Những món ngon chao đảo ở Cao Bằng – điểm du lịch hot nhất miền Bắc hè này: Rau bò khai có thực sự nặng mùi như lời đồn?
Từ tháng 3 năm 2022 đến nay, Cao Bằng liên tục hiện lên xu hướng/newfeed của người dùng trên các nền tảng MXH. Là địa điểm cách Hà Nội hơn 5 tiếng đi ô tô, di chuyển giữa các điểm tham quan cũng từ 30km – 100km nhưng Cao Bằng vẫn thu hút ngày càng đông du khách, đặc biệt là giới trẻ nhờ cảnh quan hữu tình, hoang sơ, trải nghiệm du lịch mới lạ. Góp phần tô điểm cho sự hấp dẫn của “viên ngọc” Đông Bắc không thể không kể đến nền ẩm thực độc đáo, mang đậm tính bản địa núi rừng, nhưng vẫn hài hoà, thân thuộc, cuốn hút du khách.
Đặc sắc ẩm thực Cao Bằng
1. Bánh cuốn Cao Bằng
Một trong những món nổi tiếng nhất Cao Bằng là bánh cuốn nước xương. Ngoài sự khác biệt lớn nằm ở việc không ăn với nước mắm pha như ở các nơi khác thì vỏ bánh và nhân bánh cuốn Cao Bằng cũng khác đôi chút. Nhân nhiều thịt băm hơn, ít hoặc gần như không có mọc nhĩ. Vỏ bánh dày và dẻo nhưng không bị bứ. Nước xương bánh cuốn được ninh từ xương lợn, nêm nếm bột canh, mì chính, không sử dụng nguyên liệu đặc biệt nào khác. Một suất bánh cuốn Cao Bằng tiêu chuẩn sẽ có thêm trứng và giò, ăn từ 3 – 4 cái bánh là no. Giá từ 20k/suất đầy đủ.
2. Phở chua Cao Bằng
Về cách chế biến, phở chua Cao Bằng khá giống phở trộn Hà Nội với phở bản to ăn cùng nước sốt chua ngọt, các loại rau mùi, rau sống, lạc, hành phi. Nhưng phở chua Cao Bằng lại sử dụng “topping” gồm vịt quay thái nhỏ; thịt ba chỉ quay/rán giòn; khoai tàu bào sợi chiên vàng; một số hàng có thêm gan lợn, dạ dày lợn rán sém, lạp sườn cũng được chiên ngập dầu… Thoạt nhìn đơn giản nhưng món ăn xứ Đông Bắc được chế biến cầu kỳ, mỗi nguyên liệu lại cần nấu riêng. Đặc biệt nhất phải kể đến nước trộn, lấy từ nước chảy ra từ vịt quay, pha thêm giấm, hành, tỏi, bột canh, bột đao (hoặc bột dong riềng) để tạo độ sánh… Giá từ 35k/suất.
3. Phở vịt quay, heo quay
Đa phần thực khách sẽ thấy lạ lẫm và có phần ái ngại khi thấy phở kết hợp với vịt. Với cách chế biến của người Cao Bằng, món ăn hài hoà, nước phở và vịt quay bổ trợ cho nhau, không hề hôi tanh. Hàng nào ngon sẽ dùng vịt quay 7 vị, hàng nào đơn giản hơn thì chỉ là vịt quay lá mắc mật. Bánh phở là loại phở khô sợi nhỏ, nở dần trong bát, một vài hàng có cả sợi bản to. Nước dùng phở cũng là nước ninh xương đơn giản, không thêm thảo mộc cầu kỳ. Ngoài vịt quay, thịt quay được ăn kèm nếu khách muốn. Giá một phần phở vịt khá rẻ, chỉ từ 20k/suất, nếu gọi thịt đùi thì thêm 15k/đùi.
4. Vịt quay 7 vị
Là món thường xuất hiện trong các dịp lễ, cỗ bàn của người Cao Bằng nói chung và người dân tộc Tày, Nùng nói riêng, vịt quay 7 vị có cách chế biến vô cùng cầu kỳ. Những con vịt cỡ 2kg, được sơ chế, bỏ ruột, sau đó ướp gia vị từ bên trong, khâu lại bằng chuốt tre. 7 loại gia vị dùng để ướp thịt và tỷ lệ ướp gần như đều là bí quyết của mỗi gia đình, ít khi được tiết lộ. Khi thưởng thức, khách có thể nếm ra hương mắc mật, hành, tỏi…, còn lại khó đoán.
5. Trứng kiến
Trứng kiến đen là đặc sản Cao Bằng, phổ biến nhất với hai cách chế biến: làm bánh trứng kiến hoặc tráng với trứng gà. Những ổ trứng kiến đen được lấy từ cây muối trên rừng, sơ chế cầu kỳ. Do khai thác tự nhiên, khó tìm tổ, rủi ro cao mà nguồn cung lớn nên loại trứng này có giá thành rất cao. Trứng kiến đen nhiều chất đạm, có thể gây dị ứng nên du khách cần cân nhắc. Đặc biệt, những ai bị dị ứng hải sản thì 90% sẽ dị ứng với trứng kiến đen.
6. Rau bò khai
Ở Cao Bằng rau bò khai còn có tên gọi khác là rau dạ hiến, là một loại rau được ưa chuộng vì vị ngon ngọt, ăn giòn, dễ nấu, nhiều chất bổ dưỡng. Một đợt loại rau này rất nổi tiếng trên MXH vì độ nặng mùi, được đồn là nồng nặc ngay từ lúc nấu nhưng theo trải nghiệm của tôi thì hoàn toàn không có. Tuy nhiên, theo người dân Cao Bằng, rau bò khai sẽ có mùi nồng khi rán với trứng, còn khi xào, luộc, nấu lẩu thì dễ ăn.
7. Khâu nhục
Giống như vịt quay 7 vị, khâu nhục cũng là món chính thường thấy trong các mâm cỗ Cao Bằng. Đây là một món được chế biến theo phương pháp hầm cách thuỷ với phần thịt ba chỉ nhiều mỡ, được hầm kỹ tới độ lớp mỡ nhừ chuyển màu trắng trong. Thịt được ướp với các loại thảo mộc, khứa từng lớp dày, đan giữa là khoai môn hoặc khoai lang rán. Tuy nhiên, không phải tất cả các vùng ở Cao Bằng đều đặt khoai xen lẫn thịt trong món khâu nhục, có nơi như Trùng Khánh, hấp thịt không kèm khoai.
8. Bánh áp chao
Bánh áp chao là món ăn lỡ, ăn chiều ở Cao Bằng, thường được bán sau 14h. Vỏ bánh làm từ bột gạo tẻ, gạo nếp và khoai môn bào sợi trộn theo tỷ lệ thích hợp, sau đó ủ. Khoai môn giúp cho bánh thanh mát, ăn bớt ngấy. Nhân bánh truyền thống làm từ thịt vịt lọc xương, tẩm ướp gia vị, nhưng ngày nay bánh áp chao có thêm phiên bản nhân thịt lợn nạc. Bánh áp chao ăn cùng nước mắm pha và đu đủ bào, rau thơm. Một vài hàng bán thêm vịt áp chảo, nội tạng vịt cho khách ăn cùng.
Một số món ăn Cao Bằng du khách có thể mang về làm quà: Lạp sườn, bánh khảo, bánh chè lam, bánh trứng kiến, miến dong Phia Đen, hạt dẻ Trùng Khánh, mận Bảo Lạc, thạch đen, rau dạ hiến, bánh áp chao…
https://kenh14.vn/nhung-mon-ngon-chao-dao-o-cao-bang-diem-du-lich-hot-nhat-mien-bac-he-nay-rau-bo-khai-co-thuc-su-nang-mui-nhu-loi-don-20220519124036739.chn