Những người đam mê cây kiểng ở Hòa Thành

 

Những năm gần đây, nghề trồng cây kiểng ở huyện Hòa Thành có sự phát triển khá mạnh. Các nhà vườn trước đây chỉ thú chơi riêng lẻ từng người thì nay đã tập trung lại hình thành câu lạc bộ sinh vật cảnh, làm nơi để giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, trưng bày và mua bán các sản phẩm về cây cảnh, tạo nên một trào lưu chơi cây cảnh trong cộng đồng dân cư ngày càng phát triển.

Ông Nguyễn Đồng Hương, ngụ ấp Trường Ân, xã Trường Đông, năm nay đã 47 tuổi nhưng cái thú chơi cây cảnh đã gắn bó với ông từ thời còn thanh niên. Gần 20 năm trong nghề trồng hoa kiểng ông đã không ngừng học hỏi, trang bị cho mình một lượng kiến thức kha khá về cách trồng và chăm sóc cây kiểng đặc biệt là việc cắt ghép mai vàng và tạo dáng thế bonsai. Ông cũng đã tham gia các khóa đào tạo do Hội hoa lan cây cảnh TPHCM, Chi hội hoa lan cây cảnh Tây Ninh tổ chức và đã sưu tầm, hình thành vườn cây kiểng cho riêng mình với khoảng trên 1000 chậu lớn nhỏ gồm vài chục loại cây hoa kiểng khác nhau, ước tính trị giá trên 200 triệu đồng. Ông cho biết, “nghề trồng cây kiểng đòi hỏi người chơi phải siêng năng, chăm chút từng ly, từng tí cho cây hằng ngày thì mới tạo ra dáng cây có giá trị”. Anh Lê Văn Hoàng, 35 tuổi, ngụ cùng ấp, được xem là người trẻ nhất trong nghề cây kiểng. Cũng với lòng đam mê mà anh tham gia Chi hội hoa lan cây cảnh Thị Xã để học hỏi kinh nghiệm, sau nhiều năm tìm tòi nghiên cứu đến nay Anh đã chuẩn bị đủ số cây kiểng để mở cơ sở cây kiểng tại nhà. Và cơ sở của Anh cũng được UBND xã Trường Đông chọn làm điểm để thành lập cậu lạc bộ sinh vật cảnh ở địa phương. Thú chơi cây cảnh này cũng lắm công phu đòi hỏi người chơi ngoài việc am hiểu đặc tính của từng loại cây trồng còn phải hiểu biết thêm về thiên văn, địa lý … để canh hoa nở đúng thời điểm, đúng mùa. Đây còn là một bộ môn nghệ thuật tạo hình vì để tạo ra một cây hoa, một chậu kiểng đẹp, dáng bonsai bắt mắt đòi hỏi người chơi phải sáng tạo tùy theo hình thù, thế dáng của cây kiểng và qua đôi bàn tay nghệ nhân cắt, ghép, uốn cành sao cho cây có 1 ý nghĩa, hình tượng nào đó, khi đó cây kiểng mới có giá trị. Ông Hương cho biết thêm, hiện nay, nhiều nghệ nhân, nhà vườn chỉ chơi cây kiểng theo lối thương phẩm, tức là trồng cây kiểng để bán, nên chưa có nhiều người đạt giá trị nghệ thuật cao trong nghề.

Cũng là để hiểu thêm nghề trồng cây kiểng, đặc biệt là cây mai vàng được xem là cây chủ lực trong hầu hết các vườn cây kiểng ở Tây Ninh, tôi tìm đến một nhân vật khá nổi tiếng trong làng mai vàng Tây Ninh đó là ông Trần Quốc Hưng – chủ vườn mai vàng 6 Hưng, ngụ ấp Hiệp An xã Hiệp Tân. Ông năm nay mới 48 tuổi nhưng đã 20 năm sống với nghề trồng mai vàng, hiện là Phó chủ nhiệm câu lạc bộ sinh vật cảnh xã Hiệp Tân. Ông kể rằng, trước đây trong một lần đi chơi ông mua được 2 góc mai vàng trong xóm chỉ với giá 120 ngàn đồng. Về, tự mài mò học hỏi cách cắt ghép, vô chậu, uốn cành và chăm sóc nhưng sau đó có người mua với giá 2 triệu đồng. Từ thành công nhỏ đó, ông bắt đầu đam mê và lặn lội khắp nơi sưu tầm những góc mai tưởng chừng như bỏ đi trong dân gian để mua về tạo cho cây một hình dáng mới, đẹp hơn, làm cho gốc mai có giá trị hơn trong mắt người xem. Hiện ông đã gầy dựng được vườn mai vàng với trên 500 góc mai lớn và vài trăm cây kiểng các loại, ước tính tổng trị giá vườn cây kiểng của ông lên đến trên 1 tỷ đồng. Ông cho biết, nghề trồng mai vàng nói riêng và hoa kiểng nói chung tuy có lãi cao nhưng cũng rất dễ bị thất bại nếu không am hiểu hết kỷ thuật, thời tiết. Nhiều năm gắn bó với nghề cây kiểng, trải quả những bước thăng trầm ông đã tích lũy được một số kinh nghiệm nên mới trụ vững đến ngày nay. Hiện nay, ông cùng 3 thợ chính, 2 thợ phụ còn lãnh thiết kế và chăm sóc cây kiểng cho các cơ sở kinh doanh cafe sân vườn, nhà hàng, quán ăn, các công trình nhà nước… và còn tự quay chậu, làm hòn non bộ và các loại bàn ghế dã gỗ để bán, thu nhập bình quân hàng tháng cũng vài chục triệu đồng.

Để phát triển nghề sinh vật cảnh, thời gian qua, huyện Hòa Thành chủ trương vận động các nhà vườn, những người có đam mê, sở thích chơi cây cảnh tập hợp lại và thành lập các câu lạc bộ sinh vật cảnh ở các xã, thị trấn để làm nơi giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và mua bán hoa kiểng. Đến nay, đã hình thành 8 câu lạc bộ ở các xã thị trấn với trên 100 thành viên. Các câu lạc bộ này hoạt động theo quy chế và sự hướng dẫn của Hội nông dân và Trung tâm văn hóa thể thao – học tập cộng đồng xã, thị trấn. Hàng năm vào dịp tết, huyện Hòa Thành còn tổ chức hội thi sinh vật cảnh và hội hoa xuân để các nhà vườn trưng bày, buôn bán tại công viên huyện.

Ông Lê Hoàng Thểnh, cũng đang chuẩn bị đầu tư, chăm sóc cây kiểng để bán dịp xuân Giáp Ngọ, năm 2014. Trước đây, Ông ở Phường 4, Thị xã Tây Ninh nay mới về thành lập vườn cây kiểng ở ấp Hiệp Trường, xã Hiệp Tân và hình thành câu lạc bộ sinh vật cảnh ở đây được một năm nay. Ông cho biết, CLB hoạt động thường xuyên và đã quy tụ được khá nhiều anh em nghệ nhân, người đam mê cây kiểng tham gia, qua đó giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong việc trồng và chăm sóc cây kiểng, thông tin về thị trường tiêu thụ đồng thời giúp đỡ những người mới vào nghề. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của các nhà vườn là thiếu vốn đầu tư và đầu ra sản phẩm cây kiểng vì mỗi năm chỉ bán được mùa kiểng tết trong khi vốn bỏ ra rất nhiều, nếu chăm sóc không kỷ lưỡng hoặc bị thời tiết trái mùa dễ bị thất bại.

Thú chơi cây cảnh tuy chỉ là đam mê của nhiều người nhưng nếu biết chú tâm với nghề thì cũng sẽ thành công. Nhiều người ban đầu chỉ với 2 bàn tay trắng mà nay đã có khối tài sản trị giá hàng tỷ đồng. Việc hình thành các câu lạc bộ sinh vật cảnh sẽ ươm mầm cho những người đam mê cây kiểng phát triển lên trong thời gian tới.

Nguyễn An