Những món cá tốt cho người bệnh gout – VnExpress

Một số loại cá có hàm lượng dinh dưỡng cao và nồng độ purin thấp như cá rô, cá lóc… khi được chế biến đúng cách sẽ hỗ trợ kiểm soát gout.

Cá là một trong những loại thực phẩm quen thuộc, cung cấp nhiều chất dinh dưỡng như protein, vitamin… và đặc biệt là axit béo omega 3 giúp làm giảm nguy cơ khởi phát bệnh gout, giảm đau và giảm viêm do gout hiệu quả. Tuy nhiên, một số loại cá có hàm lượng purin cao, có thể làm tăng nồng độ axit uric trong máu, làm trầm trọng hơn các triệu chứng viêm, sưng, đau của bệnh gout.

ThS.BS.CKI Trần Thị Thanh Tú, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh cho biết, cá hồi, cá trích, cá thu, cá diêu hồng, cá rô, cá lóc…và các loại cá sông, cá đồng khác có khả năng làm giảm nguy cơ bùng phát cơn đau do bệnh gout nếu được ăn ở lượng vừa phải. Người bệnh chỉ nên ăn cá 2 lần/tuần và nên kho nhạt hoặc hấp… để đảm bảo giữ được các chất dinh dưỡng nhiều nhất có thể; tránh ăn sống, chiên, nướng ở nhiệt độ cao sẽ làm tăng nồng độ axit uric.

Bệnh gout nếu không được kiểm soát tốt sẽ làm bùng phát những cơn đau cấp tính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Ảnh: Freepik

Bệnh gout nếu không được kiểm soát tốt sẽ làm bùng phát những cơn đau cấp tính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Ảnh: Freepik

Dưới đây là hai món cá quen thuộc trong bữa cơm hàng ngày và rất thích hợp cho người bệnh gout:

Cá rô kho nghệ

Cá rô chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, protein, vitamin B12, selen, kali… Trong khi đó, củ nghệ chứa hoạt chất curcumin có tác dụng ức chế các hóa chất gây viêm. Vì vậy đây là món ăn rất tốt cho những người mắc bệnh viêm xương khớp, đặc biệt là gout.

Chuẩn bị: Cá rô sống được làm sạch và cắt khúc vừa ăn; củ nghệ tươi cắt thành lát mỏng. Sau đó ướp tất cả với hành tím, mắm, tiêu và một ít đường trong khoảng 15-30 phút cho thấm gia vị.

Thực hiện: Chiên sơ 2 mặt cá rô cho săn lại với tỏi, hành tím băm nhuyễn phi thơm. Sau đó cho nước ướp cá vào, có thể thêm một ít nghệ tươi xắt lát vào. Kho liu riu lửa nhỏ trong 10 phút, có thể thêm ít nước sôi vào nếu muốn nhiều nước; kho thêm tầm 10 phút để cá mềm và thấm đều gia vị.

Cá chép hấp

Cá chép được xem là một bài thuốc rất tốt cho sức khỏe khi có hàm lượng dinh dưỡng cao, đặc tính kháng viêm tốt. Theo chuyên gia dinh dưỡng, cứ 100g thịt cá chép tươi có chứa 17,6g protid; 4,1g lipid; 25mg vitamin A; 2,7mg vitamin PP… Với những thớ thịt trắng ngọt, ít xương, mùi vị thơm ngon, cá chép là một món ăn rất được ưa chuộng trong bữa cơm hàng ngày của gia đình Việt.

Chuẩn bị: Cá chép làm sạch, để nguyên con. Sả bằm nhỏ, hành tây cắt nhỏ, gừng cắt lát, hành lá cắt khúc.

Thực hiện: Ngoại trừ cá chép, cho tất cả nguyên liệu còn lại vào chén và thêm một ít nước mắm, hạt nêm vào, trộn đều. Sau đó cho hỗn hợp này vào bên trong bụng cá, ướp trong khoảng 15 phút thì mang đi hấp. Trước khi hấp, có thể thêm một ít hành lá và hành tây lên bên trên cá. Hấp trong khoảng 20 phút, dùng đũa chọc vào thịt cá, nếu thịt mềm là cá đã chín. Cá chép hấp có thể ăn kèm với rau sống, bánh tráng và nước mắm, hoặc ăn với cơm.

Cá chép hấp gừng, món ăn quen thuộc trong bữa cơm hàng ngày giúp kiểm soát bệnh gout hiệu quả. Ảnh: Freepik

Cá chép hấp gừng, món ăn quen thuộc trong bữa cơm hàng ngày giúp kiểm soát bệnh gout hiệu quả. Ảnh: Freepik

Bác sĩ Thanh Tú nhấn mạnh, người bệnh gout cần thận trọng về hàm lượng purin trong cá nhưng vẫn nên ăn cá để có được axit béo omega-3. Đây là chất dinh dưỡng rất tốt cho sức khỏe, có tác dụng chống viêm và sưng hiệu quả. Bên cạnh cá, người bệnh cũng nên tăng cường các loại thực phẩm ít purin nhưng giàu chất dinh dưỡng khác như các loại hạt, ngũ cốc, rau củ, trái cây… Đồng thời, trong sinh hoạt hàng ngày cần đảm bảo nghỉ ngơi đầy đủ, giữ tinh thần thoải mái, duy trì cân nặng lành mạnh, thường xuyên vận động để tăng sự dẻo dai cho xương khớp và đào thải axit uric tốt hơn, từ đó hỗ trợ điều trị bệnh gout.

Phi Hồng