Những món ăn “kinh dị” nhất xứ sở Tây Bắc mà không phải ai cũng dám ăn – Du lịch Tây Bắc
Nội Dung Chính
Những món ăn “kinh dị” nhất xứ sở Tây Bắc mà không phải ai cũng dám ăn
Tây Bắc mù sương từ lâu đã là điểm đến quen thuộc của tín đồ du lịch Việt Nam. Không chỉ sở hữu khung cảnh thiên nhiên hoang sơ của núi rừng, Tây Bắc còn cuốn hút du khách bởi nét ẩm thực vùng cao không lẫn với bất cứ nơi đâu.
Nhiều món ngon Tây Bắc dù nức tiếng là đặc sản của vùng cao địa đầu Tổ Quốc nhưng lại từng thách thức biết bao vị giác của cả người sành ăn nhất. Chúng có gì mà “khó nuốt” đến vậy?
Thắng cố
Thắng Cố được biết đến là món ăn truyền thống của người H’Mông, bắt nguồn từ vùng núi Hà Giang. Trước đây, người dân bản địa chế biến biến từ một con ngựa, không bỏ đi bất cứ thứ gì. Sau này, thịt trâu bò cũng đươc đưa vào để nấu món thắng cố. Món này lên Sapa có nhiều vùng nấu nhưng thắng cố ngon nhất vẫn là thắng cố ngựa ở vùng Bắc Hà, Mường Khương, Sa Pa – Lào Cai.
Cách nấu
Thắng cố được nấu khá đơn giản. Tất cả lòng, ruột non, ruột già, phèo phổi bèo nhèo, gọi chung là lục phủ ngũ tạng được nấu hỗn độn với xương ngựa, tiết ngựa, hôi nhưng rất bùi. Trước khi nấu, thịt và nội tạng con vật được rửa sạch, luộc chín, ướp trước với các loại gia vị, sau đó thả vào nồi nước dùng có xương ngựa, nội tạng, tiết….
Nồi thắng cố của đồng bào dân tộc còn được cho thêm chút ngô, rau và các loại hương liệu gia vị như gừng, thảo quả, vỏ quýt, hoa hồi, lá chanh…. Tính sơ sơ, có chừng 12 thứ gia vị truyền thống bao gồm thảo quả, hoa hồi, quế chi, sả, gừng, và nhiều loại gia vị đặc biệt khác của dân tộc vùng cao. Tất cả được ninh nhừ hàng tiếng đồng hồ cho ngấm đẫm gia vị. Khi ăn, người thưởng thức có thể thêm một chút ớt, tiêu hoặc muối.
Khó ăn vì nguyên liệu
Nhiều người không ăn nổi món thắng cố Sapa, bởi họ nghĩ đến ruột non đang còn cả lớp phân trắng nhưng khi ăn nhiều rồi thành ra nghiện thắng cố. Nghiện mùi hôi bùi mà lại có vị đắng của món ăn đó, một dư vị tuyệt vời của ẩm thực vùng cao.
Ăn thắng cố Sapa, bạn có thể ăn cùng với mèn mén, bánh ngô nướng và đặc biệt, đừng bỏ qua rượu ngô Bắc Hà hoặc rượu San Lùng, thứ rượu nồng ấm, thơm phức, được kết tinh từ tinh hoa của núi rừng. Trong không khí se lạnh của Sapa, thực khách sẽ vừa xuýt xoa trước nồi lẩu thắng cố đậm tình dân tộc, vừa tận hưởng vị cay tê nơi đầu lưỡi của rượu vùng cao để mà thấy yêu hơn vùng núi rừng Tây Bắc thơ mộng này.
Nậm pịa
Nậm pịa hay còn gọi là nặm pịa, đây là món ăn truyền thống của người dân tộc Thái. “Nậm” trong tiếng Thái có nghĩa là “canh”, “pịa” là phần chất dịch sền sệt trong ruột non của các loài động vật ăn cỏ như trâu, bò, dê hay còn gọi là phân non. Tùy vào lấy phần pịa từ loài động vật nào mà ta có nậm pịa dê, nậm pịa bò, nậm pịa trâu,…
Nguyên liệu chính của nậm pịa là nội tạng các loài động vật ăn cỏ như bò, dê. Tất cả bộ phận được nấu hầm thật nhừ, và đặc biệt không thể thiếu phần “pịa” trứ danh. Đây không phải là một món dễ nuốt cho lắm, vì nó có vị đắng của lòng và “pịa”, mùi lại khá khó ngửi. Tuy nhiên sau khi ăn sẽ để lại vị ngọt trong cuống họng. Nhưng trước khi nuốt xuống họng thì quả là thử thách với hương vị của “phân non” bạn nhỉ?!
Quan niệm của người dân tộc Thái, chất dịch trong ruột non chính là phần tinh túy, ngon nhất khi thức ăn được chuyển hóa và chuẩn bị ngấm qua mạch máu nuôi dưỡng cơ thể. Vì vậy, nậm pịa còn được xem là món ăn Tây Bắc bổ dưỡng của đồng bào người Thái.
Nghe thì thấy ghê vậy thôi, chứ đặc sản Tây Bắc này có tác dụng giải rượu rất tốt nên mới hay có các đám đình, đám cưới.
Lá ngón xào tỏi
Từ bao đời nay, cứ nhắc đến lá ngón nhiều người lại cảm thấy sợ hãi vì độ “độc hại” của chúng. Khi nói đến loại thực vật này, ai cũng rùng mình bởi chỉ cần ăn 2 – 3 lá thôi cũng đủ “gặp tử thần” khi chất độc ngấm vào cơ thể.
Nói đâu xa, ngay cả Mị trong Vợ chồng A Phủ cũng từng ước có nắm lá ngón trong tay để “ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa” cơ mà.
Nhưng có một sự thật rất… lạ đời là ở vùng Mường So, Lai Châu, người ta lại chế biến lá ngón thành nhiều món ăn hấp dẫn và thậm chí còn trở thành đặc sản nữa đấy.
Độc và không độc
Theo lời những người lớn tuổi ở đây kể lại, lá ngón có hai loại: có độc và không có độc. Cây lá ngón không độc đã được phát hiện từ rất lâu và được người dân nơi đây ươm trồng tại vườn để chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn. Thế nên nghe tên lá ngón thì sợ độc, nhưng thực chất loại lá ngón để chế biến món ăn lại không hề có độc, và thành đặc sản của người vùng này.
Việc phát hiện ra loại lá ngón không có độc này lại liên quan đến một câu chuyện tình của người Thái, được người dân truyền miệng lại. Do bị gia đình cô gái ngăn cấm nên cả hai người quyết định tìm đến cái chết bằng lá ngón. Nhưng kỳ lạ thay, khi nhai thứ lá này thì họ không cảm nhận được chất độc mà lại là vị ngọt ngọt, chát chát lạ lẫm. Kể từ đó, lá ngón không độc trở thành loại rau xanh với nhiều công dụng trong ẩm thực.
Món ăn vừa ngon vừa sợ
Loại lá ngón dùng trong món ăn này là lá ngón không độc, thường có hình tròn và ngắn, kích thước lá to gần bằng một bàn tay. Đây là một món ăn đặc trưng ở vùng Mường So (Lai Châu). Người dân địa phương tận dụng loại lá này để làm thành nhiều món ăn trong bữa cơm gia đình. Kiểu truyền thống nhất là luộc hoặc nấu canh, nhưng hấp dẫn hơn cả chính là món lá ngón xào tỏi thường dùng để tiếp đãi thực khách.
Lá ngón sau khi rửa sạch sẽ được xé nhỏ và vò sơ. Trên chiếc chảo đang nóng dầu, cho lá vào xào cùng tỏi rồi nêm nếm gia vị thật vừa miệng. Đĩa lá ngón sau khi xào xong dậy lên mùi thơm hấp dẫn, có vị chan chát, bùi bùi, nhưng đọng lại đầu lưỡi là vị ngọt và thoảng mùi thơm dịu nhẹ. Tuy thơm ngon nhưng cứ nghe đến hai chữ “lá ngón” thì thực khách nào cũng “chạy 8 hướng” không dám thử!
Da trâu thối
Da trâu thối hay còn gọi là năng min, một món ăn đặc trưng của người Thái. Da của con trâu sau khi lọc ra vẫn giữ nguyên phần lông, đem gói vào lá chuối và ủ trong vòng khoảng hai ngày.
Vào mùa hè, nhiệt độ cao có thể làm da trâu nhanh “thối” hơn, trong khi đó, vào mùa đông, nhiệt độ thấp, người ta phải ủ thêm nhiều ngày mới có thể lấy ra chế biến.
Sau một thời gian ủ, da trâu bốc mùi đem rửa sạch thì lông sẽ rụng hết. Sau đó, người ta đem miếng da đi phơi, rồi dùng nấu canh bon, hoa chuối hoặc nướng tùy sở thích.
Với đồng bào bản địa, đây là một đặc sản có vị thơm ngon đặc trưng. Tuy nhiên, với nhiều người miền xuối, chưa nói đến việc ăn thử, chỉ nghe đến cái tên của món ăn và ngửi mùi, nhiều người sẽ phải suy nghĩ lại trước khi có ý định thưởng thức.
Nòng nọc om măng
Những chú nòng nọc bụng trắng tinh, béo mẫm và mềm mại nằm ngon lành trên bát măng om nghi ngút khói là thứ đặc sản làm không ít người phải ngại ngần khi lần đầu thưởng thức.
Người Mường ở miền Tây Thanh Hóa từ lâu đã có thói quen ăn nòng nọc (theo tiếng địa phương là bu bu hoặc bâu bâu). Vào các tháng 6 đến 11 âm lịch hàng năm, người địa phương thường vào rừng từ đầu giờ sáng hoặc lúc chiều muộn để bắt nòng nọc. Lúc này nước ở các con suối mát và khá yên tĩnh, nòng nọc thường lượn lờ kiếm ăn ở các khe đá nhỏ.
Nguyên liệu sử dụng cho món ăn “kinh dị” này là măng rừng tươi, nòng nọc bắt sống, mẻ, hành lá được cho vào theo đúng thứ tự rồi xào chung. Mới nghe thì có vẻ ngon lành, nhưng có lẽ nhiều người mới nghe đến nòng nọc thôi đã chẳng dám liều để thưởng thức món này nữa!
Rêu hầm xương
Nhắc đến rêu, ai cũng sẽ nghĩ ngay đến sự ẩm mốc, rêu phong, những thứ không được sạch sẽ cho lắm! Tuy nhiên phải thật khâm phục người dân Tây Bắc khi lại đem được nguyên liệu này biến thành một món ăn đặc trưng của vùng cao. Rêu mang đi nấu phải là những đám rêu to, non xanh (khoảng 3 – 4 ngày tuổi).
Người Tây Bắc thường thưởng thức bát canh rêu hầm xương bốc khói nghi ngút vào những lúc trời lạnh. Người ta thường hầm rêu nón với xương lợn hoặc gà, hoặc có thể dùng rêu làm nộm, gỏi, nướng,…Khi ăn canh rêu hầm xương, nước dùng rất thanh và ngọt. Tuy nhiên dám chắc rằng chẳng ai dám thử thứ nguyên liệu độc đáo này ngay từ lần đầu chạm mắt!