Những món ngon nổi tiếng Tây Nguyên | Dulich24

Những món ngon nổi tiếng Tây Nguyên

Tây Nguyên không chỉ có nắng gió mà còn có vô vàn đặc sản, chắc hẳn sẽ cuốn hút những ai từng đặt chân đến nơi đây. Từ thịt rừng thơm ngon đến các món cây nhà lá vườn dân dã.

CÁC MÓN ĐỘNG VẬT NÚI RỪNG

Tây nguyên nổi tiếng với núi rừng hùng vỹ, nơi đây cung cấp rất nhiều sản vật cho những người con của buôn làng, hàng ngày họ vào rừng thu hoạch các sản vật như là một sự ban tặng của thiên nhiên cho mảnh đất và con người nơi đây, ngon nhất trong số đó là những món thịt rừng.

Tuy nhiên nạn săn bắt thú hoang dã tràn lan quá mức đang gây ra nguy cơ hủy hoại thiên nhiên , vì thế bạn chỉ nên thưởng thức những món thịt rừng được bán ở những nhà hàng lớn vì những nhà hàng này làm ăn thường nghiêm chỉnh và thường không mua thịt động vật hoang dã, mà mua thú được nuôi dưỡng gần với môi trường thiên nhiên để lấy thịt.

Dưới đây là danh sách những món ngon từ núi rừng tây nguyên mà bạn nên thử khi đến với Tây Nguyên đại ngàn.

GÀ NƯỚNG BẢN ĐÔN

Gà nướng bản Đôn
Gà nướng bản Đôn

Đến thăm Bản Đôn bạn được thưởng thức món gà nướng ngon tuyệt. Để có những con gà nướng ngon, hợp lòng du khách, người dân Bản Đôn phải rất công phu nuôi chọn gà và có cách làm món riêng.

Trước hết, giống gà phải là gà thả vườn chính hiệu. Gà được chọn nướng là loại mới lớn, độ chừng hơn một kg mỗi con. Gà để nguyên con, có thể dần cho con gà bẹp lại rồi ướp muối ớt, nước sả và thêm ít mật ong rừng. Để ăn gà nướng ở Bản Đôn “đúng bài”, thì phải chấm thịt gà với muối ớt hoặc muối sả. Dù loại muối nào cũng nhất thiết phải giã muối hạt với ớt rừng xanh. Loại ớt này mọc hoang ngoài vườn, ăn giòn thơm rất hấp dẫn.

HEO RẪY NƯỚNG

Heo rẫy nướng
Heo rẫy nướng

Heo rẫy là loại heo đồng bào nuôi kiểu chăn thả tự nhiên. món heo nướng cao nguyên và heo nướng muối ớt đều tỏa mùi thơm gốc rễ vì có chung mấy loại gia vị tẩm ướp cơ bản: củ nén, ngò gai, gốc mùi, sả, ớt.

Món nướng cao nguyên thì chặt nhỏ xiên tre, món nướng muối ớt thì nướng nguyên con dùng dao xẻo tại bàn. Bí quyết heo nướng để lâu vẫn óng ả giòn thơm là dùng sô-đa đánh tan mạch nha và nước cốt chanh, phết nhiều lớp lên da, quay đều trên bếp than hồng.

BÒ MỘT NẮNG NƯỚNG

Bò một nắng nướng
Bò một nắng nướng

Món ăn được làm từ thịt bò tươi, thái thành từng miếng mỏng, ướp sơ qua với các loại gia vị, đem phơi ngoài nắng trong một ngày nên có tên gọi là bò một nắng. Sau đó, bò được đóng vào bao cất giữ, khi ăn chỉ cần lấy ra nướng chín trên bếp than hồng và thưởng thức với muối kiến vàng của người dân tộc.

Bò một nắng nướng thường được ăn cùng với Kiến vàng (hay còn gọi là kiến càng) sau khi được rang lên và giã nhuyễn với lá then len(tên gọi một loại lá rừng) Xé miếng thịt bò, chấm vào chén muối kiến vàng và thưởng thức cùng các loại rau, bạn sẽ cảm nhận được thịt bò mềm hòa cùng vị ngọt, chua của muối kiến.

CÁC MÓN NƯỚNG TRONG ỐNG LÔ Ô

Thịt nướng ống lô
Thịt nướng ống lô

Với những nguyên liệu vốn có từ núi rừng, người dân tộc Ba Na ở Kon Tum chế biến thành những món ăn nướng trong ống lô ô vô rất độc và lạ. Sau khi rửa sạch các loại rau, cá sông, cá suối và các loại thịt gia súc, gia cầm băm nhỏ hoặc xắt thành sợi. Cà đắng, cà tím được xắt thành miếng. Cá mổ bỏ ruột, cắt thịt ra trộn rau rừng, măng rừng, sả, tiêu giã nhỏ cho vào ống lô ô. Còn thịt gia súc (trâu, bò, heo, dê) và gia cầm (gà, vịt)  được thui trên bếp lửa rồi mới cạo hay vặt lông. Sau đó xẻ thịt, chặt từng khúc nhỏ, trộn gia vị cho vào ống lô ô để lên lửa than cây rừng nướng cho đến chín thơm phức hương vị độc đáo mà không có nơi nào có được.

Các món ăn phục vụ cho lễ hội được người phụ nữ chế biến thường có: cơm lồ ô nếp trắng, cơm lồ ô nếp than, thịt heo, bò… trộn đều với gia vị nướng lồ ô, cháo (ta bung) nấu thịt, măng đắng nấu với cá trên ống lồ ô, gỏi kiến bóp chua với rau rừng; muối giã với mè, muối giã với lá é… và món tráng miệng củ lang, củ mỳ. Khi các món ăn đã được nướng, nấu chín, họ trải lá kbang trên cái nia và đổ thức ăn từ ống lồ ô lên trên lá. Mỗi một món ăn được sắp đặt trên một cái lá. Các món quay kín mặt nia, nhìn vào khá bắt mắt, hấp dẫn.

THỊT NHÍM

Thịt nhím
Thịt nhím

Dân tộc Brâu có nhiều các món ăn được chế biến từ rau rừng, thịt thú rừng như: heo rừng, thịt dúi, chuột đồng…. Trong đó phải kể đến các món từ con nhím vừa bổ, vừa ngon mà còn phong phú cách chế biến.

Thịt nhím với vị ngọt, tính lạnh có tác dụng bổ dưỡng, nhuận tràng, có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn. Nhím nướng than hồng, thịt nhím nhồi ống lồ ô, canh xương nhím nấu bột bắp, nhím gói lá dong, … Món nào cũng độc đáo, thơm ngon bởi thịt nhím chắc, thơm, hầu như không có mỡ, lớp bì dày nhưng giòn.

Người Brâu chuộng món nhím nhồi ống lồ ô và nhím nướng trên bếp lửa, vì giữ vị ngọt nguyên chất, lại rất thơm, giòn, dậy mùi. Miếng thịt nướng ngọt tự nhiên, có bì hơi sần sật chấm với muối lá é (một loại lá có mùi hắc, vị cay the, người dân tộc thường giã chung với muối hột), đậm đà thật ngon miệng. Khi thưởng thức bạn nên ăn chậm rãi, nhẩn nha thì mới có thể cảm nhận hết vị thơm ngon của thịt nhím. Lên làng Đăk Mế thưởng thức miếng thịt nhím, không ít người đã phải tấm tắc khen đặc sản này, vừa bổ, vừa ngon mà còn phong phú cách chế biến.

THỊT CHUỘT ĐỒNG

Thịt chuột
Thịt chuột

Người Jẻ – Triêng ở huyện Đăk Glei còn có món đặc sản là thịt chuột đồng, được chế biến chủ yếu thành hai món là: Thịt chuột nướng và Chuột khô gác bếp. Mùa lúa nương chín vàng, cũng là mùa chuột đồng béo ngậy, ngon nhất, người dân vào mùa săn bắt chuột. Cuộn nhanh một đống rơm khô, nổi lửa lên thui trụi lông, bằng cách này thịt chuột dậy mùi thơm và giữ vị ngọt vẫn nguyên. Sau khi làm sạch lông, mổ bụng, lột bỏ nội tạng, nhanh chóng rửa qua nước, xát chút muối lên khắp mình chuột rồi lấy que tre xiên thẳng, đem ra nướng trên bếp than cho vàng, dậy mùi thơm lên.  Ăn kèm với ít xoài rừng chua, làm chén muối tiêu rừng, cay nồng, rất thích hợp. Kiếm thêm ít rau dớn rừng, bỏ vào ống le, đổ chút nước, đem nướng trên bếp rơm, chỉ một chút là đã có món ăn ngon lành.

Nếu ăn không hết, đồng bào Jẻ – Triêng lại làm món thịt chuột gác bếp, để dành cho những dịp đặc biệt hoặc tiếp khách quý. Cũng thui qua lửa, làm sạch, ướp gia vị, nhưng con chuột được xẻ dàn rộng ra cho bằng bàn tay rồi treo trên gác bếp. Nhờ hơi nóng của bếp, thịt chuột dần khô quắt lại, phủ một lớp đen bóng của bồ hóng bếp. Sau 2 tuần thì thịt chuột gác bếp sử dụng được, cách chế biến cũng nhanh chóng: nướng sơ qua lửa cho nóng lại, dùng chày đập nhẹ khắp miếng thịt, chấm muối tiêu rừng ăn liền…uy không có cái vẻ ngọt đậm như thịt tươi nướng nhưng thịt gác bếp lại có vị “ngọt hậu”, càng nhai càng thấy bùi và vị ngọt .

BÒ MỘT NẮNG

Bò một nắng
Bò một nắng

Bò một nắng cũng như những sản vật khác của miền cao thường tập trung về phố núi Krông Pa, một huyện cửa ngỏ miền núi tỉnh Gia Lai sát cạnh cao nguyên Sơn Hoà tỉnh Phú Yên. Và cao nguyên Sơn Hoà lại là đồng cỏ chuyên chăn nuôi bò nên món bò một nắng gặp đúng “địa lợi, nhân hoà” để phát triển và quảng bá xuống Tuy Hoà. Ban đầu hương vị bò một nắng còn đơn sơ, nhưng khi giao thoa với văn hoá ẩm thực miền xuôi nó trở nên đa vị hơn. Miếng bò mang hương vị của núi rừng trầm mặc đã trở nên đậm đà, phong phú bởi hơi hướm mặn mà khẩu vị xứ biển. Sự giao hoà miền núi và miền xuôi đó mà thành cái tên “bò một nắng hai sương”.

THỊT NAI

Thịt nai
Thịt nai

Thịt nai giờ trở thành món đặc sản chủ yếu của vùng rừng núi Tây Nguyên, đặc biệt là ở Đắk Lắk . Thịt nai tươi khác thịt bò ở chỗ ít gân, mở màu trắng ngà, mềm hơn cả thịt bê non.

Thịt nai có thể chế biến thành nhiều món: nai nướng, nai xào lăn, nai nhúng giấm, nai lúc lắc, sườn nai rán, cháo bao tử và sau cùng là nai khô hợp lại đủ 7 món như thịt bò. Nhưng nai nướng, nai nhúng giấm và nai khô lại là những món tiêu biểu nhất.Nai khô có thể là đầu bảng trong các món nai. Nai khô không béo ngậy như nai nướng vì cách thức và nguyên liệu tẩm ướp khác nhau nên miếng nai khô ngọt lịm. Thịt nai thái ngang thớ, miếng dài chừng 5cm ướp kỹ bằng xì dầu, sả, muối, đường, ớt mè trắng và ngũ vị hương. Sau khi ướp trong vòng 80 phút lấy từng miếng nướng trên than hoa, nướng xong dùng sống dao dần cho miếng thịt mềm mại rồi ăn mà không cần chấm với bất cứ thứ gì.

BÒ NHÚNG ME

Bò nhúng me
Bò nhúng me

Đến thăm thành phố Buôn Mê Thuột bạn nhớ thưởng thức món Bò nhúng me đặc biệt này chắc chắn không bao giờ quên.

Vị chua chua, ngọt ngọt của nước me kèm miếng thịt bò thái mỏng, thêm vị thơm của tỏi phi sẽ khiến bạn ăn hoài không ngán. Món này ăn kèm bánh mì thì khỏi phải chê. Ngoài Bò Nhúng Me thì bạn có thể thưởng thức thêm món Bò Lúc Lắc, Bò Cuộn Cải Xanh được tẩm ướp rất ngon.

CÁC MÓN CÁ

CÁ BỐNG THÁC KHO RIỀNG

Cá bống kho riềng
Cá bống kho riềng

Món cá bống thác kho riềng là một món ăn có tính truyền thống của người dân tộc nơi đây. Cá bống là loại rất phổ biến, nó sống trong các kênh rạch, ao hồ, sông suối nơi đâu cũng có, nhưng cá bống Tây Nguyên thì lại khác, nó sống ngay trong dòng thác đổ.

Bới chén cơm gắp con cá, và vào miệng cá bống thác giòn tan, thấm vị giác, mùi thoảng lên khứu giác thật là một cảm giác khó quên .

LẨU CÁ LĂNG

Lẩu cá Lăng
Lẩu cá Lăng

Dòng Sêrêpôk hoang dã, bí ẩn và mãnh liệt đã được thiên nhiên ban tặng cho một loại cá quý đó là cá lăng rắn chắc, thịt thơm và là món ngon nổi tiếng. Cá Lăng có thể chế biến thành nhiều món, tuy nhiên ấn tượng nhất vẫn là món lẩu cá lăng với hương vị độc đáo mang đậm chất Tây Nguyên. Đây là món ăn ngon miệng và có tác dụng giải nhiệt rất tốt trong những ngày nắng.

Vị ngọt, bùi của thịt cá hòa trộn cùng vị chua thanh thanh của các loại gia vị như bài thuốc không thể thiếu một vị nào; thử một miếng thấm đến tận chân răng. Để nồi lẩu ngon hơn phải ăn kèm với cần tây, cải xanh, rau đắng, bạc hà và đặc biệt không thể thiếu rau thì là để nước lẩu thơm hơn, ngọt hơn.

Đồng bào bên dòng Sêrêpôk còn nấu cá lăng với măng rừng, um cà đắng, hoặc nướng ăn với lá păk cum chấm muối tiêu trộn ớt xanh giã nát là đặc sản của đồng bào Êđê. Vị chua của măng le, chút đắng của quả cà hay lá păk cum, vị cay nồng của ớt cộng thêm với cái ngọt của cá kết hợp lại tạo nên hương vị đậm đà, nồng nàn và thật khó quên.

CÁ TIẾN VUA

Cá tiến vua
Cá tiến vua

Sông Sê San hùng vĩ, lắm thác ghềnh chứa trong lòng những loài thủy sản quý hiếm đặc biệt có loài cá anh vũ tiến vua. Những ngư dân dọc sông Sê San thường chặn bắt cá anh vũ ở vùng nước trong, nhiều hang hốc, chủ yếu ở khu vực thủy điện Ialy.

Thịt cá chắc nhưng vẫn mềm mại, trắng và thơm, thường được làm thành vài món là nướng mọi, nướng muối ớt, hấp, nấu lẩu măng chua. Hấp dẫn hơn cả là món chiên giòn với gừng, ban đầu cứ ngỡ là thịt gà nhưng cắn vào thì thơm ngon hơn nhiều.

CÁ LĂNG NƯỚNG THAN

Cá lăng nướng than
Cá lăng nướng than

Trong các món đặc sản của núi rừng, nhiều du khách rất thích món cá lăng nướng than hồng. Người dân ở đây thường bọc cá lăng trong một loại lá rừng rồi mới đem nướng. Cá lăng được đánh bắt từ dòng sông Sêrêpôk, thịt cá không chỉ ngọt mà còn dai và thơm phức. Thêm một ống cơm lam, một đĩa gà nướng là bữa ăn của bạn đã mang đậm “chất” đại ngàn.

CÁ SÔNG SÊ RÊ PỐK

Cá sông Sê Rê Pôk
Cá sông Sê Rê Pôk

Sông Sêrêpốk chảy qua địa bàn huyện Krông Nô, Chư Jút là “xứ sở” của loài cá lăng đuôi đỏ. Đây là loài cá da trơn sinh sống ở nhiều nơi, nhưng có lẽ với môi trường sinh thái sông Sêrêpốk “đặc biệt” hơn, nên cá lăng ở đây có số lượng nhiều hơn, chất lượng cao hơn.

Cá lăng đuôi đỏ có thể làm được nhiều món ăn như nướng, om, làm chả, hấp, xào tỏi hay nấu cháo… món nào cũng ngon vì thịt cá lăng béo, có vị ngọt, giàu dinh dưỡng. Hiện nay, ngoài đánh bắt cá tự nhiên, người dân Chư Jút đã tổ chức nuôi theo phương thức lồng, bè để tạo ra sản phẩm hàng hóa.

CÁ TẦM

Cá Tầm
Cá Tầm

Tại cao nguyên Măng Đen, Kon Tum là vùng có nhiều hồ, nước mát lạnh quanh năm. Vì vậy cá hồi, cá tầm được nuôi và sinh trưởng thuận lợi ở đây. Cá Tầm là loại cá xương sụn, toàn bộ hệ thống xương của cá cũng như đầu cá đều cấu tạo từ sụn, thịt cá tầm trắng, dai, có vị béo ngậy, thành phần dinh dưỡng cao, dễ hấp thụ.

Đến đây bạn được thưởng thức món cá tầm mới được bắt lên từ hồ tươi roi rói. Cá tầm được làm sạch, tẩm ướp gia vị từ các loại cây dược liệu của núi rừng Măng Đen, sau đó được hấp, um hoặc nướng, sấy…  bằng than hồng, hoặc nấu với măng le rừng chua món nào củng ngon tuyệt.

CÁ CHUA

Cá chua
Cá chua

Nếu có dịp ghé thăm Kon Tum một lần, bạn đừng bỏ lỡ cơ hội thưởng thức món đặc sản cá chua của đồng bào dân tộc Jẻ – Triêng, món đậm đà hương vị của núi rừng.

Cách làm món cá chua thật dễ dàng nhưng cũng đòi hỏi sự chính xác. Cá để chế biến món cá chua là loại cá niệng, một loại cá  giống cá Trôi nhưng mình dẹt và nhỏ hơn sống ở vùng sông suối Tây Nguyên. Cá bắt về còn tươi rói, đánh sơ vẩy, mổ ruột, rửa sạch rồi đem ra chỗ thoáng mát cho miếng cá khô ráo. Nhìn mặt cá đã se se lại, bắt đầu tẩm ướp gia vị, gồm có muối hột, ớt rừng, bột ngọt, chút tiêu rừng giã nhỏ, để một lát cho ngấm. Tiếp theo là ngô rang chín, giã nhỏ , đem vào trộn chung với cá, xong cho vào ống nứa, ống lồ ô khô, sạch, nút thật kín, chặt rồi gác lên dàn bếp hoặc dưới mái nhà, chỉ sau vài ngày là có thể ăn được. Cá chua để càng lâu ăn càng ngon vì miếng cá sắt lại nhờ các gia vị đã thấm sâu vào thịt cá làm cho người ăn thấy vị mặn của muối, vị cay của ớt rừng, vị ngọt đầm của lá bép, vị thơm của thính ngô và vị chua do hỗn hợp này đã được lên men…

CÁC MÓN ĂN CHẾ BIẾN TỪ RAU CỦ QUẢ

MĂNG LE

Măng le
Măng le

Cây le thuộc họ tre nứa khá điển hình trên vùng đất ba gian. Cây le có sức phát tán mạnh mẽ, sức sống dẻo dai đến kỳ lạ. Măng le từ phần ngọn của cây măng dùng tươi hoặc cắt lát phơi khô , măng le thuộc loại ngon nhất trong các loài măng như măng tre, măng trúc… nhờ tính đặc ruột, vị ngọt, bùi, không đắng chát,…

Với món măng tươi có thể chế biến món đơn giản nhưng lại đầy hương vị là món gỏi măng trộn hay măng le nấu cùng thịt vịt, măng le hầm giò heo, măng le xào gan đều rất ngon . Măng le ăn tươi đã ngon mà ăn khô củng rất ngon như các món măng áo tơi, măng lưỡi lợn gốc nứa, vẩu, mai hương vị rất độc đáo. Vào các buôn được mời bữa cơm gạo nương ăn với măng le nấu với thịt nai khô có kèm muối đâm lá bép ớt hiếm ăn một lần không bao giờ quên.

CÀ ĐẮNG

Cà đắng
Cà đắng

Cà đắng là một loại cà dại mọc nhiều trên rừng, trên nương rẫy, hiện nay đã được bà con trồng trong vườn nhà, ra quả quanh năm, trái cà dài, to hơn cà pháo của người Kinh có gai, màu xanh sọc đốm trắng, đặc biệt có vị đắng rất đặc trưng.  Bạn hãy thử cắn một miếng để nghe vị đắng tứa vào chân răng và cảm nhận cái nghe vị giòn ngọt ùa đến ngay sau đó.

Cà đắng được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau trong bữa cơm của dân tộc Êđê như nấu với cá tươi, cá khô, tép khô, thịt rừng hoặc cà đắng um với ếch…  Có lẽ ngon nhất, độc đáo nhất vẫn là món canh cà đắng nấu với nội tạng bò và wêc êmô (phèo bò). Món ăn hấp dẫn bởi vị đắng đằm thắm của cà đắng kết hợp với vị ngọt của nội tạng, mùi thơm của phèo bò và vị cay xé lưỡi của ớt, sự đậm đà, thơm lừng của lá é, lá và củ nén. Tất cả tạo nên một khẩu vị rất lạ, rất riêng của núi rừng.Ngoài nấu chín, người Êđê còn ăn cà đắng sống, bằng cách giã nát cà rồi cho thêm gia vị: muối, ớt, bột ngọt, lá é, lá và củ nén. Món này rất cay, đậm đà, ăn được rất nhiều cơm.

MĂNG CHUA RỪNG

Măng chua rừng
Măng chua rừng

Đến với Đăk Nông, bạn phải một lần nếm món măng chua của đồng bào dân tộc nơi đây mới cảm nhận hết được những nét giản dị, mộc mạc của nó. Không phải là một món ăn cao sang, măng chua mộc mạc như bản chất của người dân tộc Tây Nguyên và để lại trong lòng mỗi thực khách một cảm giác thật ngon, thật lạ vì chính bản chất bình dị, tự nhiên vốn có của nó.

LẨU LÁ RỪNG

Lẩu lá rừng
Lẩu lá rừng

Dường như hương vị của núi rừng, của đại ngàn xanh đã thấm vào từng chiếc lá để bạn có thể cảm nhận một cách đầy đủ nhất về Tây Nguyên. Có khoảng hơn 10 loại lá được dùng để chế biến lẩu lá rừng, phần lớn chúng đều được người dân bản địa phát hiện ra khi đi rừng. Ban đầu những lá này được sử dụng như một thứ rau rừng để phục vụ cho những bữa ăn trên nương, trên rẫy. Sau này khi tập quán sản xuất thay đổi thì nó được dùng như một đặc sản đó là lẩu lá rừng. Cùng với những loại lá này còn có mắm thịt, tôm nõn và thịt luộc. 

CANH THỤT ĐỌT MÂY

Canh thụt đọt mây
Canh thụt đọt mây

Đây là món ăn đặc sản của người M’nông, Mạ, phổ biến ở vùng phía nam tỉnh như Đắk R’lấp, Tuy Đức, Đắk Glong, Đắk Song, thị xã Gia Nghĩa, để đãi bạn bè, khách quý và dùng trong các lễ hội. Ngoài đọt mây, nguyên liệu nấu canh thụt còn gồm rau nhíp, măng, thịt hoặc cá suối, ít con mối và vài con dế dũi…

Tất cả nguyên liệu được cho vào ống lồ ô tươi, bịt kín đầu. Khi nấu, ống lồ ô phải để nghiêng trên lửa và quay tròn cho canh chín đều. Khi nấu vừa chín tới, người ta thường lấy đoạn dây mây có gai đâm vào trong ống cho các nguyên liệu nhừ nát, hòa quyện vào nhau. Khi đó, muối, ớt được bỏ vào, thụt đều, có thể bỏ thêm một ít rau thơm. Theo một số người thì món này có thể ví như một loại “thực phẩm chức năng” hỗ trợ đắc lực cho hệ tiêu hóa, tuần hoàn, bài tiết của người dùng.

LÁ MÌ

Đến thăm làng Đăk Mế là nơi cư trú tập trung của dân tộc Brâu, bạn có cơ hội khám phá nét ẩm thực độc đáo của người Brâu. Nét độc đáo đầu tiên của ẩm thực người Brâu chính là việc họ sử dụng lá mì vào những món ăn.

Từ lá mì chua người Brâu chế biến ra nhiều món như: Gà rừng trộn lá mì chua, lá mì nấu cá khô, canh chua lá mì,…Món ngon nhất phải kể đến là gà rừng trộn mì chua.  Món gà rừng trộn lá mì hiện diện trong mâm cơm thật dễ khiến người ta xuýt xoa không cưỡng lại được: màu xanh nâu của lá mì muối chua, thấp thoáng những miếng thịt gà rừng trắng, điểm thêm màu đỏ ớt hiểm. Vị chua gắt của lá mì muối, quyện với vị ngọt tự nhiên của thịt gà rừng tạo thành một hương vị đậm đà một cách hòa hợp và ngon miệng, ăn một miếng lại muốn nếm thêm miếng nữa, miếng nữa.

CANH LÁ BÉP

Canh cua lá bép
Canh cua lá bép

Những người dân nơi đây tìm thấy trong rừng của mình có hàng trăm các loại lá khác nhau mà không nơi nào có được, và lá bép là một trong những loại có nhiều nhất. Lá này có vị ngọt lợ nên người dân còn gọi là “lá mỳ chính”. Trước đây vào thời kỳ chiến tranh, người dân chỉ cần cho vài lá bép vào nồi nước là đã có một nồi canh cho cả gia đình. Nhưng ngày nay đã có nhiều cách khác nhau để khiến cho món canh này ngon hơn như: canh cua lá bép, lá bép nấu cá…

RAU DỚN

Rau dớn
Rau dớn

Rau dớn được xếp vào loại đặc sản rau ở Kon Tum. Mùa rau dớn bắt đầu từ tháng 5, khi những cơn mưa đầu tiên trút xuống, bà con cứ men theo những con sông, khe suối là có thể hái được rau.  Lá dớn mọc so le, hình ngọn giáo, người ta hái lá non và ngọn rau về ăn, có vị hơi chát, nhơn nhớt nhưng nấu chín lại bùi bùi, thơm ngon.

Giữ trọn vẹn vị ngon của rau dớn chính là món rau luộc đơn giản, chỉ cần nhặt những ngọn non, rửa sạch cho vào nồi nước thật sôi, khi vừa chín tới vớt ra cho rau không bị nhừ. Đĩa rau luộc chấm với mắm cua cho thêm tỏi giã dập, vài lát ớt hiểm. Rau dớn luộc màu xanh mướt, vừa giòn sần sật, vừa có vị ngọt, vị chua chát…thật ngon miệng.

Gỏi rau dớn
Gỏi rau dớn.

Ngoài ra rau dớn còn được đồng bào các dân tộc chế biến thành nhiều món ăn như: rau dớn xào tỏi, rau dớn xào măng chua, rau dớn lam ống nứa… nhưng có lẽ món gỏi rau dớn luôn làm hài lòng những thực khách khó tính nhất.  Món gỏi khi ăn sẽ cảm nhận được vị bùi bùi, chát nhẹ của rau dớn hòa cùng mùi thơm của các loại gia vị. Trước đây, rau dớn chỉ sử dụng trong bữa ăn của người đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao. Nhưng hiện nay, với danh tiếng về vị ngon đặc biệt, rau dớn ngày càng được nhiều người ưa chuộng, trong nhiều nhà hàng sang trọng ở phố thị rau dớn trở thành đặc sản.

MÓN ĂN CHẾ BIẾN TỪ CÔN TRÙNG

CÁ GỎI KIẾN VÀNG

Gỏi kiến vàng
Gỏi kiến vàng

Cá suối bắt loại vừa phải, bằng ba ngón tay, đem về làm sạch, băm nhuyễn, vắt cho cạn nước để đỡ mùi tanh. Kiến vàng chọn ổ kiến non, còn cả trứng đem về giã nhỏ để riêng. Lấy muối hột, ớt xanh, tiêu rừng trộn chung cá với kiến vào, thêm chút thính gạo bột gạo rang cháy xém, dậy lên mùi thơm. Khi ăn lấy lá sung cuốn lại vừa miếng và thưởng thức, vị ngọt của cá suối hòa vào vị béo của kiến non, vị cay xé của tiêu, ớt tạo nên hương vị ngon tuyệt vời.

DẾ CHIÊN KON TUM

Dế chiên Kon Tum
Dế chiên Kon Tum

Có dịp nếu đến Kon Tum bạn đừng quên thưởng thức món đặc sản dế chiên để cảm nhận vị thơm, bùi, đậm đà mà không ngấy. Món ăn từ dế khá xa lạ với người đồng bằng, thế nhưng với đồng bào dân tộc thiểu số Kon Tum, các món ăn chế biến từ dế đã trở nên quen thuộc, rất được ưa thích. Có rất nhiều loại dế như dế cơm, dế than, dế lửa,…nhưng để chế biến món ăn thì chỉ có dế cơm thì mới ngon được.

Để có một đĩa dế chiên vàng thơm cần trải qua nhiều công đoạn chế biến. Đầu tiên dế bắt về được rửa sạch, để ráo nước, sau đó cho vào chảo dầu đang sôi chiên lên. Bằng cách đó các bộ phận như đầu, chân… của dế trở nên giòn tan, còn phần thân dế lại không mất đi vị béo ngậy vốn có. Tiếp đó, để món dế có thêm hương vị, người ta nêm gia vị, bỏ thêm trái ớt, lá chanh, sả thái nhỏ vào rang chung. Khi cho các gia vị vào phải rang thật nhanh để lá chanh không bị mất đi màu xanh. Dế được sắp lên đĩa cùng với những lát dưa leo thái mỏng và bên cạnh là một chén đậu phộng rang vàng, một chén tương ớt đỏ tươi. Dế chiên có cái giòn tan của phần chân, đầu và vị béo ngầy ngậy của mình dế. Hương vị của dế càng đặc biệt hơn bởi mùi thơm của lá sả, lá chanh và vài ba hạt đậu rang đi kèm.

Ngày xưa đồng bào dân tộc chỉ có dế nướng hoặc chế chiên đơn giản thôi nhưng nay họ đã biết chế biến thành nhiều món ăn khác như dế tẩm bột chiên giòn, nhồi đậu phộng rang, gỏi dế, dế rang me… cực kì lạ mà hương vị thơm ngon tuyệt vời. Bạn có thể thưởng thức món ăn này tại các quán ăn trên nhiều tuyến phố của thành phố Kon Tum như đường Bà Triệu, đường Phan Đình Phùng, đường Trần Phú,…tầm tháng 8, tháng 9 dương lịch khá nhiều đồng bào dân tộc bán dế.

BÒ MỘT NẮNG CHẤM MUỐI KIẾN VÀNG

Bò một nắng chấm Muối kiến vàng
Bò một nắng chấm Muối kiến vàng

Bò một nắng hay ở Gia Lai còn gọi là bò một nắng hai sương, cái tên nghe khá lạ tai và ăn cũng rất ngon. Điểm đặc biệt của món này là ở chỗ nó được chấm với muối kiến vàng. Đây thực sự là loại muối độc nhất vô nhị, được làm từ kiến của rừng Ayun Pa, Krong Pa. Người dân ở khu vực này phải vào rừng sâu để bắt được loài kiến này, đem về rang sơ, giã với ớt thật cay, trộn với một vài loại lá rừng, muối hột và dùng để chấm thịt nướng. Đây không chỉ là món ăn phải thử ở Gia Lai mà khách du lịch còn rất muốn mua về để làm quà hoặc dùng dần.

CÁC MÓN BÚN PHỞ

BÚN ĐỎ

Bún đỏ
Bún đỏ

Bún đỏ, đây là một đặc sản của thành phố Buôn Ma Thuột . Món ăn có cái tên lạ này có nguồn gốct ừ sự biến tấu nhiều loại bún khác nhau, được những người bán hàng rong ở đây khéo léo thêm bớt các loại nguyên liệu, tạo nên một món bún mới thật khác biệt. Sợi bún đỏ to gần bằng chiếc đũa, nước lèo được nấu từ xương hầm, riêu cua được làm thịt cua đồng, thịt ba chỉ, tôm khô bằm nhỏ.

Điểm độc đáo nhất của món bún này chính là màu đỏ pha vàng của nước và sợi bún, khiến cho tô bún ánh lên những gam màu thật bắt mắt và hấp dẫn. Bí quyết của màu nước lèo ấn tượng này được người bán hàng bật mí là sự hòa trộn của hạt điều đỏ và gạch cua.Tên gọi của món ăn bắt nguồn từ một tô bún với màu đỏ đặc trưng của nước dùng. Món ăn được kết hợp nhiều nguyên liệu như: gạch cua, trứng cút, các loại rau… Bạn có thể thưởng thức món ăn bình dân này ngay quán vỉa hè góc đường Lê Duẩn – Phan Đình Giót.

PHỞ KHÔ GIA LAI

Phở Khô Gia Lai
Phở Khô Gia Lai

Có thể nói đây là món ăn được nhắc đến nhiều nhất khi đến Gia Lai. Phở khô có phần giống phở miền Bắc nhưng lại có phần giống hủ tiếu miền Nam, là sự kết hợp khá hài hòa của hai món ăn đặc trưng của hai miền Nam Bắc tại Tây Nguyên. Các tiệm phở khô ở Gia Lai có ở khắp các đường phố, thường bán cả ngày chứ không chỉ bán như một món quà sáng như ở các địa phương khác. Món này còn có tên khác là “phở hai tô” vì bánh phở và nước được để riêng thành hai bát.

BÚN MẮM CUA

Bún mắm cua
Bún mắm cua

Bún mắm cua có mặt ở hầu hết các tỉnh khu vực Tây Nguyên nhưng nhiều người cho rằng nó có nguồn gốc là của những người Bình Định khi di cư tới Gia Lai thì đã làm ra món ăn này. Đây không phải là món ai ăn cũng thấy thích ngay vì mùi vị đậm của nó. Nước dùng bún cũng được nấu từ cua đồng như Canh bánh đa Cua, Bún riêu cua nhưng điểm khác biệt nhất đó là cua đồng sau khi lọc lấy nước thì nước này được ủ khoảng 1 ngày để lên men, đây chính là lý do tại sao món này lại có mùi vị khác biệt như vậy.

PHỞ KHÔ (PHỞ HAI TÔ)

Phở khô
Phở khô

Cũng tại Gia Lai, du khách còn có thể tìm thử một món khác không kém phần đặc trưng, đó chính là phở khô. Món này có tên gọi khác là phở hai tô, vì khi thưởng thức, thực khách sẽ được phục vụ hai tô, gồm bánh phở và nước súp.

Bánh phở làm từ bột gạo cay, có sợi nhỏ, săn và mịn, khi trụng nóng sợi phở sẽ mềm dai. Bánh phở trụng phải vừa ăn, dai, không nát, vón cục để khách dễ thêm tương nâu, xì dầu hoặc tương ớt.

MỘT SỐ ĐẶC SẢN KHÁC

CƠM LAM

Cơm Lam
Cơm Lam

Cơm lam, gà nướng là hai món ăn nổi tiếng của người đồng bào ở bản Đôn. Cơm lam được coi là món ăn đặc trưng nhất của núi rừng bởi chắt lọc từ vị ngọt của dòng suối mát trong và hương thơm của tre nứa xanh ngút đầu non. Món ăn này được hình thành từ những chuyến đi làm rẫy, đi rừng dài ngày của người đàn ông Tây Nguyên khi xưa.

Khi thưởng thức chỉ cần bóc bỏ lớp nứa bên ngoài, cắt khúc và bạn đã có món cơm lam dẻo, thơm hấp dẫn. Người Tây Nguyên thường dùng cơm lam với muối vừng, thịt gà hoặc thịt lợn rừng nướng. Nước suối trong vắt của núi rừng cùng với vị ngọt của ống nứa nơi đầu non đầu non đã tạo nên món cơm lam có hương vị đặc biệt, làm say lòng bất cứ ai nếu đã từng thưởng thức.

RƯỢU CẦN

Rượu cần
Rượu cần

Uống rượu cần là thói quen lâu đời của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Rượu cần là một thức uống không thể thiếu được trong các lễ hội cũng như dùng để tiếp đãi khách quý.Uống rượu cần thể hiện sự đoàn kết, thương yêu không có chuyện chén chú, chén anh, chén ông, chén bác… Mọi người cùng uống với nhau chung cần, trẻ, già, trai, gái nhâm nhi.

Rượu cần có nhiều loại. Rượu thóc là lúa mới xay, rửa cho sạch, ngâm nước rồi trộn men để bỏ vào ché. Lấy lá chuối bịt chặt miệng ché độ năm, sáu hôm sau là dùng được. Rượu cơm là rượu làm bằng gạo nấu thành cơm ủ với men; hoặc là trộn đều bỏ vào ché; hay bỏ một lớp cơm, một lớp men cũng được. Cơm rượu chỉ độ vài ba hôm là nở tràn ché. Còn rượu kê, bo bo, bắp, mì, v.v… thì cũng làm theo cách trên. Cần uống thường làm bằng cây trúc hay cây triêng. Cuốn cây triêng thường dài cả mét, chặt đem về phơi khô, rút lõi bỏ đi, dùng làm cần rượu thì tuyệt!

KHOAI LANG TUY ĐỨC

Khoai lang Tuy Đức
Khoai lang Tuy Đức

Nhiều năm nay, người tiêu dùng đã biết đến khoai lang Tuy Đức. Xuất xứ của sản phẩm này là từ những năm đầu mới thành lập tỉnh, người dân xã Đắk Búk So (huyện Đắk R’lấp nay thuộc địa bàn huyện Tuy Đức) đã đưa giống khoai lang Benzen có nguồn gốc từ Nhật Bản về trồng.

TRÁI CÂY ĐẮK GLONG

Trái cây Đắk Glong
Trái cây Đắk Glong

Đắk Glong là địa phương có nhiều trang trại trồng cây ăn trái như cam, quýt, bơ, thanh long ruột đỏ, dưa, chuối… Theo thống kê, hiện toàn huyện đã có khoảng 1.000 ha cây ăn trái mang lại nguồn lợi lớn cho người dân. Những năm gần đây, nhiều người dân huyện Đắk Glong đã đưa giống ổi ứng dụng công nghệ cao vào trồng.