Những món nội tạng nổi tiếng

Các món nội tạng thường có hình thức không mấy bắt mắt nhưng dễ gây nghiện với những người đã ăn quen.

Nội tạng động vật là thành phần quan trọng trong ẩm thực Việt Nam. Một số món dùng nguyên liệu này còn xuất hiện trong bảng xếp hạng những loại đồ ăn kinh dị nhất thế giới.

Thắng cố

Thắng cố là đặc sản ở vùng Tây Bắc. Hiện nay, nhiều nơi người dân ăn thắng cố với thịt trâu, bò, lợn… Tuy nhiên, thắng cố chuẩn phải dùng thịt ngựa.

long ngon ha noi anh 1

Thắng cố không dễ ăn vì gồm nhiều thành phần nội tạng ngựa. Ảnh: Popolulu.vietnam.

Cách làm thắng cố không quá khó nhưng tẩm ướp gia vị sao cho ngon lại là nghệ thuật. Khi nấu thắng cố truyền thống, người dân Tây Bắc không bỏ sót bộ phận nào, kể cả ruột già. Thịt và nội tạng ngựa được cắt khúc, cho vào nồi cùng tiết và các loại gia vị, thảo mộc. Nước dùng đun bằng xương ngựa đem đến mùi thơm đặc trưng.

Những nồi thắng cố thường rất lớn, có khi đủ cho chục người ăn. Tuy nhiên, thắng cố ở các nhà hàng thường được làm vừa đủ. Nhiều người không quen ăn thường nhận xét thắng cố có mùi khó chịu.

Nặm pịa

Đây là một món khá khó ăn của dân tộc Thái sống ở vùng núi Tây Bắc. Từ cái nhìn đầu tiên, nhiều người đã cảm thấy khó chịu vì màu nước đục, mùi nồng.

Trong tiếng Thái, nặm mang nghĩa canh. Pịa lại là phần dịch nhầy trong ruột non của động vật ăn cỏ, có chức năng làm tiêu hóa thức ăn. Vì thành phần này, món nặm pịa khiến không ít người phải sợ hãi. Tuy nhiên, để chế biến nặm pịa, người dân tộc đã xử lý sạch sẽ phần dịch tiêu hóa.

Ban đầu, họ lấy ruột non ra và buộc chặt hai đầu để tránh phần dịch bị bẩn. Sau đó, họ đun sôi nước dùng từ xương cùng các nguyên liệu như thịt, sụn, nội tạng… Bước kế tiếp, người Thái sẽ cắt phần ruột non thành nhiều khúc rồi cho vào nồi cùng thảo mộc. Sau khi khuấy đều các nguyên liệu trong nồi thành hỗn hợp màu đục, món nặm pịa coi như xong.

Lòng luộc, cháo lòng

Vào những ngày lạnh, lòng luộc luôn là lựa chọn hàng đầu của các thực khách Hà Nội. Món này có công thức chế biến tương đối đơn giản nhưng khá cầu kỳ trong khâu vệ sinh. Lòng được dùng thường là lòng lợn non. Sau khi mua về, đầu bếp phải rửa với muối, dấm rồi thả vào nước sôi luộc.

Tùy vào tay nghề của đầu bếp, món lòng sẽ có độ dai hay giòn khác nhau. Tuy nhiên, món lòng giòn vẫn chiếm được nhiều cảm tình từ thực khách hơn. Một đĩa lòng chuẩn Hà Nội thường có đủ lòng non, dồi, gan, tràng, lá lách.

long ngon ha noi anh 2

Các món lòng là lựa chọn của nhiều người Hà Nội những ngày lạnh. Ảnh: Mokhoet_hanoi.

Phần nước chấm được pha chế tùy theo khẩu vị của khách. Hai loại phổ biến nhất để ăn kèm lòng là mắm tôm hoặc nước mắm. Khi ăn, mọi người thường gọi thêm bát cháo hoặc kết hợp luôn lòng trần cháo.

Mỗi bữa lòng bình dân thường có giá khoảng 100.000 đồng/người. Tuy nhiên, nếu muốn thưởng thức đủ món lòng, bạn có thể phải chi tới 500.000 đồng/người.

Dồi

Dồi là món ăn từ lòng lợn (hoặc chó), kèm tiết, rau. Món này thường được chế biến theo kiểu luộc và chấm cùng mắm tôm hoặc mắm ớt. Đây có thể xem như món ăn khó thiếu trong các bữa nhậu.

Phá lấu

Món ăn này vốn là đặc sản của người Hoa. Tuy nhiên, ngày nay, phá lấu đã trở nên phổ biến khắp TP.HCM. Tại Sài thành, phá lấu chủ yếu được làm bằng lòng bò hoặc lợn, ăn kèm bánh mì và nước chấm. Phá lấu truyền thống lại có thành phần chủ yếu là nội tạng vịt, gà…

long ngon ha noi anh 3

Phá lấu là thứ đặc sản người Hoa và được dân Sài thành ưa chuộng. Ảnh: 9493corner_.

Sự hấp dẫn của món này là mùi hương thơm phức, miếng bò dai dai chấm trong chén nước mắm pha tắc đặc trưng. Người sành ăn thường thích ngồi ở một hàng bên đường, trong hẻm nhỏ xì xụp chén đồ ăn với ổ bánh mì nóng giòn. Các kiểu chế biến phá lấu được yêu thích là nướng, luộc, xào me, nấu mì…