tốt.
Chuyên gia dinh dưỡng lưu ý, các đầu bếp gia đình cần thực hành tốt các nguyên tắc vệ sinh đơn giản khi nấu bữa ăn như sau: Rửa sạch tay với nước và xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm. Rửa sạch rau củ quả dưới vòi nước chảy. Sử dụng dao và thớt riêng khi nấu ăn và để riêng các loại thịt, gia cầm, hải sản, trứng sống ra khỏi các thực phẩm khác khi đi chợ. Khi bảo quản trong tủ lạnh, cần tách biệt các loại thực phẩm tươi sống và thực phẩm đã được nấu chín. Hạn chế ăn trực tiếp các thực phẩm tươi sống hoặc lên men, thực phẩm có dấu hiệu nhiễm nấm mốc. Ðối với mâm cơm cúng ngày Tết, nên ăn trong vòng 4 giờ sau khi nấu, sau 4 giờ thì cần hâm nóng lại.
Chú trọng bữa ăn lành mạnh
Theo BS CKI Hoàng Ðình Thành, Trung tâm nội soi và Phẫu thuật Nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Ða khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh, ăn quá nhiều thực phẩm được ưa chuộng trong ngày Tết có nguy cơ gặp phải các vấn đề về hệ tiêu hóa.
Các món thường xuyên xuất hiện trên bàn tiệc, trong bếp ăn của nhiều gia đình ngày Tết như thịt kho hột vịt, bánh chưng, bánh tét, nem rán, cánh gà, hải sản chiên xù, thịt đông… Nếu thu nạp quá nhiều loại thức ăn chứa nhiều chất béo, dầu mỡ, người ăn dễ bị tiêu chảy, đầy bụng… thậm chí đau dạ dày, chuột rút đối với những người mắc hội chứng ruột kích thích, viêm tụy mạn tính. Theo bác sĩ, chất béo khó tiêu hóa hơn so với tinh bột và đạm, cản trở hoạt động của hệ tiêu hóa, tăng nguy cơ mắc bệnh gan, thúc đẩy sự phát triển các vi khuẩn có hại làm suy giảm sức khỏe đường ruột.
Những dấu hiệu cho thấy đường tiêu hóa đang bị quá tải chất béo bao gồm chướng bụng, khó tiêu, đầy hơi, nóng dạ dày, khó chịu ở cổ họng, đi tiêu lỏng, cơ thể mệt mỏi, uể oải. Theo chuyên gia y tế, khi gặp các vấn đề về tiêu hóa ngày vào Tết, người bệnh chú ý uống đủ nước và tránh nằm ngay sau khi ăn; có thể sử dụng gừng để giảm đau bụng. Ngoài ra, người bệnh có thể dùng thuốc, các thực phẩm hỗ trợ phục hồi sức khỏe hệ tiêu hóa, giảm đau theo chỉ định của bác sĩ.
Ðể tránh nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa vào dịp Tết, BS CKI Hoàng Ðình Thành lưu ý: Duy trì thói quen ăn uống điều độ, kiểm soát lượng thức ăn nạp vào cơ thể, không ăn quá nhiều bữa để hệ tiêu hóa có thời gian nghỉ ngơi và tiêu hóa thức ăn, hấp thụ những chất béo có lợi. Duy trì tập thể dục đều đặn giúp cơ thể đốt cháy chất béo thay vì tích tụ trong gan. Hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu bia, cà phê và thuốc lá. Ăn chín, uống sôi để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hóa. Nếu tình trạng khó chịu không thuyên giảm hoặc trở nặng, người bệnh cần đến cơ sở y tế để bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời.
Báo Cần Thơ